Ăn tiết canh đầu xuân, người phụ nữ nhập viện khẩn cấp, nghi nhiễm liên cầu lợn

( PHUNUTODAY ) - Sau khi ăn tiết canh lợn, bênh nhân Phan Thị Biên (sinh năm 1966) xuất hiện triệu chứng sốt, nôn ói nhiều lần, tím tái toàn thân, huyết áp tụt. Bệnh nhân được đưa vào viện trong tình trạng khẩn cấp.

Ngày 7/2, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết trên địa bàn vừa phát hiện một trường hợp bệnh nghi nhiễm liên cầu lợn do ăn tiết canh. Bệnh nhân là bà Phan Thị Biên (trú xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk). Bệnh nhân khởi bệnh có các triệu chứng sốt, nôn ói nhiều lần.

an-1

 Do ăn tiết canh, không ít người đã nhập viện trong tình trạng khẩn cấp (Ảnh internet)

Chị Biên được đưa đến bệnh viện Đa khoa huyện Buôn Đôn và sau đó chuyển lên bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk trong tình trạng tím tái toàn thân, không đo được mạch huyết áp, xuất huyết dạng mảng bầm tím ở vùng da cổ, ngực, cánh tay.

Theo Pháp luật TP. HCM cho hay, do tình hình bệnh diễn biến xấu, bệnh nhân sau đó được chuyển xuống bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) với chẩn đoán nhiễm trùng huyết, suy đa cơ quan, nghi nhiễm liên cầu lợn.

Hiện bệnh nhân đang được điều trị. Kết quả điều tra dịch tễ của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho thấy, trước khi khởi bệnh, bệnh nhân có ăn tiết canh lợn.

Bác sĩ Thăng Văn Long, khoa hồi sức cấp cứu, bệnh viện Đa khoa Từ Sơn cho hay, khi ăn tiết canh lợn, người bệnh có thể bị nhiễm độc tố rất nặng (sốc nhiễm khuẩn), biểu hiện như tụt huyết áp, mạch nhanh, nhỏ, truỵ tim mạch, suy hô hấp và có thể bị tử vong nếu không phát hiện sớm để điều trị kịp thời.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, vào thời điểm trước và sau Tết, người dân có thói quen mổ lợn và làm tiết canh ăn, số người nhập viện cũng nhiều hơn các tháng trong năm.

Cũng tại bệnh viện này cũng đang điều trị cho nhiều bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn bị hoại tử phải cắt bỏ chân, tay thậm chí có bệnh nhân nặng đã tử vong. Hầu hết tất cả bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn đều tiếp xúc trực tiếp với lợn hoặc ăn tiết canh lợn.

Cũng theo Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, tại các địa phương, người dân thường có thói quen mổ lợn và đánh tiết canh để liên hoan và nghĩ rằng tiết canh do nhà làm sẽ an toàn. Họ không biết rằng, trong tiết canh sống tiềm ẩn rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm, từ tiêu chảy, tả lị, liên cầu khuẩn.

Khi mắc liên cầu lợn, bệnh nhân thường sốt cao, tri giác lơ mơ, li bì hôn mê, sốc tụt huyết áp, xuất hiện các ban hoại tử trên da. Bệnh liên cầu khuẩn diễn biến rất nhanh, nhiễm trùng máu, suy đa phủ tạng, nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong rất lớn.

Trước đó, thông tin từ Tri thức trực tuyến cho biết, do tiền sử uống rượu và ăn tiết canh nhiều năm, một người đàn ông đã tử vong sau khi thưởng thức món ăn này vào chiều 30 Tết vừa qua.

Có rất nhiều trường hợp ăn tiết canh lợn đã bị hoại tử toàn thân. Cách đây khoảng 1 tháng đã xảy ra sự việc như vậy. Ngày 6/1/2017, BS Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, đêm qua, bệnh nhân T. được đưa đến viện trong tình trạng sốc, ban hoại tử toàn thân.

an-tiet-canh-lon-suong-mot-lan-mat-mot-doi-1

Bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn tại khoa cấp cứu, BV bệnh Nhiệt đới TW. 

Theo gia đình bệnh nhân, trước đó, ngày 31/12, để liên hoan tất niên, anh T. đã mua lợn cắp nách của dân bản về làm thịt, chế biến tiết canh mời khoảng 20 bạn bè đến ăn. Sau khi ăn tiết canh 5 ngày, anh T. xuất hiện sốt cao, mệt lả, trên da xuất hiện các ban hoại tử.

Gia đình đưa bệnh nhân vào bệnh viện tỉnh trong tình trạng sốc, được xử trí cấp cứu và chuyển xuống BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

BS Cấp cho biết, hiện tại bệnh nhân tỉnh nhưng còn sốc, có ban hoại tử khắp toàn thân, tập trung ở mặt, chân tay. Đáng ngại nhất là tình trạng tắc mạch hoại tử đầu ngón chân ngón tay, rối loạn đông máu nặng.

Hiện bệnh nhân đang được điều trị tích cực tại Khoa Cấp cứu. “Nhiều khả năng, bệnh nhân sẽ phải đón Tết âm lịch trong bệnh viện bởi với tình trạng sốc nhiễm trùng nặng liên cầu lợn, sẽ thường phải điều trị tích cực hàng tháng trời, với chi phí hàng trăm triệu đồng (nếu không có bảo hiểm y tế)”, BS Cấp nói.

Giải thích về tình trạng 20 người ăn nhưng chỉ một mình anh T. có triệu chứng nhiễm liên cầu lợn, BS Cấp cho biết để nhiễm bệnh phụ thuộc vào sự cảm nhiễm của mỗi người, lượng vi khuẩn xâm nhập. Vì thế, cùng ăn tiết canh từ một con lợn nhưng có người bị, có người chưa bị.

BS cũng cho biết thêm, hàng năm tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương vẫn tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn rải rác ở khắp các địa phương, đặc biệt tăng trong dịp nghỉ lễ dài. Có những năm, bác sĩ phải vất vả cả đêm cấp cứu bệnh nhân liên cầu lợn nguy kịch ngay đêm giao thừa.

Phần lớn những trường hợp này liên quan đến ăn tiết canh hoặc tham gia giết mổ lợn.

“Hiện nay đang có xu hướng “săn lùng” lợn mán ở các vùng núi, dân tộc và vì nghĩ lợn mán thả rông, không cho ăn thức ăn tăng trọng, là lợn “sạch” trong khi vi khuẩn liên cầu có thể cư trú ở vùng họng con lợn mà không gây bệnh. Việc ăn thịt chưa nấu chín, tiết canh từ con lợn này, nguy cơ nhiễm bệnh rất cao”, BS Cấp nói.

Ngoài ra, trong quá trình chế biến, tiếp xúc trực tiếp (vệ sinh chuồng trại, giết mổ) cũng có thể lây nếu có các vết xước chân, tay (ở nhiệt độ 25oC, khuẩn này sẽ sống được 24 giờ trong bụi và 8 ngày trong phân).

Tuy nhiên, rất may có thể diệt khuẩn này bằng các chất sát khuẩn thông thường như xà phòng, cloramin, nước javen, nước vôi, ở nhiệt độ trên 60 độ C và dưới ánh sáng mặt trời. Do đó, chỉ cần thực hiện vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi; không ăn, không giết mổ thịt lợn bệnh; có phương tiện phòng hộ khi giết mổ lợn… sẽ phòng được bệnh.

Theo:  khoevadep.com.vn copy link