Bà Tạ Thị Bích Ngọc, hiệu trưởng trường tiểu học Nam Trung Yên là ai?

( PHUNUTODAY ) - Nhiều người đang thắc mắc vì sao vẫn chưa có hình thức kỷ luật bà Tạ Thị Bích Ngọc, hiệu trưởng trường tiểu học Nam Trung Yên vì liên quan tới sự việc xe taxi chở hiệu trưởng đâm gãy chân một học sinh trong trường.

Thời gian gần đây, vụ việc học sinh trường tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) bị đâm gãy xương đùi trong trường vẫn khiến dư luận bất bình. Thực hư sự việc ra sao vẫn là một dấu hỏi lớn chờ cơ quan chức năng kết luận.

Như thông tin chúng tôi đã đưa, ngày 19/12, anh Trần Chí Dũng, phụ huynh cháu Trần Chí Kiên (lớp 2A, trường Tiểu học Nam Trung Yên) đã gửi đơn cầu cứu tới các cơ quan chức năng và báo chí phản ánh về việc con trai mình bị xe taxi chở cô hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc đâm gãy chân trong sân trường. Sau đó nhà trường thông báo với gia đình rằng con anh chơi đùa rồi tự ngã.

nam-trung-yen-2

 Em Kiên đang phải nghỉ ở nhà điều trị sau sự việc. 

Trong nhiều lần lầm việc, bà hiệu trưởng đều khẳng định vào ngày xảy ra tai nạn không có bất cứ chiếc xe nào vào trường. Thậm chí, ban giám hiệu nhà trường còn tổ chức hẳn một cuộc khảo sát ý kiến toàn bộ cán bộ, giáo viên, học sinh trong trường để khẳng định, hôm đó không có chiếc ô tô nào đi vào trường và cháu Kiên ngã là do đùa nghịch trong giờ ra chơi.

Ngày 10/2, cơ quan công an đã tìm ra người lái taxi chở cô hiệu trưởng vào trường và đâm phải cháu Kiên, khiến cậu bé bị gãy xương đùi. Vợ của người lái xe này đã đến thăm hỏi, xin lỗi gia đình.

Ngay trong ngày 13/2, bà Ngọc một lần nữa gửi bản báo cáo cho báo chí, khẳng định những lời kể của vợ người lái taxi là không đúng sự thật.

ta-thi-bich-ngoc-1

 Trước đó, trường đã phát phiếu thăm dò và kết quả thu về là 100% học sinh, giáo viên, cán bộ khẳng định không có ô tô đi vào.

Tuy nhiên, trong buổi gặp gỡ báo chí vào chiều 17/2, hàng loạt giáo viên trường Tiểu học Nam Trung Yên bất ngờ lên tiếng. Họ cho rằng, những nội dung báo cáo hiệu trưởng là sai sự thật và bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng sớm giải quyết dứt điểm vụ việc này.

Cô Trần Thị Thu Nhung, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A4 của cháu Trần Chí Kiên chia sẻ trên Vnexpress cho biết cô không hề tư vấn cho Ban giám hiệu nhà trường về việc làm phiếu khảo sát học sinh về vụ tai nạn như những gì cô hiệu trưởng trình bày trong báo cáo gửi các cơ quan chức năng vào ngày 13/2.

Cô Nhung cũng khẳng định, thông tin 100% học sinh và giáo viên trong trường khẳng định không nhìn thấy việc cháu Kiên bị taxi đâm phải trong sân trường là không đúng sự thật. Theo lời cô Nhung, bản thân cô và một số giáo viên khác không hề tham gia khảo sát vì việc thực hiện khảo sát với giáo viên được thực hiện trưa 15/12 và khi đó nhiều giáo viên không có mặt tại trường.

Chia sẻ trên báo Thanh Niên, cô Nguyễn Thị Thanh Tú, một giáo viên chủ nhiệm lớp 5 ở Trường tiểu học Nam Trung Yên cũng cho rằng: Bản báo cáo của Hiệu trưởng có rất nhiều điểm không đúng sự thật. Bản thân giáo viên, học sinh khi được yêu cầu khảo sát đều không biết về việc tai nạn của cháu Kiên”.

Cô Vũ Thị Mừng, giáo viên dạy lớp 3 của trường này rớt nước mắt khi chia sẻ: "Sự việc xảy ra khiến chúng tôi rất buồn vì không chỉ danh dự của cá nhân mà cả trường bị ảnh hưởng. Bạn bè, người quen…của chúng tôi ở khắp nơi gọi điện hỏi chuyện...Chúng tôi rất xấu hổ”.

Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cho biết, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã trao đổi với Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu các cơ quan chức năng của thành phố sớm kết luận, xử lý nghiêm khắc, nếu có sai phạm để đảm bảo kỷ cương, nền nếp trong các hoạt động giáo dục.

Đạo đức nhà giáo là vấn đề được toàn xã hội quan tâm. Tại một sự kiện mới đây của ngành giáo dục, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã gửi thông điệp tới các thầy cô giáo trong toàn ngành: “Các thầy cô hãy phát huy tốt chuyên môn nghiệp vụ của mình, đặc biệt là hãy chăm sóc, giáo dục các em bằng lương tâm và tình yêu của những người cha, người mẹ.

Hãy yêu thương, chăm sóc từng học sinh để các em được học tập, vui chơi, kết bạn và phát triển trong môi trường sư phạm thân thiện và sáng tạo, được tạo điều kiện để thể hiện những khát khao, mơ ước của mình.

Hãy dẫn dắt các em sống tích cực, trung thực, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng”.

Trước đó, sáng ngày 6/2, tại phiên họp UBND TP Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu đơn vị liên quan sớm kết luận vụ học sinh Trường Tiểu học Nam Trung Yên bị gãy chân trong sân trường.

Đồng thời, chỉ đạo Sở GD-ĐT Hà Nội và các đơn vị liên quan xem xét, đình chỉ chức vụ hiệu trưởng trường THPT Nam Trung Yên đối với bà Tạ Thị Bích Ngọc để chờ kết luận vụ việc.

Chủ tịch Hà Nội cho rằng để xảy ra tại nạn phải đưa học sinh đi cấp cứu, mời gia đình lên nói chuyện, nhưng hiệu trưởng lại bưng bít.

“Chuyện rất nhỏ nhưng Phó thủ tướng Vũ Đức Đam 3 lần trực tiếp nhắc tôi. Không nên để Hiệu trưởng tư cách đạo đức, hành xử không ổn trong môi trường sư phạm, Sở Giáo dục phải rút về Phòng Giáo dục, thay cô khác trong lúc chờ xác minh”, ông Chung chỉ đạo.

Ông Chung yêu cầu Giám đốc Sở GD-ĐT “ngay hôm nay xuống trường ra văn bản điều chuyển hiệu trưởng".

Điều lạ ở đây, đó là, dù chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo đình chỉ chức vụ hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Trung Yên do liên quan tới taxi nghi chở hiệu trưởng làm gãy chân học sinh nhưng ngày 7/2, vị hiệu trưởng này vẫn làm việc bình thường.

Trao đổi với báo chí, đại diện Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết đang chờ văn bản chỉ đạo của Sở GD-ĐT Hà Nội để xử lý. Trong khi đó, lãnh đạo công an quận Cầu Giấy cho biết đã chuyển hồ sơ vụ việc lên Phòng Hình sự Công an TP Hà Nội để tiếp tục điều tra, xử lý.

Lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự cho hay đã tiếp nhận vụ việc vào chiều tối 6/2 và giao cho các bộ phận chuyên môn thu thập thông tin điều tra trên tinh thần sai đến đâu sẽ xử lý.

Trước đó, bà hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc cũng liên quan tới một vụ việc "nóng" từ những lá đơn khiếu kiện vượt cấp của một số giáo viên trường TH Nguyễn Khả Trạc tố cáo những vi phạm của bà. Theo nội dung đơn gửi đến báo Hànộimới, năm 2004 bà Tạ Thị Bích Ngọc được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường TH Nguyễn Khả Trạc. Trong thời gian quản lý điều hành công việc, bà Ngọc đã có một số hành vi gây bức xúc cho cán bộ giáo viên nhà trường, cụ thể như tổ chức nhiều cuộc họp Hội đồng sư phạm kéo dài, xâm phạm vào giờ nghỉ của giáo viên, phát ngôn có lúc chưa đúng mực... Nhưng nội dung quan trọng và nhạy cảm nhất là việc bà Ngọc đã “đứng sau” chỉ đạo một ê kíp bớt khẩu phần ăn của học sinh, chuyển tiền ăn trưa của cán bộ giáo viên trong trường vào cái gọi là “quỹ công đoàn” để chi tiêu vào những việc không chính đáng, trong khi để giáo viên “ké” vào suất ăn đã bị bớt xén của học sinh.

Theo tìm hiểu được biết, từ khi được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường TH Nguyễn Khả Trạc, bà Tạ Thị Bích Ngọc đã có nhiều nỗ lực cùng tập thể giáo viên nhà trường đạt được thành tích nhất định. Ngôi trường này đang được quận đầu tư xây dựng theo mô hình trường chuẩn quốc gia, cán bộ giáo viên nhà trường đang quyết tâm thực hiện mục tiêu này. Những lá đơn tố cáo bà Ngọc ký tên một số giáo viên trường TH Nguyễn Khả Trạc xuất hiện vào tháng 2-2006. Không chỉ gửi cho những người có trách nhiệm, những lá đơn này còn được gửi đến nhiều nơi khiến dư luận nhân dân khu vực xôn xao, phụ huynh và cán bộ, giáo viên nhà trường hoang mang, ảnh hưởng đến công tác dạy và học của nhà trường.

Sau khi thành lập đoàn Thanh tra xác minh đơn tố cáo, ngày 2-11-2006, UBND quận Cầu Giấy đã có văn bản kết luận vụ việc như sau: Từ thời điểm được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường TH Nguyễn Khả Trạc, bà Ngọc đã có nhiều cố gắng cùng tập thể giáo viên phấn đấu nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy nhiên bà Ngọc đã có một số thiếu sót trong quản lý điều hành như thực hiện chưa đầy đủ Điều lệ trường TH, quy chế làm việc, quy chế dân chủ và quy ước nếp sống văn hóa, nóng vội gây bức xúc và làm phát sinh đơn thư của một số cán bộ giáo viên nhà trường. Việc này lãnh đạo quận đã xem xét, giải quyết và bà Ngọc đã tiếp thu, rút kinh nghiệm. Trong công tác quản lý tài chính nhà trường còn một số tồn tại như lập chứng từ chi thiếu chứng từ gốc, sổ kế toán còn thiếu chữ ký của Kế toán trưởng. Chưa thực hiện đúng thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh trong việc sử dụng quỹ tiền ăn bán trú, cụ thể: Giảm tiền ăn của học sinh từ tháng 11-2004 đến tháng 10-2005 hơn 12 triệu đồng, tiền thừa một bữa ăn của học sinh là hơn 2 triệu đồng và số tiền ăn trưa của giáo viên là 8,7 triệu đồng. Tổng số tiền này là hơn 23 triệu đồng đã nhập vào “Quỹ công đoàn và quỹ phúc lợi” của nhà trường để sử dụng chung là chưa đúng mục đích. Tuy nhiên qua kiểm tra thấy việc này đã chấm dứt từ tháng 11-2005 và không có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng. Ngày 19-10-2006, bà Ngọc (đại diện cho nhà trường) đã chuyển trả 20 triệu đồng vào quỹ tiền ăn bán trú của nhà trường. Như vậy nội dung đơn tố cáo nhà trường sử dụng tiền ăn của học sinh và giáo viên không đúng mục đích là có căn cứ.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn