Bé trai mất tích ở Quảng Bình bị s.át h.ại: Có nên chia sẻ thông tin trên mạng xã hội?

( PHUNUTODAY ) - Liên quan đến vụ bé trai 6 tuổi ở Quảng Bình bị s.át h.ại sau khi mất tích, một số thông tin cho rằng việc truy lùng gắt gao của cư dân mạng khiến kẻ thủ ác quẫn trí làm liều.

Những ngày gần đây, sự việc bé Trần Trung Nghĩa (6 tuổi, trú tại thôn Trường Sơn, phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) bị sát hại sau 5 ngày mất tích đang gây hoang mang dư luận.

Hiện nguyên nhân của vụ án vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, có nguồn thông tin cho rằng, vì cộng đồng mạng lan truyền thông tin quá mạnh nên có thể dẫn tới kẻ thủ ác đã ra tay sát hại cháu bé.

Vậy, câu hỏi đặt ra là khi không may rơi vào hoàn cảnh tương tự, phụ huynh có nên chia sẻ thông tin trên mạng xã hội không?

Xung quanh vấn đề này, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất (Giám đốc Công ty tư vấn tâm lý An Việt Sơn) cho rằng, việc cộng đồng mạng chung tay chia sẻ thông tin về các trường hợp này biểu hiện được tinh thần quan tâm, chia sẻ của nhiều người dân. Ông đánh giá, trong vụ việc của bé Nghĩa, kẻ ra tay sát hại cháu bé thật quá tàn nhẫn.

Đồng thời, trước ý kiến rằng với những sự việc tương tự, sự chia sẻ rầm rộ của cộng đồng mạng sẽ tạo nên áp lực lớn dẫn tới kẻ bắt cóc có thể ra tay sát hại nạn nhân, ông cho hay:

"Khi đó, có thể là bắt cóc để nhằm mục đích gì đó và sự việc lan truyền mạnh trên cộng đồng mạng sẽ khiến kẻ phạm tội phải chịu áp lực. Tuy nhiên, vì vậy mà dẫn đến hành vi sát hại nạn nhân là không thể chấp nhận được, trong khi có thể đưa ra cách giải quyết khác".

Thực tế, với trường hợp có người mất tích, nhất là trẻ em, việc cộng đồng mạng rầm rộ chia sẻ thông tin tìm kiếm trên mạng xã hội có hai mặt tác động: tích cực và bất lợi.

be-trai-mat-tich-o-quang-binh-bi-sat-hai-co-nen-chia-se-thong-tin-tren-mang-xa-hoi

 Bé Trần Trung Nghĩa – bé trai 6 tuổi ở Quảng Bình bị sát hại sau khi mất tích khiến dư luận hoang mang

Còn Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn - Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) thì cho hay, hiện các thông tin trên mạng xã hội thường rất phức tạp và giả giả thật thật, khó lường.

Khi trẻ mất tích, việc những thông tin không kiểm chứng đưa lên mạng xã hội sẽ tác động đến gia đình nạn nhân khiến họ không biết tin vào đâu. Đối với cơ quan điều tra thì sẽ gây khó khăn cho các hướng tiếp cận và đối tượng phạm tội có thể sẽ có biện pháp đối phó khiến quá trình điều tra càng khó khăn hơn.

Hơn nữa, việc những thông tin chưa được kiểm chứng cũng tác động đến tâm lí đối tượng phạm tội, bởi các đối tượng này thường là những dạng lưu manh, côn đồ, nhân thân xấu, tâm lí yếu… nếu không kiềm chế được sẽ dẫn đến lo sợ và trở nên liều lĩnh, manh động”, Đại tá Thìn nói.

Theo Đại tá Thìn, tùy vào mỗi hoàn cảnh cụ thể, đối tượng cụ thể để có cách hành xử riêng. Đối với những trường hợp không có dấu hiệu của bắt cóc thì mạng xã hội sẽ phát huy được tính tích cực. Còn đối với trường hợp nghi bắt cóc, những thông tin sai lệch, bị bóp méo hoặc sự truy lùng gắt gao của cộng đồng mạng sẽ phản tác dụng. Vì vậy, việc có chia sẻ thông tin về trẻ mất tích lên mạng xã hội hay không cần cân nhắc kĩ lưỡng.

Khi công an công bố tin mất tích, điều đó đồng nghĩa với việc vận động người dân, các ngành các cấp nếu có thông tin thì cung cấp cho gia đình và cơ quan chức năng. Nhưng điều đó không đồng nghĩa là cư dân mạng được quyền đưa lên mạng với những thông tin bị bóp méo, thổi phồng hoặc gây nhiễu loạn”, Đại tá Thìn cho hay.

Theo:  khoevadep.com.vn copy link