Bí ẩn chưa có lời giải về nơi chôn cất Khổng Minh - Gia Cát Lượng

( PHUNUTODAY ) - Gia Cát Lượng cả đời tận trung vì sự nghiệp chấn hưng nhà Thục Hán, để lại danh tiếng lẫy lừng, thế nhưng nơi an táng thật sự của ông ở đâu thì cho đến nay vẫn chưa tìm được, hậu thế chỉ còn biết tưởng tượng suy đoán. Vậy vì sao lại không ai biết mộ của Gia Cát Lượng ở đâu?

Nhân vật kiệt xuất thời Tam quốc

Gia Cát Lượng sinh ra trong một gia đình tương đối khá giả ở Dương Đô, quận Lang Nha (nay là Huyện Nghi Nam, tỉnh Sơn Đông), trong giai đoạn cuối thời Đông Hán.

Tổ tiên Gia Cát Lượng từng giữ chức vụ quan trọng trong triều đình. Gia Cát Lượng mồ côi cha mẹ ở tuổi 12. Ông có 3 anh em và người chú hỗ trợ chu cấp về tài chính .

Gia Cát Lượng cùng anh em trai chuyển đến Nam Dương, vùng quê yên bình vào năm 197. Sử sách ghi lại Gia Cát Lượng cao hơn 1,8 mét.

Ở tuổi 27, Gia Cát Lượng được Lưu Bị mời về phò tá. Lưu Bị là người dòng dõi hoàng tộc, muốn phục hưng triều đình nhà Hán. Đóng góp lớn nhất của Gia Cát Lượng chính là việc giúp hình thành thế chân vạc tam quốc, liên minh Thục Hán-Đông Ngô chống Tào Ngụy ở phương bắc.

gia-cat-luong phunutoday

 Phác họa hình tượng Gia Cát Lượng.

Năm 234, Gia Cát Lượng lần thứ 6 dẫn quân Bắc phạt, đóng quân ở Ngũ Trượng Nguyên. Đó là thời điểm vào giữa mùa hạ, trời nóng bức, chiến cuộc lại không có nhiều tiến triển khiến Gia Cát Lượng rất lo lắng, ưu phiền, cứ mở miệng nói là cáu gắt, một ngày chỉ ăn được chút cơm.

Chẳng bao lâu sau, cơ thể suy kiệt nhanh chóng cuối cùng thành bệnh, nằm liệt giường trong doanh trại. Đến tháng 8, vị quân sự lỗi lạc của nhà Thục Hán nôn ra máu mà chết. Khi đó, Gia Cát Lượng mới chỉ 54 tuổi.

Tinh thông thiên văn, địa lý, Gia Cát Lượng đã dự tính trước nơi chôn cất cho chính bản thân. Theo di nguyện, Gia Cát Lượng muốn được chôn cất ở núi Định Quân. Vì trên đỉnh núi rất bằng phẳng, có thể đóng được cả vạn quân nên mới có tên là núi Định Quân.

Mộ Gia Cát Lượng ở đâu?

Lý do chính có thể là núi Định Quân có địa thế phức tạp, được xem là một nơi có phong thủy tốt. Dưới chân núi, du khách có thể tham quan khu mộ Khổng Minh và đền thờ mang tên ông. Tuy nhiên, đây có thực sự là nơi chôn cất vị quân sư đại tài này?

Tương truyền, Khổng Minh dự đoán được số mệnh của mình. Trước khi chết, ông dặn tướng sĩ dưới trướng bỏ xác ông vào quan tài, buộc thừng vào đòn khiêng theo quân rút về Hán Trung. Chỗ nào dây thừng đứt thì chôn ông ở đó. Ông còn dặn không được chôn theo thứ gì, không đắp mộ hay trồng cây, tránh người khác biết.

gia-cat-luong1 phunutoday

 Mộ Khổng Minh ở núi Định Quân: Ảnh: Linet.

Quân lính khiêng quan tài đi mãi, tới núi Định Quân thì dây đứt và quan tài rơi xuống đất. Quân lính chưa kịp đào huyệt thì mặt đất nơi đặt quan tài sụp xuống vừa đủ chôn. Người đời sau xây lăng mộ tưởng nhớ ông, ngoài mộ thật còn xây thêm nhiều mộ giả để đánh lạc hướng những kẻ có ý định không hay.

Ngày nay, ngôi mộ được đắp hình kim tự tháp đỉnh bằng trên nền đá hình bát quái ở núi Định Quân được cho là cũng không phải mộ thật. Không ai biết mộ thật của vị quân sư tài ba này nằm ở đâu.

Khu lăng mộ Vũ Hầu ở núi Định Quân có diện tích hơn 37.000 m2, với ngôi đền thờ Vũ Hầu nổi tiếng và tượng Khổng Minh. Ngôi mộ ở đây cao 5 m, rộng 60 m. Một tấm bia đá đề “Mộ Vũ Hầu Khổng Minh” được đặt trước mộ, hai bên là hai cây hoa mộc trăm tuổi.

Danh tiếng của Khổng Minh khiến lăng Vũ Hầu là một điểm du lịch hút khách. Hàng năm du khách từ khắp nơi đổ về đây để tỏ lòng thành kính với nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Trung Quốc này. Lễ hội đền được tổ chức hàng năm vào dịp Tảo Mộ, thu hút hàng nghìn du khách đến tham dự.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn