Bí ẩn chuyện tình “đồi thông hai mộ” một thiên tình sử đầy bi thương – đầy ma mị

( PHUNUTODAY ) - Chuyện tình bi thương đầy ma mị khiến nhiều du khách đến Đà Lạt phải dè chừng vì thường nghe được tiếng khóc ở đồi thông này…

Nằm ở phía Bắc thành phố Đà Lạt, cách trung tâm thành phố 6km về hướng Chi Lăng là du khách đã đến với khu du lịch hồ Than Thở.

Đến tham quan hồ Than Thở, du khách sẽ được dạo bước trên những bãi cỏ xanh, ngắm nhìn hàng thông in bóng xuống mặt hồ. Hay du khách cũng có thể tham gia dịch vụ cưỡi ngựa vòng quanh hồ để tìm cảm hứng của dân du mục.

Ở Đồi thông hai mộ, một thắng cảnh nổi tiếng của Đà Lạt, bao năm nay luôn tồn tại nhiều sự tích ly kỳ về cái tên “Đồi thông hai mộ”, nhưng chỉ có một câu chuyện trong số đó là thật, ấy là câu chuyện tình bất hạnh của cô gái Lê Thị Thảo và chàng trai Vũ Minh Tâm, mà minh chứng cho câu chuyện tình đó chính là hai ngôi mộ nằm trên đồi thông hơn 60 năm qua.

doi-thong-hai-mo phunutoday.vn

 Cổng vào "đồi thông hai mộ"

Chuyện tình đẹp nhưng đầy trắc trở của đôi uyên ương 60 năm trước

Tôi đến nơi khi chiều đã tắt nắng, thời điểm này đồi thông khá vắng khách du lịch, chỉ có hai người phụ nữ bán hàng rong đang ngồi chăm chú đọc báo bên ngôi mộ. Người phụ nữ tên Hiền (47 tuổi) nói rằng bà đã buôn bán ở đồi thông này được 14 năm và là người thường xuyên quét dọn chăm lo thờ cúng cho hai ngôi mộ.

Khu vực này có một bảng thông báo, tóm tắt câu chuyện tình Đồi thông hai mộ, nội dung tóm tắt giống như những ghi chép trong cuốn sách “Đà Lạt, danh thắng và huyền thoại” của tác giả Trần Huy Hùng Cường. Theo đó, chuyện xảy ra vào năm 1956, cậu sinh viên Vũ Minh Tâm (Vĩnh Long) học tại trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt (nay là Học viện Lục quân Đà Lạt). Anh đem lòng thương một thiếu nữ người địa phương, tên là Lê Thị Thảo, giáo viên dạy Văn trường Bùi Thị Xuân.

Mỗi ngày từ bãi tập về, Tâm thường ghé qua một ngôi nhà cạnh hồ Than Thở và đặt một lá thư tình dưới mái nhà tranh. Chiều đi dạy về, cô Thảo cũng đến ngôi nhà bên hồ để đọc thư chàng gửi, và để gửi lại một lá thư cho chàng. Thời gian trôi qua, tình cảm của cả hai càng thêm thắm thiết. Tâm và Thảo đã ước hẹn nên duyên vợ chồng, chờ ngày anh ra trường sẽ làm lễ cưới.

doi-thong-hai-mo1 phunutoday.vn

 Hồ Than Thở

Thế nhưng vì hoàn cảnh của Thảo khá khó khăn, cô vốn là trẻ mồ côi được các Sơ nhà thờ nuôi dạy từ nhỏ, còn Tâm lại là con trai độc nhất của một gia đình điền chủ giàu có ở Vĩnh Long. Chính vì sự chênh lệch về giai cấp, nên khi gia đình anh Tâm biết được chuyện của hai người liền ra sức ngăn cấm.

Ngày anh Tâm tốt nghiệp, gia đình bắt anh phải về quê cưới một người con gái giàu sang mà họ đã chọn sẵn. Vì giữ tròn chữ hiếu, anh Tâm đành rời xa cô Thảo. Khi biết tin anh Tâm đã có gia đình, cô Thảo như rơi vào tuyệt vọng. Và rồi một buổi chiều tháng 3/1956, cô đã gieo mình xuống hồ Than Thở để kết thúc cuộc đời. Trước khi tự tử cô Thảo đã xé tà áo dài trắng viết lên 2 câu thơ để lại trên bờ hồ:

“Tà áo trắng nay tình ta đã hết

Chút tình này xin trả lại cho nhau”

Đồng thời cô cũng để lại một bức thư nhờ người đời nếu ai vớt được xác của cô thì hãy chôn ở đồi thông bên cạnh hồ Than Thở – nơi ngày xưa hai người từng hẹn hò, để cô được ở cạnh những ký ức của mình.

Vài tháng sau đó anh Tâm quay trở lại Đà lạt thì hay tin người mình yêu đã chết. Chàng trai ra mộ nàng gần hồ Than Thở, than khóc một hồi lâu rồi quyết định viết đơn nhập ngũ. Trong một lần lâm trận, chàng đã bị thương rất nặng không thể cứu chữa được. Trước khi mất anh nhờ bạn bè đưa thi thể về Đà Lạt chôn cạnh mộ của cô Thảo và làm cho hai người một tấm bia chung, viết lên đó những dòng thơ trong cuốn nhật ký của anh, để trọn tình nghĩa với người anh yêu.

Trong cuốn nhật ký, anh Tâm viết về mối tình của mình như sau:

“Nước biếc non xanh dù biến đổi

Mối tình chung thủy Thảo trong Tâm

Chiều chưa xuống mà nắng vàng vội tắt

Đêm chưa về mà cỏ đã đầm sương

Cả núi rừng ngấn lệ tiếc thương.

Cho mối tình ngang trái của đôi uyên ương không thành…”

doi-thong-hai-mo2 phunutoday.vn

 2 ngôi mộ...

Ít lâu sau, người vợ của anh Tâm lên Đà Lạt thấy hai ngôi mộ liền kề nhau đã đem lòng ghen tức. Cô để cho hai người nằm cạnh nhau được 3 năm. Mãn tang, cô liền đem thi hài anh về Vĩnh Long để chôn cất.

Năm 1997, UBND thành phố Đà Lạt cấp phép cho công ty TNHH Thùy Dương cải tạo lại khu vực hồ Than Thở và đồi thông hai mộ để khai thác du lịch. Công ty này đã tiến hành sửa sang lại ngôi mộ cho cô giáo Lê Thị Thảo, đồng thời xây một ngôi một gió kế bên đề tên Vũ Minh Tâm để hoàn thành di nguyện cuối cùng của hai người.

Những sự trùng hợp ngẫu nhiên khiến đồi thông hai mộ trở nên ma mị

Người Đà Lạt cho rằng sau khi xảy ra câu chuyện bi thương của Thảo và Tâm thì hồ được đổi tên thành hồ Than Thở. Tuy nhiên, ông Hiền (Trưởng phòng tư liệu – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Lạt) cho biết, trước đây hồ có tên là Lac Des Soupirs. Vào năm 1956 (trùng với năm mất của Thảo) ông Nguyễn Vĩ, Chủ tịch Hội đồng thị xã Đà Lạt lúc bấy giờ, đề nghị đổi từ tên Pháp ra tên Việt thành hồ Than Thở.

Từ năm 1975, hồ Than Thở được đổi tên thành hồ Sương Mai, nhưng người dân Đà Lạt mỗi khi nhắc đến hồ này đều gọi là hồ Than Thở nên sau đó hồ được khôi phục lại tên cũ vào năm 1990. Như vậy cái tên hồ Than thở không phải bắt nguồn từ bi kịch của chuyện tình Tâm – Thảo.

Giải mã tiếng khóc bí ẩn

Chuyện xưa là vậy, nhưng vài năm gần đây nhiều tin đồn về hiện tượng ly kỳ, giật gân xảy ra ở đồi thông này. Mở đầu là tin đồn về du khách chụp hình tại mộ cô Thảo nhưng khi rửa hình lại thấy bóng ma thấp thoáng phía sau, cả hai du khách đều chết một cách bí ẩn sau một thời gian mắc căn bệnh kỳ lạ. Có người lại nghe tiếng khóc ai oán rầu rĩ khi đi ngang khu vực này vào buổi trưa hay khi chạng vạng tối. Liên tiếp sau đó là những vụ án mạng diễn ra. Người ta đồn rằng, những chuyện xảy ra đều do “ma xui quỷ khiến”, hay do linh hồn chưa được siêu thoát, khiến cho khu du lịch đẹp này luôn bí ẩn, gây hoang mang cho nhiều du khách.

Ở đây, phong cảnh khá đẹp lại thoáng mát, lối vào đồi thông và vào hồ nước không được rào chắn, nên nhiều bạn trẻ thường chọn nơi này để hẹn hò tâm sự. Đây cũng là khu vực cách xa với khu dân cư lại khá vắng vẻ nên nhiều bạn trẻ vì xốc nổi đã chọn nơi này để tìm đến cái chết, mà không được phát hiện để cứu chữa, cũng là nơi thuận tiện để bọn xấu lợi dụng.

Còn về việc hình ma lấp ló sau tấm ảnh của du khách hoàn toàn chỉ là tin đồn thất thiệt. Riêng việc hai ngôi mộ trong khu du lịch hồ Than Thở, ông cho biết, tất cả các địa danh du lịch ở Đà Lạt đều gắn với những truyền thuyết riêng và gắn liền với đời sống tâm linh của con người Đà Lạt bao đời nay.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn