Xử lý “chặt chém” điện nước, giải quyết nhu cầu môi trường sống của người lao động

( PHUNUTODAY ) - Là những điều được cam kết và yêu cầu xử lý ngay trong buổi đối thoại của Thủ tướng với công nhân Đồng bằng Sông Hồng.

Tại buổi gặp gỡ, công nhân lao động các khu công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng đã nêu lên những khó khăn đang gặp phải xung quanh các vấn đề về đời sống, việc làm, tiền lương, giá cả, sinh hoạt nhà ở, nhà trẻ, đời sống văn hóa, tình hình an toàn vệ sinh lao động, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, điều kiện ăn, ở của công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất… mong muốn được Chính phủ và lãnh đạo các địa phương quan tâm, hỗ trợ.

Tôi muốn nghe trực tiếp ý kiến thẳng thắn của công nhân, những tâm tư nguyện vọng, cùng trao đổi bàn những nội dung để phát triển, hỗ trợ công nhân, để năng suất cao hơn, phúc lợi tốt hơn”, Thủ tướng nói.

Các lao động khu vực Đồng bằng Sông Hồng chia sẻ những khó khăn và mong muốn Chính phủ tạo điều kiện để cuộc sống bớt khó

Các lao động khu vực Đồng bằng Sông Hồng chia sẻ những khó khăn và mong muốn Chính phủ tạo điều kiện để cuộc sống bớt khó

Ngay lập tức, nhiều công nhân đã bày tỏ ý kiến về gánh nặng học hành, nhà cửa, tiền điện, khám chữa bệnh. “Hiện tại, người lao động ngoại tỉnh thuê nhà trọ phải chịu tiền điện, nước theo giá kinh doanh, tức là giá cao hơn so với quy định chung rất nhiều. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xem xét, giải quyết kiến nghị này”, công nhân Nguyễn Thị Thanh Huyền - Công ty TNHH NMS Việt Nam (Hà Nam) nói. Cho rằng, việc “công nhân bị áp giá điện cao” là trái pháp luật, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch EVN giải đáp, làm rõ vấn đề trên.

Trả lời về nội dung trên, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch EVN khẳng định: “Việc tăng giá điện đối với công nhân như thế là không đúng quy định pháp luật. EVN sẽ phối hợp địa phương kiểm tra việc áp giá, các quy định của Chính phủ để có biện pháp xử lý kịp thời”, ông Thành nói. Thủ tướng yêu cầu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, Bộ Công Thương, Tập đoàn EVN, kiểm tra xử lý nghiêm tình trạng nhiều chủ nhà trọ thu giá điện, nước sai quy định.

Giải đáp thắc mắc của chị Phạm Thị Khuyên, công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam (Hà Nội) về vấn đề nhà ở, trường mầm non cho con em công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, thành phố luôn xác định chăm lo thiết chế công đoàn công nhân trên địa bàn.

Trước đó, Thành phố đã xây dựng trường mầm non tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Thành phố cũng giao cho huyện Đông Anh đưa 2 trường mầm non vào khu vực Khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Tháng 8 tới, sẽ triển khai nhà ở tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long với giá từ 200-400 triệu/căn hộ. Bước đầu, Thành phố sẽ giải quyết dần những khó khăn trên địa bàn Hà Nội. Thành phố cũng giao cho Tổng Công ty vận tải tổ chức tăng cường các tuyến xe buýt vào các Khu công nghiệp.

Cho ý kiến về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nhà ở, trường học cho công nhân là vấn đề lớn, luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đến nay nhiều địa phương, bộ, ngành đã tích cực vào cuộc và đã đạt được một số kết quả nhất định.

Vấn đề chặt chém điện nước, bảng lương, nhà ở...được người lao động đề cập nhiều trong buổi đối thoại

Vấn đề chặt chém điện nước, bảng lương, nhà ở...được người lao động đề cập nhiều trong buổi đối thoại

Tuy nhiên, những kết quả này vẫn chưa đáp ứng được mong mỏi của anh chị em công nhân cũng như yêu cầu của Chính phủ. Thủ tướng đề nghị các địa phương cần áp dụng mô hình xây dựng khu thiết chế công đoàn, bán nhà ở giá rẻ đối với công nhân. Đồng thời quan tâm xây dựng hệ thống các nhà trẻ, không nên để công nhân gửi con ở các điểm ngoài công lập vì nhiều nguy cơ mất an toàn đối với trẻ.

Về vấn đề bảng lương, công nhân Trần Thị Thanh (Hưng Yên) bày tỏ băn khoăn trước việc Chính phủ chuẩn bị sửa đổi, cắt bỏ thang, bảng lương, điều này sẽ ảnh hưởng đến người lao động, và có thể doanh nghiệp sẽ ép lương người lao động. “Chính phủ có giải pháp gì để bảo đảm quyền lợi cho công nhân, lao động?”, công nhân Trần Thị Thanh nêu ý kiến. Về nội dung này, Thủ tướng cho rằng, việc sửa đổi các quy định hay không thì cũng nhằm tập trung nâng cao năng suất. “Năng suất đi liền chất lượng phúc lợi, năng suất anh cao thì tiền lương, thu nhập sẽ cao. Và với chính sách tiền lương mới, vai trò công đoàn cần thể hiện rõ hơn”, Thủ tướng nói.

Với ý kiến của công nhân Nguyễn Hoài Nam (Vĩnh Phúc) về các giải pháp đảm bảo sức khỏe cho người lao động cũng như tạo điều kiện cho công nhân đi khám chữa bệnh ngoài giờ được hưởng chế độ bảo hiểm, Thủ tướng đề nghị, trong thời gian tới, Bộ Y tế tích cực phối hợp với các ngành và địa phương, tập trung giải quyết cơ bản các kiến nghị của công nhân nhằm nâng cao sức khỏe người lao động, nhất là việc hình thành mạng lưới bệnh viện, trạm y tế ngay gần khu công nghiệp. Doanh nghiệp quan tâm thường xuyên việc cải thiện điều kiện làm việc, tổ chức khám chữa bệnh và bữa ăn giữa ca của công nhân.

Về vấn đề mức hưởng lương hưu thiệt thòi đối với lao động nữ về hưu từ 1-1-2018, đề nghị Bộ hoàn thiện nghiên cứu đề xuất, báo cáo Chính phủ để Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội với quan điểm chung là không để lao động nữ thiệt thòi. Vấn đề nghỉ hưu sớm và hưởng chế độ lương hưu đặc thù của công nhân làm việc trong các hầm lò ngành than và các ngành khác nặng nhọc, độc hại, cần được tiếp thu, nghiên cứu khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội.

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn