Chùm ảnh: Nét đẹp truyền thống trường tồn với thời gian của Tết Nguyên đán

( PHUNUTODAY ) - Nấu bánh chưng xanh, xin chữ ngày Tết,... là những nét đẹp văn hoá đặc trưng của người Việt Nam mỗi dịp Tết đến xuân về.

tet-nguyen-dan-1 Bánh chưng là món ăn truyền thống mà theo cách người Việt ta vẫn nói: "Không có bánh chưng thì gọi gì là Tết". Từ ngày 23 tháng Chạp, nhiều gia đình bắt đầu quây quần gói bánh. Phải là người có bàn tay vô cùng khéo léo mới có thể gói bánh thật đẹp và thật chặt, nếu không bánh sẽ nứt và thấm nước. Bên ánh lửa bập bùng, cả gia đình trông nồi bánh chưng, cùng nhau trò chuyện về một năm sắp qua và hi vọng về một năm sắp đến.

tet-nguyen-dan-2
Hình ảnh của các ông đồ "mực Tàu, giấy đỏ" thảo những nét chữ đã trở nên quen thuộc trong tâm trí người Việt. Đây là một truyền thống văn hóa lâu đời thể hiện sự hiếu học và coi trọng lịch sử của dân tộc. Người xưa thường xin chữ về thờ với mong muốn con cháu được học con chữ mà thành người. Chữ được yêu thích nhất thường là chữ Tâm, Phúc, Đức, An, Lộc,… 
tet-nguyen-dan-3
 Lì xì là tục lệ mừng tuổi có từ xa xưa với mong ước các em vui vẻ, hạnh phúc và chăm ngoan học giỏi. Phong bao lì xì màu đỏ cũng tượng trưng cho sự may mắn, phúc lộc an khang. Hiện nay tục lệ này vẫn còn giữ nguyên, nhưng đã có phần nào "biến tướng" nặng về vật chất hơn là cầu may.
tet-nguyen-dan-4
 Mâm ngũ quả là thứ không thể thiếu trên ban thờ ngày Tết trong mỗi gia đình. Tuy mỗi vùng, miền có cách sắp xếp các loại trái cây khác nhau, nhưng đều chung một ý nghĩa mong muốn có nhiều tài lộc, cuộc sống đủ đầy trong năm mới.
tet-nguyen-dan-5
 Cây nêu ngày Tết có ý nghĩa trừ tà và xua đi những điều xấu trong năm cũ nên thường được dựng lên từ ngày 23 tháng Chạp và được hạ xuống vào ngày 7 tháng Giêng. Ngày nay rất ít gia đình dựng cây nêu. Cây nêu ngày xưa gắn liền với thành ngữ: "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, trang pháo, bánh chưng xanh".
tet-nguyen-dan-6
 Tục khai bút đầu năm trước đây do các bậc học giả như ông đồ, thầy đồ, học sĩ... thực hiện. Sau lễ cúng Giao thừa, họ sẽ cầm bút viết lên những câu đối, hay chữ có ý nghĩa lên tờ giấy đỏ. Những chữ "khai bút đầu Xuân" phải do mình nghĩ ra chứ không sao chép của người khác. Đó là những chữ về họ tên, quê quán, hoặc những cảm xúc mong ước tốt đẹp về gia đình, tình cảm bạn bè, công việc, học hành.
tet-nguyen-dan-7
 Sau khi cúng giao thừa, người dân sẽ chọn giờ tốt để xuất hành và đi hái lộc - những cành nhỏ của loài cây có sức mạnh như sung, si, đa... Ngày nay việc hái lộc đã đi sai lệch, hái bừa bãi gây thiệt hại về cây cối. Vì vậy, thay vì hái lộc thì nên chọn một cây hoa, cành đào, chậu quất có nhiều lộc để mang lại phước lành và may mắn trong dịp Tết đến, Xuân về.
tet-nguyen-dan-8
 Đi lễ chùa đầu năm để ước nguyện và còn là thời gian để mọi người tìm về với chốn tâm linh sau những ngày tháng vất vả mưu sinh, mong tìm được sự bình an, gạt bỏ đi những muộn phiền, lo âu của năm cũ. Người đi lễ chùa phải ăn vận chỉnh tề, phù hợp với chốn tôn nghiêm.
Theo:  khoevadep.com.vn copy link
TIN MỚI CẬP NHẬT