Chuyện tình bên ao sen mỹ nữ và gốc cây tử vy

( PHUNUTODAY ) - Thủ phủ tỉnh Vân Nam, nhưng có lẽ#160; đi bằng đường bộ từ Lào Cai qua Hà Khẩu, Trung Quốc là con đường#160; đẹp và thú vị hơn cả. Vân Nam là tỉnh có 4 thành phố lớn đặc trưng của 4 mùa mà không một nơi nào trên thế giới có được.

(Phunutoday) - Có nhiều cách để đến thành phố Côn Minh - Thủ phủ tỉnh Vân Nam, nhưng có lẽ  đi bằng đường bộ từ Lào Cai qua Hà Khẩu, Trung Quốc là con đường  đẹp và thú vị hơn cả. Vân Nam là tỉnh có 4 thành phố lớn đặc trưng của 4 mùa mà không một nơi nào trên thế giới có được.

 
Côn Minh là thành phố mùa xuân, cả bốn mùa hoa nở, khí hậu mát mẻ, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Nhưng vào lúc này, ở Xisoang Banna (Xishuangbanna) châu tự trị của người Thái Tây Song Bản Nạp (giáp Lào và Myanma) của thành phố Cảnh Hồng đất trời đang là mùa hạ.

Nhưng ở thành phố Đại Lý quê hương của Đoàn Chính Thuần, Đoàn Dự trong tiểu thuyết Thiên Long bát bộ của Kim Dung đang là mùa thu, lá rụng vàng ươm rơi đầy trên lối đi lên Sùng Khánh Tự (Ba Tháp) tuyệt đẹp. Còn cách đó không xa là thành phố cổ Lệ Giang (Lijiăng) tuyết phủ trắng trên đỉnh Ngọc Long.

Đoạn đường dài gần 500 km, có hơn 99 km đường đèo từ độ cao 84 m tại Hà Khẩu lên đến độ cao 1.894 m tại TP. Côn Minh, cũng là miền đất chứa rất nhiều hiện vật, thành trì, di tích liên quan đến cuộc đời bi hùng của Bình Tây Vương Ngô Tam Quế với ái thiếp Trần Viên Viên…

Qua tử thôn buồn lòng người lu hương

Theo ngược con sông đỏ quạch phù sa chảy vào đất Việt, mang tên sông Hồng và một nhánh Hà Kiều tại ngã ba Hà Khẩu - Lào Cai. Cuộc hành trình ngược lên cao nguyên Vân Quý nơi có nguồn Dương Tử giang trên đất Vân Nam với cheo leo đèo cao, vực thẳm, mây trắng tràn vào cửa xe. 

Đối diện bên bờ sông là 2 tuyến đường sắt Lào Cai - Côn Minh được xây dựng từ những năm 1904 đến 1910 thời Pháp nối Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội và Hải Phòng. Đây là tuyến đường rất hiện đại với chiều ngang đường ray 1,4 mét. Để có con đường này, người Pháp đã phải nhượng bộ nhà Thanh nhiều thứ để đầu tư một con đường không chung đường đã có (đường bộ) để có thể khai thác và vận chuyển khoáng sản, các loạisản vật, rất trù phú của Vân Nam về các cảng Thượng Hải, Ma Cao, Hồng Kông  rồi đi đến Pháp và các quốc gia khác.
 
1
Chùa Đồng - Kim Điện

Hơn 275 hầm đào xuyên qua núi, có những dãy núi cao chọc trời xanh,  hàng chục vạn công nhân, xa phu bỏ mình trên những sườn núi cheo leo và dưới vực thẳm ngàn năm không tìm thấy nắm xương tàn.
 
Chạnh lòng cố hương, khi biết rằng trong số đó có khoảng năm ngàn công nhân Việt Nam đã tham gia làm nên con đường hỏa xa kỳ diệu này. Họ đã xây dựng nhiều trụ cột xi măng to khổng lồ hàng trăm mét tựa như cột chống trời để làm giá đỡ cho đường tàu qua hai núi từ trên độ cao hàng trăm mét.

Chưa ai giải thích chi tiết và đầy đủ về việc họ đã xây dựng những cột này như thế nào. Nhưng, những gì mà hậu thế có thể nhìn thấy được sau gần một thế kỷ quả là diệu kỳ, không tưởng với sức người và phương tiện kỹ thuật thô sơ, thủ công thời bấy giờ. Người thiết kế và giám quản công trình đường sắt này là kỹ sư bác học Lưu Văn Lang của Việt Nam. Ông là kỹ sư đầu tiên của Đông Dương tốt nghiệp trường Bách nghệ Paris.

Kỹ sư Lưu Văn Lang (1880-1969) để lại trên đất Việt nhiều dấu ấn và giai thoại về Đồng hồ đá, Cầu Sập (Bạc Liêu), hang Bác Vật trên núi Cấm - Tịnh Biên - An Giang.

 Ông sinh ngày 5 tháng 6 năm 1880 tại làng Tân Phú Đông, hạt Sa Đéc (nay thuộc thị xã Sa Đéc tỉnh Đồng Tháp) trong một gia đình nghèo làm nghề thủ công phục vụ cho nông nghiệp nhưng có truyền thống hiếu học. Năm lên 10, ông bắt đầu học tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ sau đó trở thành một học sinh xuất sắc và giành được suất học bổng đặc cách vào học trường Chasseloup - Laubat tại Sài Gòn.

Năm 17 tuổi, ông thi đậu tú tài 2 của Pháp với số điểm xuất sắc, do đó nhận được học bổng sang Pháp học tại trường École Centrale de Paris (thời đó gọi là trường Bách nghệ Trung ương Pháp quốc) - nơi đào tạo kỹ sư lớn nhất tại Pháp thời bấy giờ. Năm 1904, ông tốt nghiệp loại ưu bằng Kỹ sư Bá nghệ (Ingénieur des Arts et Manufactures de L’École centrale de Paris), xếp hạng 8/250 sinh viên, trở thành kỹ sư đầu tiên ở Đông Dương là người bản xứ.

Sau khi tốt nghiệp, ông trở về nước và được chính quyền Pháp trọng dụng, cử sang Vân Nam (Trung Quốc) để tham gia thiết kế và xây dựng tuyến đường sắt nối liền Đông Dương và Vân Nam. Năm 1909, sau khi tuyến đường sắt hoàn thành, người Pháp đưa ông về Sài Gòn làm việc và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Sở Công chánh Đông Dương.

Năm 1929, ông cùng với hai người Việt đứng ra sáng lập Việt Nam Ngân hàng tại Sài Gòn và giữ chức Chủ tịch, tham gia thành lập Hội Khai trí Việt Đức ở Hà Nội và Hội SAMIPIC ở Sài Gòn, giúp nhiều sinh viên nghèo học giỏi được đi du học và trở thành nhà trí thức.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương ngày 9 tháng 3 năm 1945, ông được Vua Bảo Đại mời ra tham gia nội các Trần Trọng Kim để giữ chức Bộ trưởng Công chánh, ông đã từ chối để thể hiện sự bất hợp tác với chính quyền mà ông cho là chỉ là một công cụ của người Nhật.

Sau khi Pháp tái chiếm Nam Bộ, họ đã cho mời ông tham gia Hội đồng Tư vấn Nam Kỳ của chính phủ Nam Kỳ  do bác sĩ Nguyễn Văn Thinh đứng đầu. Kỹ sư Lưu Văn Lang đã trả lời thẳng thắn: "Je suis trop vieux pour servir de valet!" (Tôi đã quá già để làm tay sai!)
 
Ngày 12 tháng 1 năm 1950, ông là một trong những người dẫn đầu đoàn biểu tình trong đám tang học sinh Trần Văn Ơn tại Sài Gòn. Ông qua đời tại Sài Gòn ngày 3 tháng 6 năm 1969, thọ 88 tuổi tên của ông được đặt cho một con đường bên hông chợ Bến Thành ngày nay.

Ngang qua huyện miền núi Bình Biên, thuộc Châu tự trị Hồng Hà, có một địa danh mà khi nhắc đến mọi người dân Việt đều thấy mắt cay xè đó là: Tử Thôn. Tử Thôn là một thôn nhỏ, nằm lẻ loi bên đường dọc theo triền đồi núi chênh vênh và cô độc, buồn thảm như số phận những người đã lập ra nó.

Đây là một thôn do người Việt lập nên khi làm phu (cu-li) xây dựng đường sắt Vân Nam. Trong ký ức một vài người họ vẫn biết tổ tiên mình là người Việt. Nhưng do cô lập với thế giới bên ngoài, đặc biệt tuyến đường bộ Lào Cai - Côn Minh hạn chế thông thương rất nhiều thập kỷ, Tử Thôn càng lẻ loi cô độc và biệt lập hơn với bên ngoài.
 
d
Gốc Tử Vi

Tôi cố dò thăm hỏi về những người Việt xa phu nhưng vô vọng. Tử Thôn rất buồn, im lìm, xa lạ như số phận của những chủ nhân đã tạo nên nó vào những năm đầu của thế kỷ hai mươi. Tử Thôn còn có một nghĩa địa xây hình bậc thang, nằm lẻ loi giữa một thung lũng vắng lạnh, là nơi yên nghỉ của mấy thế hệ người Việt xa quê từ thuở làm phu đường sắt.

Bên ao sen trắng, ngắm tượng kỹ nữ Trần Viên Viên

Đến Vân Nam, dường như ai cũng muốn đến thăm viếng Thái Hòa Cung và Chùa Đồng - Kim Điện nằm trên núi Minh Phượng - thuộc dãy Bích Kê Sơn khu vực Tây Sơn cách Côn Minh 7 km về phía Đông Bắc là một quần thể cung điện rất đẹp, trong đó đặc biệt là Chùa Đồng - Kim Điện, Minh Chuông lầu, và cây hoa tử vi có tuổi trên 400 năm.
 
…Sải những bước chân dài men theo bờ tường đá sơn màu nâu, phủ lên rêu phong xanh rì cổ kính, tôi mon men theo hướng trái, tìm đến gian chính của khu vực điện thờ và trưng bày triển lãm những di vật về Bình Tây Vương Ngô Tam Quế. Trong một điện thờ, có bức tượng hình thù đen đúa khá cao, thoạt nhìn như thần Trấn Vũ, nhưng đầu là của Bình Tây Vương Ngô Tam Quế .

Chùa Đồng - Kim Điện nằm trong quần thể các thắng cảnh nổi tiếng Vân Nam như chùa Hoa Đình. Hoa Đình tự được xây dựng vào triều Nguyên (năm 1320) là một trong những ngôi chùa lớn nhất Vân Nam và nổi tiếng với 500 bức tượng La Hán rất sinh động với những dáng vẻ, đường nét chạm khảm tinh xảo, khác nhau bao quanh tường bên trong.

Chính vì thế, năm 1983, Quốc Vụ viện công nhận chùa Hoa Đình là một tự viện trọng điểm của Phật giáo Trung Quốc. Chùa Hoa Đình, còn gọi là Hoa Đình tự, tọa lạc trên ngọn núi Hoa Đình của Bích Kê Sơn thuộc Tây Sơn, bên bờ hồ Côn Minh. Nền cũ của chùa này là biệt thự của Thiện Xiển hầu Cao Trí Khai nước Đại Lý đời Tống.

Năm Diên Hựu thứ 7 (1320) đời Nguyên, ngài Huyền Phong (1266-1349), vị Pháp sư được tôn xưng là Vân Nam Thiền tôn đệ nhất Tổ, xây dựng chùa ở đây, lúc đầu đặt tên là chùa Đại Viên Giác. Pháp sư Huyền Phong là vị Tổ khai sơn của chùa này.

Năm Thiên Thuận thứ 6 (1462), vua Anh Tông nhà Minh ban cho tên chùa là Hoa Đình Sơn Đại Viên Giác tự. Trải qua hai triều Minh và Thanh, chùa nhiều lần bị hư hoại vì binh lửa, nhiều lần được trùng tu. Năm 1922, Hòa thượng Hư Vân (1840-1959) nhân trùng tu chùa, đào được một tấm bia cổ, hàng chữ đầu có khắc tên chùa là Vân Thê, các hàng chữ khác bị mờ, không đọc được, nên không biết niên đại của tấm bia, mới đặt tên chùa là Tĩnh Quốc Vân Thê thiền tự.

Vào cổng chính qua các khuôn viên, điện chính được gọi là “Thiên Vương Bảo Điện”. Trong đó các Phật Thích Ca, Quan Âm bồ tát, hai mươi bốn thiên thần, có “Tứ Đại Thiên Vương” còn gọi là hộ thế “Tứ Đại Kim Cương” là một pho tượng quý. Ngoài ra trong điện còn có rất nhiều bảo vật được lưu giữ có từ 700 năm.

Tương truyền tại nơi này, năm xưa Đường Tam Tạng cùng các đồ đệ Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng đã dừng chân tại đây nghỉ mấy hôm mới tiếp tục lên đường thỉnh kinh. Có lẽ vì những yếu tố linh thiêng, thần bí này du khách đến tham quan, vãn cảnh chùa không được phép ghi hình, chụp ảnh khu vực thờ 500 vị La Hán.

Kim Điện - Chùa Đồng được đúc hoàn toàn bằng đồng xanh nặng khoảng 250 tấn, từ cột kèo mái ngói, khung, cửa cho đến vách, hoành phi, bàn thờ, tượng thần, lư hương. Những đường nét tinh xảo mô tả rồng bay, ngọn lửa, thần tiên, muông thú... cho thấy trình độ nghệ thuật đúc đồng của Trung Quốc 400 năm trước (Triều Minh năm 1602) đến năm Khang Hy thứ 10 Kim Điện được trùng tu lại và trở thành một trong ba “Chùa đồng” lớn nhất ở Trung Quốc.

Chùa Đồng - Kim Điện gắn liền với cuộc đời bi hùng của danh tướng Ngô Xuân Quế, được xây dựng từ cuối triều Minh đầu triều Thanh. Nó có kiến trúc đặc trưng của văn hoá đồ đồng Trung Hoa và được bảo quản rất tốt. Đặc biệt, tại Chuông lầu cao 30m tọa lạc trong khuôn viên chùa, bạn sẽ được chiêm ngưỡng chiếc chuông đồng cao 3,5m, nặng đến 14 tấn với nghệ thuật chế tác rất tinh xảo.

Ngoài hành lang và cầu thang được làm bằng cẩm thạch, tường, cột, xà, mái nhà, đinh ốc, bàn thờ, tượng Phật đều được làm bằng chất liệu đồng đỏ rất đẹp. Trước khi lên Minh Chuông lầu, tất cả du khách dù vô tình hay hữu ý cũng dừng chân lại bên ao sen khá rộng. Trên bờ là tấm bia đá ghi lại mấy dòng thân thế và Viên Viên khúc.

Tại một góc ao sen, gần nơi thờ tự, có bức tượng Trần Viên Viên làm bằng đá trắng đẹp lung linh như bạch ngọc. Dáng yểu điệu thục nữ, thướt tha xiêm y, tóc búi cao, một tay nhấc lên rất hững hờ, buông lơi... Bên bờ liễu rủ, buông dài lê thê, lấm tấm những chùm hoa đỏ, dưới ao sen trắng (bạch liên hoa) và hoa súng trắng nở rất đẹp. Ngồi lim dim bên ghế đá hàng giờ, để nghe như trong gió mang theo về tiếng sáo vi vu vọng lại khúc Viên Viên của Mai Thôn.

“Thường nghe nghiêng nước với nghiêng thành,
Lại khiến Chu lang được nổi danh.
Há bởi vợ con lầm kế lớn,
Không may hào kiệt vốn đa tình.
Cả nhà xương trắng thành tro bụi,
Một kiếp hồng nhan rọi sử xanh”

Người kỹ nữ nhan sắc “khuynh nước, nghiêng thành” tài năng, đàn giỏi, múa đẹp, hát hay, như Trần Viên Viên càng phải là người phụ nữ có văn hoá. Tuy lớn lên giữa một triều đại quần hùng tranh loạn, tấm thân ngọc ngà làm vật trao tay, làm món hàng cho những kẻ quyền lực, giàu sang tột đỉnh, nhưng Viên Viên vẫn là một phụ nữ để người đời ngưỡng mộ, hoài cổ.

Những lời tự nhận của nhân vật Viên Viên được lưu truyền đã thể hiện một chiều sâu về trí tuệ, khác hẳn những đại mỹ nhân có thật trong lịch sử Trung Hoa khi trở thành một đạo cô tu hành với pháp danh Tịch Tĩnh, rằng: “Mỹ sắc làm hư việc nước, xưa đã thế mà nay cũng thế. Con người bất tường được trời ban cho tấm dung nhan khuynh quốc khuynh thành chỉ làm đau khổ lê dân trong thiên hạ. Tiện thiếp dù khua chuông gõ mõ, niệm nát chân kinh cũng không đủ đền tội trong muôn một”.

Tư duy ấy quả là tư duy của một tri thức, một nhà tu đắc đạo, không thể nào là tư duy của một kỹ nữ, một kẻ buôn hương bán phấn tầm thường. Năm 40 tuổi, Trần Viên Viên được mô tả vẫn đang thời đỉnh cao rực rỡ của nhan sắc, nhưng quyết định đi tu, quyết định không chung chăn gối với phu quân Ngô Tam Quế.

Địa vị xuất thân trong xã hội thời ấy, chính là một chứng nhân của tội ác thiên cổ. Bản thân Ngô Tam Quế dù lúc đó đã là “Vua một cõi” cũng không thể vượt qua được vì Viên Viên xuất thân là một kỹ nữ lầu xanh, vì Viên Viên là mầm tai họa, tranh giành đầu rơi, máu chảy giữa Ngô Tam Quế, Lý Tự Thành và Sùng Trinh Hoàng đế.
 
Hơn nữa, cũng chính vì Trần Viên Viên mà Lý Tự Thành nổi loạn, cướp ngôi Vua trở thành giặc cướp, giết cả nhà Ngô Tam Quế 38 người để Ngô Tam Quế biến thành kẻ rước giặc vào nhà, hại cha, hại dân. Nỗi oan tình, sự thị phi giữa chuyện riêng, chung giữa trung quân với hiếu đạo là những mắc xích trói buột Ngô Tam Quế - Trần Viên Viên dù có muốn gỡ ra cũng không thể cứu vãn được gì. Duy nhất trong những anh hùng tranh mỹ nhân ấy, Ngô Tam Quế là người đã mang lại cho Viên Viên danh phận, dù cho chỉ là ái thiếp.

Để cho Viên Viên đi tu tại một ngôi chùa nhỏ ngoại thành Côn Minh chính là một giải pháp tốt nhất, mà Bình Tây Vương Ngô Tam Quế có thể làm vào lúc này. Nhưng đáng kính trọng hơn cả chính là sau khi Ngô Tam Quế mất, Trần Viên Viên đã tự vẫn tại ngôi chùa, cạnh ao sen ngày nay để trọn mối chung tình.

Có thể vì thương cho số phận bi kịch của nhan sắc kỹ nữ Trần Viên Viên mà Kim Dung đã cho ra đời thêm một nàng A Kha xinh đẹp tuyệt trần như một sự kế tục, đúng hơn là sự trở về của Viên Viên sau những năm tháng số phận bi kịch. Kết thúc có hậu của đời nàng Viên Viên phải chăng là kết thúc của một mối oan tình.

Nếu Viên Viên còn sống thêm, cũng là sống thừa. Nếu Viên Viên mất đi sớm hơn, thì càng không nghĩa lý gì trong cuộc tranh hùng cuối triều đại Minh, vẫn không thể ngăn được dấu chân ngựa đội quân Mãn Châu có tên  Bát Kỳ của Đa Nhĩ Cổn và sự ra đời tất yếu của vương triều Đại Thanh.
 
Tự ngàn xưa đã thế, ngày nay vẫn như thế. Anh hùng khó qua ải mỹ nhân. Hầu hết những nhân vật kiều nữ xinh đẹp tuyệt trần của văn hào Kim Dung, đều lụy chung một chữ tình. Trong Thần Điêu hiệp lữ, nữ ma đầu Lý Mạc Sầu chết. Bài ca vẫn chưa hát hết lời.

Bi thảm hơn là những kẻ cả đời vẫn mãi khát vọng về tình yêu nhưng không thể được, cả đời bỏ ra mà không nhận lại được gì, vì khát vọng về tình yêu mà biến đổi cả tính cách, điên đảo một đời. Họ suốt đời bị những nỗi khổ tình yêu dày vò, nhưng rốt cuộc cũng không hiểu ra tình là gì.

Lý Mạc Sầu không chỉ hát một lần mà cho đến lúc chết vẫn hát: “Hỏi thế gian tình là gì?” nàng đã mang theo câu hỏi này mà ra đi xuống tận mồ sâu hay tuyệt tình mộ. Nàng chết đi, để lại cho chúng ta câu hỏi này và tiếp tục tìm câu trả lời trên cõi tình.

“Vấn thế gian tình thị hà vật.
Trực giao sinh tử tương hứa?
Thiên Nam địa Bắc song phi khách,
Lão xí kỷ hồi hàn thử.
Hoan lạc thú, ly biệt khổ;
Thị trung cánh nữ si nhi nữ.
Quân ưng hữu ngữ,
Diễu vạn lý tằng vân.
Thiên sơn mộ tuyết,
Chích ảnh vị thuỳ khứ.”

Tạm dịch:

Thế gian ơi tình là chi vậy,
Mà sao sống chết chẳng đành lìa nhau?
Dắt tay nhau bay khắp chân trời,
Trải bao ấm lạnh cuộc đời,
Vui sao khoảnh khắc bên nhau,
Khổ sao một nỗi đôi người lạc nhau,
Tình si nay chỉ một mình riêng em.
Một lời chàng hứa với em,
Mà nay chỉ có vạn trùng ngàn mây.
Ngàn non tuyết phủ lạnh lùng,
Một mình bóng chiếc đi về riêng ta.

Không thể nói chắc rằng nếu Ngô Tam Quế, như một người trẻ tuổi hơn khi ông ta vứt bỏ lòng trung thành với triều đình Mãn Châu ngoại lai và xa xôi, ông ta có thành công hay không trong việc tái lập một vương quốc mới của Nam Chiếu hay bất kỳ quốc hiệu nào mà ông có thể đặt cho nó tại Vân Nam?  Ông đã sáu mươi sáu tuổi khi mất đi, nếu còn sống có lẽ ông không thể đánh đuổi người Mãn Châu ra khỏi Trung Hoa.

Bên gốc tử vi ngẫm chuyện đời

Theo sử sách để lại, trong các loài hoa quý vua chúa trồng nơi cung cấm, thứ dân không được trồng có loài  hoa tên là Tử  Vi. Đã có rất nhiều người nhầm lẫn hoa tường vi với loài hoa đặc biệt này.

Cây Tử Vi lá nhỏ mọc đối nhau, lá như lá nhãn lồng xứ Hưng Yên, nhưng nhỏ hơn, giống lá cây gỗ trắc cẩm lai hơn. Thân cao, cành vươn dài khẳng khiu, ra hoa màu trắng, nhỏ lấm tấm. Hoa nở có mùi hương dịu nhẹ, phảng phất, không nồng đậm, rất dễ chịu. Nhưng hoa và hương hoa không phải là chuyện làm nên loài hoa quý hiếm này. Tương truyền cây Tử Vi khi phụ nữ chạm tay vào gốc cây, toàn thân và 
lá sẽ rung khẽ từng hồi. Còn đàn ông chạm vào, cây sẽ không hề lay động. 

Cạnh cửa vào khu vực nhà bảo tàng trưng bày hiện vật và nơi ở của Bình Tây Vương Ngô Tam Quế bên hông Kim Điện có hai cây Tử Vi tuổi đã trên 400 năm do Hoàng đế Sùng Trinh nhà Minh ban tặng. Gốc cây to một người ôm không xuể nhưng cành lá nhỏ nhắn, khẳng khiu vươn cao và hoa lấm tấm nở khoe sắc như một chậu hoa kiểng Mai chiếu thủy mà ta vẫn thường thấy. 

Thực hư lời đồn đại chẳng biết ra sao, nếu như không tự thân mình khám phá, chiêm nghiệm một lần cho biết. Cũng giống như lên thành phố Cổ Lệ Giang, dù muốn hay không cứ phải đến chùa Ngọc Phong, ngôi chùa to nhất xứ sở cổ xưa này cách Lệ Giang khoảng 13 cây số để chiêm ngưỡng gốc trà 500 tuổi nở hoa.

Các bậc sư thầy trong chùa cho biết họ tỉ mẩn đếm có tất cả 20.000 bông hoa trà nở trong thời gian 3 tháng. Nào ai ngồi đếm hoa hàng chục ngàn bông, vậy mà tầm mắt nhìn hằng hà sa số bông trà, cứ tin con số kỳ diệu kia là có thật. Chỉ có người tu hành mới có thời gian để làm nên kỳ tích ấy mà thôi.

Rời khu vườn nhiều cỏ và cây xanh rất đẹp, nhất là khi mặt trời thả những tia nắng xuống đây, khiến cho cả không gian óng ánh và yên tĩnh lạ thường. Nơi đây chỉ có thể nghe tiếng chuông chùa vọng lại, vài tiếng chim đang hót trên cây. Và chính tại nơi này ngày xưa, trong những ngày hạnh phúc nhất, có lẽ Bình Tây Vương Ngô Tam Quế chắp tay sau lưng, thả những bước dài trên lối đi quanh co trong khu vườn để nghe tiếng đàn quyến rũ, mê hồn của Trần Viên Viên đang dạo hàng ngày sau bức rèm thưa bên gian phải ngôi nhà.

Men theo lối đi qua chiếc cổng cao có dòng chữ Kim Điện. Khói hương nghi ngút của du khách, ám xỉn cả màu vàng của chùa đồng, dường như tất cả không làm ai khó chịu. Từ lâu lắm rồi, con người đã đến đây ngưỡng bái, thì giờ đây không có gì để ngạc nhiên. Người ta dâng hương, cúng hoa quả, hóa vàng…
d
Nơi đặt quả chuông 14 tấn

Dừng lại bên gốc Tử Vi, tôi thử chạm tay vào gốc cây để trải nghiệm cảm giác kỳ lạ của loài hoa quý này mà nhân gian đồn đại, lưu truyền và có rất ít người được biết, nếu không đọc tấm biển đồng ghi nên đại dưới gốc cây. Rồi lại nhờ một ông khách là người Đài Loan chạm thử tay vào thân Tử Vi, cây vẫn bình thường. Ông khách Đài ngạc nhiên hỏi, làm như thế để làm gì? Tôi chỉ vào tấm biển dưới gốc cây ghi niên đại Hoa Tử Vi vào năm 1604.

Nhưng khi nhờ một cô bạn quen, chạm tay vào thân, cảm giác lúc ấy thân cây như run lên nhè nhẹ, lá và hoa lung lay khe khẽ. Thử lại vài lần, nghi hoặc gió lồng vào từng cơn, không phải thế: cây vẫn nhẹ nhẹ run run…Thấy lạ, nhiều đoàn khách cũng dừng chân thưởng thức. Tương truyền, trước cửa nơi ở Sùng Trinh Hoàng đế cũng có hai cây Tử Vi như thế này.
 
Thành trì xưa đã trở thành rêu phong chuyện cổ, nhưng tên tuổi những bậc anh hùng thì vẫn sống mãi trong lòng người.

Trong khuôn viên Thái Hòa Cung, Kim Điện còn lưu giữ khá nhiều di vật, kỷ vật, bút tích, văn tự và tranh vẽ liên quan đến cuộc đời của Ngô Tam Quế. Trong đó có một  thanh đại đao mà tương truyền chính là thanh bảo đao gắn liền với sự nghiệp anh hùng của Ngô Tam Quế.

Tôi lân la cố ngắm thật kỹ thanh đao, theo chú dẫn nặng 27,5 kg, dài gần 2 mét được rèn từ một loại thép đặc biệt. Cán đao làm bằng gỗ quý, nạm ngọc, mặt đao sắc như vừa mài. Có phải thanh đao lầm lỳ, vô tri kia từng làm rơi hàng vạn đầu quân giặc dưới tay Ngô Tam Quế? Cứ nghĩ đến khối lượng khổng lồ nằng nặng kia một người bình thường vác đã là quá khó nhọc, huống chi là thanh đao cầm một tay, trên lưng chiến mã, vung lên chém đầu giặc.
 
Người đến thăm Hoa Đình Tự, Thái Hòa Cung, Kim Điện dù chân chồn, gối mỏi vẫn phải ráng sức lên đến Minh Chuông lầu cao 30 mét. Đây là chiếc chuông lớn đứng thứ 3 ở Trung Quốc. Từ bao lơn tầng cao, khách tha hồ phóng tầm mắt nhìn ra cả một vùng rộng lớn bao quanh và sự uy nghi hùng vĩ, của núi non, sông nước và thành phố mùa xuân, vừa cảm nhận được sự siêu thoát, thanh nhàn.

Nam Yên
[links()]
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn