Cớ sao kiếp này bạn bị bệnh tật và gặp tai ương?

( PHUNUTODAY ) - Những điều xấu gây ra trong quá khứ không hề mất đi sau khi chúng ta chết. Gieo gì thì gặt nấy. Nghiêp lực đời trước sẽ gây ra đau khổ trong đời này. Ngày xưa có câu “thiện ác hữu báo” được truyền lại qua nhiều thế hệ, cũng chính là giải thích về quy luật nhân quả trong cuộc sống.

Con người trong mê mờ khi gặp bệnh tật và tai ương thì đều kêu than Trời đất, tìm mọi cách để thoát khổ; lại không biết rằng tất cả mọi chuyện xảy đến trong đời đều có nguyên do.

Đây là câu chuyện nhân quả báo ứng xảy ra thời xưa. Có một người đàn ông họ Đặng đột nhiên phát bạo bệnh, chạy chữa khắp nơi mãi vẫn không khỏi. Người này tưởng chừng không còn hy vọng thì được giới thiệu một vị danh y nổi tiếng. Tuy nhiên danh y lại ở trong núi sâu rừng thẳm, mất nhiều ngày trời chưa chắc đã tới nơi.

Quyết tâm cầu được thần y trị khỏi bệnh để được sống tiếp, họ Đặng đã thuê một số người khỏe mạnh mang cáng khiêng mình lên núi cầu thần y. Vượt qua bao ngày đêm gian nan cực khổ, mối đe dọa rình rập từ thú dữ, cuối cùng những phu khiêng cáng không chịu nổi đã bỏ lại họ Đặng mà xuống núi. Một mình bơ vơ giữa núi rừng hiểm trở, họ Đặng quyết tâm tự mình dốc sức cùng lực cạn để bò lên tiếp.

kiep-doi-nguoi phunutoday

 

Được một đoạn thì ngất đi. Khi tỉnh dậy họ Đặng thấy mình nằm trên giường ở một nơi khá kỳ lạ, mờ mờ ảo ảo. Xoa xoa mắt một lát thấy trước mặt là một người có phong thái phi phàm thoát tục, họ Đặng đoán đó chính là thần y mình cần tìm. Mừng không lời tả xiết, họ Đặng vội lấy sức xuống giường bái lạy, cầu xin thần y cứu chữa.

Thần y không nói không rằng, ra hiệu bảo họ Đặng nhìn vào tấm gương lớn treo trên vách đá ngay cạnh. Trong tấm gương đó, họ Đặng thấy một người đang ra sức đấm đá người khác, còn lấy vật gì đó như cái chùy giã vào đầu nạn nhân.

Tiếp đến họ Đặng lại thấy một người phụ nữ trong lúc chồng bệnh nặng không những không chăm sóc còn đi ra ngoài gian díu với người khác…

Họ Đặng coi xong mấy cảnh đó không hiểu là ai, bèn chắp tay cung kính hỏi thần y. Thần y khi ấy mới đáp: “Những gì các hạ vừa thấy chính là kiếp trước của bản thân. Bởi vì đời trước đã phạm tội nghiệp nên đời này phải trả. Càng nhiều nghiệp sẽ càng phải chịu khổ để hoàn lại. Nhân quả báo ứng là quy luật Đất Trời, không ai có thể chống nổi”.

Họ Đặng nghe xong thất kinh, tay chân bủn rủn, nghĩ mình như vậy là tới số rồi, đành buồn bã chờ chết. Tuy nhiên thần y nói tiếp: “Thần Phật có đức hiếu sinh, nếu các hạ hiểu được luật nhân quả nghiêm minh mà đời này tu tâm dưỡng tính để hoàn trả nghiệp thì sẽ được cứu”.

Họ Đặng nghe vậy như được tưới nước cam lồ, cung kính cảm tạ thần y và từ đó ở luôn trên núi gạt bỏ mọi hồng trần, một lòng dốc tâm tu luyện, hoàn trả hết nợ nghiệp và viên mãn.

Tại sao một số người sinh ra được may mắn hạnh phúc, còn những người khác lại chịu bất hạnh rủi ro từ lúc mới chào đời?
Phải chăng tất cả các sự sai khác này là do di truyền và hoàn cảnh?

Theo Phật giáo, sự sai biệt này không chỉ do di truyền, hoàn cảnh, bẩm sinh và dưỡng dục, mà còn do nghiệp của chính chúng ta. Nói cách khác, do kết quả của những hành động quá khứ được thừa hưởng và những hành vi hiện tại của chúng ta.

Chính chúng ta phải chịu trách nhiệm về những hành động của chúng ta về hạnh phúc và đau khổ. Chúng ta xây nên địa ngục của chúng ta. Chúng ta là kiến trúc sư của số phận chúng ta, hay nói tóm lại, chúng ta chính là nghiệp của chúng ta.

Còn theo quan điểm của Hòa thượng Tuyên Hóa, mang bệnh là do nghiệp nặng từ kiếp quá khứ, nếu như không thế, đương sự tất không bị quái tật. Ða số những người mang quái tật trong mình là do trong kiếp quá khứ ham lợi dụng người mà không muốn bị thua thiệt; hoặc giả họ là những người bỏn xẻn, không muốn mất cho ai một xu, không biết giúp đỡ người nghèo.

Tất cả họ chỉ nghĩ về mình, không biết tới ai khác, luôn luôn ích kỷ tự lợi, thấy lợi quên điều nghĩa, càng ngày càng ngập thêm nghiệp chướng nên mới dẫn tới bệnh lạ trong kiếp này.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn