Thiện duyên của đời người là gì?

( PHUNUTODAY ) - Trên đời này, không có gì có thể tồn tại một cách cô lập. Ngay cả hòn đá tảng vững chắc, trơ lì cũng cần kết thiện duyên, huống gì là con người chúng ta?

 Có một lần đức Phật Thích Ca cùng các đệ tử của mình đi đến một bờ sông lớn, nước chảy cuồn cuộn như muốn nhấn chìm mọi vật. Ngài cúi người xuống nhặt một hòn đá lớn bên bờ sông lên rồi hỏi chúng đệ tử: “Bây giờ nếu ta ném hòn đá này xuống sông, các con cho ta biết, nó sẽ chìm hay nổi?”. 

Mọi người ngơ ngác nhìn nhau tỏ ý khó hiểu. Đá xuống nước sẽ chìm là điều hiển nhiên, sao lại còn hỏi, phải chăng là đức Phật Thích Ca có hàm ý gì? Tuy nhiên lời Ngài nói thì không thể là nghịch lý nên chúng đệ tử bèn đáp:

“Dạ thưa sư phụ, đá sẽ chìm ạ”.

Phật Thích Ca nghe xong khẽ thở dài một tiếng rồi nói: “Vậy là hòn đá này không có thiện duyên rồi”.

trong-cay-vao-da-tang-dung-trong-cong-vien

Nghe vậy, chúng đồ đệ lại càng cảm thấy khó lý giải hơn nữa: Đá kia mà rơi xuống nước thì chìm là điều tự nhiên, lẽ nào lại còn có hòn đá có thiện duyên, có thể không chìm sao?

Phật Thích Ca mỉm cười, nhìn các đệ tử của mình và từ tốn nói:

“Để ta kể cho các con nghe câu chuyện này. Có một tảng đá rộng ba thước, khi cho xuống nước nó không những không chìm mà lại còn có thể qua được sông, sang bờ bên kia, thậm chí một giọt nước cũng không dính vào. Mọi người ai có thể cho ta biết nguyên nhân tại sao không?”.

Chúng đệ tử nghe vậy lại càng cảm thấy làm rối trí hơn nữa, thảy đều đánh mắt nhìn nhau, không ai có thể đưa ra được lời giải đáp. Sau cùng mọi người đành phải thỉnh mời đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng giải.

Phật Thích Ca bèn nói: “Đạo lý này kỳ thực cũng rất đơn giản, tảng đá đó nó gặp được thiện duyên. Vậy điều gì là thiện duyên của nó? Đó chính là chiếc thuyền, tảng đá đó được đặt lên trên chiếc thuyền lớn đưa qua sông, ắt sẽ không bị chìm, bản thân nó cũng không bị ướt. Con người sống tại thế gian cũng lại như thế, chỉ có gặp được thiện duyên mới có thể có được tương lai tốt đẹp, mới có thể làm lên việc tốt, mới có thể thành người tốt. Nếu không thì chỉ có thể làm việc xấu, thành người xấu. Vậy nên, nhân sinh tại thế, nên tìm cho mình một minh sư để dẫn dắt cuộc đời và biết đi theo chính Pháp, giúp mình tìm ra chân lý của sinh mệnh, đây chính là thiện duyên của con người”.

tran-quy-cuoc-song

Trong xã hội hiện thực có rất nhiều người sau mấy chục năm sống bận rộn, vội vàng, một ngày quay đầu nhìn lại, bỗng nhiên phát hiện ra bản thân mình đã bỏ lỡ hay đánh mất đi rất nhiều thiện duyên vốn có thể “tiện tay” mà tạo dựng nên được.

Trong cuộc sống rất nhiều áp lực và phiền não, có lẽ điều người ta thường xem nhẹ nhất chính là việc tìm kiếm thiện duyên. Đối với hết thảy những điều đang phát sinh, người ta thường dùng quan niệm cố hữu để bắt bẻ, chế giễu. Trong biển người mênh mông, thế sự rối ren giữa danh lợi tình này, có bao nhiêu người truy tìm nơi trở về cho tâm linh của mình? Có bao nhiêu người dù đã gặp trong đường đời nhưng lại lỡ mất cơ duyên của mình?

Có lẽ mỗi người trần thế đều ước mong được thoát khỏi sự hỗn loạn, ồn ào trong xã hội hiện thực, hoặc có thể đang tìm kiếm con đường thoát khỏi sự cô độc và lạnh lẽo trong nội tâm. Nhưng khi quý nhân đến gần bên cạnh, thì có bao nhiêu người có thể nhận ra và trân quý thiện duyên trong sinh mệnh của mình đây?

Quý trọng, trân quý thiện duyên chính là dụng tâm lắng nghe lời khuyến thiện của người khác, hành thiện giúp người. Bản thân không phải trả công gì, còn có thể quảng kết thiện duyên, cớ sao lại bỏ lỡ? Ai có thể quảng kết thiện duyên, người ấy chính là đã có đò ngang cho sinh mệnh của mình, có thể đưa sinh mệnh của mình đến một tương lai tươi đẹp hơn.

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn