Điểm tin mới ngày 25/7: Phát hiện sai phạm tại quán ăn bị tố "chặt chém" khách ở Đà Nẵng

( PHUNUTODAY ) - ơ quan chức năng phát hiện, quán ăn Mười Đô ở Đà Nẵng bán quá giá so với niêm yết nên bị khách du lịch tố "chặt chém".

Nhà hàng bị khách tố "chặt chém" ở Đà Nẵng bán quá giá niêm yết

Ngày 24-7, ông Trần Kim, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 4 – Chi cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng cho biết đã tiến hành kiểm tra quán ăn M.Đ (đường Trần Bạch Đằng, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) do khách du lịch tố quán này "chặt chém" khách. Kết quả kiểm tra cho thấy quán M.Đ bán quá giá một số món ăn so với giá niêm yết.

1

Con cá chim này được cho là có khối lượng 1,2kg nên có giá 600 ngàn đồng

Cụ thể, hóa đơn do khách Đào Thị Thu Hiền (ngụ TP Hà Nội) ăn trưa tại quán Mười Đô vào ngày 21-7 có tổng số tiền là hơn 6,1 triệu đồng. Trong này, hóa đơn ghi giá 1 con cá chim là 600 ngàn đồng, 1 dĩa mực 500 ngàn đồng, 1 dĩa thịt ram mặn 120 ngàn đồng, 1 dĩa trứng chiên 50 ngàn đồng.

Khi cơ quan chức năng kiểm tra giá niêm yết tại quán ăn thì phát hiện quán Mười Đô bán quá giá ở 2 món ăn gồm thịt ram mặn và trứng chiên, mỗi món quá 20 ngàn so với giá niêm yết.

2

 

3

Kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng Đà Nẵng

Những món còn lại theo lý giải của quản lý nhà hàng thì trên hóa đơn không ghi rõ khối lượng nên thực khách hiểu nhầm. Theo giải thích của bà Trần Diệu Linh, quản lý nhà hàng M.Đ thì một con cá chim trong hóa đơn có khối lượng 1,2kg, giá niêm yết 1kg cá chim là 500 ngàn đồng. Chính vì thế dĩa gồm 1 con cá chim được tính là 600 ngàn đồng.

Ông Trần Kim cho biết thêm sau khi kiểm tra, đội đã lập biên bản ghi nhận tình hình sau đó sẽ tiến hành mời giám đốc quán ăn đến làm việc và tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 23-7, du khách Đào Thị Thu Hiền đăng trên trang Facebook cá nhân tố quán M.Đ "chặt chém" khách với hóa đơn hơn 6,1 triệu đồng cho một bữa ăn gia đình gồm 15 người lớn và 12 trẻ em.

Vụ 2 người phụ nữ bán tăm bị đánh ở Sóc Sơn Chủ tài khoản FB đăng clip lên tiếng thanh minh

Ngày 22/7, ở thôn Thái Phù, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, bà Mai - người chứng kiến 2 người phụ nữ chạy đến cầu cứu khi bị hàng trăm người dân quây đánh cho biết, thời điểm đó có hàng trăm người dân tập trung khu vực hiện trường. Do số lượng người tập trung quá đông nên vợ chồng bà Mai không dám ra can ngăn.

1

Bà Mai là người chứng kiến 2 phụ nữ bán tăm bị hành hung

“Lúc đó, nhóm người quá hung hãn nên chúng tôi không dám ra can ngăn vì sợ nếu can thì người ta hiểu nhầm mình là đồng bọn sẽ lao vào đành luôn cả mình. Do họ tập trung đông và hung hãn nên tôi rất sợ, bản thân lại bị bệnh nên sau khi mọi ngươi rút đi, tôi đã bị ngất xỉu và ngày hôm sau gia đình đưa đi bệnh viện và đến chiều hôm qua (23/7), mới đưa về nhà", bà Mai sợ hãi kể lại.

Gia đình bà Mai cũng cho hay, do nhiều người dân hung hãn nên đã đập phá hư hỏng chiếc ghế nhựa trong gia đình và một vài chiếc bóng điện.

2

Khu vực 2 người bán tăm bị đánh oan

Chị Trang (trú tại thôn Thái Phù, xã Mai Đình, một trong những người đăng tải sự việc nghi bắt cóc trẻ em lên facebook) cho hay, vào thời điểm gần trưa ngày 22/7, khi chị đang trông con ở nhà thì thấy có đông người tụ tập ở khu vực gần nhà.

Thấy vậy, chị Trang liền ra xem có chuyện gì thì phát hiện 2 người phụ nữ lạ có nhiều biểu hiện bất thường.

"Khi đó, tôi có hỏi hai cô này nếu các cô có giấy tờ liên quan đến việc bán tăm bỏ ra cho mọi người cùng biết. Tuy nhiên, hai cô này không bỏ các giấy tờ ra. Lúc đó, tôi có quay video khoảng hơn 5 phút thì sau đó gỡ xuống.

Sau đấy, ông bà nội gọi về nhà trông con nên tôi chạy về. Sự việc về sau như thế nào tôi không nắm rõ. Vì bản thân tôi cũng có 2 con nhỏ nên gia đình lúc nào cũng rất đề phòng. Mặc dù địa phương chưa bao giờ xảy ra việc bắt cóc trẻ em", chị Trang nói.

3

Chị Trang, người quay lại clip kể lại sự việc

Danh tính 2 người phụ nữ được xác định là Lê Thị B. (SN 1977, ở xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) và Nguyễn Thị Ph. (SN 1965, ở xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội), là thành viên của Hợp tác xã tình thương huyện Mỹ Đức.

Phát hiện bộ xương người nghi của người phụ nữ bị mất tích 10 năm

Chiều 24-7, đại tá Nguyễn Văn Bôn, Trưởng Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện đơn vị đang tạm giữ hình sự đối với Y Nơn H'Mốk, sinh năm 1970, ngụ buôn M'lớt, xã Ea Bông, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk để điều tra về hành vi "Giết người".

1

Hiện trường phát hiện bộ xương người

Trước đó, vào trưa ngày 23-7, trong lúc đi đào đất để làm gạch, người dân tá hỏa khi phát hiện một bộ xương người cùng một số vật dụng cá nhân được cuốn vào chiếu chôn sâu dưới lòng đất. Ngay lập tức, người dân đã trình báo lên lực lượng chức năng.

Nhận được tin báo, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk phối hợp cùng một số cơ quan chuyên môn đến khám nghiệm hiện trường, điều tra, làm rõ.

Qua xác minh, cơ quan chức năng xác định, khu đất này trước đây do Y Nơn H'Mốk và chị là H'Rum B'Krông, sinh năm 1970, vợ của Y Nơn sinh sống. Đồng thời, vào năm 2007, gia đình chị H'Rum đã đến cơ quan chức năng trình báo, chị H'Rum bỗng dưng mất tích.

2

Y Nơn tại cơ quan điều tra

Nghi ngờ Y Nơn có liên quan, chiều cùng ngày, cơ quan chức năng đã mời Y Nơn đến trụ sở làm việc. Tại cơ quan điều tra, Y Nơn khai nhận, sau khi uống rượu say về, hai vợ chồng đã xảy ra mâu thuẫn với nhau. Sau đó, Y Nơn đã đánh chết vợ và chôn xác sau nhà.

Gia đinh các bé bị sùi mào gà gửi đơn kêu cứu lên Phó Thủ tướng

Gia đình của hơn 70 bệnh nhi ở Hưng Yên bị mắc sùi mào gà nghi do lây nhiễm trong quá trình điều trị hẹp bao quy đầu tại phòng khám tư của bà Hoàng Thị Hiền vừa có đơn kêu cứu gửi lên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Phó thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Y tế; Bộ trưởng Bộ Công an và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cùng một loạt cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên, các cơ quan báo chí và truyền thông.

Đơn viết: “Chúng tôi là tập thể những cha mẹ các cháu có con bị bệnh sùi mào gà sau khi tiến hành nong tách bao quy đầu tại cơ sở y tế “chui” của y sĩ Hoàng Thị Hiền tại thôn 5 Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Chúng tôi làm đơn này khẩn thiết mong Phó Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương, địa phương có chỉ đạo, vào cuộc để đòi lại công bằng cho con em chúng tôi”.

1

Đơn kêu cứu của các gia đình có con mắc sùi mào gà sau cắt bao quy đầu tại huyện Khoái Châu, Hưng yên 

Theo đó, từ tháng 2 đến tháng 3 năm 2017, các gia đình đã đưa các cháu nhỏ đến nhà bà Hoàng Thị Hiền để thăm khám và làm thủ thuật nong tách bao quy đầu. Đặc biệt, khi gia đình đến mua thuốc ho, khám viêm họng, bà Hiền tự ý vạch quần các bé, xem bộ phận sinh dục của các cháu và dọa “nếu không nong tách bao quy đầu, các cháu sẽ bị ung thư, vô sinh”.

“Bà Hiền lấy danh nghĩa “bác sĩ chuyên khoa nhi” của một bệnh viện uy tín trên Hà Nội để lừa người nhà bệnh nhân. Khi tiến hành nong tác bao quy đầu cho các cháu, bà Hiền chỉ sử dụng một gang tay cao su để tiến hành thủ thuật cho rất nhiều cháu (một tay đeo găng, một tay không). Chiếc panh và kéo dung để tiểu phẫu được lấy từ chiếc khay không hề khử trùng. Bà dung đôi gang tay và chiếc kéo đó làm cho rất nhiều cháu, không khác gì cắt tỉa cây cảnh” – Đơn tập thể của các gia đình nêu rõ.

Với mỗi lần chữa trị, bà Hiền lấy từ 1 triệu đến 2 triệu đồng. Cũng theo đơn này, sau khi nong tách bao quy đầu tại cơ sở y tế chui của bà Hiền, bộ phận sinh dục của các cháu bị sưng tấy, nổi nhiều nốt. “Chúng tôi rất hoang mang nên đã đưa con đến bệnh viện da liễu Trung ương để thăm khám thì rất đau xót khi bác sĩ thông báo con chúng tôi bị mắc bệnh sùi mào gà.” – các phụ huynh đau xót viết.

Cha mẹ của các bé bị sùi mào gà cũng chia sẻ, suốt hai tháng nay, gia đình họ vô cùng lo lắng cho sức khỏe và tương lai của các cháu. “Có cháu nhỏ chỉ mới vài tháng tuổi đã phải chịu đau đớn, trong quá trình điều trị đốt sùi mào gà. Các cháu quấy khóc đêm ngày, trong giấc ngủ vì đau đớn nhiều khi giật thót mình. Chưa kể sự kỳ thị của hàng xóm và bạn bè là tổn thương rất lớn về mặt tâm lý, tinh thần và đi theo suốt tuổi thơ của các cháu.” - sự hoang mang của các gia đình thể hiện qua lá đơn kêu cứu.

“Là bố mẹ, chúng tôi rất ân hận và đã trao con mình cho “quỷ dữ”, cơ sở y tế “chui” của bà Hiền. Chúng tôi đều là nông dân, công nhân, điều kiện gia đình khó khăn, không tiếp cận với thông tin, cơ sở khoa học để có thể chăm sóc an toàn cho các cháu bị bệnh.

Hơn nữa, nhiều tháng nay, chúng tôi đã phải nghỉ việc ở công ty, bỏ bê việc gia đình, ruộng vườn, bái tài sản để đưa con đi khám và điều trị ở Hà Nội. Việc chữa trị này chi phí rất tốn kém, nhiều nhà đã phải vay mượn người thân, bạn bè để có đủ tiền chữa trị cho con. Có những trường hợp chi phí chữa bệnh lên đến 80 triệu đồng, trung bình một trường hợp chi phí chữa trị mất khoảng 20-30 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau khi sự việc xảy ra, khi đối chất với các gia đình, bà Hiền đã trả lời “không biết các cháu bị mắc bệnh sùi mào gà là những ai”.

“Thiết nghĩ, với những hành vi này, bà Hiền không còn xứng đáng với danh nghĩa “Lương y như từ mẫu”, trái với y đức. Việc bà Hiền ngang nhiên chữa trị, làm thủ thuật cũng có dấu hiệu vi phạm quy định tại Điều 242 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 về vi phạm các quy định khám, chữa bệnh gây hậu quả nghiêm trọng”- lá đơn kêu cứu viết và đề nghị “Lãnh đạo Chính phủ, Bộ, Ban, ngành trung ương và địa phương có những chỉ đạo sát sao, vào cuộc làm rõ trách nhiệm của Y sĩ Hoàng Thị Hiền trước pháp luật”.

Thêm 1 vụ tung tin ‘vịt’ bắt cóc trẻ em lên Facebook ở Cao Bằng

Chủ tịch UBND xã Quang Trung (huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) Lục Văn Tuyên vừa có văn bản số 43/BC-UBND báo cáo lãnh đạo huyện Hòa An và công an huyện về thông tin vụ bắt cóc trẻ em tại xã này.

Trong văn bản gửi các cơ quan trên, Chủ tịch xã Quang Trung cho biết, ngày 19/7, trên mạng xã hội Facebook (tài khoản Nga Phuong Le) có địa chỉ ở Hải Phòng đăng nội dung bắt cóc trẻ em xảy ra tại xóm 8, xã Quang Trung.

Sau khi nhận được thông tin đăng tải trên mạng xã hội Facebook, UBND xã Quang Trung đã giao công an xã xác minh. Chủ tịch xã Quang Trung cho hay: “Kết quả xác minh cho thấy, tại xã Quang Trung không có xóm 8 và không có việc trẻ em bị bắt cóc. Việc đăng tải thông tin trên mạng xã hội là không đúng sự thật”.

Trước đó, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện hình ảnh và thông tin cho rằng, có khoảng 6 đối tượng mạo danh là nhân viên tiếp thị nước ngọt đến xóm 8, xã Quang Trung để rình bắt cóc trẻ em. Sau đó, nhóm đối tượng này đánh đập dã man 2 cháu nhỏ. Nghe tiếng kêu cứu, người dân địa phương nhanh chóng đến giải cứu và bắt giữ 2 đối tượng. Các đối tượng khác nhanh chân chạy thoát.

1

 Văn bản báo cáo về thông tin bắt cóc trẻ em bịa đặt ở xã Quang Trung

Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn (trung tâm Nghiên cứu tội phạm học, viện Khoa học cảnh sát, học viện Cảnh sát Nhân dân) nhìn nhận: Thông tin bắt cóc trẻ em có từ nhiều năm trước nhưng gần đây được lan truyền trên mạng xã hội một cách quá mức, không kiểm chứng để câu like... dẫn đến việc nhiều người dân kém hiểu biết tưởng thật. Vì lo lắng thái quá, người dân có hành động đề phòng, cảnh giác thái quá, nghi ngờ thiếu căn cứ.

Chính vì thế mới xảy ra chuyện, một số người bình thường đi mua bán hàng hóa, bán tăm, phun thuốc diệt muỗi, xin việc làm… trong một số trường hợp bị nghi bắt cóc trẻ em; bị đánh oan hay kể cả hành động quá khích đốt xe, hủy hoại tài sản ở Hải Dương... Trước thực trạng trên, Đại tá Thìn cho rằng, cần phải tuyên truyền bằng nhiều cách để những người dân hiểu được đồng thời xử lý nghiêm tạo tính răn đe.

Mới đây nhất, vụ việc 2 người phụ nữ đi bán tăm tình thương bị một số người đánh dã man do nghi ngờ bắt cóc trẻ em xảy ra tại xã Mai Đình (Sóc Sơn, Hà Nội) đã khiến dư luận bức xúc. Hiện tại, Công an đã triệu tập một số người liên quan đến việc hành hung 2 người này.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn