Điều mẹ cần làm trước khi đi tiêm phòng cho con

( PHUNUTODAY ) - Trước khi tiêm phòng cho con thì bậc phụ huynh cần phải làm gì và có những lưu ý gì trước khi đưa con đi tiêm phòng?

Những điều cần chuẩn bị cho trẻ trước khi tiêm

1. Kiểm tra lại tình trạng sức khỏe của bé

Để đảm bảo bé có thể thực hiện được mũi tiêm, bạn nên kiểm tra lại thông tin sau:

Trong 3 ngày gần đây bé có sốt hay không?

Nếu là bé sơ sinh thì cân nặng của bé có đủ 2,5 kg chưa?

Bé có đang bệnh hay không? Nếu bé có sốt hoặc dưới 2,5 kg thì chưa thể tiêm ngừa được. Nếu bé đang bệnh thì bạn cần nói rõ các triệu chứng để bác sĩ thăm khám và quyết định xem bé có thể tiêm được không.

2. Mang theo tất cả sổ tiêm chủng và phiếu tiêm chủng của bé

Sổ tiêm chủng và phiếu tiêm chủng vô cùng quan trọng khi đưa trẻ đi chủng ngừa vì trong sổ và phiếu sẽ ghi đầy đủ mũi tiêm mà trẻ đã được thực hiện trước đây. Điều này giúp rất nhiều cho bác sĩ khi tham vấn để hỗ trợ phụ huynh lựa chọn phương án chủng ngừa tối ưu cho trẻ tiêm nhắc, tiêm bù các mũi bỏ sót, tiêm thêm những mũi còn thiếu.

18.dieu-me-can-lam-truoc-khi-tiem-phong-cho-con-phunutoday.vn

 

Các trường hợp không nên cho trẻ đi tiêm văcxin

+ Trẻ co giật hoặc sốc trong vòng 72 giờ sau khi tiêm. Những trường hợp này sẽ không bao giờ được tiêm loại văcxin này lần thứ 2.

+ Trẻ đang uống thuốc corticoid với liều ≥ 2 mg/kg/ngày, hoặc ≥ 20 mg/ngày, kéo dài từ 14 ngày trở lên.

+Trẻ đang mắc các bệnh cấp tính nặng hoặc trung bình.

+ Trẻ đang sốt ≥ 38,5 độ C.

Chăm sóc, theo dõi trẻ sau chủng ngừa

+  Chăm sóc trẻ

Tiếp tục cho bú mẹ hoặc uống thêm nước. Cho trẻ uống thuốc hạ sốt - giảm đau paracetamol nếu trẻ sốt hay quấy khóc với liều thuốc là 10-15 mg cho mỗi kg cân nặng của trẻ. Chườm khăn thấm nước lạnh sạch vào vị trí tiêm nếu có sưng đau.

Không nên:

Hạ sốt bằng thuốc aspirin và nặn chanh, đắp khoai, kiêng tắm rửa vì dễ gây nhiễm trùng.

+  Theo dõi trẻ

Các phản ứng có thể gặp sau tiêm: sốt, sưng, nóng, đỏ, đau ngay vị trí tiêm. Những trường hợp này có thể chăm sóc và theo dõi tại nhà.

Đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi có một trong những dấu hiệu sau: Sốt cao ≥ 38,5 độ C; nổi ban; các triệu chứng sốt, sưng đau tại chỗ, quấy khóc, bú kém… nặng hơn hoặc kéo dài trên 24 giờ; co giật; tím tái.

Một số lưu ý khác:

+ Các bà mẹ cần chủ động thông báo về tình trạng sức khỏe của con mình như: đang ốm, sốt, sinh non, tiền sử dị ứng, có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước và đề nghị được cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe của con mình trước khi tiêm.

+ Sau tiêm chủng trẻ có thể có một số biểu hiện thông thường như sốt, đau hoặc sưng tấy tại chỗ tiêm, quấy khóc v..v.Các bà mẹ nên chú ý đến trẻ hơn và đưa trẻ tới cơ sở y tế nếu thấy các phản ứng kéo dài trên 1 ngày.

+  Khi trẻ sốt cao các bà mẹ có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt nhưng phải có chỉ định và hướng dẫn của cán bộ y tế.

+  Những phản ứng nặng sau tiêm chủng thường hiếm gặp, như sốc phản vệ với tỷ lệ 1/1 triệu liều vắc xin và sẽ qua khỏi nếu được phát hiện và xử trí kịp thời.

+  Nếu cha mẹ không yên tâm về tình trạng sức khỏe của con mình sau khi tiêm cần trực tiếp đến gặp cán bộ y tế để được tư vấn cách chăm sóc trẻ.

+  Nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường như sốt cao, quấy khóc kéo dài, co giật, bỏ bú, khó thở, tím tái ...các bà mẹ cần đưa NGAY trẻ tới cơ sở y tế.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn