Điều nên làm sau khi tiêm phòng cho con

( PHUNUTODAY ) - Sau khi đưa trẻ đi tiêm phòng về, các bậc phụ huynh có biết nên làm gì hay không? Để có thể cung cấp những thông tin cho các bậc phụ huynh thì hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những thông tin ngay dưới đây.

Trẻ thường xuất hiện đau, rát, sốt khi tiêm phòng

Hiện tượng trẻ đau, sốt, quấy khóc là chuyện thường gặp sau tiêm phòng. Nhưng theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hằng, bệnh viện Nhi Trung ương, sốt hay quấy khóc sau tiêm chủng là hiện tượng hoàn toàn bình thường. Bởi lẽ, riêng chuyện tiêm đã gây đau và khiến trẻ khó chịu. Bên cạnh đó, khi đưa vắc-xin vào người, nó sẽ gây phản ứng đầu tiên là sưng tại chỗ, sau đó là gây sốt (vì cơ thể nhìn nhận vắc-xin như một tác nhân lạ và phản ứng lại để chống nhiễm trùng). Khi trẻ sốt, cơ thể khó chịu, lại có cảm giác sưng đau ở vết tiêm thì em bé quấy khóc là điều đương nhiên nên không có gì phải lo lắng quá mức.

Bác sĩ Hằng cho biết thêm, các phản ứng này sẽ xảy ra sau khi tiêm một vài tiếng. Thông thường, trẻ chỉ bị sốt nhẹ, song cũng có trường hợp sốt cao trên 39 độ kèm tình trạng vật vã. Các biểu hiện này nhìn qua có vẻ “dữ dội”, nhưng thực chất, nó có thể tự biến mất sau đó khoảng 1-2 ngày mà không cần biện pháp hỗ trợ nào.

Một số dấu hiệu khác sau khi tiêm phòng mà trẻ có thể gặp phải

19.nhung-dieu-can-lam-sau-khi-tiem-phong-cho-tre-phunutoday.vn

 

Ngoài các biểu hiện trên, có một số trường hợp, trẻ bị nổi cục bằng hạt đậu, ngứa xung quanh vết tiêm. Một số trẻ từ 3-6 tháng tuổi còn gặp phải hội chứng rên la kéo dài, nghĩa là sau khoảng 6-10 tiếng sau khi tiêm, trẻ bỗng phát ra những tiếng rên rỉ, thậm chí là la hét to.

Nhiều bố mẹ thấy những biểu hiện lạ như vậy vô cùng hốt hoảng, song đây cũng chỉ là một trong những phản ứng phụ của tiêm phòng và có thể tự hết.

Một số mẹo giảm đau cho trẻ

+ Nếu vết tiêm sưng và khiến trẻ đau nhiều, bố mẹ có thể bọc viên đá vào khăn xô sạch rồi nhẹ nhàng chườm lên vết tiêm cho trẻ. Với cách này, bố mẹ không nên làm liên tục vì sẽ khiến trẻ cảm thấy khó chịu và khóc nhiều hơn (tốt nhất chỉ nên thực hiện 2-3 lần/ngày). Trước khi chườm lạnh, đừng quên rửa tay sạch sẽ để tránh nhiễm khuẩn.

+ Với những trẻ vẫn còn bú mẹ, hãy cố gắng cho trẻ ti nhiều hơn bình thường. Việc ngậm ti mẹ sẽ khiến bé cảm thấy thư giãn, thoải mái và quên đi vết đau.

+ Còn trong trường hợp trẻ sốt cao hơn 38,5 độ, bố mẹ có thể sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt một thành phần duy nhất là paracetamol để giúp con hạ nhiệt và bớt mệt mỏi trong người. Nếu sử dụng biện pháp chườm, bạn cần chườm nóng chứ tuyệt đối không được chườm lạnh. Nếu trẻ sốt 39 độ C trở lên, tốt nhất nên cho trẻ đi khám bác sĩ.

+ Ngoài ra, sau khi tiêm, bạn nên cho con mặc quần áo rộng rãi, thoải mái, tránh mặc quần áo bó gây cảm giác bí bách, khó chịu, nhất là vào những ngày nóng.

Khi nào cần đưa trẻ đi khám bác sĩ

- Sốt cao từ 39 độ C trở lên.

- Người ốm yếu, sắc mặt nhợt nhạt.

- Trong trạng thái lơ mơ, bỏ bú, bỏ ăn.

- Khóc liên tục trong hơn 3 giờ đồng hồ.

- Nôn mửa, đại tiện ra máu.

- Xuất hiện phát ban.

- Co giật.

- Sốt liên tục trong hơn 48 giờ.

Một số chú ý khi cho trẻ đi tiêm phòng

Chú ý lứa tuổi tiêm ngừa

Đối với các trẻ nhỏ hơn 12 tháng việc tiêm ngừa nên được thực hiện theo yêu cầu của chương trình y tế quốc gia.

Trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên việc tiêm ngừa trong chương trình tiêm chủng quốc gia không còn tiếp tục nữa, khi đó các bạn nên đưa con em của mình đến các trung tâm tiêm ngừa để được tiêm các loại vắc xin khác cần thiết cho trẻ như:

Tiêm nhắc lại Bạch hầu-Ho gà-Uốn ván-Bại liệt; tiêm nhắc lại Viêm gan siêu vi B; Viêm màng não mủ do HIB; Viêm não Nhật Bản; Viêm màng não mủ do não mô cầu A+C; trái rạ ; Sởi - Quai bị- Rubella; thương hàn; cúm; viêm màng não-viêm phổi do phế cầu…

Để ý đến tình trạng sức khoẻ của bé

Các trường hợp sau đây vẫn có thể cho trẻ tiêm ngừa như thường lệ: trẻ bị sốt nhẹ; trẻ đang bị tiêu chảy nhẹ; trẻ bị suy dinh dưỡng; trẻ bị ho, chảy mũi… mà hiện không có sốt; trẻ đang mọc răng; đang được đi du lịch…

Trường hợp nào không nên đưa trẻ đi tiêm ngừa

Trong một số trường hợp việc tiêm phòng có thể gây ra những phản ứng nguy hiểm cho trẻ. Những trường hợp này việc tiêm phòng sẽ được hoãn lại và chờ ý kiến quyết định của bác sĩ chuyên khoa. Những trường hợp đó gồm có:

Trẻ đang sốt cao; trẻ đang mắc bệnh nhiễm khuẩn cấp tính; đang bị viêm da mủ, hoặc bệnh chàm ngoài da (eczéma); trẻ đang mắc một bệnh mãn tính đang tiến triển như lao phổi, tràn dịch (có nước) màng phổi..., nhất là đang có bệnh ở thận (như viêm thận mạn tính...); trẻ mới khỏi các bệnh nói trên, nhưng còn đang trong thời kỳ hồi sức. 

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn