Hé lộ nguyên nhân thực về cái chết của Vua Đồng Trị

( PHUNUTODAY ) - Lâu nay, chính sử nhà Thanh đều chép Hoàng đế Đồng Trị chết vì bệnh đậu mùa. Tuy nhiên, thực tế là vị Hoàng đế thứ 9 của triều Mãn Thanh mắc bệnh giang mai mà chết. Và điều đáng nói hơn nữa là người đã đẩy Đồng Trị tới cái chết không ai khác chính là Từ Hy người thân sinh ra vị Hoàng đế này…


1. Năm Đồng Trị sắp sinh nhật lần thứ 18, cả hai bà mẹ là Từ Hy Thái hậu và Từ An Thái hậu bắt đầu lo lắng đến chuyện hôn nhân của vị Hoàng đế trẻ. Chọn ai để vừa có thể củng cố vây cánh của mình lại vừa có thể trở thành chiếc giây cột chặt Hoàng đế là điều khiến cả hai vị Thái hậu lo lắng không thôi. Sau khi đã chọn lựa kỹ càng, Thái hậu Từ Hy quyết định lựa chọn cô gái của Đại thần Phượng Tú.

 Từ Hy cho rằng, con gái Phượng Tú vừa đẹp vừa sắc sảo nhưng cử chỉ lại không hề ngả ngớn, lả lơi, rất xứng là một Hoàng hậu. Tuy nhiên, Từ An lại có ý khác. Vị Thái hậu hiền lành này lựa chọn cô con gái nhỏ của Thị lang Sùng Khởi. Cô gái này tuy không xinh đẹp vượt trội nhưng dung mạo lại đoan trang, hiền thục, nhìn cũng biết là con người phúc hậu. Mỗi vị Thái hậu chọn một người và ai cũng cho rằng lựa chọn của mình là đúng. Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng việc lựa chọn đành phó mặc cho Hoàng đế Đồng Trị tự mình quyết định.

Đồng Trị tuy là con ruột của Từ Hy, thường ngày ở cùng mẹ nhưng vì Từ Hy rất nghiêm khắc nên Đồng Trị sợ bà nhiều hơn yêu. Trong khi đó, Từ An là người hiền lành, ít tham vọng lại rất được lòng vị Hoàng đế này. Chính vì vậy, khi nghe hai vị Thái hậu đưa ra những lựa chọn của mình, Đồng Trị suy nghĩ hồi lâu rồi chỉ nói 3 chữ: A Lỗ Đắc.

A Lỗ Đắc chính là họ của Thị Lang Sùng Khởi. Vị Hoàng đế đã chọn cô gái mà Từ An lựa chọn với hy vọng mình sẽ có được một người vợ hiền thục như bà. Có điều, sự lựa chọn của ông đối với Từ Hy đã là một sự chống đối cuồng loạn khó có thể tha thứ. Từ Hy Thái hậu bắt đầu ghét A Lỗ Đắc lẫn Đồng Trị và Từ An từ đó. Và để trả thù, Từ Hy đã ra lệnh cấm không cho phép Hoàng hậu A Lỗ Đắc được gần gũi chăn gối Đồng Trị đồng thời buộc Đồng Trị phải thường xuyên gần gũi với Huệ phi, người con gái được Từ Hy lựa chọn.

Sự chia rẽ của Từ Hy đối với tình cảm của Đồng Trị và A Lỗ Đắc không những không giúp bà lấy lại được tình cảm của Đồng Trị. Ngược lại, việc cấm đoán và ép buộc của Từ Hy đã khiến Đồng Trị phẫn uất và chán ghét bà hơn.

Đã có lúc Đồng Trị bực tức, ôm chăn ra Cung Càn Thanh ngủ một mình. Thấy Đồng Trị  ngày ngày chán chường, đau khổ, bọn hoạn quan đã nhân cơ hội dụ dỗ rồi đưa vị Hoàng đế trẻ của mình bí mật ra khỏi cung tìm đến chốn lầu xanh kỹ viện trong kinh thành để ăn chơi. Sử nhà Thanh còn chép rõ, có nhiều lần Đồng Trị đi chơi qua đêm không kịp về buổi chầu sớm. Từ Hy Thái hậu trách mắng nhưng chỉ hai hôm sau, mọi chuyện lại “đâu vào đấy”.

Tuy nhiên, do ăn chơi sa đọa Đồng Trị nhanh chóng phải trả một cái giá cực đắt. Mới 20 tuổi nhưng sức khỏe Đồng Trị đã rất suy nhược, phần dưới cơ thể liên tục bị sưng tấy. Tuy nhiên, Đồng Trị chẳng thèm quan tâm, chặc lưỡi rồi tiếp tục với những cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng của mình.

Cho tới ngày 21/10 năm Đồng Trị thứ 13, tức năm 1874, khi tới vườn Tây Uyển, Đồng Trị bị gió lạnh. Ban đầu cơ thể chỉ hơi cảm thấy mệt mỏi, khó ở, tuy nhiên, sang ngày hôm sau, bệnh tình ngày một nặng thêm, nằm liệt trên giường không dậy nổi. Các thái y trong cung được huy động toàn bộ, chẩn đoán bệnh tập thể, tuy nhiên, mỗi người lại nói một phách, chẳng ai đưa ra kết luận cuối cùng. Trong khi đó, bệnh tình của Đồng Trị ngày một xấu thêm, các thái y trong cung buộc phải phân nhau túc trực phòng khi trường hợp cần kíp.

Mười ngày sau đó, bệnh tình Đồng Trị bỗng nhiên nặng thêm thấy rõ, tay chân không còn sức lực, toàn thân mềm nhũn, sốt cao, trên người xuất hiện rất nhiều các đốm màu đỏ. Thái hậu Từ Hy nghe tin giật mình, lẽ nào là bệnh đậu mùa? Thuận Trị cũng vì bệnh đậu mùa mà chết, Khang Hy cũng vì đã mắc bệnh đầu mùa từ trước mới được chọn làm Hoàng đế kế vị, có thể nói rằng triều đình nhà Thanh có ấn tượng cực kỳ khủng khiếp về căn bệnh này. Các thái y trong cung không dám nói rõ, tuy nhiên, ai cũng biết rằng căn bệnh mà Đồng Trị mắc phải không còn đáng sợ hơn bệnh đậu mùa gấp nhiều lần: đó là bệnh giang mai.

Căn bệnh hoa liễu lây lan qua đường tình dục này vào thời điểm đó không có cách nào để có thể trị khỏi, thậm chí cái chết mà nó gây ra cho người mang bệnh là cực kỳ thê thảm. Từ Hy hạ lệnh cho thái y cắt thuốc đậu mùa cho Đồng Trị. Đồng Trị hét lên trước mặt Từ Hy: “Trẫm không bị đậu mùa, người muốn hại Trẫm tới chỗ chết!”. Các thái y trong cung hết sức hồ nghi nhưng sợ mang vạ vào thân nên chỉ đành thực hiện theo lời của Từ Hy.

Hai vị Hoàng Thái hậu không ai muốn đem chuyện nhơ nhớp trong hậu cung công khai với dân chúng vì vậy tuyên bố với người bên ngoài rằng Đồng Trị mắc bệnh đậu mùa. Trong cung bắt đầu các nghi lễ cung phụng “nữ thần đậu mùa” để cứu tính mệnh của ông Vua đang chết dần chết mòn vì bệnh giang mai. Từ Hy ra lệnh cho “đón Nữ thần đậu mùa” về Điện Dưỡng Tâm, trong cung khắp nơi trải thảm đỏ, treo câu đối mắc đèn lồng để tạo không gian vui vẻ. Hai vị Thái hậu ngày đêm khẩn cầu, hy vọng “Nữ thần đậu mùa” sẽ sớm mang căn bệnh đậu mùa ra khỏi Hoàng cung.

Sau khi cung phụng ba ngày tại Điện Dưỡng Tâm, “Nữ thần đậu mùa” được hai vị Thái hậu tổ chức một buổi lễ “tống tiễn” linh đình ra cửa Đại Thanh, nơi chỉ dành cho Hoàng đế đi qua. Tiếp đó, người ta dùng thuyền giấy, vàng mã đốt cho “Nữ thần”, hy vọng vị “Nữ thần” nguy hiểm này sẽ theo ngọn lửa về trời, mang theo những vết thủy đậu đang lan khắp người vị Hoàng đế nhà Đại Thanh.

Tuy nhiên, hai vị Thái hậu đổ không biết bao nhiêu công sức mà dường như vẫn không lay động được “Nữ thần đậu mùa”. Các vết đỏ trên người Đồng Trị bắt đầu chuyển sang sẫm màu hơn, cả triều đình Đại Thanh bắt đầu lo lắng về kết cục thảm cảnh của ông Vua ăn chơi này.

Vào thời điểm đó, Đồng Trị đã không còn đủ sức để trông coi việc triều chính nữa, tuy nhiên, quan lại trong triều ai cũng chỉ biết bắt chước theo hai vị Thái hậu mà làm, chẳng mấy ai có thể tin cậy được. Đồng Trị nhiều lần đem quyền đọc duyệt tấu sớ giao cho Lý Hồng Tảo và thân vương Dịch Tố. Quyền lực Hoàng đế được giao vào tay kẻ dưới đương nhiên dễ sinh chuyện thị phi, Lý Hồng Tảo và Dịch Tố cũng tự biết mình đang bị đẩy vào hoàn cảnh nguy hiểm nên có ý rút lui, tránh việc mang họa vào thân.

 Vì vậy, vào thời điểm lúc bấy giờ, quyền lực Hoàng đế gần như bị bỏ trống. Trong tình cảnh đó, người đàn bà tham vọng như Từ Hy đương nhiên cảm thấy không thể vui mừng hơn. Từ Hy không chịu cam phận làm một Thái hậu “hữu danh vô thực”, bà ta muốn “xông ra phía trước”, muốn được “buông rèm nhiếp chính”. Nhưng làm thế nào để tránh những điều tiếng dị nghị của trăm quan trong triều đình, khiến họ phải tâm phục khẩu phục mà mời bà xuất hiện “nhiếp chính”? Điều này đã được Từ Hy chuẩn bị một cách kỹ lưỡng.

2. Ngày 8/11/1874, hai vị Thái hậu cho triệu kiến Quân cơ đại thần và Ngự tiền đại thần, tự tay Từ Hy 
nâng Đồng Trị lên cho hai vị đại thần “chiêm ngưỡng long nhan”. Chỉ thấy khuôn mặt Đồng Trị hốc hác, mắt nhắm hờ, mệt mỏi, toàn thân mọc đầy mẩn đỏ. Các đại thần lúc đó hiểu ra một sự thực rằng, trong một thời gian ngắn, bệnh của Hoàng đế sẽ không thể chữa khỏi ngay được. nâng


Sau khi rời khỏi phòng của Đồng Trị, hai vị Thái hậu mới hỏi ý kiến các quan đại thần về việc tìm người tạm thay Đồng Trị điều hành chính sự. Hai vị đại thần lập tức hiểu ra, cùng quỳ xuống mời Từ Hy “lấy thiên hạ nhà Thanh làm trọng”, thêm một lần nữa “buông rèm nhiếp chính”. Từ Hy lòng mừng thầm, tất cả đều như kế hoạch của bà ta. Tuy nhiên, Từ Hy vẫn cảm thấy như vậy là chưa đủ. Bà ta muốn các đại thần phải cảm thấy rằng, ngoài bà ta ra không ai có thể đảm nhận công việc đó.

 Buổi chiều ngày hôm đó, Từ Hy cho mời toàn bộ các quan đại thần đến xem bệnh tình của Đồng Trị. Lúc bấy giờ, Đồng Trị đã có tỉnh lại đôi chút nhưng khuôn mặt bắt đầu sưng tấy, nhiều chỗ còn chảy mủ. Nhìn thấy tình cảm ấy, các quan đại thần lại một lần nữa mời Thái hậu thay Hoàng đế đọc duyệt tấu sớ.

Từ Hy làm bộ chối từ, các quan đại thần quỳ xuống nài nỉ. Đồng Trị nằm trên giường bệnh nghe thấy vậy, trong lòng cảm thấy bất an. Ngồi trên ngai vàng hơn môt năm, Đồng Trị đã biết thế nào là mùi vị của quyền lực tối thượng. Tuy nhiên, chưa được bao lâu thì vận hạn đã kéo tới, Đồng Trị vì thế mà không cam tâm. Giờ nghe các đại thần mời Từ Hy thay mình lo việc chính sự, lòng Đồng Trị như bị dao cứa, chỉ mong sao bọn đại thần mau mau rời khỏi phòng mình.

Vì vậy, Đồng Trị đã gắng hết sức đưa cánh tay đầy những vết phù và mẩn đỏ của mình lên để các quan đại thần nhìn cho rõ. Các quan cũng chẳng ai muốn Từ Hy một lần nữa làm chủ triều đình, tuy nhiên, việc đã tới nước này, họ không thể không đoán ý Từ Hy mà đưa ra thỉnh cầu ấy. Từ Hy giả bộ một hồi rồi cũng làm như miễn cưỡng tiếp nhận lời thỉnh cầu của các đại thần. Thế là, cuộc tranh giành quyền lực giữa hai mẹ con Từ Hy đã kết thúc với phần thắng thuộc về bà Thái hậu đầy mưu mô và tham vọng.

Ngày 20/11, bệnh tình của Đồng Trị tựa hồ như có dấu hiệu thuyên giảm, các vết sưng tấy dần biến mất, các vết loét cũng bắt đầu đóng vẩy, tuy nhiên, thái y sau khi bắt mạch, chẩn đoán rằng “chất độc vẫn chưa hết”. Hàm ý phía sau lời chẩn đoán này không nói thì ai cũng biết là gì.

Đồng Trị vẫn không thể cử động được, toàn thân đau đớn, phần lưng và eo sưng đỏ, không lâu sau, bệnh tình vị Hoàng đế nhà Thanh ngày một trầm trọng hơn, các vết loét ngày một xuất hiện nhiều hơn, mùi hôi tanh của máu mủ từ những vết loét bay khắp hậu cung. Các thái y dùng đủ mọi cách để chữa các vết loét. Tuy nhiên, các vết loét xuất hiện ngày một nhiều hơn, từ lưng, eo lan ra tứ chi rồi lên đến đầu.

Trong thời kỳ này, các thái y vẫn tiếp tục sử dụng thuốc chữa bệnh đậu mùa, đương nhiên là theo chỉ dụ của Thái hậu Từ Hy. Từ Hy thì vẫn tiếp tục nói với bên ngoài rằng Đồng Trị bị bệnh đậu mùa. Tuy nhiên, khi được các thái y báo rằng, bệnh tình của Đồng Trị ngày một nặng hơn thì Từ Hy cũng đem sự thật nói với các đại thần. Nhìn vị Hoàng đế đứng đầu triều đình đến ngồi dậy cũng cảm thấy khó khăn, các quan đại thần càng chẳng còn chút niềm tin nào vào sự hồi phục Đồng Trị.
Đồng Trị
Đồng Trị

Từ lúc Đồng Trị bị bệnh, mất đi chiếc ô bảo vệ, tình cảnh của Hoàng hậu cũng trở nên nguy hiểm. Từ ngày Đồng Trị từ chối người phụ nữ mà Từ Hy đã lao tâm khổ tứ chọn vào ngôi Hoàng hậu để lấy cô gái mà thái hậu Từ An, đối thủ cạnh tranh số một của Từ Hy trong hậu cung thì không chỉ Đồng Trị và Từ An mà cả vị Hoàng hậu cũng bị Từ Hy đưa vào danh sách căm thù cần phải trừ bỏ. Nhân cơ hội Đồng Trị mắc bệnh, không có ai bảo vệ Hoàng hậu, Từ Hy chỉ trích Hoàng hậu không hiền đức, khiến Hoàng đế bỏ bê việc triều chính rồi mắc bệnh. 

Rồi để trừng phạt Hoàng hậu, Từ Hy cấm Hoàng hậu lại gần Đồng Trị nửa bước. Hoàng hậu cảm thấy vô cùng oan ức nhưng giờ Đồng Trị đến nói cũng không nói được thì còn biết kêu ai? Hoàng hậu nghe mọi người trong cung nói Hoàng đế mắc bệnh nặng, chất độc đã vào tới lục phủ ngũ tạng, biết rằng Đồng Trị có lẽ khó có thể qua được kiếp nạn lần này. Tuy nhiên, do Từ Hy cấm đoán, Hoàng hậu không thể nào gặp được Đồng Trị.

 Sau đó, phải khó khăn lắm, Hoàng hậu mới mua chuộc được bọn thái giám để có cơ hội vào gặp trộm Đồng Trị. Khi Hoàng hậu bước vào phòng của Hoàng đế, dù đã chuẩn bị về mặt tâm lý thế nhưng Hoàng hậu cũng không khỏi giật mình. Đồng Trị giống như một quả táo bị thối đã để lâu ngày, cơ thể suy kiệt, toàn thân là những vết lở loét. Hai vợ chồng nhìn nhau, nước mắt lưng tròng không nói được lời nào. Việc Đồng Trị oán hận người mẹ ruột của mình đã không phải là chuyện ngày một ngày hai.

Lần này, thái độ lẫn hành động của Từ Hy càng làm Đồng Trị cảm thấy đau lòng. Nhưng cũng vì vậy mà Đồng Trị vẫn hy vọng ngày mình có thể bình phục trở lại. Ông Vua trẻ nắm tay vợ, nói trong nước mắt: “Nàng tạm thời nhẫn nhịn, rồi sẽ có ngày mọi chuyện sẽ tốt đẹp trở lại”.

Người nói thì vô tâm nhưng người nghe thì hữu ý. Câu nói ngắn ngủi của Đồng Trị chẳng mấy chốc đã lọt vào tai của Từ Hy.

Từ Hy vừa xử lý xong công việc của triều đình nghe có người báo chuyện Hoàng hậu chống lệnh mình vào gặp Đồng Trị thì giận sôi người. Ngay lập tức Từ Hy xông về cung của Đồng Trị túm tóc Hoàng hậu tát ngay một tát. Đồng Trị nhìn thấy tình cảnh ấy, tức đến muốn ngất ở trên giường, hai tay nắm chặt, mặt đỏ tía lên nhưng nói không ra hơi.

Hoàng hậu lâu nay biết Từ Hy ghét bỏ mình nên mọi cử chỉ việc làm đều hết sức cẩn thận, nay bị Từ Hy đối xử như vậy, nhất thời không biết xử trí ra sao mới buột miệng nói: “Dù thế nào thì thần thiếp cũng là một Hoàng hậu được đưa vào từ cửa Đại Thanh, xin Thái hậu giữ cho thần thiếp một chút thể diện”. Cửa Đại Thanh là cửa chính của Tử Cấm Thành. Chỉ trong những dịp trong đại như Hoàng đến xuất cung, Trạng Nguyên ra khỏi thành, hay khi đón Hoàng hậu nhập cung thì cánh cửa này mới được mở.

Hoàng hậu lúc này là đang là Hoàng hậu đương triều, đương nhiên, cô ta đến được đây là nhờ ngồi kiệu đường đường chính chính đi qua cửa Đại Thanh. Hoàng hậu nói như vậy là muốn nhắc nhở Từ Hy giữ gìn sự tôn nghiêm của triều đình. Tuy nhiên, câu nói ấy lọt vào tai Từ Hy thì chẳng còn ý nghĩa như vậy nữa.

Từ Hy vốn chỉ là một phi tử của Hàm Phong, thân phận kém một bậc so với chính cung Hoàng hậu Từ An. Mặc dù sau khi Đồng Trị lên ngôi có truy phong Từ Hy làm Hoàng Thái hậu nhưng thực tế địa vị Từ Hy vẫn thấp hơn so với Từ An. Vì thế, điều mà Từ Hy căm hận nhất chính là vì sao mình không được đường đường chính chính ngồi kiệu qua cửa Đại Thanh để vào cung. Chính vì vậy, câu nói của Hoàng hậu vô tình đã mang hàm ý châm biếm và mỉa mai sâu cay đối với Từ Hy. Ngay lập tức Hoàng hậu đã phải trả giá cho câu nói của mình.

Từ Hy sai người đè Hoàng hậu ra đánh 10 gậy. Trong hậu cung, hình phạt này vốn chỉ sử dụng cho các cung nữ và thái giám thân phận thấp hèn, nay Từ Hy lại đem dùng với bậc “mẫu nghi thiên hạ”. Hoàng hậu chẳng biết làm cách nào chỉ còn cách khóc thét lên kêu oan. Đồng Trị nghe thấy nhưng không cũng chẳng còn sức lức để làm gì, uất giận ngất luôn trên giường. Ngay lập tức cả cung điện trở nên náo loạn.

Tới lúc này Từ Hy mới miễn hình phạt cho Hoàng hậu. Tuy nhiên, sự việc đã đến nước ấy, Từ Hy cũng biết tình cảm giữa bà ta và đứa con ruột Đồng Trị đã tồi tệ này càng tồi tệ hơn. Giờ đây, Đồng Trị chỉ như ngọn nến trước gió, Từ Hy cũng chẳng thương tiếc gì nữa, bà ta muốn đem tất cả quyền lực gom vào tay mình.

Biết bệnh tình mình khó có thể qua khỏi, Đồng Trị cũng muốn tìm cách để bảo vệ cho Hoàng hậu. Vì vậy, Đồng Trị lén sai người đưa tin cho Hoàng hậu và thầy dạy của mình là Lý Hồng Tảo giúp mình chuẩn bị mọi việc. Đồng Trị lo lắng, sau khi mình chết, Từ Hy sẽ chọn một Hoàng tử trong Hoàng tộc còn nhỏ đưa lên ngôi để dễ bề thao túng, vì vậy Đồng Trị đã sai Lý Hồng Tảo soạn một bức di chiếu đưa Hoàng tử Tải Chú lên làm Hoàng Thái tử. Sau khi bản di được Lý soạn xong, Đồng Trị sai Lý về nhà nhuận sắc lại một lần nữa, ngày hôm sau đem bản chính thức vào cho mình xem.

Lý Hồng Tảo vốn là một người trung nghĩa, lại là chỗ thầy trò với Đồng Trị vì vậy, hơn ai hết ông ta hiểu tầm quan trọng của bức di chiếu này. Vì vậy, cả đêm hôm đó, Lý thức để sửa bản di chiếu. Sáng sớm ngày hôm sau, bản di chiếu đã nằm trên tay Từ Hy.

 Từ Hy xem xong bức di chiếu Lý Hồng Tảo soạn, mặt bỗng nhiên tối sầm lại rồi ngay lập tức cầm bức di chiếu ném vào chậu than sưởi. Bức di chiếu Lý bỏ công bỏ sức suốt nhiều ngày để soạn ra bốc cháy ngùn ngụt trong lửa đỏ. Tuy vậy, số phận của Lý Hồng Tảo còn thê thảm hơn nhiều.

3. Lý Hồng Tảo một đi không về, Đồng Trị cũng cảm thấy sự tình đã tới lúc không ổn. Giờ đây, Từ Hy với Đồng Trị chỉ còn lại một chữ hận. Từ Hy hạ lệnh đem tất cả đồ ăn, thuốc uống cũng như các cung nữ thái giám cho tới thái y đang phục vụ Đồng Trị phải rời ra cung Càn Thanh, không có lệnh của Từ Hy không một ai được phép vào cung Đồng Trị.

Lúc bấy giờ, Từ An cũng muốn can thiệp tuy nhiên, giờ đây vị Đông Thái hậu này chẳng còn chút quyền lực nào trong triều đình nữa nên cũng lực bất tòng tâm. Hơn nữa, Từ Hy đối xử tàn ác với chính đứa con ruột của bà ta, can gì tới Từ An mà bà ta phải ra mặt? Bệnh nặng lại không có người chăm sóc, chỉ chịu được hơn 1 ngày sau, Đồng Trị đã chết trong sự đau đớn và uất hận. Đó là vào ngày 5/12/1874, khi đó Đồng Trị mới tròn 20 tuổi.

Từ Hy sinh ra Đồng Trị nhưng cũng chính là người đã tàn nhẫn cướp đi sinh mạng của ông ta. Tuy nhiên, để thâu tóm được quyền lực, Từ Hy đã nhẫn tâm giết luôn cả người vợ mà Đồng Trị yêu thương: Hoàng hậu A Lỗ Đắc.

Đồng Trị chết, Từ Hy trở thành Thái hoàng Thái hậu, vì vậy, theo lý thì không thể “buông rèm nhiếp chính” được nữa, người có quyền lúc này không phải ai khác mà chính là Hoàng hậu A Lỗ Đắc. Tuy nhiên, một người tham vọng và tàn nhẫn tới mức sẵn sàng giết hại cả con mình thì không đời nào lại chịu từ bỏ quyền lực của mình.

Đồng Trị vừa chết thì bao nhiêu oán giận giữa bà ta và con trai cũng như sự oán giận đối với lâu này đối với A Lỗ Đắc được trút cả lên đầu bà Hoàng hậu trẻ tuổi này.

Hoàng hậu nghe tin Đồng Trị đã qua đời, khóc tới mức sống đi chết đi sống lại, thế nhưng Từ Hy nhất định không cho phép Hoàng hậu tới gần linh cữu của Đồng Trị, thậm chí không cho phép Hoàng hậu rời khỏi cung nửa bước. Thành ra trong đám tang hỗn loạn của Đồng Trị, Hoàng hậu gần như biến mất. Cha của Hoàng hậu là đại thần Sùng Khởi cũng biết rằng số phận con mình sẽ chẳng tốt đẹp gì vì vậy khi A Lỗ Đắc sai người tới gặp cha mình để hỏi xem giờ phải hành xử ra sao, ông ta đã gửi cho con gái mình một chiếc hộp cơm rỗng với hàm ý hãy tuyệt thực mà chết.

A Lỗ Đắc biết rằng mình là một viên đá ngáng đường đối với việc thâu tóm quyền lực của bà mẹ chồng tàn nhẫn vì vậy không đời nào Từ Hy lại chừa cho mình con đường sống. Đến ngay cả cha mình cũng nghĩ rằng mình chỉ còn con đường chết.

Từ Hy
Từ Hy

A Lỗ Đắc không sợ chết, tuy nhiên, vị Hoàng hậu trẻ tuổi vừa phát hiện ra mình đã mang trong bụng giọt máu của Đồng Trị. Nếu như cái thai là con trai thì chẳng phải Đồng Trị đã có con nối dõi? Tình mẫu tử khiến A Lỗ Đắc trở nên vững vàng và quyết đoán hơn. Cô ăn tất cả những gì có thể ăn được để che giấu chuyện mình đã mang thai. Tuy nhiên, Hoàng cung chứa tới ba ngàn mỹ nữ nhưng thực sự lại rất nhỏ bé vì vậy không có một biến đổi nhỏ nào có thể qua mắt được Từ Hy.

Rất nhanh sau đó, Từ Hy đã nghe được thông tin A Lỗ Đắc có dấu hiệu ốm nghén. Đây là một tín hiệu nguy hiểm. Tham vọng quyền lực đã khiến Từ Hy mê muội, bà ta có quản gì giọt máu trong bụng A Lỗ Đắc là đứa cháu duy nhất của mình, chỉ cần cản trở việc nắm quyền của bà ta thì bà ta quyết không tha. Từ Hy hạ lệnh không cung cấp lương thực cho Hoàng hậu. Hai tháng sau, Hoàng hậu trút hơi thở cuối cùng, mang theo đứa con chưa chào đời của mình.

Phong Nguyệt
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn