Khai bút đầu năm – phong tục độc đáo của người việt

( PHUNUTODAY ) - Sau giao thừa, vào những thời khắc đầu tiên của năm mới, mỗi người thường tự chọn cho mình một thời điểm được coi là giờ tốt, giờ đẹp nhất để làm lễ khai bút. Khai bút chính là môt trong những phong tục ngày Tết Việt Nam rất đặc sắc.

khai-but-dau

Khai bút đầu xuân - Khai bút đầu năm

Tục khai bút đầu xuân hay còn gọi là khai bút đầu năm hay chắp bút đầu năm thường được các học sỹ, học giả xưa thực hiện. Sau giao thừa, vào những thời khắc đầu tiên của năm mới, mỗi người thường tự chọn cho mình một thời điểm được coi là giờ tốt, giờ đẹp nhất để làm lễ khai bút. Khai bút chính là môt trong những phong tục ngày Tết Việt Nam rất đặc sắc.

Khai bút đầu xuân khi xưa

Khai bút đầu năm không phải là một phong tục bắt buộc với tất cả mọi người nhưng lại là một nét đẹp văn hóa hiếm có và độc đáo của dân tộc Việt Nam. Trước đây, nghi thức khai bút đầu xuân thường chỉ được thực hiện bởi những ông đồ, thầy đồ, học sĩ... Sau lễ cúng giao thừa, người xưa sẽ đốt lư hương trầm bên bàn viết, lấy cây bút mới, mài mực tàu và hạ bút viết trên giấy hoa tiên (giấy có in hoa) hoặc giấy hồng điều (giấy đỏ). Không gian khi khai bút phải yên tĩnh, người viết phải trang nghiêm, tĩnh tại...

Nghiên mực

Giấy thư pháp

Mài mực

Mỗi người cũng lựa chọn những điều riêng để viết: Có người thường chỉ viết ngày tháng năm và câu: “Khai bút đại cát”, “Tân xuân đại cát”, văn sỹ thường sáng tác một bài thơ Xuân, những ông đồ thường viết câu đối để treo trong nhà ngày Tết. Điều thú vị là cổ nhân có quan niệm, người khai bút chỉ được viết những gì tự mình nghĩ, những câu đối, câu thơ của mình sáng tác, bởi viết lại những câu của người khác, thì chưa hẳn được gọi là khai bút.

Khai bút có ý nghĩa đề cao sự học, vì thế những nét bút đầu tiên của năm mới được hạ xuống cũng là tượng trưng cho sự khởi đầu một sự nghiệp, sự học, sự viết trong năm mới. Và hơn hết, gửi gắm trong những nét chữ đầu xuân ấy còn là ước nguyện của người cầm bút về một năm thi cử đỗ đạt, học hành tấn tới, sự nghiệp như ý nữa. Mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng như thế, nên lễ khai bút thường được các học sỹ thực hiện với tất cả sự tôn nghiêm, trang trọng, tâm thành.

Ý nghĩa phong tục khai bút đầu xuân

Ngày nay, tục khai bút đầu xuân đã có nhiều thay đổi. Nó không còn phổ biến mà mang đậm ý nghĩa như xưa nữa. Tuy nhiên, với nhiều gia đình, đặc biệt là các học sinh, giới văn sĩ, thi sĩ, người làm nghề viết lách… phong tục này vẫn rất được coi trọng. Bởi ngoài những giá trị chân thiện mỹ, việc khai bút đầu xuân còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Nó không chỉ tượng trưng cho sự khởi đầu một sự nghiệp, sự học mà còn gửi gắm rất nhiều tâm tư, nguyện vọng về một năm mới suôn sẻ, hạnh phúc và thành công.

Do có ý nghĩa đề cao sự học nên phong tục khai bút đầu xuân vẫn được duy trì thường xuyên ở nhiều gia đình ViệtNam. Nó không những thể hiện sự trân trọng đối với các giá trị văn hóa truyền thống mà còn có tác dụng dăn dạy con cháu về đức tính hiếu học và tôn sư trọng đạo của dân tộc. Thời gian thực hiện nghi thức khai bút thường diễn ra sau lễ giao thừa. Tuy nhiên, nhiều người cẩn thận, họ còn đi xem trước ngày giờ tốt để khai bút với hy vọng đón nhiều tài lộc trong năm mới.

Gắn với tục khai bút, người Việt còn có tục xin chữ đầu năm. Đây cũng là một cách thể hiện việc coi trọng chữ nghĩa và cầu mong mọi sự tốt lành - một trong những phong tục, nét đẹp văn hóa đặc sắc của người con Việt.

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn