Lời phật dạy về lòng biết ơn

( PHUNUTODAY ) - Đạo Phật có những câu nói hay về cách đối nhân xử thế, những bài học về làm người. Vậy, nếu các bạn mong muốn tìm hiểu đạo Phật nên đọc và suy ngẫm, sẽ giúp tâm thanh tịnh hơn giữa bộn bề lo toan trong cuộc sống. Dưới đây là lời Đức Phật dạy về lòng biết ơn.

Trong những điều Phật căn dặn về đạo làm người, thì con người chúng ta cần phải biết khắc dấu về lòng biết ơn cuộc sống, biết ơn con người.

Câu chuyện của đức Phật về lòng biết ơn

Người đệ tử Phật chỉ cần biết ơn và đền ơn thì được người đời kính trọng, được Thế Tôn khen ngợi, nhất là được ở gần bên Ngài. Cho nên có thể nói, biết ơn và đền ơn là hạnh của Phật. Những người con Phật tìm về cội nguồn đạo đức và tâm linh, không thể thiếu sót hay chểnh mảng sự đền đáp bốn ơn. Những “chúng sanh biết báo đền” thường được Đức Phật ngợi khen:

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: Nếu có chúng sanh biết báo đền, người này đáng kính, ân nhỏ còn chẳng quên huống là ân lớn. Cho dù người ấy rời nơi đây ngàn do-tuần, trăm ngàn do-tuần mà chẳng là xa, vẫn không khác gần Ta. Vì sao? Tỳ-kheo nên biết, Ta thường khen ngợi người biết báo đền.

Có các chúng sanh chẳng biết báo đền, ân lớn còn chẳng nhớ hà huống nhỏ. Người đó chẳng gần Ta, Ta chẳng gần người đó. Ngay cho họ đắp Tăng-già-lê ở sát bên Ta, người này vẫn xa. Vì sao? Ta thường chẳng nói về người không báo đền. Thế nên, các Tỳ-kheo, hãy nghĩ báo đền, chớ học không báo đền. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

2.loi-phat-day-ve-long-biet-on-phunutoday.vn

 

Từ câu chuyện hay chính lời Phật trên, đối với cha mẹ phải hiếu kính, đối với chúng sanh phải thương yêu và quý trọng, đối với đất nước phải trung thành, đối với Tam bảo phải tín thuận là điều mà Phật tử chúng ta cần nghĩ đến và thực thi trong đời sống hàng ngày. Đức Phật đã khuyến cáo, nếu mang danh là Phật tử, thậm chí là xuất gia đi nữa, nếu “Chẳng biết báo đền, ân lớn còn chẳng nhớ hà huống nhỏ. Người đó chẳng gần Ta, Ta chẳng gần người đó. Ngay cho họ đắp Tăng-già-lê ở sát bên Ta, người này vẫn xa”.

Vẫn biết cuộc đời là giả tạm, mọi thứ rồi cũng sẽ đi qua theo lẽ vô thường luân chuyển, nhưng nếu biết ơn và đền ơn thì cuộc đời này trở nên vô cùng ấm áp, chan chứa nghĩa tình. Biết ơn và đền ơn là nền tảng đạo đức căn bản của người đệ tử Phật.

Chính vì vậy trong cuộc sống này, chúng ta cần phải biết:

1. Phải biết ơn cha mẹ như “trời cao khó vói, đất rộng khó đo”. Quí vị có làm cha làm mẹ rồi mới hiểu được ơn nghĩa sanh thành dưỡng dục của mẹ cha đối với mình.

“Nuốt mặn đắng chua cay tủi hận

Ôi suốt đời vất vả lo toan

Mới cảm đau ương yếu se mình

Đã hớt hải cầu Trời khấn Phật

Tình mẹ cha thấm dòng sữa mật

Nuôi đời con đến lúc nên người

Buổi khó khăn khô nhạt cầm hơi

Miếng ngon ngọt dành phần con trẻ

Năm canh đêm thức chừng con ngủ

Sáu khắc ngày tần tảo ngược xuôi

Đủ áo cơm nở mặt với đời

Cho ăn học đua đòi sĩ diện”

Đức Phật dạy rằng: “Này các Tỳ-kheo, danh từ Phạm thiên, tiên sư, bậc đáng được cúng dường là đồng nghĩa với cha mẹ. Vì cha mẹ đã đầu tư hầu hết cuộc đời của mình vào công trình nuôi dưỡng, giáo dục và dẫn dắt con cái vào đời”. Cuộc sống vốn có qui luật của nó. Hễ chúng ta gieo gì ắt gặt nấy. Cho nên, những người con nào biết hiếu kính với cha mẹ đều rất thành đạt trong cuộc sống và được người đời vị nể, kính trọng. Sư biết có nhiều vị nguyên thủ quốc gia, những chính khách nổi tiếng họ đều là những người con hiếu nghĩa. Gần đây, sư có biết thêm một vị lãnh đạo ở tỉnh Bình Dương, người này dẫu có bận rộn đến đâu thì cứ đều đặn sắp xếp về thăm và hiếu kính với mẹ già 85 tuổi của mình 2 tuần một lần. Việc này đã là thông lệ rất lâu và sư để ý thấy người này rất thành đạt trong cuộc sống. Ông không chỉ được mọi người kính trọng mà còn là tấm gương đạo đức cho một gia đình có nền tảng hạnh phúc vững chắc. Con cháu của ông cũng noi gương mà rất hiếu thuận đối với ông.

Cho nên, tất cả chúng ta dẫu có đang trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải biết hiếu kính với cha mẹ. Cha mẹ còn sống thì phụng dưỡng chăm sóc từ miếng ăn giấc ngủ đến viên thuốc cân đường. Từ lời nói nhẹ nhàng hòa ái đến sự lo lăng quan tâm kịp thời. Phụng dưỡng mẹ cha cả về tinh thần lẫn vật chất.

2. Cẩn phải biết ơn Thầy tổ là phải nhớ tri ơn đến bậc thầy người đã truyền dạy chúng ta một công việc chân chánh để nuôi sống bản thân và gia đình.

“Ghi nhớ mãi công ơn thầy tổ

Xót thương hằng dạy dỗ lắm phen

Như đem ánh sáng ngọn đèn

Rọi vào tâm trí tối đen mịt mờ”

Ơn thầy tổ vô lượng vô biên đúng là không có chi đền đáp cho vừa. Cũng như ân cha nghĩa mẹ có cái đền ơn nào cho xuể những tháng năm cha mẹ hi sinh tất cả vì con. Nhưng thầy tổ cũng như mẹ cha, dưỡng dục chúng ta thành người không phải vì chờ những gì ta đền đáp mà dưỡng dục bằng tất cả tình thương. Vậy thì chỉ có tình thương mới đáp trả nổi tình thương. Đáp đền ân cao nghĩa trọng không chỉ phấn đấu thành người có ích cho xã hội mà còn phải luôn biết quan tâm, yêu thương và kính trọng thầy.

3. Ơn Tam Bảo là tri ơn đến Phật, Pháp và Tăng. Đức Phật Gotama là bậc Á-Rá-Hăn cao thượng, được chứng quả Chánh Biến Tri và Minh Hạnh đủ đầy. Những lời dạy của Ngài chính là pháp bảo truyền lại cho chúng sanh nhằm thực hành để vén bức màn vô minh, từ đó thoát đi mọi tham ái khổ đau triền miên bất tận.

Giáo pháp Phật giáo là đến để mà thấy chứ không phải đến để mà tin. Phải tự mình chứng nghiệm mới thấy được sự vi diệu và màu nhiệm của Pháp. Ngay như bản thân sư càng tu càng ngộ, càng chiêm nghiệm càng chứng lại càng thấy rõ ngày trước bản thân dày đặc vô minh và ái dục. Bây giờ tâm đã trưởng thành hơn, bao la hơn, rộng lớn hơn thì biết rằng bản thân nặng ơn Tam Bảo nhiều hơn. Do đó, sư nguyện ra sức tu tập, nỗ lực tinh tiến cũng như cống hiến, phụng hành để đền đáp công ơn Tam bảo.

4. Biết ơn Tổ Quốc là tri ơn đến những bậc tiền nhân, các chiến sĩ, các vị anh hùng … đã góp công trong việc khai sơn lập địa cũng như việc giữ gìn giang sơn gấm vóc để chúng ta có được một cuộc sống bình yên, tươi đẹp như ngày hôm nay.

Để tri ơn quốc gia thì chúng ta phải nỗ lực bảo vệ sông núi lãnh thổ tròn vẹn; bảo vệ môi trường sống trong sạch, xanh tươi; sống hòa nhã đạo đức thân thiện với mọi người, với cảnh quan môi trường và với toàn thảy chúng sanh.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn