Cách chăm sóc cho người bị bệnh van tim

( PHUNUTODAY ) - Bệnh nhân bị bệnh van tim thường vào viện khi đã suy tim nên việc chăm sóc bệnh nhân bị bệnh van tim lúc này chính là chăm sóc bệnh nhân suy tim.

Van tim là gì?

Quả tim bình thường có 4 buồng tim là hai tâm nhĩ ở trên và hai tâm thất ở dưới, giữa các buồng tim có các cấu trúc đảm bảo cho tuần hoàn máu chỉ đi theo một chiều người ta gọi là các van tim. Giữa nhĩ trái và thất trái được ngăn với nhau bởi van hai lá cho máu đi một chiều từ nhĩ trái xuống thất trái, dòng máu từ thất trái qua van động mạch chủ vào động mạch chủ đưa máu đi nuôi toàn cơ thể.

Giữa nhĩ phải và thất phải ngăn cách với nhau bởi van ba lá cho máu đi một chiều từ nhĩ phải xuống thất phải, dòng máu từ thất phải qua van động mạch phổi vào động mạch phổi đưa máu lên phổi để trao đổi oxy. Như vậy quả tim bình thường có 4 cấu trúc van tim là van động mạch chủ, van động mạch phổi, van hai lá và van ba lá đảm bảo cho dòng máu luân chuyển theo một chu trình sinh lý.

Hướng dẫn cách chăm sóc cho người bị bệnh van tim

Bệnh nhân bị bệnh van tim thường vào viện khi đã suy tim nên việc chăm sóc bệnh nhân bị bệnh van tim lúc này chính là chăm sóc bệnh nhân suy tim.

Việc giáo dục sức khoẻ cho bệnh nhân bị bệnh van tim nhằm mục đích trang bị những kiến thức để bệnh nhân biết sống cho phù hợp với bệnh tật của mình và biết cách ngăn ngừa tiến triển và các biến chứng của bệnh là nhiệm vụ quan trọng khi chưa có suy tim.

53.cach-cham-soc-cho-nguoi-van-tim-phunutoday.vn

Hai nội dung giáo dục sức khoẻ chủ yếu cho người bệnh van tim là:

  • Thay đổi lối sống cho phù hợp với tình trạng bệnh:

- Hạn chế lao động thể lực, chuyển đổi công tác nếu cần.

- Hạn chế sinh đẻ nếu là phụ nữ (phụ nữ khi bị bệnh van tim chỉ nên có một con và nên có con sớm trong điều kiện được quản lý thai sản chặt chẽ).

- Ăn hạn chế muối, không ăn quá no, không hút thuốc, không uống rượu, hạn chế các đồ uống có cafein.

- Thường xuyên theo dõi bệnh tại một phòng khám tim mạch để kịp thời dùng thuốc theo chỉ định của thầy thuốc hoặc kịp thời nhập viện để điều trị phẫu thuật

Ngăn ngừa bệnh tiến triển và ngăn ngừa các biến chứng:

- Tiêm phòng thấp thường xuyên theo lịch của thầy thuốc thậm chí sau khi mổ tách van vẫn cần tiêm phòng thấp suốt đời. Việc tiêm phòng thấp giúp cho tổn thương van không nặng thêm và ngăn ngừa tổn thương thêm các van khác.

- Khi có bất kỳ một biểu hiện nhiễm khuẩn dù là nhỏ như viêm nhiễm ngoài da đều phải dùng kháng sinh tích cực theo đơn của thầy thuốc để phòng ngừa biến chứng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, một biến chứng rất nặng và thường hay xảy ra trên bệnh nhân bị bệnh van tim.

- Điều trị phẫu thuật khi cần thiết và trong khi chờ đợi phẫu thuật phải nghiêm túc thực hiện thuốc theo đơn của thầy thuốc để ngăn ngừa các biến cố làm hạn chế kết quả phẫu thuật.

- Phải đến khám bệnh ngay khi có một trong các biểu hiện sau:

+ Khó thở khi gắng sức.

+ Ho kéo dài; Ho máu.

+ Sốt kéo dài.

+ Cơn đau thắt ngực; Phù 2 chân.

Nguyên nhân gây bệnh van tim

Bệnh van tim có thể xuất hiện từ khi sinh ra (dị tật tim bẩm sinh) hoặc do các nguyên nhân khác, bao gồm:

- Viêm nội mạc tim (viêm mô tim)

- Sốt thấp khớp (bệnh do nhiễm khuẩn Streptococcus nhóm A)

- Một cơn nhồi máu cơ tim

- Bệnh động mạch vành (sự tắc hẹp và xơ cứng động mạch cung cấp máu nuôi tim)

- Bệnh cơ tim, bao gồm những thay đổi do thoái hóa ở cơ tim

- Giang mai (một bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục, hiếm gặp)

- Tăng huyết áp

- Phình động mạch chủ

- Thoái hóa myxomatous (sự suy yếu của các mô liên kết trong van hai lá do rối loạn chuyển hóa năng lượng trong cơ thể)

- Lupus (một bệnh tự miễn mạn tính).

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn