Mang bom sát thương đi bán... đồng nát

( PHUNUTODAY ) - Ông Đào Văn Lâm đào được quả bom có chiều dài 1,6m, đường kính khoảng 30cm tại khu vực gần UBND xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức. Ông Lâm sau đó đã đưa quả bom lên xe công nông và vận chuyển về hướng xã Đắk Buk So để... bán đồng nát.

Ngày 11/5, lực lượng vũ trang huyện Tuy Đức (Đắk Nông) đã hủy nổ thành công quả bom sát thương MK 82. Quả bọm này được thu giữ tại xã Quàng Trực, huyện Tuy Đức.

Trước đó, ngày 29/4, ông Đào Văn Lâm, trú tại thôn Tuy Đức, xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức đã đào được quả bom có chiều dài 1,6m, đường kính khoảng 30cm tại khu vực gần UBND xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức. Ông Lâm sau đó đã đưa quả bom lên xe công nông và vận chuyển về hướng xã Đắk Buk So để... bán đồng nát, trong khi quả bom vẫn còn nguyên thuốc nổ và kíp nổ.

bom-1

 Lực lượng chức năng chuẩn bị hủy nổ quả bom sát thương MK 82. Ảnh: TTXVN phát.

Sự việc được một số người dân phát hiện và báo cho chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Lực lượng chức năng xã Quảng Trực đã phối hợp chặn phương tiện lại không cho di chuyển, đồng thời báo cáo để Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tuy Đức cử lực lượng đến xử lý.

Theo Ban Công binh Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông, quả bom này là bom MK 82, có trọng lượng 227kg, chứa 87,2kg thuốc nổ Tritonal, có bán kính sát thương hơn 300m. Việc người dân tự ý di chuyển quả bom sau khi phát hiện rất nguy hiểm cho bản thân và cộng đồng xung quanh.

bom-2

Lực lượng chức năng hủy nổ thành quả bom sát thương MK 82. Ảnh: TTXVN/phát. 

Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tuy Đức cũng như lực lượng công binh Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông khuyến cáo người dân, khi phát hiện bom, mìn còn sót lại trong vườn rẫy phải trình báo với chính quyền địa phương, hoặc lực lượng quân sự để ngành chức năng xử lý kịp thời; tuyệt đối không được đào bới, tác động, hoặc di chuyển, sử dụng với bất cứ lý do, mục đích gì.

Cách xử lý khi gặp phải bom mìn, vật nổ

Trước hết là bom. Có nhiều loại bom khác nhau như bom phá, bom sát thương, bom hóa học, bom chiếu sáng…; trong đó bom phá và bom sát thương là hai loại chúng ta thường gặp nhất. Bom có cấu tạo chung gồm vỏ bom, bên trong nhồi thuốc nổ, chất cháy, chất độc hóa học quân sự. Đầu bom, thân bom và đuôi bom được lắp các loại ngòi nổ khác nhau tùy từng loại bom. Ngòi nổ có các loại: Chạm nổ tức thì với mục tiêu trên mặt đất; ngòi nổ chậm với những mục tiêu sâu trong lòng đất; ngòi không tiếp xúc gây nổ trên không; ngòi chờ nổ, ngòi định giờ… Các loại bom vì những lý do nào đó chưa phát nổ rất nguy hiểm, có thể gây nổ bất cứ lúc nào, chỉ cần tác động va chạm nhẹ hoặc thay đổi tư thế, vị trí của bom đều gây nổ dẫn đến thương vong.

Bom bi: Là bom con trong các loại bom chùm của Mỹ. Căn cứ vào hình dạng quả bom mà đặt tên cho chúng như bom bi quả ổi, quả cam, quả dứa. Bom bi quả dứa thân hình trụ, vỏ kim loại, gắn sắn, đuôi có 6 cánh, là dạng bom rất thường gặp, bên trong chứa 250 viên bi, bán kính sát thương 10-15m, khi rơi xuống thường lẫn vào cây cỏ hoặc bị vùi lấp rất khó phát hiện. Bom bi quả cam: Thân bom hình cầu, giống quả cam, vỏ kim loại, tạo 480 mảnh gây sát thương. Bom bi quả ổi: thân bom hình cầu, vỏ bom bằng kim loại, đúc sẵn 280-300 viên bi, bán kính sát thương 10m. Các loại bom bi chưa nổ do chưa đủ vòng quay, nếu bị di chuyển hoặc tác động sẽ gây nổ. Khi phát hiện bom bi chưa nổ, phải cảnh giác bởi xung quanh đó còn rất nhiều quả bom con chưa nổ.

Thứ hai là đạn. Đạn phong phú chủng loại như: đạn cối, cao xạ, bộ binh… được các lực lượng tham chiến sử dụng còn vương vãi khắp nơi. Hầu hết đạn đều có cấu tạo gồm: đầu đạn, thân đạn, ngòi nổ, thuốc nổ. Đạn M79 gây nổ theo nguyên lí li tâm. Nếu gặp đạn này mà thay đổi vị trí của nó có thể gây nổ bất cứ lúc nào.

Thứ ba là mìn. Mìn đa dạng về tính năng, phong phú về kích cỡ, có nhiều đặc điểm giống bom. Mìn thụ động nằm yên một chỗ, có ngoại lực tác động mới phát nổ gồm tác động trực tiếp như đè, vướng, nhấc, gạt hoặc gián tiếp như từ trường, vô tuyến, âm thanh, cảm quang, chấn động. Một số loại mìn thường gặp như: Mìn chống tăng là loại mìn phá xe tăng, xe cơ giới, xe bọc thép và sát thương con người. Mìn có độ sát thương lớn, trên diện rộng. Thân mìn hình trụ, hình hộp; vỏ bằng tôn mỏng, gỗ hoặc nhựa; trọng lượng từ 3-15kg/quả tùy từng loại, chủ yếu là trọng lượng của thuốc nổ. Mìn sát thương: đa dạng hình dáng, kích thước nhỏ, độ nổ cao. Khi có tác động từ 2kg trở lên vào mìn, mìn sẽ phát nổ; đã có nhiều người bị thương do chạm hoặc dẫm lên loại mìn này và là nguyên nhân gây nên 70% các vụ thương vong cho con người.

Hiểm họa bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh không là vấn đề riêng của vùng miền nào mà trên khắp cả nước. Thủ tướng Chính phủ đã kí Quyết định số 504/QĐ-TTG ngày 21-4-2010 phê duyệt “Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 – 2025”. Cùng với chương trình này, tất cả người dân hãy cùng nhau chung tay, góp sức ngăn chặn những ai tự ý dò tìm, tháo gỡ bom mìn, vật nổ, làm nguy hại tới tính mạng con người, môi trường và xã hội; đồng thời tuyên truyền tới mọi tầng lớp nhân dân hiểu cách nhận biết và xử lý bom mìn sao cho hiểm họa bom, mìn sau chiến tranh không đe dọa đến mạng sống con người…

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn