Vaccine thay thế Quinvaxem liệu có an toàn hơn?

( PHUNUTODAY ) - Từ tháng 6/2018, văcxin 5 trong 1 mới ComBE Five sẽ được sử dụng tại Việt Nam thay thế văcxin Quinvaxem đã ngưng sản xuất. Nhưng liệu loại vaccine mới này có an toàn hơn vaccine Quinvaxem cũ không?

Từ tháng 6/2018, Bộ Y tế sẽ dùng văcxin ComBE Five do Ấn Độ sản xuất (ảnh nhỏ) trong chương trình tiêm chủng mở rộng thay thế văcxin Quinvaxem đã ngừng sản xuất. Đã có 300 triệu liều văcxin ComBE Five được sử dụng ở 43 nước trên thế giới. Việt Nam là nước thứ 44 và sẽ sử dụng khoảng 5 triệu liều/năm.

Hiện nay, điều mà phụ huynh quan tâm lớn nhất chính là: tính an toàn của văcxin ComBE Five.

Trước thông tin thay đổi, một số bà mẹ mới sinh con được 1-2 tháng tuổi tỏ ra phân vân khi cho con tiếp cận văcxin mới. Chị N.T.A. (33 tuổi, ngụ ở Q.Gò Vấp, tp.hcm) cho biết sẽ tìm hiểu thêm rồi mới quyết định có tiêm ngừa cho con.

Còn chị Đ.N.T. (28 tuổi, ngụ ở Q.Phú Nhuận) cho biết trước đây đọc những ca tai biến về văcxin Quinvaxem cũng hơi lo, nay có văcxin mới thay thế nhưng chị cũng chưa thật sự yên tâm. Chị nói sẽ theo dõi thêm để quyết định tiêm loại văcxin này hay văcxin dịch vụ tương đương cho con.

Bộ Y tế vừa có công văn gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia về việc nhập khẩu văcxin ComBE Five phục vụ cho chương trình tiêm chủng mở rộng; và công văn gửi Viện Kiểm định Quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế về việc kiểm định loại văcxin mới này.

Văcxin ComBE Five sẽ được đưa vào thay thế văcxin Quinvaxem

Văcxin ComBE Five sẽ được đưa vào thay thế văcxin Quinvaxem

Tại Việt Nam, văcxin này đã được sử dụng thí điểm nhóm nhỏ ở bốn huyện Bình Lục, Kim Bảng, Thanh Liêm và Lý Nhân (tỉnh Hà Nam), kết quả cho thấy, không ghi nhận phản ứng nặng sau tiêm.

Công văn gửi Viện Kiểm định Quốc gia, văcxin và sinh phẩm y tế yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để kịp thời kiểm định ngay sau khi nhận được mẫu văcxin ComBE Five từ cơ sở nhập khẩu, đảm bảo đúng tiến độ kiểm định văcxin theo quy định và đáp ứng đúng kế hoạch triển khai sử dụng văcxin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Đồng thời, tăng cường giám sát chất lượng vaccine ComBE Five trong quá trình vaccine được đưa ra lưu hành, sử dụng, đặc biệt trong giai đoạn triển khai tiêm chủng trên quy mô nhỏ tại 7 tỉnh/thành phố trong tháng 6-7.2018, trước khi tổ chức triển khai chuyển đổi sử dụng vaccine trên phạm vi toàn quốc.

Về tính an toàn của loại văcxin mới, ở thời điểm Ấn Độ sử dụng được 40 triệu liều ComBE Five, báo cáo ghi nhận có 11 ca phản ứng nặng sau tiêm. Trong số này có 5/11 sốt cao, co giật, khó thở... nhưng được cấp cứu kịp thời, không để lại di chứng, 6/11 bé tử vong, nhưng qua khảo sát cho thấy có 1 bé viêm phổi, 1 nhiễm trùng huyết, 1 gặp hội chứng tử vong đột ngột ở trẻ sơ sinh... Tức là chưa có bằng chứng liên quan giữa văcxin và các trường hợp tử vong.

Theo báo cáo của Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia, năm 2017 có 27 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng tại 19 tỉnh thành.

Tính theo số loại văcxin sử dụng cho thấy có 5 ca phản ứng sau dùng văcxin BCG phòng bệnh lao, 6 ca sau dùng văcxin viêm gan B, 2 ca sau dùng văcxin viêm gan B và BCG, 1 ca sau dùng văcxin Quinvaxem, 8 ca sau dùng Quinvaxem và OPV phòng bại liệt, 1 trường hợp vừa dùng Quinvaxem, OPV và BCG, 3 ca sau dùng văcxin ngừa uốn ván, 1 ca sau dùng văcxin viêm não Nhật Bản.

Mặc dù qua đánh giá nguyên nhân, có tới 14 trường hợp chưa rõ, 9 cháu liên quan đến phản ứng của văcxin (phản ứng quá mẫn, sốc phản vệ) và 4 cháu là do bệnh trùng hợp, nhưng số liệu này cho thấy số trường hợp phản ứng nặng liên quan đến văcxin Quinvaxem, tức là loại văcxin tương tự ComBE Five, là cao nhất. Điều đó cho thấy khi chuyển đổi văcxin, rất cần những biện pháp để bảo đảm an toàn.

Empty

Theo ông Trần Minh Điển - phó giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, khám sàng lọc trước tiêm thật kỹ lưỡng để có chỉ định hoàn tiêm, ngừng tiêm các cháu đang có ốm, sốt, có bệnh sẵn có... là biện pháp bảo đảm an toàn quan trọng nhất.

Theo ông Điển, "trước khi đưa con đi tiêm chủng, bà mẹ cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, phiếu tiêm chủng và theo dõi sức khỏe của trẻ, thông báo với cán bộ y tế về tiền sử bệnh tật, việc dùng thuốc và các phản ứng sau tiêm ở những lần trước". Còn cán bộ y tế khai thác kỹ tiền sử bệnh tật, sử dụng thuốc, tiền sử tiêm chủng và phản ứng sau tiêm, khám sàng lọc kỹ lưỡng, hướng dẫn bà mẹ cách theo dõi trẻ...

Với những trẻ có bệnh lý, ông Điển hướng dẫn gia đình nên đưa trẻ đến các phòng tiêm của bệnh viện chuyên khoa để có bác sĩ chuyên khoa khám sàng lọc và chỉ định tiêm hay hoãn tiêm chủng cho trẻ.

Ngoài văcxin mới này, tại VN hiện có 2 loại văcxin 5 và 6 trong 1, ngừa các bệnh tương tự Quinvaxem và ComBE Five (chỉ khác thành phần ho gà là vô bào). Mỗi năm có khoảng 200.000 - 300.000 liều văcxin có thành phần ho gà vô bào đã được sử dụng trong tiêm chủng trả tiền, tương đương gần 100.000 trẻ em mới sinh hằng năm, số xấp xỉ 1,7 triệu cháu dùng văcxin Quinvaxem và tới đây là ComBE Five miễn phí.

Văcxin Quinvaxem được sử dụng tại VN từ năm 2010, với 41 triệu liều đã sử dụng. Tháng 5.2013, Bộ Y tế đã có quyết định tạm ngưng sử dụng văcxin này do liên tục từ tháng 12.2012 đến tháng 1.2013 có nhiều trẻ em gặp tai biến sau tiêm. Sau đó được cho sử dụng lại. Tuy nhiên từ tháng 12.2016, Hãng Berna Biotech, nhà sản xuất Quinvaxem, đã ngưng sản xuất văcxin này. Do đó UNICEF, Bộ Y tế và các nhà tài trợ đã cùng bàn bạc để lựa chọn văcxin mới và ComBE Five đã được chọn. Theo thông tin từ Bộ Y tế, nhà sản xuất ComBE Five có năng lực sản xuất hàng trăm triệu liều văcxin này/năm.

TAGS:
Theo:  khoevadep.com.vn