Người đàn ông chết tức tưởi vì tin lời thầy lang phán bệnh...dại

( PHUNUTODAY ) - Bệnh nhân khi bị chó cắn thay vì đi tiêm phòng đã đến thầy lang. Họ dùng một loại lá cây thử trên da (tại vết chó cắn) của người bị chó, mèo cắn để xác định chó, mèo dại.

Ngày 3/11, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận bệnh nhân Đ.V.T (39 tuổi, ở Ninh Bình) trong tình trạng sợ nước, sợ gió vì lên cơn điên dại.

BS Nguyễn Trung Cấp, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho hay “Nhìn thấy cảnh người bệnh lên cơn dại, vật vã, kích thích, khó thở, sợ nước, sợ gió, hơi thở rít lên từng hồi... nhưng lại hoàn toàn tỉnh táo, họ biết mình sẽ chết, bác sĩ, người nhà đều đau lòng nhưng hoàn toàn bất lực. Thấy chết mà không thể cứu được. Chỉ mong quay ngược lại thời gian, bị chó cắn thay vì đến thầy lang thử vết cắn, họ nên đi tiêm phòng thì sẽ không có cái chết tức tưởi được báo trước như vậy”, BS Cấp chia sẻ. Chỉ một thời gian ngắn sau khi lên cơn dại bệnh nhân đã tử vong.

cho can1 - phunutoday

Bệnh nhân chết tức tưởi vì bị chó dại cắn nhưng không đi tiêm vắc xin phòng dại mà tin lời thầy lang (Ảnh minh họa).

Đáng nói, đây không phải là ca bệnh cá biệt, mà rất hay gặp ở bệnh nhân lên cơn dại được gia đình đưa đến viện. Bệnh nhân khi bị chó cắn thay vì đi tiêm phòng đã đến thầy lang. Họ dùng một loại lá cây thử trên da (tại vết chó cắn) của người bị chó, mèo cắn. “Không hiểu họ căn cứ vào đặc điểm nào để phán con chó cắn bệnh nhân có bị nhiễm vi rút dại hay không chỉ qua vết cắn. Ngay cả với y học hiện đại hiện vẫn chưa thể chẩn đoán được liệu một người bị chó cắn thì có bị dại hay không”, BS Cấp băn khoăn.

Trước đó, trường hợp bé trai 12 tuổi ở Kiến Xương, Thái Bình cũng đã chết vì lên cơn dại, với tình trạng tương tự bệnh nhân Đ.V.T. Khi bị chó dại cắn, gia đình cũng đã tính đến chuyện cho con đi tiêm vắc xin phòng dại cho con. Tuy nhiên, sợ vắc xin làm con lơ ngơ nên khi nghe mách có thầy lang có phương pháp thử, qua vết cắn có thể xác định là chó dại hay không nên đã đưa em đến thầy lang. Khi thầy phán vết cắn không phải do chó dại, lại thêm con chó nhà vẫn chưa thấy dấu hiệu ốm, cả nhà yên tâm đưa con về, còn thịt ngay con chó để nó chừa tội cắn người. Thế nhưng, 26 ngày sau, bệnh nhi bỗng sợ nước, sợ gió, khó thở, gia đình đưa đến viện nhưng đành đau đớn đưa em về để chết.

BS Cấp cho biết, các bệnh nhân đã lên cơn dại hầu như tử vong 100%. Trước quá nhiều ca tử vong vì tin phép thử của thầy lang mà không đi tiêm phòng khi bị chó cắn, BV đã từng mời một thầy lang khá nổi tiếng vì tuyên bố chữa khỏi bệnh dại lên bệnh viện chữa cho những ca đã lên cơn dại. Thầy lang này lên chữa, cả 16 ca thì đều tử vong, đến ca thứ 17, BV mời nhưng thầy lang đã không lên.

cho can 2 - phunutoday

Nếu không may bị chó cắn, thì nên tiêm phòng ngay và theo dõi con chó trong khoảng 10 ngày (Ảnh minh họa).

BS Cấp khuyến cáo, nếu không may bị chó cắn, thì nên tiêm phòng ngay và theo dõi con chó trong khoảng 10 ngày. Nếu đến lúc đấy mà con chó vẫn bình thường, không phải chó dại thì có thể dừng tiêm. Không nên mạo hiểm chờ theo dõi chó mới tiêm bởi nhiều con chó, bệnh dại ủ bệnh từ 2 - 3 tuần mới phát bệnh, khi đó tiêm đã muộn.

Hơn nữa, vắc xin phòng dại hiện nay cũng là vắc xin mới, không có những di chứng tác động đến thần kinh như nhiều người lầm tưởng.

Triệu chứng bệnh dại khi bị chó cắn

Trước khi phát bệnh 2-4 ngày: Trước khi phát bệnh khoảng 2-4 ngày nạn nhân thường có biểu hiện như: đau đầu, bồn chồn, khó chịu, chán nản, sợ sệt vô cớ. Một số khác bị sốt, cảm, sưng đau tại vị trí bị cắn và lan dọc theo dây thần kịch của hệ bạch huyết.

Khi phát bệnh dại: Nạn nhân bị sốt cao lên đến 40,6 độ C, cơ thể mệt mỏi, khản tiếng, ho với ba mức độ nặng nhẹ khác như sau:

Thể co thắt: Thể này chiếm phần đa, nạn nhân sẽ có biểu hiện sợ nước, sợ ánh sáng và gió. Vì đây là những tác nhân chính gây ra cơn dại ( co cứng, co thắt, co giật và run) và khiến các cơn co giật ngày càng nặng hơn. Bên cạnh đó, các cơn co thắt hô hấp và co thắt thanh quản khiến bệnh nhân khó thở, dễ bị ngạt. Nạn nhân sẽ bị tăng kích thích thần kinh, dẫn bị mất ý thức, ngất xỉu và hôn mê có thể tử vong trong vòng từ 2-6 ngày.

Thể liệt: Ở dạng này người bệnh không bị kích thích quá độ thường chỉ bị co thắt và liệt.

Thể cuồng: Ở thể này nạn nhân bị tăng kích thích thần kinh dẫn đến thái độ hung dữ, thời gian phát bệnh dại và tử vong nhanh.

Cách phòng chống chó cắn và bệnh dại:

cho dai can3 - phunutoday

 Nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc với chó mèo (Ảnh minh họa).

- Nhà có trẻ em nên hạn chế nuôi chó.

- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với chó mèo, nhất là vào mùa nắng nóng

- Tuân thủ lịch tiêm phòng dại cho chó mèo đầy đủ.

- Khi nuôi chó cần dùng xích hoặc chuồng để nhốt lại

- Chó đi dạo hoặc ra đường cần đeo rọ mõm.

- Không dùng thuốc nam để điều trị khi bị chó cắn.

- Cần tiêm phòng đầy đủ cho trẻ khi bị chó dại cắn.

- Khi bé bị chó cắn, phải xử lý khoa học: rửa sạch vết thương, bôi thuốc sát trùng, cầm máu và đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Tuyệt đối không vì tức giận quá mà đánh chết chó.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn