Người phụ nữ có giọng nói huyền thoại Trịnh Thị Ngọ

( PHUNUTODAY ) - Câu chuyện về bà, về Hannah Hanoi – người phụ nữ có “giọng nói ma quỷ”, “giọng nói huyền thoại” hay “nàng tiên cá của binh sĩ Mỹ” vẫn được nhiều người nhắc đến, đặc biệt là các cựu chiến binh Mỹ.

(Phunutoday) - Bà từng được lính Mỹ gọi là “người đàn bà có giọng nói phù thủy”, một giọng nói mà những người lính Mỹ tham gia chiến tranh ở Việt Nam vừa căm ghét, vừa nhung nhớ, vừa sợ hãi nhưng vẫn không thể không nghe. Trong những năm chiến tranh, cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, giọng nói của bà đã khiến lính Mỹ bị mê hoặc, bị cảm hóa mỗi ngày dù chưa từng gặp mặt.

[links()]

Không ít người lính Mỹ sau những lần nghe những buổi trò chuyện với lính Mỹ của bà phát trên đài Tiếng nói Việt Nam đã tìm mọi cách để chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa và tìm cơ hội để trở về quê hương. Tổng thống Mỹ Kennedy khi đó đã nói: “Việt Cộng đã dùng một giọng nói đàn bà quyến rũ để làm lung lay tinh thần quân đội Mỹ ở Việt Nam”. Còn những người lính Mỹ gọi bà với cái tên trìu mến: Hannah Hanoi.

Lính Mỹ gọi bà là Hannah Hanoi

Bà Trịnh Thị Ngọ -  Biên tập viên và Phát thanh viên tiếng Anh kỳ cựu và nổi tiếng một thời của Đài Tiếng nói Việt Nam
Bà Trịnh Thị Ngọ - Biên tập viên và Phát thanh viên tiếng Anh kỳ cựu và nổi tiếng một thời của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Bà Trịnh Thị Ngọ -  Biên tập viên và Phát thanh viên tiếng Anh kỳ cựu và nổi tiếng một thời của Đài Tiếng nói Việt Nam, người vẫn được biết đến với cái tên Hannah Hanoi giờ đang sống những ngày tháng cuối đời ở thành phố Hồ Chí Minh.

Nhiều năm đã trôi qua sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, nhưng rất nhiều nhà báo Mỹ vẫn tìm đến Việt Nam để hỏi chuyện bà, rất nhiều cựu chiến binh Mỹ từng chiến đấu ở Việt Nam vẫn giữ những bản thu những buổi phát thanh của bà. Chỉ bằng những cuộc nói chuyện ngắn ngủi trên đài phát thanh, bà đã khiến cho không ít lính Mỹ chỉ muốn buông súng trước giờ ra trận.

Bà Trịnh Thị Ngọ sinh năm 1931 tại phố Hàng Bồ, Hà Nội. Bà là ái nữ của nhà tư sản Trịnh Đình Kính - “Ông hoàng thủy tinh” xứ Đông Dương. Cha bà là một nhà tư sản yêu nước và cũng là người Việt Nam đầu tiên học được nghề thủy tinh. Ông không chỉ sản xuất ra những mặt hàng thủy tinh có chất lượng ngang với các mặt hàng thủy tinh nhập từ Âu châu mà còn có công đào tạo ra những lớp thợ làm thủy tinh lành nghề sau này.

Sinh ra trong một gia đình tư sản giàu có nhưng Trịnh Thị Ngọ cũng như những người con khác của nhà tư sản Trịnh Đình Kính, được nuôi dạy rất nghiêm khắc. Sau khi tốt nghiệp khoa tiếng Anh, trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, Trịnh Thị Ngọ chính thức về nhận công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1955. Năm 1965,  Mỹ chuyển sang loại hình chiến tranh mới, quân viễn chinh Mỹ ồ ạt đổ bộ vào miền Nam Việt Nam.

Lúc đó, Đài Tiếng nói Việt nam đã phối hợp với Cục địch vận (Tổng cục Chính trị của Bộ Quốc phòng) làm một chương trình tiếng Anh dành riêng cho lính Mỹ lấy tên là chương trình “Chuyện nhỏ với binh sĩ Mỹ”. Bà Trịnh Thị Ngọ chính là phát thanh viên được giao nhiệm vụ trò chuyện với lính Mỹ trên sóng radio, giúp họ có cái nhìn đúng đắn về cuộc chiến tranh Mỹ đã gây ra ở Việt Nam: một cuộc chiến tranh phi nghĩa khiến nhân dân Mỹ cũng như cả thế giới bất bình.

Ngày đó, cô phát thanh viên Trịnh Thị Ngọ lấy cái tên Thu Hương để trò chuyện với binh sĩ Mỹ. Mở đầu chương trình, bao giờ bà cũng nói: “Đây là Thu Hương trò chuyện với binh sĩ Mỹ ở Nam Việt Nam”.

Là một phát thanh viên người Việt Nam phát thanh một chương trình bằng tiếng Anh, nhưng “Phát thanh viên Thu Hương” đã khiến lính Mỹ - những người mà ngôn ngữ tiếng Anh được coi là ngôn ngữ mẹ đẻ - đã hoàn toàn bị chinh phục, bị mê hoặc. Họ gọi bà là Hannah Hanoi, là “nàng tiên cá Hannah”. Đến nỗi mà Bộ Tư lệnh viễn chinh quân đội Mỹ từng cấm binh sĩ ở Hạm đội 7, binh sĩ ở Thái Lan cũng như ở miền Nam Việt không được nghe chương trình của Hannal Hanoi.

Nhưng dù bị cấm đoán, binh sĩ Mỹ vẫn truyền tay nhau nghe mỗi ngày và bàn tán xôn xao về những câu chuyện của Hannah Hanoi vẫn thường trò chuyện với họ trên đài phát thanh, những câu chuyện với những sự thật mà họ không bao giờ được chính Phủ Mỹ cho biết sự thật.

“Chào các anh lính Mỹ tên Joe. Tôi thấy có vẻ như hầu hết các anh được cung cấp rất ít thông tin về diễn biến của cuộc chiến, lại càng không được một lời giải thích đúng đắn về sự hiện diện của các anh ở đây. Không có gì mơ hồ bằng việc được lệnh dấn thân vào một cuộc chiến để bị chết hoặc bị thương tật cả đời mà không có lấy một ý niệm mờ nhạt nhất về chuyện gì đang xảy ra…

Họ nói dối các anh, lính Mỹ ạ! Các anh tự biết là các anh không thể thắng trong cuộc chiến này mà…

Các nhà lãnh đạo giàu có của các anh trở nên giàu hơn trong khi các anh đang chết ở vũng lầy.

Họ sẽ tặng huân chương cho các anh nhưng chỉ sau khi các anh đã chết.

Họ sẽ giết thế hệ trẻ các anh….”

Đó là những câu nói mà Hannah Hanoi vẫn nói trong chương trình trò chuyện với binh sĩ Mỹ, những câu nói mỗi ngày một thấm dần vào máu thịt của từng binh sĩ Mỹ, khiến họ vừa sợ hãi “giọng nói ma quỷ” của Trịnh Thị Ngọ, vừa yêu mến “tương tư”, đến nỗi không thể không nghe.

Bà - với phát âm tiếng Anh chuẩn xác, với giọng nói “mượt như nhung” đã nói cho lính Mỹ những sự thật về cuộc chiến tranh mà họ đang trải qua. Đêm đêm, bà đọc cho họ danh sách những lính Mỹ tử trận, đọc cho họ danh sách những máy bay Mỹ bị bắn rơi; bà kể với họ về chuyện ở nước Mỹ quê hương họ, nhân dân Mỹ đang phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa này và yêu cầu họ trở về nước; bà phát cho họ nghe những bài hát tiếng Anh do chính những nhạc sĩ Mỹ viết ra để phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam:

“Chúng ta phải đi khỏi nơi đây, nếu đó là việc cuối cùng cần làm. Chúng ta phải đi khỏi nơi đây. Chắc chắn có một cuộc sống tốt đẹp đang chờ đợi tôi và anh” – (lời bài hát của nghệ sỹ Mỹ Eric Burdon được Đài TNVN phát trong chương trình).

Những câu chuyện kể giữa đêm khuya của “người phụ nữ có giọng nói huyền thoại”

Ngoài những thông tin do Cục Địch vận của Bộ Quốc phòng cung cấp, để tăng phần khách quan cho thông tin của mình, bà cũng tìm thêm cả những thông tin do chính báo chí nước ngoài, đặc biệt là báo chí Mỹ đăng tải. Lính Mỹ nghe những thông tin này, biết chúng là sự thật, càng thêm tin vào những lời bà nói.

Những người lính Mỹ rất sợ hãi những chuyện mà bà kể mỗi ngày. Sợ đến nỗi ám ảnh. Nhưng đó là một nỗi ám ảnh mà họ không thể từ bỏ. Chương trình phát thanh của bà hiệu quả đến nỗi, ban đầu mỗi tuần Đài TNVN chỉ phát thanh một tuần hai buổi, mỗi buổi 5 – 6 phút, nhưng sau, thời lượng phát thanh tăng lên 3 buổi một ngày, mỗi buổi 30 phút. Mỗi ngày, Hannah Hanoi trò chuyện 90 phút với binh sĩ Mỹ, nhiều câu chuyện bà kể đã khiến lính Mỹ tranh cãi dẫn đến đánh nhau và khiến họ nản chí trước mỗi giờ ra trận.

Với lính Mỹ ngày đó không gì sợ bằng việc nghe Hannah Hanoi đọc danh sách những lính Mỹ tử trận mỗi ngày. Bà chỉ đọc bản danh sách này vào đêm khuya. Nghe những thông tin này vào giữa đêm thanh vắng là điều tồi tệ và đáng sợ khủng khiếp với bất cứ người lính Mỹ nào, nhưng dù bị cấp trên cấm đoán, họ vẫn dò cho bằng được chương trình của bà ở bất cứ đâu vào nghe nó mê mải.

Sau mỗi chương trình của bà kết thúc, có những người lính Mỹ trằn trọc, bần thần suốt đêm khi nghĩ đến kết cục xấu nhất có thể xảy ra cho mình. Một người lính Mỹ kể rằng, có một lần giữa đêm khuya, anh nghe chương trình của Hannah Hanoi và thấy bà chúc mừng sinh nhật của một sỹ quan Mỹ, bạn của anh. Mà anh là người biết rõ hơn ai hết người sỹ quan bạn anh vừa tử trận trước đó vài ngày. Lời chúc mừng sinh nhật dành cho một người lính Mỹ tử trận đến từ một cô gái Hà Nội đã khiến những người lính Mỹ như anh vô cùng ám ảnh, đau đớn.

Đó là những giây phút họ căm thù cuộc chiến tranh mà họ đang tham gia, căm thù cái nhiệm vụ tàn phá một đất nước tươi đẹp mà họ đang làm hơn bao giờ hết. Và những người lính Mỹ đã nhanh chóng tìm cách để thoát khỏi cái chết vô ích từng ngày ở đây, cố sống vì không muốn một ngày nào đó, mình sẽ là người được Hannah Hanoi chúc mừng sinh nhật trong một hoàn cảnh tương tự như thế.

Bà Trịnh Thị Ngọ tâm sự, bà chinh phục lính Mỹ chỉ bằng giọng nói, bằng những bí quyết nho nhỏ của mình. Nguyên tắc của bà là đọc phải thuyết phục, không quá thân mật nhưng không quá cứng rắn và tuyệt đối tránh sự lả lơi. Trong cuộc trò chuyện của mình, bà không bao giờ gọi lính Mỹ là kẻ thù mà gọi họ là đối phương.

Điều quan trọng là khi bước vào phòng thu, bà nói chuyện với lính Mỹ với một niềm tin trong lòng: cuộc chiến tranh phi nghĩa này nhất định sẽ kết thúc và phần thắng nhất định sẽ thuộc về dân tộc Việt Nam. Mỗi ngày trò chuyện 90 phút với binh sĩ Mỹ và làm nên nỗi ám ảnh với binh sĩ Mỹ, người con gái Hà thành nhỏ nhắn và duyên dáng Trịnh Thị Ngọ, bằng một cách rất riêng của mình đã góp phần làm nên chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Ngày 30/4/1975, bà vinh dự là người được đọc trực tiếp bằng tiếng Anh, thông báo với thế giới sự kiện lịch sử của Việt Nam: “Sài Gòn đã được giải phóng, đất nước Việt Nam đã hoàn toàn độc lập thống nhất”. Sau ngày giải phóng, bà theo chồng vào miền Nam sinh sống và làm việc ở Đài Tiếng nói thành phố Hồ Chí Minh.

Giờ bà đã 80 tuổi, sức khỏe yếu dần mỗi ngày, nhưng câu chuyện về bà, về Hannah Hanoi – người phụ nữ có “giọng nói ma quỷ”, “giọng nói huyền thoại” hay “nàng tiên cá của binh sĩ Mỹ” vẫn được nhiều người nhắc đến, đặc biệt là các cựu chiến binh Mỹ.

Ở nước Mỹ xa xôi, khi nhớ về cuộc chiến tranh Việt Nam, không ít cựu binh Mỹ vẫn có thói quen bật những bản thu ghi âm lại những buổi phát thanh của Hannah Hanoi để nhớ về những ký ức khủng khiếp mà họ đã trải qua trong cuộc chiến tranh ấy.
 

  • Hương Thảo Nguyên
     
TAGS:
Theo: