Nguyên tắc nằm lòng bố mẹ dạy trẻ phải nhớ để tránh bị bắt cóc

( PHUNUTODAY ) - Thời gian gần đây, liên tiếp rộ lên những thông tin về các vụ bắt cóc trẻ em, đặc biệt là trẻ mẫu giáo, tiểu học. Bố mẹ nên dạy con những kĩ năng gì hàng ngày để trẻ có thể đối phó và biết cách tự bảo vệ mình kẻ xấu?

Cha mẹ dạy trẻ nói không với các món quà

Cha mẹ hãy dạy trẻ nói “không” với các loại quà bánh, truyện tranh, tiền bạc, hay lời rủ đi chơi công viên, trung tâm vui chơi,.. của người lạ. Tức là cha mẹ phải dạy trẻ không nên nhận các món quà như đồ chơi trẻ em hay các loại bánh kẹo, và các lời rủ rê trẻ đi chơi …mà không có người thân bên cạnh. Đặc biệt, cha mẹ cần giải thích cụ thể cho trẻ biết, hiểu rõ được “Người lạ” ở đây là ai? Người lạ ở đây là những người trẻ chưa từng gặp cùng cha mẹ trước đó, là những người không được cha mẹ giới thiệu với trẻ, là những người có thể tự xưng là bạn của bố mẹ khi không có mặt bố mẹ.

Chạy xa khỏi chiếc xe lạ theo chiều ngược lại

Các phụ huynh nên dạy con không lên xe người lạ. Đây là quy tắc quan trọng. Ngoài ra, trẻ cũng nên biết thêm một quy tắc khác: Nếu phát hiện ôtô lạ bám theo và người bên trong đang cố gắng thu hút sự chú ý, con phải chạy thật nhanh theo hướng ngược lại chiều chuyển động của xe. Việc này sẽ giúp con có thời gian cầu viện sự giúp đỡ của người xung quanh.

bat-coc phunutoday

 

Đặt mật khẩu gia đình

Nếu ai đó nói với con bạn: "Đi theo cô. Cô sẽ đưa cháu đến chỗ bố và mẹ" thì điều đầu tiên trẻ cần làm là hỏi người lạ: "Bố mẹ cháu tên gì? Mật khẩu gia đình chúng cháu là gì?". Phụ huynh nên đặt một mã số cho những tình huống khẩn cấp, ví dụ trong trường hợp bạn cần nhờ người quen đón bé. Hãy đặt một cụm từ nào đó khó đoán, chẳng hạn "mèo vàng lông mịn".

Dạy bé biết kể chuyện, tâm sự với bố mẹ thường xuyên

Hãy lắng nghe các câu chuyện kể của bé thường xuyên về trường lớp, bạn bè để hiểu con hơn. Từ đó bố mẹ sẽ kịp thời dạy dỗ, uốn nắn để con có thái độ sống tích cực, chơi với bạn tốt, tránh làm bạn với những kẻ xấu.

Cài phần mềm quản lý

Những chức năng như định vị GPS cho phép bạn biết vị trí chính xác của con và mức pin còn lại trong điện thoại của bé.

Đeo đồng hồ có nút báo khẩn cấp

Các thiết bị điện tử có nút báo khẩn cấp thường được thiết kế dưới dạng đồng hồ, móc treo chìa khóa, vòng cổ hay vòng tay. Với những thiết bị đặc biệt này, các bậc cha mẹ có thể biết được vị trí của con.

Cha mẹ nên cho trẻ xem video

Cha mẹ hãy cùng trẻ xem những video phóng sự, clip mô phỏng, mô tả các tình huống thiếu an toàn mà những bé khác gặp phải khi không ở cùng bố mẹ của mình. Sau đó, cha mẹ có thể khơi gợi và giải đáp những thắc mắc của trẻ khi bé xem những video này để trẻ dần hình thành ý thức phòng vệ cho mình trong những tình huống tương tự có thể xảy ra với trẻ nếu trẻ gặp phải.

Hét to 'cháu không quen ông ta/cô ta'

Mẹ cần dặn con, khi bị người lạ túm tay kéo đi, con nên chống cự lại bằng cách: Cắn, đá, cấu và cố gắng thu hút sự chú ý của người xung quanh bằng mọi giá. Trẻ cũng nên hét to: "Cháu không quen ông ta/cô ta" để thoát khỏi tình huống nguy hiểm.

Giữ khoảng cách khi nói chuyện với người lạ

Trẻ nên được dạy quy tắc không nói chuyện với người lạ. Nếu cần giao tiếp, con không được kéo dài cuộc nói chuyện quá 5-7 giây, sau đó phải chạy tới địa điểm an toàn. Trong lúc nói chuyện, con luôn phải giữ khoảng cách với họ từ 2 m đến 2,5 m. Trong trường hợp người lạ cố tiếp cận gần hơn, tốt hơn hết con nên lùi lại. Mẹ hãy thực hành tình huống đó với con và chỉ cho bé biết khoảng cách 2 m - 2,5 m là bao xa.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn