Những điều "kỳ lạ" ở con có thể mẹ chưa biết

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Có những điều mà nhiều mẹ khi mới sinh con lần đầu tưởng đó là dấu hiệu bất thường nhưng thực chất nó lại rất bình thường. Cùng khám phá những điều "kỳ lạ" thú vị của bé yêu khi mới chào đời nhé các mẹ!

Đầu to hoặc có bướu

Khi mới sinh đầu bé thường to, tỉ lệ giữa đầu và người của bé thường cao gấp đôi tỉ lệ này ở người lớn. Có những trẻ có bộ tóc dày, nhưng có trẻ lại rất thưa. Một số trẻ có thể bị biến dạng hoặc có bướu trên đầu. Bạn đừng lo ngại, sự biến dạng này sẽ hết sau vài ngày.

Lông mọc khắp người

Hiện tượng bé sơ sinh có lông măng là rất bình thường. Lớp lông tơ này sẽ rụng dần theo thời gian khoảng 1 – 3 tháng. Lông nhiều có thể khiến bé ngứa ngáy. Nhưng mẹ không nên quá lo lắng mà nhổ, cạo hay tắm lá vông pha muối như nhiều người áp dụng. Như thế có thể sẽ ảnh hưởng đến làn da còn non nớt của bé. Mẹ chỉ cần tắm rửa sạch sẽ và chú ý dinh dưỡng đầy đủ cho bé.

Da có hạt nhỏ màu trắng đục

Khi mới sinh, da bé thường hơi nhăn nheo và đỏ, đôi khi có chất nhầy bám lại. Trên da của bé có thể có một số hạt nhỏ màu trắng đục nhô trên da, dân gian thường gọi là hạt kê. Nguyên nhân là so sự ứ đọng chất bã. Trong vài tuần chúng sẽ biến mất tự nhiên. Trên má và mũi bé có thể có những đốm nhỏ màu trắng, những đốm này cũng mất dần sau vài tuần tuổi nên các bà mẹ cứ yên tâm.

Bớt màu xanh tím

Theo các bác sĩ, đây là những dát màu xanh tím do sự ứ đọng nhiều tế bào melanocytes ở lớp bì của da. Vị trí xuất hiện thường ở vùng sau mông, kích thước thay đổi từ vài mm đến hàng chục mm. Khi trẻ lớn lên, những bớt này từ từ biến mất mà không cần can thiệp gì.

Vú và bộ phận sinh dục

Hai vú của bé sơ sinh đều phồng lên và có thể tiết ra vài giọt sữa. Tại bộ phận sinh dục của bé gái có thể có chảy ra một ít chất nhầy hoặc máu. Cả hai hiện tượng này đều liên quan đến việc một số hormone của mẹ truyền qua cho bé trong quá trình bé ở trong bụng mẹ.

Với bé trai, hai bên bìu có thể chứa một ít dịch gây căng to ra. Những biểu hiện này ở các bé là bình thường, sẽ hết trong vài tuần sau đó.

Trước khi bé được bú bữa đầu tiên trong đời, bé đã đi ra phân rồi

Phân này còn gọi là "cứt su", vào khoảng từ 60 tới 200g, là lượng chất thải có trong ruột bé từ khi bé còn nằm trong bụng mẹ. Phân là một chất nhầy, màu xám. Sau 3-4 ngày, "phân su" sẽ được thay thế dần bằng phân do sự tiêu hóa sữa tạo ra. Phân này màu vàng nhạt hoặc vàng thẫm.

Bé khóc không có nước mắt

Biểu hiện này là do ở bé sơ sinh tuyến lệ chưa phát triển. Nếu hiện tượng này kéo dài thì mẹ cần cho bé đi khám vì có thể bé bị tắc tuyến lệ.

Bé hay bị nấc

Đây là hiện tượng bình thường do bé nuốt nhiều hơi khi bú. Để tránh tình trạng này, khi bú mẹ nên chỉnh đúng tư thế và cố gắng cho bé ngậm hết quầng vú mẹ (hay đầu núm vú nếu bé bú bình). Một số bình chống nuốt hơi cũng có tác dụng hạn chế.

Tính miễn nhiễm 

Nếu khi mang thai bà mẹ đã được tiêm phòng các bệnh đậu mùa, bạch hầu, bệnh bại liệt, bệnh uốn ván thì các bé mới sinh cũng được miễn nhiễm các bệnh đó. Ngoài ra các bé còn miễn nhiễm tự nhiên với các bệnh sởi và quai bị nếu mẹ bé đã bị qua. Tuy vậy, tính miễn nhiễm này sẽ mất đi khi bé được từ 13 đến 18 tháng tuổi.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn