Những ký ức về Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Là người khảng khái, Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực luôn khuyến khích con cái tự lập, tự khẳng định vị trí của mình trong cuộc sống của mình cũng như trong công việc bằng chính khả năng của mình chứ không được dựa dẫm vào cha.

(Phunutoday) - Là một vị chính khách liêm khiết, chính trực, lúc sinh thời Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực chưa bao giờ sử dụng vị trí và quyền chức của mình để mưu lợi cá nhân. Lúc nào, ông cũng công tư phân minh. Thế mới có chuyện thời ông làm Phó Thủ tướng, tuy hai vợ chồng cùng làm việc ở một cơ quan, nhưng vợ ông vẫn ngày ngày đi xe đạp đi làm.

[links()]

Tuổi thơ khó khăn của Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực

Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực
Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực

Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực sinh năm 1910 trong một gia đình Nho giáo nghèo tại làng Dương Lệ Đông, tổng Gia An, nay là xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Thuở nhỏ, ông thường chứng kiến cảnh gia đình mình cũng như người dân trong làng chịu đủ những cay đắng, khốn khổ vì sưu cao, thuế nặng và sự áp bức của cường hào, địa chủ.

Tuy nhà nghèo, một năm chỉ có 7 – 8 ngày được ăn gạo trắng đủ no, còn lại phải ăn cơm độn, ăn sắn, ăn khoai, nhưng từ nhỏ, cậu bé Trần Hữu Dực đã chứng kiến cách cư xử rất tình người của ông nội. Ngày nhỏ, ông nội của Trần Hữu Dực – một nhà Nho nghèo có trái tim nhân hậu thường tuyên bố với cả gia đình: “Chừng nào tôi còn sống thì con cháu cả họ này không ai được đi làm lý trưởng, vì làm lý trưởng là sẽ áp bức, bóc lột của dân nghèo, có tội với dân”.

Là một người có trái tim nhân hậu, nên dù không đủ ăn nhưng có lần, có người ăn xin đến xin, đang ăn dở bát cơm, ông nội của Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực liền lấy hết phần cơm của mình cho người ăn xin đó. Khi bị mọi người trong gia đình thắc mắc, ông cụ nói: “Mình đói nhưng người ta còn đói hơn mình”. Gia đình nghèo nên mỗi người trong nhà Trần Hữu Dực ngày đó chỉ có một bộ quần áo lành lặn để mặc đi ra ngoài, còn khi ở nhà, đàn ông đều cởi trần, đàn bà mặc váy và mặc áo yếm. Nhưng có lần có người bạn đến chơi, ông nội của Trần Hữu Dực đã cởi ngay chiếc áo tặng cho người bạn của mình.

Sống trong một gia đình gia giáo, được giáo dục cặn kẽ, lại chứng kiến sự áp bức, bóc lột của thực dân phong kiến, Trần Hữu Dực đã sớm có ý chí căm thù giặc. 15 tuổi, Trần Hữu Dực đã tham gia Cách mạng và trở thành Đảng viên Cộng sản của nhóm Cộng sản đầu tiên ở Quảng Trị. Năm 1930, khi mới tròn 20 tuổi, ông đã trở thành Bí thư  tỉnh Quảng Trị.

Là một người có tính cách khảng khái, không luồn cúi, Trần Hữu Dực được rất nhiều người quý mến. Cũng chính vì quý tính của Trần Hữu Dực mà bố vợ ông sau một lần vô tình gặp mặt và tiếp xúc đã ngay lập tức muốn gả con gái cho ông.

“Thuyền theo lái, gái theo chồng”, con gái đến tuổi lấy chồng thì phải về nhà chồng làm dâu, nhưng Trần Hữu Dực lại tình nguyện đi ở rể. Bố mẹ vợ của Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực chỉ có 2 người con gái, nên khi gả con gái cho Trần Hữu Dực, nguyện vọng duy nhất của hai ông bà là mong con rể về ở cùng cho vui cửa vui nhà. Ông đã vui vẻ chấp nhận đề nghị này vì cảm mến sự gần gũi và không khí tình cảm của gia đình bên vợ.

Được sự đồng tình của bố mẹ vợ, Trần Hữu Dực đã biến gia đình vợ thành một cơ sở Cách mạng, là nơi gặp gỡ của ông với các Đảng viên Cộng sản của tỉnh  Quảng Trị.

Từ khi bắt đầu đi hoạt động Cách mạng đến lúc Cách mạng tháng Tám thành công, Trần Hữu Dực đã có 3 lần bị giặc bắt với 13 năm ngồi tù. Trong 13 năm đó, ông đi qua hết các nhà tù Quảng Trị, Lao Bảo, Buôn Mê Thuột. Vợ ông một mình ở nhà nuôi đàn con thơ và nuôi chồng tù tội.

Thương vợ con ở nhà, nên trong suốt thời gian ở tù, vợ có đến thăm nuôi, gửi đồ tiếp tế, ông đều kiên quyết không nhận. Ông không muốn mình trở thành gánh nặng của gia đình. Ở tù nhiều năm trời, ngày được tự do, gia đình đến đón, nhìn thấy một cô bé con đi cùng, ông còn hỏi: “Đứa bé nào đây” mà không hề biết đó chính là con gái của mình đã lớn đến thế sau vài năm không gặp.

Chuyện về “hai chiếc đồng hồ sống” trong Phủ Thủ tướng

Sinh thời, Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực rất thương yêu và biết ơn người vợ tảo tần đã phải chịu biết bao vất vả, thiệt thòi trong suốt 13 năm chồng xa cách biền biệt, khi chồng cứ đi hết nhà lao này đến nhà lao khác, không biết sống chết ra sao. Thế nhưng không vì thế mà ông lẫn lộn giữa công việc chung và công việc chung.

Sau những năm tháng tù tội khó khăn, khi Cách mạng tháng Tám thành công, Trần Hữu Dực trở thành Chủ tịch Trung bộ. Khi đó nhiều người làng ông đã nghĩ vậy là từ nay gia đình ông đã “hết cơn khổ tận đến hồi thái lai”. Nhưng khi ông làm Chủ tịch Trung Bộ, vợ con ông vẫn sống là làng Dương Lệ Đông. Trong hồi ký của mình, ông từng kể, có một lần vợ ông đưa cậu con trai 7 tuổi từ quê đến thăm ông.

Ngày hôm đó, ông đã  dành một buổi đưa vợ ông vào thăm cung đình Huế, rồi sau đó dẫn vợ con sang thăm tòa Khâm sứ sang trọng và lộng lẫy. Ngày đó, phòng nghỉ riêng của tòa Khâm sứ Trung Kỳ được xếp thành phòng nghỉ của Chủ tịch Trung Bộ. Khi bước vào phòng nghỉ này, trước vẻ sang trọng của nó, vợ ông đã thốt lên: “Nhà mình ở đây à?”. Khi đó ông trả lời ngay: “Không! Nhà mình vẫn ở Dương Lệ Đông, Quảng Trị. Ngày mai hai mẹ con lại về đấy”. Vợ ông nghe thế bật cười vui vẻ. Ngày hôm sau bà lại đưa con trai về làng Dương Lệ Đông, Quảng Trị mà không hề băn khoăn bất cứ điều gì.

Suốt những năm kháng chiến chống Pháp, vợ chồng con cái Trần Hữu Dực thường xuyên phải sống xa cách vì nhiệm vụ Cách mạng của ông nay đây mai đó. Sau năm 1954, gia đình ông mới được đoàn tụ ở miền Bắc. Thời ông làm Phó Thủ tướng làm việc ở Phủ Thủ tướng, vợ ông cũng làm việc ở đó. Với vị trí của mình, ông hoàn toàn có thể chọn cho vợ vị trí làm việc nhàn nhã hơn, nhưng ông chỉ cho vợ làm công việc nấu ăn ở Phủ Thủ tướng.

Ngày đó, ở cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ, hàng ngày đi làm, ông đều được xe ô tô đưa đón. Nhưng dù hai vợ chồng cùng làm việc một nơi, vợ ông vẫn ngày ngày đi xe đạp đi làm. Có người hỏi ông sao không để vợ đi cùng xe, ông bảo: “Cùng đi sao được, ô tô và lái xe là tiêu chuẩn của Nhà nước dành cho Phó Thủ tướng đi làm việc, chứ không phải phục vụ gia đình”. Vì quan điểm đó nên khi gia đình có việc cần di chuyển đi đây đi đó hay khi vợ con bị ốm đau, phải đi khám bệnh, ông cũng không bao giờ dùng xe của cơ quan.

Là người khảng khái, Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực luôn khuyến khích con cái tự lập, tự khẳng định vị trí của mình trong cuộc sống của mình cũng như trong công việc bằng chính khả năng của mình chứ không được dựa dẫm vào cha.

Ngày đó, ở Phủ Thủ tướng có một giai thoại mà mọi người vẫn truyền tai nhau rằng: “Ở Phủ Thủ tướng có 2 cái “đồng hồ sống”. Hễ cứ thấy chiếc ô tô của Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực vào cổng Phủ Thủ tướng thì đã là 7giờ kém 15. Còn khi thấy bà Dực dắt chiếc xe đạp Thống Nhất vào chỗ để xe thì đích thị đồng hồ chỉ 7giờ kém 5’. Hai vợ chồng Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực luôn xuất hiện đúng giờ như thế, ngày nào cũng như ngày nào.

Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực rất gắn bó với gia đình vợ. Thời trẻ hoạt động Cách mạng ở Quảng Trị, ông và các đồng chí, đồng đội luôn được gia đình vợ giúp đỡ, ủng hộ, nên sau này, ông rất nhớ ơn nghĩa đó. Dù công việc, nhiệm vụ bận rộn đến mấy, nhưng ông vẫn là người đứng mũi chịu sào, là người cáng đáng các công việc của gia đình vợ. Với ông, đó là cách tri ân những tình cảm mà bố mẹ vợ đã dành cho ông trong những ngày đầu khó khăn của Cách mạng.

Khi về hưu, vợ chồng Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực vẫn sống hết mực giản dị. Hai ông bà tự nấu ăn, tự chăm sóc nhau, không làm phiền đến bất cứ ai, kể cả con cái. Hàng tháng, vợ chồng ông bà đều đặt ra tiêu chuẩn: ông ăn 140 nghìn đồng/ tháng, bà ăn 100 nghìn đồng/ tháng, không bao giờ vượt quá mức này.

Buổi sáng, ông dậy sớm nấu cơm để bà có thể ngủ thêm một chút. Đến buổi chiều, bà lại đi nấu cơm để ông có thời gian làm việc. Học tính cách tiết kiệm của Bác Hồ, nên Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực tối kỵ việc để thức ăn thừa. Không bao giờ có chuyện vợ chồng ông để thừa cơm hay thức ăn trên đĩa. Cứ như vậy hai ông bà sống bên nhau bình yên suốt những năm tháng tuổi già. Đến tận khi âm dương chia lìa đôi ngả, vợ chồng Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực vẫn sống hạnh phúc bên nhau.

Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực luôn tự hào vì có một người vợ hiền đảm, thủy chung, hy sinh hết lòng vì chồng con. Đó là chỗ dựa vững chắc cho ông trên con đường Cách mạng mà ông tin tưởng và theo đuổi suốt đời.
 

  • Hoàng Lân
TAGS:
Theo: