Nỗi oan tày trời của con trai Lưu Bị

( PHUNUTODAY ) - Trên thực tế, nói Lưu Thiện thiểu năng, ham chơi, bất tài, vô dụng là cực kỳ oan uổng. Bởi lẽ, cũng giống như cha mình, Lưu Thiện là một cao thủ về sử dụng những đòn tâm lýhellip;

(Phunutoday) - Lâu nay, nhắc tới Lưu Thiện, còn gọi là A Đẩu, con trai của Lưu Bị, vị hậu chủ của nhà Thục Hán, người ta đều nghĩ tới một đứa trẻ ham chơi, thiểu năng, một vị quân vương bất tài, vô dụng và nhát gan. Người Trung Quốc thậm chí còn dùng tên A Đẩu để chỉ những đứa trẻ kém cỏi, hay dùng thay thế cho tính từ thiểu năng. Trên thực tế, nói Lưu Thiện thiểu năng, ham chơi, bất tài, vô dụng là cực kỳ oan uổng. Bởi lẽ, cũng giống như cha mình, Lưu Thiện là một cao thủ về sử dụng những đòn tâm lý…

1. Câu chuyện thực tế bắt đầu từ tháng 4 năm 223. Ngày hôm đó, Chiêu Liệt Hoàng đế nhà Tây Thục - Lưu Bị - đại bại trong trận Di Lăng, chạy về Bạch Đế thành. Trong trận chiến trả thù cho người em kết nghĩa Quan Vũ do chính Lưu Bị ngự giá thân chinh, vị Hoàng đế nhà Thục Hán đã bị nguyên soái của quân Đông Ngô là Lục Tốn dùng kế hỏa công một lúc thiêu hơn 700 dặm doanh trại, khiến 40 vạn quân nhà Thục “tan tác tro bay”.

Trong thời gian tại Bạch Đế thành, nghĩ tới thất bại vừa trải qua, lại thêm mối thù chưa trả, Lưu Bị uất giận thành bệnh, nằm liệt trên giường. Vào thời điểm lúc bấy giờ, Lưu Bị đã không còn cái hùng tâm tráng chí như ngày xưa nữa. Thù mới, nợ cũ, việc nước, việc nhà khiến bệnh tình vị sứ quân Lưu hoàng thúc lừng lẫy xưa kia ngày một trầm trọng hơn. Biết rằng mình sẽ khó mà qua khỏi, Lưu Bị vội vã cho gọi thừa tướng Gia Cát Lượng và thượng thư Lý Nghiêm tới Bạch Đế thành để dặn dò chuyện hậu sự.

Lưu Thiên trên phim
Lưu Thiên trên phim


Sau khi vua tôi hàn huyên hồi lâu, Lưu Bị mới cầm tay Gia Cát Lượng mà nói rằng: “Ông tài gấp 10 lần Tào Phi, tất có thể an định đất nước, hoàn thành việc lớn (khôi phục nhà Hán). Nếu như con ta có thể phò tá thì ông phò tá, còn nếu như nó là đứa bất tài thì ông có thể thay nó!”. Gia Cát Lượng nghe thấy Lưu Bị nói vậy thì giật mình.

Đang trong lúc còn hoài nghi, chưa hiểu chúa công của mình có ý gì thì Lưu Bị đã kéo tay đứa con trai của mình là A Đẩu nói với Gia Cát Lượng: “Sau khi ta chết, con phải chăm sóc phụng dưỡng thừa tướng giống như phụng dưỡng ta!”. Những lời dặn dò của Lưu Bị trước lúc nhắm mắt xuôi tay từ trước tới nay từng gây ra rất nhiều tranh cãi.

 Mỗi người đều dựa vào những lập luận của mình để đưa ra kiến giải riêng, cho tới nay vẫn chưa ai chịu ai. Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề tập trung chỉ ở một điểm, đó là Lưu Bị nói những câu đó với Khổng Minh là thật lòng hay giả dối. Trên thực tế, nếu như xét tâm lý Lưu Bị và tình cảnh Thục Hán lúc bấy giờ, có thể khẳng định rằng Lưu Bị đang nói dối. Toàn bộ cuộc đối thoại đó giống như một ván bài chính trị mà người chơi chính là Lưu Bị và Gia Cát Lượng, còn tiền cược cho ván bài đó chính là toàn bộ cơ đồ nhà Thục Hán. Và điều quan trọng hơn chính là Lưu Bị đang là người thất thế trong ván bài này.

Xưa nay, chuyện các ông vua gửi gắm con cái và chuyện quốc gia đại sự cho các đại thần là chuyện hoàn toàn không có gì mới. Song, thông thường, địa điểm các vị Hoàng đế gửi gắm con là ở tại thủ đô, thời gian gửi gắm con cũng là lúc đất nước đã ổn định. Tuy nhiên, trường hợp của Lưu Bị thì không hề như vậy. Địa điểm Lưu Bị gửi gắm con lại diễn ra tại Bạch Đế thành, nơi cách kinh đô nhà Thục hàng trăm dặm. Thời gian cũng rất bất lợi khi Lưu Bị vừa bị quân Đông Ngô đánh cho một trận tơi bời, phải rút chạy về Bạch Đế thành.

 Có thể nói, trong ván bài chính trị với Gia Cát Lượng trước khi nhắm mắt xuôi tay, Lưu Bị không có được thiên thời, cũng chẳng có được địa lợi và nếu bi quan có thể nói là không có hy vọng chiến thắng. Trong tình hình ấy, nếu được đánh cược, nhiều người ắt hẳn sẽ tin rằng sau khi Lưu Bị chết thì thiên hạ của họ Lưu sẽ biến thành giang sơn của họ Gia Cát.


Trên thực tế, không có thiên thời, địa lợi nhưng Lưu Bị lại có lợi thế “nhân hòa” mà Gia Cát Lượng không thể bì kịp. Từ khi khởi nghiệp cho tới lúc nhắm mắt xuôi tay, Lưu Bị luôn tạo cho mình một hình tượng hiền từ, nhân đức và tìm mọi cách để bảo vệ sự chính danh cũng như sự phân biệt tôn ti trật tự quân-thần-phụ-tử rất rõ ràng.

Hẳn những ai thông thuộc “Tam Quốc” đều nhớ rằng, Lưu Bị kiên quyết không xưng đế cho tới khi Gia Cát Lượng và tướng lĩnh dưới quyền phải cầu xin hết mực, vị Lưu hoàng thúc mới miễn cưỡng mà lên ngôi. Điều quan trọng là, Lưu Bị hiểu rằng, một kẻ yêu danh dự hơn cả tính mạng bản thân như Gia Cát Lượng, trong không khí “đạo đức” do Lưu Bị cả đời dồn hết tâm sức để tạo nên, sẽ không bao giờ dám làm điều mà Lưu Bị đặt ở phần nếu trong câu nói của mình.
 
Vậy vì sao Lưu Bị lại phải nói như vậy? Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, Lưu Bị biết rằng, người có đủ khả năng và cũng là người có đủ dã tâm để “thay thế” đứa con thơ dại của ông ta trong triều đình Thục Hán chỉ có một mình Gia Cát Lượng. Câu nói của Lưu Bị, một mặt vừa là thăm dò thái độ của Gia Cát Lượng, vừa là để thông báo với Gia Cát Lượng rằng Lưu Bị thừa hiểu những dã tâm của ông ta.

 Câu nói của Lưu Bị về việc Gia Cát Lượng có thể phế bỏ A Đẩu mà lên nắm quyền thực tế là đòn tâm lý cuối cùng của Lưu Bị để dập tắt dã tâm của Gia Cát Lượng, đảm bảo giang sơn nhà Thục Hán không bị rơi vào tay họ Gia Cát. Xem lại trong suốt chiều dài lịch sử những cuộc đấu tranh chính trị ở Trung Quốc có thể thấy những lời gửi gắm vàng ngọc mà Lưu Bị dành cho Gia Cát Lượng là những câu nói của một cao thủ dùng đòn tâm lý. Và thực tế chứng minh, Lưu Bị đã thành công.

Trong lịch sử, không ít những vị Hoàng đế trước khi chết đã gửi gắm con thơ lại cho các đại thần. Chẳng hạn như Công tử Dị Nhân đã ủy thác cho Lã Bất Vi phò trợ cho Tần vương Doanh Chính hay vua Thuận Trị đã gửi gắm Khang Hy cho bốn vị đại thần. Tuy nhiên, cả Lã Bất Vi và Ngao Bái - một trong bốn vị đại thần - đã thâu tóm mọi quyền hành, khống chế toàn bộ triều đình, thậm chí còn vượt quyền, coi Hoàng đế chỉ như một đứa trẻ con để mình chơi đùa. Kết quả, cả hai vị đại thần được giao nhiệm vụ phò tá này đều có kết cục thê thảm, bị chính những Hoàng đế mà họ phù trợ ra lệnh tử hình.

Kết cục của Gia Cát Lượng lại hoàn toàn khác với Lã Bất Vi và Ngao Bái. Nguyên nhân chính là vì Gia Cát Lượng từ đầu tới cuối không có ý định phản lại nhà Thục Hán, một lòng một dạ cúc cung tận tụy. Trong khi đó, Lưu Thiện giống như cha mình, là một đứa trẻ thông minh, biết lấy đại cuộc làm trọng, chấp nhận sự oan ức, cố gắng để thu mình lại, đồng thời tôn kính Gia Cát Lượng như với cha đẻ của mình.

 


2. Là Hoàng đế đời thứ hai, ngay từ khi lên ngôi, Lưu Thiện đã phải đối mặt với một đối thủ rất mạnh, đó chính là Gia Cát Lượng. Bất kể là tuổi tác, kinh nghiệm quản lý quốc gia, Gia Cát Lượng đương nhiên đều hơn hẳn so với Lưu Thiện. Ngay cả Lưu Bị trong những phút cuối đời vẫn còn thốt ra rằng vị thừa tướng của mình tài năng còn gấp 10 lần so với ông vua nhà Ngụy - Tào Phi.

Trong tình cảnh ấy, Lưu Thiện có rất nhiều lựa chọn. Một là loại bỏ kẻ thuộc hạ tài năng hơn mình với phương châm dùng kẻ tầm thường mà yên tâm còn hơn dùng kẻ có tài mà ăn không ngon, ngủ không yên. Cách thứ hai là không loại bỏ một thuộc hạ tài năng như Gia Cát Lượng nhưng tìm mọi cách để cản trở, làm khó đối thủ của mình.

Các thứ ba là tìm cách thể hiện chính bản thân mình, chứng minh rằng mình là một minh quân thực sự, đủ tài năng lãnh đạo đất nước. Ngoài ra, còn một lựa chọn khác nữa là tự biết mình không phải là gì, không có cái gì, sau đó quyết định bản thân phải là gì, phải có cái gì để xác định vị trí của chính mình. Cái thông minh của Lưu Thiện là vị hậu chủ này đã lựa chọn cách thức ứng xử cuối cùng này.

Lưu Thiện ngồi trên ngôi Hoàng đế nhà Thục Hán hơn 40 năm. Tuy nhiên, không khó để phát hiện ra rằng, trong suốt quãng thời gian này, gần như Lưu Thiện không hề làm gì, hoặc giả có thể nói là chẳng để lại dấu vết nào. Không những ông ta không hề lập được công trạng gì hiển hách mà trong lối sống cũng chỉ thể hiện mình là một đứa trẻ ngoan ngoãn, biết nghe lời. Nhiều người cho rằng, sở dĩ như vậy là vì Lưu Thiện thực ra chẳng có năng lực gì cả. Thực tế, điều này không hẳn chính xác. Bởi lẽ, điều mà Lưu Thiện làm, công trạng mà Lưu Thiện để lại chính là sự tồn tại hơn 40 năm của nhà Thục Hán do mình trị vì.

Tướng phụ Gia Cát Lượng không phế bỏ Lưu Thiện mà tự lên ngôi Hoàng đế như lời Lưu Bị dặn dò, ngược lại cúc cung tận tụy, cho tới khi chết vẫn làm một vị “thừa tướng” mẫn cán. Do vậy, trong phán đoán của Lưu Thiện, tướng phụ Gia Cát Lượng dù có tài năng nữa, quyền lực nữa cũng không bao giờ cướp ngôi vua của mình. Lý do là vì tướng phụ muốn để lại tiếng thơm cho muôn đời sau.

Đây là phán đoán cơ bản và quan trọng của Lưu Thiện. Phán đoán thứ hai quan trọng không kém chính là, Gia Cát Lượng là một người tài năng, nhưng cực kỳ thích lên mặt làm thầy thiên hạ. Trước đây, khi Lưu Bị ba lần tới lều tranh mới gặp được “tướng phụ”, dù nhỏ tuổi hơn Lưu Bị rất nhiều, song Gia Cát Lượng vẫn giảng cho vị Hoàng đế tương lai nhà Thục Hán một bài dài về kế sách giành thiên hạ. Bản thân Lưu Thiện, so với cha từ cốt cách, độ tuổi, trải nghiệm và kinh nghiệm đều không bằng cha mình khi đó.

Ngược lại, Gia Cát Lượng tuổi tác ngày một nhiều hơn, kinh nghiệm, trải nghiệm và kiến thức cũng ngày một tăng hơn và ham muốn làm thầy thiên hạ cũng cao hơn. Vậy vì sao không thỏa mãn lòng hư vinh của Gia Cát Lượng, tự mình đóng vai một kẻ hậu bối, một cậu học trò ngoan, để Gia Cát Lượng được hư danh còn bản thân mình thì thu về lợi thực, đó là một cuộc buôn bán béo bở mà Lưu Thiện chẳng có lý do gì để không làm. Hiểu được điều này thì chúng ta có thể hiểu vì sao trong hai tờ biểu xuất quân, lời lẽ của Gia Cát Lượng lại như một bài giáo huấn đối với Hoàng đế Lưu Thiện.

Phán đoán quan trọng thứ ba của Lưu Thiện chính là, tướng phụ Gia Cát Lượng “một bụng kinh luân” vì vậy, luôn muốn tham gia những canh bạc “anh sống, tôi chết”. Biết được nhược điểm này của Gia Cát Lượng, Lưu Thiện đã sử dụng một chiêu nổi tiếng trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung là “Càn Khôn đại na di”, lệnh cho Gia Cát Lượng liên tục xuất quân chinh phạt dù quân sư họ Gia Cát chỉ có sở trường về việc trị lý công việc nội bộ thời bình.

Sách Tam Quốc gọi đây là “sáu lần ra Kỳ Sơn” của Gia Cát Lượng. Đối với Lưu Thiện, kết quả của những lần ra Kỳ Sơn này hoàn toàn không quan trọng, bởi lẽ điều Lưu Thiện quan tâm chính là mỗi lần xuất quân như vậy thì sẽ làm tiêu hao đi một chút khí thế và sức lực của Gia Cát Lượng. Và quả thực, những cuộc chinh phạt này đã vắt kiệt mọi sức lực của Gia Cát Lượng một cách mau chóng.

 Mỗi lần Gia Cát Lượng dẫn quân xuất chinh là lúc Lưu Thiện cảm thấy thoải mái hơn một chút. Điều này, Lưu Thiện hiểu rất rõ, bởi vì nếu không thì với trí tuệ và phán đoán của mình, Lưu Thiện không khó để nhìn thấy “sáu lần ra Kỳ Sơn” của Gia Cát Lượng là lợi bất cập hại dù là về mặt chiến thuật hay chiến lược.

Điều đáng tiếc là nhiều người không có một cái nhìn toàn diện và hệ thống, chỉ thấy trong biểu xuất quân tấm lòng trung nghĩa của Gia Cát Lượng, chỉ thấy cái dũng cảm của vị thừa tướng nhà Thục Hán trong “sáu lần ra Kỳ Sơn”, chỉ thấy trí tuệ trong “không thành kế” bịa đặt. Trên thực tế, đó chỉ là cách nhìn ở tầng vi mô và không toàn diện. Nếu liên hệ các sự kiện lại với nhau, nhìn toàn thể, chúng ta có thể khẳng định rằng, người thực sự có “trí tuệ” chính là Lưu Thiện chứ không phải Gia Cát Lượng.

3. Bậc thầy Nho học của Trung Quốc - Mạnh Tử - có nói: “Dân là quý nhất, xã tắc thứ hai, vua thì xem nhẹ”. Tuy nhiên, trong các triều đại phong kiến từ trước tới nay, các vị Hoàng đế đều coi giang sơn là của cải của riêng mình, xem trăm họ như cỏ rác, tùy ý giẫm đạp lên trăm họ để thỏa mãn ham muốn riêng của mình. Tuy nhiên, Hậu chủ Lưu Thiện không hề làm như vậy. Trong tình cảnh Thục Hán không còn khả năng chống lại quân Ngụy, để tránh cho dân chúng không phải chịu thảm cảnh bị quân Ngụy tàn sát một cách đẫm máu, Lưu Thiện đã lựa chọn cách hành xử khôn ngoan là đầu hàng.

Tháng 5 năm 263, quân Tào Ngụy tấn công nhà Thục Hán. Chinh Tây tướng quân của nhà Ngụy là Đặng Ngải thống lĩnh 3 vạn quân tấn công Cam Tùng. Thích sử Ung Châu là Gia Cát Tự dẫn 3 vạn quân tấn công Vũ Nhai, cắt đường rút lui của Khương Duy. Chung Hội dẫn hơn 10 vạn binh từ Tà Cốc, Lạc Cốc, Tử Ngưu Cốc tấn công Hán Trung.

Nhà Thục biết quân Ngụy tấn công, vẫn sai đại tướng Lưu Hóa, Trương Dực, Đổng Quyết rút về bảo vệ Hán Thành và Lạc Thành. Quân của Khương Duy rút về bảo vệ Kiếm Các. Cho tới tháng 10 năm đó, tướng quân Đặng Ngải vượt hơn 700 dặm mà không hề tốn một binh một tốt, liên tiếp lấy Giang Du, Bội Huyện, Miên Trúc, dẫn quân áp sát Thành Đô, thủ đô nhà Thục Hán.

Quân địch sắp đánh tới nơi, Lưu Thiện cho gọi quần thần vào bàn bạc đối sách. Có người chủ trương di chuyển kinh đô xuống phía Nam, có người lại chủ trương quy phục Đông Ngô, bắt chước Gia Cát Lượng tạo liên minh Ngô Thục kháng lại quân Tào Ngụy. Tuy nhiên, Quang Lộc đại phu là Tiêu Chu thì lại chủ trương đầu hàng quân Ngụy. Sau khi quần thần tranh luận chán chê, Lưu Thiện đồng ý với kiến nghị đầu hàng quân Ngụy.

Đầu hàng Ngụy quân thực tế là một ván bài. Nhưng ván bài này không giống với ván bài mà Lưu Thiện đã đánh với Gia Cát Lượng. Nếu như trong ván bài với Gia Cát Lượng, tiền cược là giang sơn nước Thục thì tiền cược trong ván bài lần này chính là tính mạng của Lưu Thiện.

Trong suy nghĩ của Lưu Thiện, nếu như dời đô về vùng đất khô cằn phía Nam thì chẳng qua chỉ là tự làm khó chính mình, cuối cùng cũng không tránh được kết cục bị tiêu diệt. Trong khi đó, Đông Ngô ở thời điểm hiện tại cũng không phải là đối thủ của Ngụy, tương lai cũng khó tránh khỏi họa diệt vong. Vì vậy, lựa chọn đầu hàng quân Ngụy là cách giải quyết nhanh chóng nhất.

Sách “Tam Quốc chí” của Trần Thọ viết rằng, khi đầu hàng, Lưu Thiện vẫn giữ cốt cách của một ông vua, ngồi trên xe chỉ tay xuống Đặng Ngải chứ không mang dáng vẻ sợ sệt của một ông vua mất nước. Dáng vẻ của Lưu Thiện còn khiến những kẻ chiến thắng là quân Ngụy không khỏi thán phục. Do “thức thời”, Lưu Thiện nhận được rất nhiều ưu đãi từ phía quân Ngụy. Ngay trong buổi Lưu Thiện dẫn triều thần nhà Thục Hán ra đầu hàng, Đặng Ngải lấy thân phận là thừa chế, thay mặt Hoàng đế nhà Ngụy phong cho Lưu Thiện làm Phiêu Kỵ tướng quân.

Sau khi Đặng Ngải tiêu diệt xong nhà Thục thì về Ngụy, bỏ lại Lưu Thiện ở Thành Đô. Sau đó, Chung Hội và Khương Duy phát động binh biến, khiến Tư Mã Chiêu cảm thấy nếu để Lưu Thiện ở lại Thành Đô có vẻ tình hình sẽ không ổn, vì vậy bèn phái người truyền lệnh gọi Lưu Thiện và gia quyến về Lạc Dương. Khi Lưu Thiện về tới Lạc Dương, Tư Mã Chiêu dùng danh nghĩa của Ngụy Nguyên Đế phong cho Thiện làm An Lạc Công, thực ấp một vạn hộ. Ngoài ra, con cái của Lưu Thiện cùng hơn 50 đại thần nước Thục theo Lưu Thiện tới Lạc Dương đều được phong hầu.

Sau khi tới Lạc Dương, Lưu Thiện cảm thấy sự tình có chỗ không ổn. Mặc dù nhà Ngụy phong cho mình làm An Lạc Công, tuy nhiên, người đang nắm quyền thực sự trong triều đình nhà Ngụy là Tấn Vương Tư Mã Chiêu lại rất nghi ngờ mình. Lúc này, vị hậu chủ Lưu A Đẩu lại đánh cược một lần nữa để bảo toàn tính mạng của mình.

Không lâu sau đó, Tấn Vương Tư Mã Chiêu bày tiệc mời Lưu Thiện tới dự. Trong bữa tiệc, Tư Mã Chiêu cố ý sắp xếp một màn biểu diễn của nước Thục, ngoài ra còn bố trí một số người giả vờ bị màn biểu diễn này làm cho xúc động, không kìm nén được đã âm thầm chảy nước mắt.

Ngồi cạnh Tư Mã Chiêu, bản thân Lưu Thiện nhìn thấy những bài hát, câu ca, điệu múa của nước Thục thân quen thì không khỏi cảm thấy thương tâm. Tuy nhiên, nhìn thấy gương mặt của Tư Mã Chiêu liên tục thay đổi, Lưu Thiện bỗng cảm thấy mình nên cảnh giác. Vì vậy, mặc cho trong lòng thương cảm ra sao, Lưu Thiện vẫn cười nói, uống rượu như bình thường. Cuối cùng, Tư Mã Chiêu đã bị Lưu Thiện đánh lừa, cho rằng Thiện chỉ là một kẻ kém cỏi, thiểu năng nên yên tâm.

Lúc đó, Tư Mã Chiêu đã nói thầm với Giả Sung thân tín của mình rằng: “Một kẻ vô lo vô nghĩ đến như vậy, dù cho Gia Cát Lượng còn sống cũng khó mà phò trợ được huống hồ là Khương Duy!”. Giả Sung nói: “Không hẳn như vậy, chúa công nên cẩn thận!”. Sau khi màn biểu diễn kết thúc, Tư Mã Chiêu quay sang hỏi Lưu Thiện: “Màn biểu diễn có làm ông nhớ nước Thục không?”. Lưu Thiện giật mình rồi đáp: “Ở đây vui, không còn nhớ nước Thục nữa”.

Câu nói này của Lưu Thiện đã lừa được Tư Mã Chiêu, thậm chí lừa được cả một triều thần thân tín của Lưu Thiện là Khích Chính. Sau khi bữa tiệc kết thúc, Khích Chính nói với Lưu Thiện: “Chủ công trả lời như vậy là không thích hợp. Nếu như lần sau, Tư Mã Chiêu hỏi như vậy, chủ công nên chảy nước mắt, buồn rầu trả lời rằng: “Mộ của tổ tiên đều ở nước Thục, tôi làm sao không nhớ cho được?”.

 


Suy nghĩ một lúc, Lưu Thiện gật đầu. Vài ngày sau, vẫn còn nghi ngờ Lưu Thiện, Tư Mã Chiêu lại hỏi Thiện có nhớ nước Thục không. Nghe theo lời của Khích Chính, Lưu Thiện nói lại y như những gì Khích Chính đã nói, đồng thời khuôn mặt tỏ ra vô cùng bi thương.

Tư Mã Chiêu nghe xong, đột nhiên nói: “Lời của ông sao giống với Khích Chính vậy?”. Lưu Thiện giả vờ kinh ngạc rồi nói: “Ngài làm sao biết được? Những lời này chính là do Khích Chính dạy tôi”. Tư Mã Chiêu nghe xong, cười ha hả rồi bỏ đi, từ đó hoàn toàn yên tâm, không còn lo lắng gì về Lưu Thiện nữa.

Lưu Thiện biết rằng, là một ông vua mất nước, cách đối đãi của Tào Ngụy đối với bản thân mình sẽ ảnh hưởng rất lớn tới chính sách mà quốc gia chiến thắng này áp dụng đối với trăm họ nước Thục. Do vậy, Lưu Thiện đã tìm mọi cách để ẩn giấu chính mình, không để lộ tài năng thực sự, giả làm một kẻ ngốc nghếch vừa để bảo toàn tính mạng, vừa để bảo vệ con dân của nước mình.

Sách “Tam Quốc tập giải” của Chu Thọ Xương đánh giá rất cao Hậu chủ A Đẩu, cho rằng: “Những lời đồn đại (về Lưu Thiện) là hoàn toàn sai sự thực. Chẳng qua, A Đẩu tự ẩn mình đi để bảo toàn chính mình trong hoàn cảnh hiểm nghèo mà thôi”.

Tháng 12 năm 271, Lưu Thiện mắc bệnh rồi qua đời ở Lạc Dương, kinh đô nước Ngụy, thọ 64 tuổi. Trong số tất cả những ông vua mất nước trong lịch sử Trung Quốc, kết cục của Lưu Thiện có thể nói là “có hậu” nhất. Điều đó hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên.

Cổ Tỉnh
 

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn