Ở nơi chết vẫn chưa hết khổ

( PHUNUTODAY ) - Những đám tang trong mùa bèo nổi (tháng tư tới tháng tám) là nỗi ám ảnh của cả xóm Tiền Giang, Hải Dương, bởi khó đưa qua sông.

Xóm đảo Tiền Giang (Cự Lộc, Minh Đức, Tứ Kỳ, Hải Dương) nằm ở ngã ba giao nhau giữa hai con sông Cửu An và Cửu Yên. Mọi việc đi lại của người trong xóm, từ học hành, cưới hỏi đến ma chay đều phải nhờ đến con đò. Năm 2008, xã đã đầu tư hơn 100 triệu đồng mua đò chạy bằng dầu, cử hai người đi học lấy chứng chỉ lái đò về chở miễn phí cho bà con. Nhưng việc đi lại qua sông trong mùa bèo nổi vẫn rất nguy hiểm.

Mọi việc đi lại từ xóm ra bên ngoài đều bằng con đò nhỏ qua ngã ba sông. Ảnh: Vũ Viết Tuân.
Mọi việc đi lại từ xóm ra bên ngoài đều bằng con đò nhỏ qua ngã ba sông. 

Vào mùa bèo Tây, từ tháng tư đến tháng tám, sáng nào bèo cũng trôi kín mặt sông từ sớm, quấn chặt lấy đò. Khi trong xóm có người mất thì lo lắng nhất không phải tổ chức ma chay, cỗ bạt thế nào, mà là làm sao để đưa người chết qua sông, về nơi an nghỉ cuối cùng được thuận lợi. Mỗi khi có việc, cần tới 10 đến 20 chuyến đò đi về mới chở hết bà con sang sông.

"Khổ nhất là vào mùa nước cạn, mùa bèo Tây. Những lúc đó, các nhà phải kêu gọi bà con trong xóm xuống sông giãn bèo, đẩy đò sang sông. Có đám phải đưa quan tài và người nhà sang sông từ đêm hôm trước vì sợ sớm hôm sau bèo về, không đi được", anh Phạm Đình Tốt, làm nghề chở đò 26 năm, cho biết.

Vì trường nằm ở bờ bên kia nên việc đi học của hơn 30 em nhỏ trong xóm rất nhọc nhằn. Các em phải đi từ sớm tinh mơ, để đợi được lên đò. Một số gia đình có điều kiện đã tự sắm thuyền thúng chở con đi học để không muộn giờ. Khi bèo nổi hay nước cạn, học sinh phải nghỉ học hoặc đi vòng lối xa hơn từ 5 đến 7 km. "Có lần các cháu đi học về thì đúng lúc bèo dạt tới, đò không chạy được. Vậy là gia đình phải gọi điện cho các cháu ngủ nhờ bà con xóm bên kia sông, đợi tới lúc bèo tan", ông Nguyễn Văn Lý, người dân trong xóm, chia sẻ.

Vì việc đến trường cách trở đò giang, nên mấy chục năm nay, cả xóm mới có một vài người đi học trung cấp. Hầu hết học sinh lên cấp ba rồi bỏ dang dở, đi làm ăn. Người dân ở đây cũng đã quen với hình ảnh những cô dâu, chú rể và quan viên hai họ đứng hai bên bờ sông vẫy tay chào nhau. Mấy năm trước, đã có người bị ngã đò, chết đuối khi đưa dâu qua sông.

Xóm Tiền Giang được hình thành trong khoảng thời gian 1965-1968, lúc đầu chỉ có vài hộ gia đình sang đây ở để tiện đi làm đồng ruộng. Hiện nay, xóm có 40 hộ với 212 nhân khẩu, chỉ còn người già, đau yếu, bệnh tật và những gia đình nghèo ở lại. Thanh niên trong làng, người có tiền đều đã sang bờ bên kia mua đất làm nhà, hoặc lên thành phố làm ăn. Những căn nhà của họ không bán được cho ai nên bị bỏ hoang. Vì thế, người ta còn gọi xóm Tiền Giang là xóm đảo hoang, vì trong xóm có nhiều ngôi nhà bỏ hoang, không có người ở.

Một căn nhà bỏ hoang trong xóm vì chủ nhân đã sang bờ bên kia ở. Ảnh: Vũ Viết Tuân.
Một căn nhà bỏ hoang trong xóm vì chủ nhân đã sang bờ bên kia ở.

Người dân ở xóm đảo Tiền Giang đến bây giờ vẫn còn phải thắp đèn dầu, dùng nước sông để sinh hoạt. Chỉ vào đường dây điện trong xóm, ông Nguyễn Thanh Tùng, trưởng xóm, chia sẻ: "Các nhà toàn phải nấu cơm từ rất sớm, tới buổi trưa hay buổi tối điện yếu lắm, thắp đèn cũng chập chờn. Cả xóm vẫn phải thắp đèn dầu buổi tối nên người ta còn gọi đây là xóm đom đóm".

Không chỉ thiếu điện, đa số hộ gia đình trong xóm vẫn phải gánh nước sông về dùng, vì không có tiền khoan giếng. Nhà nào khá hơn thì có thêm chiếc bể lọc. Cả xóm cũng chỉ có một cửa hàng tạp hóa nhỏ để phục vụ những nhu cầu thiết yếu. Muốn mua những thứ xa xỉ hơn, người dân phải sang sông, lên thị trấn Tứ Kỳ. Trong xóm cũng không có y bác sĩ, mỗi khi có người ốm đau đều phải qua đò sang trạm y tế xã. Xóm cũng không có máy bơm tưới tiêu nên gần 10 ha ruộng vẫn phải tát nước bằng gầu múc tay.

Cả xóm trông ngóng sẽ có một cây cầu nhỏ nối đảo với đất liền. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Mạnh, Chủ tịch UBND xã Minh Đức, ngã ba sông Cửu An là trục giao thông đường thủy quan trọng từ Hải Dương sang Thái Bình, Hưng Yên, hằng ngày có mấy chục lượt tàu bè đi lại, nên việc làm cầu chỉ để phục vụ xóm Tiền Giang là điều không thể vì rất tốn kém.

Ông Mạnh cho biết thêm, hiện xã đã đề nghị Nhà nước cấp đất cho người dân xóm Tiền Giang ở khu tái định cư trong đất liền. Nếu 38 hộ dân cư có chỗ ở mới ổn định, phần xóm đảo sẽ được giao cho các nhà đầu tư làm trang trại. "Nếu chưa được, xã sẽ đề nghị đầu tư phương tiện đi lại cho bà con tốt hơn, đồng thời  nâng cấp đường dây điện", ông chủ tịch xã nói.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn