Phạm luật khi khoe bảng điểm của con trên mạng

( PHUNUTODAY ) - Vào những ngày cuối năm học, trên mạng xã hội tràn ngập những hình ảnh, thông tin đăng tải về bảng điểm, về thành tích học tập của con, tuy nhiên theo ý kiến của các chuyên gia thì việc đăng tải những hình ảnh khoe thông tin trên mạng sẽ có những tác động không tốt đến trẻ nhỏ.

Hiện nay, một số bậc phụ huynh thường đưa thông tin hay khoe điểm của con lên mạng xã hội.

Tuy nhiên không phải tất cả mọi thứ đưa lên mạng điều không tốt. Nhiều bậc phụ huynh chỉ muốn khoe con mà quên đi con muốn gì, nghĩ gì. 

Như em H.L, học sinh lớp 8 ở một trường THCS trên địa bàn Q.Đống Đa (Hà Nội) mặc dù đạt kết quả học tập khá cao, lại không vui vẻ khi bị mẹ đưa kết quả học tập trung bình đạt 9,6 lên mạng. L. chia sẻ: “Em không muốn trở thành đề tài cho người lớn bình luận. Bên cạnh những lời chúc mừng, có những người ác ý bảo rằng đó là thành tích ảo, điểm khống. Còn bạn bè trêu đùa, bảo em là không bình thường. Năm nay em đã lớn, em muốn cha mẹ phải tôn trọng ý kiến riêng của em”.

Cũng tương tự như vậy, cách đây vài ngày, Đ.H.A - học sinh tại một trường THPT ở Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội), bị bạn bè trêu chọc, tung kết quả học tập không lấy gì làm sáng sủa lên một diễn đàn của giới trẻ, kèm theo đó là tên tuổi, địa chỉ trường lớp. Sau đó, kết quả được chia sẻ rất nhiều trên Facebook khiến Đ.H.A xấu hổ, mặc cảm không dám ra khỏi nhà. Dù sau đó người bạn đã xin lỗi, gỡ bỏ hình ảnh, trò đùa ác ý đã làm tổn thương không chỉ em mà cả gia đình em.

pham-luat-khi-dang-tai-khoe-anh-con-tren-mang-phunutoday.vn

 

Theo tiến sĩ Phạm Ngọc Linh, Phó trưởng khoa Công tác xã hội (Học viện Thanh thiếu niên VN - T.Ư Đoàn), cho rằng, nhìn nhận dưới góc độ của chuyên gia tâm lý thì tâm lý của các bậc cha mẹ là “tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại”.Tuy nhiên, nhiều phụ huynh không biết rằng việc đưa thông tin, kết quả học tập của học sinh lên mạng có 2 mặt.

Về mặt tích cực, trẻ tự hào vì được người lớn khen. Nhưng phần lớn chỉ là học sinh bậc tiểu học. Từ bậc trung học trở lên, do thay đổi tâm sinh lý, các em không muốn khoe điều này.

Ở khía cạnh tiêu cực, việc đưa kết quả của con lên mạng vô hình trung tạo áp lực học tập, năm sau phải cố gắng. Nếu không đạt, trẻ thường tìm mọi lý do để che giấu, nói dối, hậu quả khôn lường.

Cũng theo đó, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Oanh – Trưởng Khoa Quan hệ quốc tế (Học Viện Báo chí tuyên truyền), cho rằng khi đăng bất cứ hình ảnh nào liên quan tới đời tư của con, bố mẹ cũng cần phải cân nhắc: “Liệu hành vi này có phải vì lợi ích tốt nhất của con?”. Việc bố mẹ đăng ảnh mà không xin phép con thì đó là vi phạm quyền của trẻ em. Có thể những thông tin đó sẽ tác động tới đời sống sinh hoạt, tâm tư của trẻ. Nếu chẳng may bị các “thánh chém” trên mạng mổ xẻ, xâu xé, trẻ sẽ bị tổn thương rất lớn.

Trên thực tế hiện nay, luật Trẻ em mặc dù sắp có hiệu lực, nhưng để Luật đi vào cuộc sống cần phải bổ sung, sửa đổi thêm nhiều bộ luật khác. Do vậy, thời gian này, nếu phát hiện những hành vi bị nghiêm cấm theo Luật thì cũng chưa thể xử lý ngay được.

Theo:  khoevadep.com.vn copy link