Rạn da sau sinh: Tại sao các mẹ phải xóa?

( PHUNUTODAY ) - Khi chứng kiến hoặc được nghe từ các mẹ, các chị, các thím,… rủ nhau đi xóa những vết rạn trên bụng, bắp đùi, bác sĩ Trần Vũ Quang luôn tự hỏi: “Tại sao phải xóa?”.

Sự thay đổi cơ thể của người mẹ sau sinh luôn là đề tài khiến vô số các mẹ quan tâm, đặc biệt là vấn đề bụng rạn. Hầu hết các mẹ đều cảm thấy xót thương vô cùng trước hình ảnh đã không ngần ngại đánh đổi thanh xuân, sắc đẹp vì những đứa con.

Mới đây, trên nhiều diễn đàn đồng loạt chia sẻ hình ảnh xót xa về vết rạn trên bụng của chị em phụ nữ sau khi sinh nở.

Ngay sau khi được đăng tải, bức ảnh đã nhận được sự chú ý của nhiều người, kèm theo đó là những câu chuyện đau lòng. Bạn trẻ V.H. bình luận: “Nhìn mà thấy sợ quá, sau này có sinh mà bụng bị rạn phải đi xóa ngay, không thì sẽ chẳng dám khoe với chồng".

Đồng quan điểm, T.T. lên tiếng: “Chồng em mỗi lần nhìn thấy bụng vợ là chê bủng chê beo, vì thế, sau sinh em đã phải đi xóa những vết xấu đó đi. Ít nhất để mỗi lần bản thân nhìn vào còn đỡ giật mình”.

ran-da-sau-sinh-tai-sao-cac-me-phai-xoa-1

 Bức ảnh bụng rạn sau sinh được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội

Còn bác sĩ Trần Vũ Quang (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) đã chia sẻ những cảm xúc rất thật của mình khi nhìn thấy những vết rạn của chị em phụ nữ sau khi sinh nở.

Trên diễn đàn mạng xã hội, bác sĩ Trần Vũ Quang viết:

RẠN DA SAU SINH TẠI SAO CÁC MẸ PHẢI XÓA?

Đó đã từng là một thắc mắc khi tôi còn bé, khi chứng kiến hoặc được nghe từ các mẹ, các chị, các thím,… rủ nhau đi xóa những vết rạn trên bụng, bắp đùi hoặc thủ thỉ chỉ cho nhau thuốc này xóa rạn da tốt hay chỗ kia có thể xóa sạch các vết rạn. Khi đó còn nhỏ chưa nhận thức được hết nên nó luôn là một câu hỏi đi theo suốt tuổi thơ của tôi: “Tại sao phải xóa?”.

Có khi nào bạn cũng có thắc mắc tương tự hoặc giống như tôi?

Vậy lý do gì khiến các mẹ, các thím, các dì,… lại muốn xóa đi các vết rạn trong khi nó là bằng chứng rõ nhất cho sự hy sinh cao cả, cho sự chịu đựng, sự vất vả, khổ sở trong suốt quá trình mang thai và sau sinh? Từ một thân hình con gái với vòng một căng tròn, vòng hai thon thả, vòng ba nảy nở thì thay vào đó là vòng một chảy xệ, là đống mỡ thừa bùng nhùng với những vết rạn nhăn nhúm, chằng chịt như những rễ cây đan chéo vào nhau từ bụng kéo xuống đến bắp chân. Từ một cô gái thời thượng khoác lên mình những bộ quần áo quyến rũ nay thay bằng những bộ đồ ngủ rộng thùng thình, lụp xụp. Từ một cô gái tự do bay nhảy giờ đây lại quanh đi quẩn lại với chợ búa, xó bếp, chồng con…

Tôi nhớ có lần tôi khám cho một chị người quen đang có bầu tháng thứ 8 mà tôi không nhận ra chị, chị khác quá. Nhận ra sao được khi mà từ một cô gái xinh xắn, khuôn mặt trái xoan với body chuẩn thì nay mặt chị phù nề, chi chít mụn, lấm chấm các đốm tàn nhang, cơ thể thì ì ạch, nặng nề với cái bụng bầu như sẵn sàng vỡ ra bất cứ lúc nào.

Hay có chị đi khám sau sinh, mặt chị buồn thiu, chị tâm sự rằng: “Bác sĩ ơi, bụng tôi và thận chí cả đùi, mông, bắp tay đều chi chít những vết rạn trông rất kinh khủng khi sờ vào có cảm giác sần sần. Điều này càng tệ hại hơn sau khi tôi sinh cháu thứ hai vừa rồi. Những lúc riêng tư, tôi thậm chí không cho chồng nhìn và không cho bật đèn, thỉnh thoảng anh đùa tôi là “mẹ xề”, tôi tủi thân lắm!”.

Là một bác sĩ sản phụ khoa tôi thương cảm với từng vết rạn da trên người những bà mẹ, tôi nhìn nhiều, tôi quen, và tôi thấu hiểu hơn ai hết về sự hi sinh cao cả mà thầm lặng đó.

Theo số liệu khoa học, cơ thể con người chịu đựng được tối đa 45 đơn vị đau (del unit). Nhưng khi phụ nữ đẻ thường, người mẹ phải chịu đựng tới 57 đơn vị đau, nó tương đương với việc bị gãy 20 cái xương cùng 1 lúc. Con số này đã cho thấy sức chịu đựng của phụ nữ thật phi thường!

Họ có khả năng phi thường thật ư?

Không!

Họ chẳng có sức mạnh siêu nhiên hay phi thường nào cả. Họ cũng là những con người bình thường, những người mẹ bình thường, những người vợ bình thường. Nhưng với một tình yêu con vô bờ bến đã khiến họ trở lên kiên cường và vĩ đại, họ chịu đựng nỗi đau bị bẻ gãy “20” cái xương để con chào đời trong sự hân hoan, vui sướng của cả gia đình. Chính tình yêu đó đã thách thức tất cả và không khoan nhượng bất cứ điều gì để mang con đến bên mẹ! Vậy, chẳng phải chính những vết rạn ấy là minh chứng cho những nỗi đau mà mẹ chịu để chúng ta có mặt trên đời này.

Tôi từng nói với một vài người bạn “ Đàn ông trước khi quyết định lấy vợ hãy về nhìn mảng bụng “xấu xí” của mẹ mình trước”. Hôn nhân và tình yêu là hai định nghĩa hoàn toàn khác nhau. Khi yêu chỉ cần tình yêu là đủ, khi yêu mọi thứ đều đẹp đều khiến ta khao khát, ước mơ. Nhưng khi sống trong hôn nhân chỉ tình yêu là không đủ, hôn nhân còn cần cả trách nhiệm, nghĩa vụ, sự sẻ chia, sự tin tưởng và quan trọng hơn cả là sự cảm thông cho nhau.

Ai đó quanh đi quẩn lại trong xó bếp chỉ vì muốn gia đình mình có cơm ngon canh ngọt. Ngày ngày, ai đó chăm chỉ đi chợ, tỷ mẩn chọn từng mớ rau, cân thịt chỉ vì muốn gia đình mình được ăn đồ tươi nhất, sạch nhất, an toàn nhất.

Ai đó luôn là người chủ động dọn dẹp nhà cửa, dọn dẹp đống lộn xộn do con cái bày bừa.

Bao lâu nay ai đã dậy sớm để chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà và thức khuya để chuẩn bị đồ cho sớm ngày mai….

Phải chăng khi họ làm những điều này sẽ đem lại lợi ích gì cho họ?

Gia đình hạnh phúc, con cái vui vẻ, khỏe mạnh, vợ chồng luôn ân ái, tin tưởng, sẻ chia cùng nhau chính là lợi ích lớn nhất của “ai đó” mà tôi đang nhắc đến.

Hãy đối sử với những người mẹ, người vợ bằng sự chân thành nhất, bằng tất cả lòng yêu thương, sự cảm thông, chia sẻ và sự thương xót vì họ đáng được như vậy!

Những người mẹ, người vợ đã hy sinh một cách thầm lặng chỉ mong con mình ra đời có được những thứ tốt đẹp nhất, khỏe mạnh nhất. Họ sẵn sàng hy sinh nhan sắc, sức khỏe và tất cả những gì họ có để có được tiếng cười của gia đình. Các vết rạn “xấu xí” chính là những minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó, cho sự hi sinh, cho tình thương yêu cao cả!

Tuổi trẻ họ không thích nó nhưng nếu được trở thành một người mẹ, họ sẵn sàng chấp nhận.

Chấp nhận một cơ thể thô kệch, không hoàn hảo để có được những đứa con hoàn hảo”.

ran-da-sau-sinh-tai-sao-cac-me-phai-xoa-2

Những cảm xúc rất thật của bác sĩ Trần Vũ Quang khi nhìn thấy những vết rạn của chị em phụ nữ sau khi sinh nở 

Bài viết của nam bác sĩ này nhanh chóng nhận được nhiều sự đồng tình của chị em phụ nữ.

Bạn K.N. bình luận, “Một bác sĩ thấu tình và đạt lý”.

Cảm ơn bác sĩ! Nói thay nỗi niềm của người phụ nữ”, ý kiến của bạn P.T.N.

ran-da-sau-sinh-tai-sao-cac-me-phai-xoa-3

 Ý kiến của các chị em phụ nữ

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn