“Sầu nữ tình yêu” Đàm Liên đêm nào cũng rơi nước mắt vì yêu

( PHUNUTODAY ) - Cái biệt danh “sầu nữ tình yêu” mà người ta đặt cho NSND Đàm Liên là từ vai diễn của chị trong Hồ Nguyệt cô hóa cáo.

(Phunutoday) - Cái biệt danh “sầu nữ tình yêu” mà người ta đặt cho NSND Đàm Liên là từ vai diễn của chị trong Hồ Nguyệt cô hóa cáo. Chị diễn không nhiều vở này, chủ yếu là đi diễn ở nước ngoài. Lần chị diễn Hồ Nguyệt cô trên sân khấu Paris, khi Hồ Nguyệt Cô nhìn thấy bàn tay mình đang mọc lông, trở về với lốt cáo, chị bỗng thấy đau, đau đến tận cùng của tâm can mình, chị bật cười, tiếng cười ấy đã làm cho cả khán phòng đứng dậy vỗ tay ầm ầm. Lúc đó, chị hiểu rằng, tận cùng của nỗi đau là tiếng cười chứ không phải là tiếng khóc…


Nỗi đau tình yêu của Hồ Nguyệt Cô ấy xuất phát từ chính những nỗi đau tình của Đàm Liên, có lẽ vậy mà chị đã thể hiện quá thành công tiếng cười này. Đến giờ này, gần 70 tuổi, “sầu nữ tình yêu” vẫn còn đau vì tình…

Chịu đủ những đắng cay, thị phi với chữ “tình” từ khi 14
   
“Sầu nữ tình yêu” Đàm Liên vừa cho ra mắt độc giả cuốn sách “Nghệ sĩ nhân dân Đàm Liên phía sau những hào quang”, đây có thể gọi là cuốn hồi ký của chị (xin được gọi NSND Đàm Liên là chị bởi “sầu nữ tình yêu” còn quá trẻ so với cái tuổi gần thất thập của chị).

Trong cuốn hồi ký này, NSND Đàm Liên đã thẳng thắn nhìn lại quá khứ của mình, những chuyện tình gây ra bao sóng gió cuộc đời chị, những lần kỷ luật lên kỷ luật xuống cũng chỉ vì yêu. Đàm Liên kể chuyện rất thật, thật và duyên vô cùng, mọi chuyện tình yêu đã qua trong đời chị hình như lúc nào cũng cứ tươi roi rói, nhắc đến những mối tình, đôi mắt chị cứ lúng liếng, cái miệng cười thật đa tình.

Đàm Liên yêu từ khi 14 tuổi, chị trao nụ hôn đầu tiên cho một chàng trai người Ba Lan làm việc ở cảng Hải Phòng. Khi chàng trai ấy đặt môi hôn chị lần đầu tiên, chị ngỡ ngàng bởi còn chưa biết thế nào là…yêu.

Chàng trai Ba Lan rất đẹp trai, chỉ hơn chị có 2 tuổi, chàng mê chị bởi mê nàng Đàm Liên đẹp rạng ngời với điệu múa “hái chè bắt bướm” nổi danh đó đây.  Nhưng rồi chàng trai phải về nước, cả hai buộc lòng phải chia tay nhau trong những ngậm ngùi, tiếc nuối.

Sau khi về nước, trong 5 năm liền chàng trai Ba Lan liên tục gửi thư từ Ba Lan về cho Đàm Liên. Nhưng, Đàm Liên chẳng bao giờ hồi âm, chị nghĩ, tình đã đi thì hãy để nó đi thôi, dù trong lòng chị vẫn yêu da diết và trân trọng từng lá thư của chàng gửi.

 Tình yêu đầu đời này đã khiến Đàm Liên cũng khốn khổ vì những lời đàm tiếu. Ngày đó, cô bé Đàm Liên đã nổi như cồn bởi sự xinh đẹp và tài múa hát giỏi, biết bao chàng trai đến “trồng cây si”, nhưng Đàm Liên lại chọn yêu chàng ngoại quốc. Sự “trái khoáy” đó khiến Đàm Liên luôn trở thành tâm điểm của mọi thị phi.

Cũng lạ, Đàm Liên có duyên với người ngoại quốc. Sau này lớn lên, khi chị về đoàn tuồng liên khu V, chị cũng gặp mối tình với một chuyên gia múa người Nga. Mối tình này xuất phát từ sự đồng cảm, tình yêu với múa, tình yêu chưa phải quá sâu sắc và bị dừng lại khi sự soi xét đã lên tới đỉnh điểm, chị đi đâu, làm gì cũng có người rình rập, soi mói.

 Đến giờ, người yêu người Nga đó của chị vẫn để lại trong chị một ấn tượng đẹp, một sự trân trọng đặc biệt bởi khi anh bị đánh vì tra khảo chuyện tình với chị, anh vẫn không sợ hãi, vẫn cương quyết nói rằng anh yêu Đàm Liên. Tình yêu đó không suy chuyển.

Đẹp vô cùng và lúng liếng đến lạ kỳ, lại tài năng, Đàm Liên lúc nào cũng khiến biết bao người “đổ rạp” trước chị. Nhưng, hình như mối tình nào của Đàm Liên cũng chịu điều tiếng gay gắt. Chị thì thờ ơ và chỉ quan tâm tới việc mình phải vươn lên trong nghề, say sưa luyện tập, mặc ai nói gì thì nói, mãi rồi họ cũng hiểu ra sự thật. Nhưng, cuối cùng người chịu thay cho chị những thị phi lại là mẹ chị.

Một mặt bà ra sức tìm cách bảo vệ con gái, nhưng mặt khác lúc nào cũng răn đe con phải cẩn thận trong chuyện nam nữ. Mẹ chị “cảnh báo”: Nếu để xảy ra chuyện “ăn cơm trước kẻng” thì không phải ai khác mà chính là bà sẽ cạo trọc đầu bôi vôi trước bàn dân thiên hạ. Bản thân Đàm Liên nhiều khi cũng muốn nổi loạn, bởi chị đã yêu là đắm đuối lắm, si mê lắm, yêu như muốn chết đi sống lại với tình, nhưng nghĩ đến mẹ, chị lại không dám làm gì quá đáng.
Ảnh: TTVH
Ảnh: TTVH

Yêu nhiều, đắm đuối nhiều, cứ nghĩ Đàm Liên sẽ phải lấy một người chồng mà chị đắm đuối, chết mê chết mệt. Nhưng, mọi chuyện lại không phải như vậy. Chị yêu một người mà chị chỉ thấy kính trọng và thấy bình an bên cạnh người đó. Đó là nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh An.

Đàm Liên đã yêu, đã say đắm thì chị hiểu thế nào là yêu, nhưng với nhạc sĩ Vĩnh An, chị thật sự không yêu. Chị cảm động bởi nhạc sĩ đã đến với chị khi chị đang chống chếnh bởi chia tay mối tình đầy nước mắt, một mối tình mà chị cũng đã chịu nhiều sự “giáo huấn” của cơ quan.

 Nhạc sĩ Vĩnh An đã đến với chị lặng lẽ, không quá ồn ào, anh là đoàn trưởng quân khu IV, khi chị đến diễn ở quân khu IV, ngày nào anh cũng ngồi hàng ghế đầu xem chị diễn từ đầu tới cuối và tặng chị một bó hoa rừng thật thơm. Chị thấy ấm lòng với những bó hoa và vui với những câu chuyện dí dỏm, hài hước của anh.
Rồi khi Đàm Liên về Hà Nội, bỗng một ngày thấy nhạc sĩ Vĩnh An tới chơi và nói ra Hà Nội làm việc, làm chuyên viên ở cục nghệ thuật biểu diễn. Đàm Liên ngạc nhiên nghĩ vì anh bị kỷ luật thế nào đó mới chịu việc xuống… chức như thế. Nhưng, chị đâu biết là đã có câu thơ vui rằng: “Nực cười nhạc sĩ Vĩnh An/Bỏ ra Hà Nội vì nàng Đàm Liên”.

Hóa ra nhạc sĩ chấp nhận bỏ đoàn ra Hà Nội chỉ để được bày tỏ tình yêu với Đàm Liên. Nhất cự ly nhì tốc độ, anh thu hẹp cực ly lại để dễ bề tiếp xúc với người đẹp. Thế nhưng, câu chuyện tình ấy đâu có dễ dàng. Hình như, cứ ai “dính” tới Đàm Liên đều chịu thị phi. Nhạc sĩ Vĩnh An hơn Đàm Liên gần 20 tuổi, lại kém dung nhan hơn Đàm Liên nhiều, đó chính là nguồn cơn của mọi đàm tiếu.

Và mặc dù nhạc sĩ Vĩnh An đã xin phép tổ chức để tìm hiểu Đàm Liên đàng hoàng, nhưng dư luận đâu chịu để chị yên. Ngay cả mẹ chị cũng không đồng ý vì tuổi tác quá chênh lệch, sợ hạnh phúc không bền lâu. Nhưng tính Đàm Liên cương quyết, chị quyết tâm lấy nhạc sĩ Vĩnh An vì cảm thấy bình yên khi được ở bên anh, đám cưới của chị và anh được tổ chức mà nhiều người không “thèm” đến dự.

Chính mối tình đó lại là “chất bột” để NSND Đàm Liên thành công với trích đoạn “Ông già cõng vợ đi hội” làm nên tên tuổi lẫy lừng chưa có ai vượt qua được cái bóng của chị. Biết bao người không hiểu Tuồng, không mê Tuồng nhưng lại mê Đàm Liên với “Ông già cõng vợ đi xem hội”.

Trong sự nghiệp, Đàm Liên đã có hơn 2000 đêm diễn trích đoạn này. Ban đầu khi được giao vai diễn này, Đàm Liên nhất quyết không nhận vì chị có sự tự ái riêng. Chị nghĩ người ta chơi xỏ mình, nói mình là trẻ mà lấy chồng già, khác gì ông già cõng vợ đi xem hội đâu. Sau đó chính chồng chị lại động viên chị nhận vai.

Ban đầu Đàm Liên băn khoăn rất nhiều, suy nghĩ rất nhiều, có bao đêm ngủ không yên vì suy nghĩ làm sao để diễn được vai này, vai diễn rất khó. Nhưng cuối cùng, chính tình yêu với chồng đã trở thành chất liệu chính, một chất liệu ngọt ngào để chị xây dựng thành công trích đoạn. Chị lấy nhạc sĩ Vĩnh An không phải vì yêu, nhưng càng sống với nhau thì nghĩa tình càng mặn mà, với chị ông là người chồng, người cha, người bạn, người tri kỷ đã ôm trọn lấy cả cuộc đời chị, chị mang ơn chồng.

Cái câu “Này chàng…” mà Đàm Liên nói khi trò chuyện với ông già mang bao nhiêu tình cảm, bao sự yêu mến, ngọt ngào với giọng nói quyến rũ, đôi mắt lúng liếng, lóng lánh vì yêu. Nghe “Này, chàng…” người xem cứ có cảm giác tình yêu đang chảy trong cô vợ trẻ, dào dạt trong những mạch máu.

Đó cũng là câu nói thiết tha mà Đàm Liên muốn dành cho chồng mình. Sau này, khi nhà hát tuổi trẻ có diễn dài ra cảnh này, có đoạn ông già chết bỏ lại cô vợ trẻ, Đàm Liên mới viết rằng: “Rồi đây ai sẽ cõng nàng?”, câu hỏi đó không có trả lời, câu trả lời nằm trong nỗi đau của Đàm Liên, nằm trong mười mấy năm hiu quạnh, không chịu đi bước nữa của chị.

Mười mấy năm sau khi chồng mất, chị ở một mình. Ai cũng băn khoăn, chị trẻ đẹp thế, tài năng thế, đàn ông theo nhiều thế mà sao cứ tính làm “ni cô” trong ngôi nhà rộng đến thế? Chị thì thấy chẳng đi bước nữa làm gì thêm mệt, bấy nhiêu năm chị sống được là bởi chị vẫn cứ nghĩ chồng chị chưa qua đời, vẫn hát ru cho chị ngủ và chải tóc trên gối cho chị.

Chị vẫn nghĩ anh còn đây, còn trong tâm tưởng, trong tình yêu tha thiết của chị. Những khi trở về với thực tại phũ phàng là anh không còn nữa, chị luôn nghĩ giá như anh còn sống, anh sẽ hiểu được nỗi nhớ thương của người vợ dành cho anh đến như thế nào. Cái tình của người chồng dành cho chị lớn quá, anh đã lo mọi việc để chị được chuyên tâm vào sự nghiệp.

Ông lo cho chị từng bữa ăn, từng công việc gia đình, mỗi ngày chị đi diễn, ông hồi hộp đợi chị về, lo chị đi xa với cái va li to như vậy, dễ bị cướp, cứ thấp thỏm thế cho đến khi chị về đến nhà và bước hẳn vào trong cánh cửa, ông mới yên tâm thở phào.

Sau này, khi chồng không còn nữa, một mình chị đi về, lẻ loi đóng cửa một mình, đi ngủ đóng cửa trước, cửa sau, soi mọi ngõ ngách nhà cho an toàn rồi mới đi ngủ. Trống trải vô cùng. Ai cũng thán phục chị mười mấy năm ở vậy quá… dũng cảm.

70 tuổi mà tình yêu như…18

“Ngồi một mình, nói một mình, hát một mình, múa một mình, cười một mình, khóc một mình và yêu cũng chỉ một mình là chuyện thường tình của một đời người làm diễn viên tuồng như tôi”- Đàm Liên đã viết thế khi mở đầu cuốn sách của mình. Chị sống một mình nhiều năm sau khi chồng mất như thế thật, nhưng không phải hai chữ “một mình” đó làm con tim Đàm Liên giá lạnh, mà lúc nào trong chị cũng rừng rực lửa yêu, cái lửa ấy nó “phô” ra trong từng khóe mắt, ánh mắt, duyên cười của chị.

Và hình như Đàm Liên trẻ trung, lúng liếng được đến giờ này là bởi vì yêu. Chị đi dạy học sinh, chị dạy cách diễn yêu như thế nào mà có mấy học sinh học giống chị? Khi dạy, chị dạy cho học sinh yêu là phải diễn mắt, diễn hình thể như thế nào, tình yêu đã ở trong ngôn ngữ cơ thể là người xem cũng phải thấy rạo rực không yên… Đến giờ này Đàm Liên vẫn lúng liếng, vẫn rạo rực được như thế là bởi vì yêu. Trái tim chị cứ nghĩ là mình mới đang yêu ở tuổi 18 thôi chứ không phải ở tuổi thất thập này.

Chị luôn nghĩ, hình như đời mình sinh ra chỉ để đuổi theo môt cái bóng, cái bóng mơ hồ, chờn vờn trước mắt chị, chị muốn ôm vào lòng để cái bóng biết rằng chị yêu thương, khao khát yêu thương mà không bao giờ ôm được. Cái bóng cứ tuột khỏi tay chị và bay đi.
Ảnh: VTV
Ảnh: VTV

Cũng bởi những khao khát yêu thương với cái Bóng kia mà chị đã viết vở kịch ngắn “Tôi và Bóng” trong đó có những đối thoại giữa người phụ nữ và cái Bóng mà cô yêu, những đối thoại tràn đầy khát vọng bỏng cháy được yêu thương rồi những chập chờn giữa thực và mơ trong chia ly, xa cách…

Đàm Liên đang sống với cái bóng như thế, cái bóng đó là những giấc mơ yêu thương của chị. Đôi khi, chị cũng cố giải mã xem cái Bóng đó có hình thù như thế nào, là ai, nhưng chị không cắt nghĩa nổi.

Trong cái Bóng đó, có những người mà chị yêu mà không được yêu, có hình ảnh của chồng chị. Nhưng cũng chính vì chị cứ đuổi theo cái bóng đó mà tạo nên sự khao khát không ngừng trong tâm hồn chị. Sự khao khát đó đã “chuyển hóa” thành những khao khát, những cảm xúc luôn dạt dào trong tâm hồn để chị diễn vẫn đầy đủ những xúc cảm như thời mười tám.

Chẳng có đêm nào chị không chảy nước mắt vì cô đơn, vì khát khao được yêu thương, những cảm giác đó làm trái tim chị lúc nào cũng trẻ trung. Kỳ lạ là người nghệ sĩ khi sống không lúc nào thấy mình đầy đủ lại là liều thuốc tốt để cố gắng vươn lên trong sự nghiệp.

Nói như thế không phải là Đàm Liên thôi không yêu nữa, chỉ biết mơ tưởng với cái Bóng của đời mình. Chị vẫn yêu, Đàm Liên sẽ chẳng bao giờ thôi yêu cả, nhưng cũng chỉ dừng lại ở chỗ mình biết là mình yêu và người đó cũng biết là yêu, chỉ dừng lại ở mặt tinh thần như thế thôi, còn có điều gì thì để trong tim.

 Tuổi tác không còn trẻ, đâu có hay ho gì chuyện tìm hiểu, yêu đương như tuổi trẻ nữa. Tình yêu ấy được thể hiện ra ở trong công việc, trong tác phẩm, trong cách diễn. Cái sự khao khát yêu, chỉ để tình yêu ở trong mộng tưởng lại được “bù đắp” sang công việc cho chị, khiến chị làm được nhiều việc.

Chưa có nghệ sĩ tuồng nào ra được đĩa VCD như chị, cũng chưa có ai viết sách như chị. Chị tự hào là người viết tham luận về tuồng nhiều nhất, chị viết rất nhiều, rất đau đáu với môn nghệ thuật này. Cũng bởi đau đáu với khát vọng nghệ thuật tuồng phải đến gần với công chúng hơn, được lớp trẻ tiếp cận nhiều hơn, nên chị đã bớt đi một vài phần trong hồi ký của mình để thêm vào những tham luận.

Đàm Liên còn ấp ủ rất nhiều điều để góp phần làm nghệ thuật tuồng Việt Nam rộn ràng hơn nữa, chị đang có ý định sẽ tổ chức một show diễn tuồng đặc sắc với nhiều chương trình độc đáo gây tiếng vang. Sự thiếu vắng trong tình yêu sẽ giúp chị thổi bùng hơn những khao khát được cống hiến cho nghệ thuật.

Những món nợ sâu nặng với nghề

Ngày xưa, mặc dù chị sinh ra trong đời sống của tuồng, cả nhà chị hát tuồng và có gánh hát riêng, nhưng chị không yêu tuồng mà thích ca hát, thích múa. Từ nhỏ, Đàm Liên đã biết mặc quần ôm sát lấy đùi và áo thì phô ra đôi phần ngực gợi cảm.

Sự “tiên tiến” đó khiến mẹ chị la hoài, mẹ bảo con gái con lứa gì mà mặc cái quần cứ ôm thít lấy người như thế?! Đàm Liên tân thời như thế nên yêu ca hát và múa cũng phải, nghệ thuật tuồng được xem như một bộ môn chỉ biết gào và hét, ăn mặc thì áo vàng, mũ cao đâu có hợp với Đàm Liên.

Đàm Liên 5 lần 7 lượt có ý định trốn khỏi đoàn tuồng liên khu V để đi theo nghề múa, ca sĩ, diễn viên… nhưng không thành. Mẹ chị đã khuyên bảo chị nhiều, mẹ chị nhìn thấy tương lai của chị ở tuồng, rằng với tố chất bẩm sinh như thế chị sẽ được bay cao, bay xa với tuồng. Nhưng, cô gái trẻ Đàm Liên thì nào có tin. Cho đến khi bất chợt chị nghe tiếng được một câu hát Nam Ai nghe mùi mẫn đến xao lòng, chị mới giật mình không ngờ tuồng lại hay như thế, mẹ chị lại khuyên chị hãy toàn tâm toàn ý với tuồng, chị sẽ thấy yêu tuồng.

Và rồi chị yêu thật, yêu không thể rời được nữa. Nhìn lại sự nghiệp của chị, rõ là thấy nghề chọn chị chứ không phải chị chọn nghề. Nhà thơ Trần Đăng Khoa viết rằng: “Hình như không phải chị đến với tuồng mà chính loại hình nghệ thuật tuyệt vời này đã tìm đến với chị rồi qua chị mà bừng sáng hết những vẻ đẹp quyến rũ mà nó vốn từng có”.

Quả thực là trước Đàm Liên, tuồng có rất nhiều tên tuổi lớn, nhưng cái tên Đàm Liên có một vị trí quá đặc biệt với tuồng, biết bao người nước ngoài biết đến tuồng Việt Nam là bởi biết đến Đàm Liên. Lớp trẻ có thể ít biết tuồng nhưng lại biết “Ông già cõng vợ đi xem hội”.

Cái danh đặt cho chị “Nữ hoàng của nghệ thuật tuồng” quả cũng không thể sai được. Chị đã có tới mấy chục vai diễn mà vai diễn nào cũng thành công, chị chưa bao giờ để mình thất bại với bí quyết đơn giản là say mê đến tận cùng, khai phá đến tận cùng và dâng hiến hết tinh thần của mình cho nghệ thuật.

Đàm Liên nổi danh từ rất sớm, 16 tuổi chị đã có mặt trên khắp các báo, được ca ngợi là vừa tài năng vừa xinh đẹp. Khi ấy, chị bị gán với một cái tiếng là “kiêu căng” vì được tung hô. Thực lòng là bản thân chị cũng tự hào, nhưng chị đã cố gắng ghìm lại bằng cách gần hơn với mọi người, xuề xòa hơn để tránh đi cái tiếng kiêu căng.

Chị luôn tâm niệm, con người làm nghệ thuật mà kiêu căng thì không bao giờ tốt cả, chị làm gì, cố gắng vươn lên không bao giờ nghĩ là vươn lên để đi trên đầu bạn bè, đồng nghiệp của mình mà chị làm là để đưa nghệ thuật này bay bổng, bay xa hơn.

Không “đi trên đầu bạn”, nhưng chị luôn tâm niệm không để thua bạn bè, chị luôn tìm tòi sáng tạo để có những nét riêng của Đàm Liên từ cái tay múa thế nào, đôi mắt thế nào, sử dụng kiếm thế nào… đều mang dấu ấn Đàm Liên.

Từ ngày ấy, chị đã tìm đọc các tư liệu của Trung Quốc và học cách ngâm tay vào nước nóng của họ để bàn tay được mềm và cong, biết đi giày ba ta và tập đi cho đôi chân khít lại để dáng đi cho đẹp… Đàm Liên cứ thế thôi, cứ tự mày mò học và sáng tạo, dù chị bị “mổ xẻ” tình riêng đến thế nào, điêu đứng đến đâu thì vẫn chẳng ảnh hưởng gì tới việc luyện tập và đam mê tuồng của chị.

Cũng vì yêu mà chị thấy mình còn nợ tuồng nhiều lắm chưa có cách nào trả được, chị đang cầu cho mình có nhiều sức khỏe để có thể trả nợ dần dần. Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng bảo chị: “Chị phải làm một cái gì như “Ông già cõng vợ đi xem hội” đi”. Câu nói đó của Trần Đăng Khoa khiến chị day dứt lắm, chị cũng mong đến một ngày chị sẽ làm được cái gì đó như thế cho tuồng.

Rồi có hôm, chị gặp bác xích lô, bác thấy chị nói lớn: “Ô, NSND Đàm Liên, tôi đi xích lô thế này thì cười thế nào?”, chị nghĩ mãi vẫn chưa tìm được tiếng cười của người xích lô. “Bà chúa tiếng cười” với công trình 15 điệu cười trong tuồng đã luôn trăn trở để tìm được tiếng cười của người xích lô, trả được món nợ cho người xích lô ngày ấy nhưng cũng là mong để làm phong phú thêm nghệ thuật tuồng…

Ai biết Đàm Liên thì biết chị là người xởi lởi, duyên lắm, nói chuyện cuốn hút lắm với đôi mắt lấp lánh không biết già, khóe miệng cười tươi lắm, trẻ lắm… Nhưng, đôi khi chị vẫn chịu cái tiếng “kiêu” là bởi chị hay thích ngồi một mình. Từ ngày trẻ chị đã như vậy chứ không phải là khi chị ở vậy mười mấy năm nên ngồi một mình thành quen. Chị nghĩ đó là cái “tật” của chị không sửa được, chị đi diễn cứ lánh ra một góc ngồi một mình rồi lẩm nhẩm đọc thơ.

Bây giờ cũng vậy, chị chỉ thích ngồi một mình với những miên man suy nghĩ và nghĩ về thơ. Chị yêu thơ lắm, chị thuộc cả mấy trăm bài thơ, trong đầu lúc nào cũng có những tứ thơ hình thành. Những tính cách đặc biệt ấy đã góp phần làm nên một Đàm Liên thật đặc biệt, rất đặc biệt trong đời sống cũng như trong nghệ thuật.

NSND Đàm Liên giờ chỉ tiếc là mình không còn trẻ nữa để học Anh văn, chị chưa bao giờ thấy có bến bờ nào của học hành, chị vẫn sẽ học nữa, nghiên cứu nữa, nghiên cứu không ngừng nghỉ để mong góp sức giúp tuồng phát triển hơn, ghi dấu ấn sâu sắc hơn và lan tỏa rộng hơn trong khán giả.
                           
Hồ Xuân
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn