Thiếu tướng Võ Sở và tình yêu với hai người phụ nữ

( PHUNUTODAY ) - Nói đến thành công trong con đường binh nghiệp, thiếu tướng Võ Sở không quên nhắc đến hai người phụ nữ.

(Phunutoday) - Thiếu tướng Võ Sở - nguyên Phó tư lệnh, Bí thư Đảng ủy Binh đoàn Trường Sơn, là một trong những cán bộ cao cấp đã gắn bó với tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong những năm kháng chiến và là sợi chỉ xuyên suốt gắn kết những người lính Trường Sơn sau khi hòa bình lập lại. Nói đến thành công trong con đường binh nghiệp, thiếu tướng không quên nhắc đến hai người phụ nữ đã có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời mình: một người là điểm tựa vững chắc, là nguồn động viên khích lệ; một người mang đến cho ông tình yêu và hạnh phúc để ông có thể vượt qua được mọi khó khăn, vất vả, băng qua bom đạn để trở về lành lặn.


Trên khuôn mặt đã hằn những nếp nhăn của người đàn ông ngoài 80 tuổi, Thiếu tướng bồi hồi kể về người phụ nữ đầu tiên đã có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời ông đó là bà Bùi Thị Lam, người mẹ đáng kính của ông.

Sinh ra trong một gia đình nghèo thuộc xã Phổ Cương-huyện Đức Phổ-tỉnh Quảng Ngãi có 5 người con, thiếu tướng Võ Sở là người con út trong gia đình nên mọi tình yêu thương, sự chiều chuộng đều được mẹ dành cho nhiều nhất. Bố ông mất sớm do bị bệnh, để lại cho bà năm đứa con thơ.

Cuộc sống nơi làng quê nghèo luôn bị giặc tàn phá cướp bóc, hàng ngày bà phải lên rừng kiếm củi, rồi đi làm thuê cho những gia đình khá giả để kiếm gạo nuôi con. Dù khó khăn vất vả nhưng chưa một lần bà kêu than hay bắt các con phải đi làm thuê cuốc mướn, bà chỉ mong các con bà có được cuộc sống ổn định hơn, hạnh phúc hơn cuộc sống mà vợ chồng bà đã phải trải qua.

Sống giữa mảnh đất mà phong trào cách mạng lên cao, bà động viên các con lần lượt tham gia cách mạng, chỉ riêng Thiếu tướng bà dành hết tiền của chắt bóp được cho ông theo học, để hy vọng trong nhà có người biết chữ học thành tài sau này trở thành thầy giáo cũng là niềm tự hào của cả gia đình. Vì thế trong những ngày theo học bậc trung học ở Quy Nhơn, bà đích thân lặn lội mang gạo, quần áo và những thứ cần thiết cho đứa con trai út để cho ông yên tâm học hành, nhưng cũng chính thời gian này lý tưởng cách mạng đã soi sáng trong tâm trí của người thanh niên trẻ.

Thiếu tướng đã tham gia vào đoàn quân của Mặt trận Việt Minh, tích cực hoạt động trong các phong trào của học sinh tại Quy Nhơn. Dù có làm bà hơi thất vọng, nhưng bà biết đó là tình trạng chung của cả nước, nên chỉ động viên con, “bao giờ đất nước hết quân thù thì con học tiếp hãy còn chưa muộn”.

d
Thiếu tướng Võ Sở

Những tưởng khi các con đã khôn lớn, người thì tham gia cách mạng, người thì đã thành gia thất, ai cũng có cuộc sống riêng thì bà cũng đỡ đi được phần nào vất vả, nhưng cuộc đời không để cho người phụ nữ ấy được sống những ngày thảnh thơi, khi người anh trai cả rồi chị dâu đầu lần lượt ra đi vì bạo bệnh để lại 3 người con cho bà chăm sóc, lại thêm đứa cháu ngoại cũng vì mẹ mất sớm mà sang ở với bà, cuộc sống càng đè nặng lên đôi vai gầy của người phụ nữ đã có tuổi. Bà lại tiếp tục cuộc hành trình làm thuê, ở đợ để lấy cơm nuôi cháu.

Đến giờ Thiếu tướng vẫn không thể nào quyên được hình ảnh người phụ nữ gầy gò, ngày ngày tắm rửa, chăm sóc cháu nhỏ, một mình lũi thủi, cặm cụi trong căn nhà tranh dột nát nấu cơm cho các cháu ăn, nhiều lúc nghĩ thương mẹ quá nhưng không làm gì được vì cuộc đời bộ đội nay đây mai đó trên các chiến trường, không có thời gian để chăm sóc giúp đỡ mẹ già nên đến giờ trong sâu thẳm tâm can của mình Thiếu tướng vẫn còn thấy có lỗi với người đàn bà ấy, người đã sinh ra ông và đã dành hết tình yêu thương cho con cháu mà chưa một lần trách móc hay đòi hỏi sự bù đắp cho bản thân mình.

Tình yêu chớp nhoáng và sự gắn bó cả cuộc đời với cô láng giềng

Nói đến tình yêu của mình thiếu tướng cười hóm hỉnh: “tình yêu của chúng tôi có gì đâu để nói cô, gặp nhau có một lần rồi cưới thôi à!”. Chỉ một lần gặp mặt ấy thôi mà người con gái duyên dáng nhất nhì vùng quê nghèo ấy đã dám chấp nhận vượt qua mọi rào càn, mọi khó khăn để đến với ông rồi chấp nhận sống một cuộc đời chờ đợi mà vẫn thấy mình là người may mắn và hạnh phúc.

Người con gái ấy có tên Nguyễn Thị Diện, người làng bên, cách nhà ông chừng hai trăm mét, dáng người cao ráo, nước da trắng và mái tóc dài, lại là con nhà Đảng viên, cô cũng tích cực tham gia các phong trào ở địa phương nên được rất nhiều người yêu quý.

Sau khi cách mạng Tháng Tám thành công, gia đìnhThiếu tướng trở về quê hương Quảng Ngãi sau thời gian di cư vào Khánh hòa theo chính sách của vua Bảo Đại, Thiếu tướng cũng làm đơn gia nhập quân đội trong tiểu Đoàn Nguyễn Nhạc, Trung đoàn 67 ở Liên khu V. Thời gian hoạt động nay đây mai đó, nên ông không có nhiều thời gian để về thăm gia đình và những người hàng xóm nên rất ít người biết ông và ông cũng vậy.

Trong một lần về thăm quê, được gia đình giới thiệu cho cô gái làng bên để mong ông sớm có gia đình, có người sống cùng mẹ già, chia sẻ bớt những khó khăn trong cuộc sống nên dù không đồng ý chuyện mối lái, hay cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy nhưng vì mẹ, vì gia đình ông chấp nhận chuyện mối lái và thiếu tướng không ngờ đấy lại là tình yêu đích thực trong đời ông. Giờ nghĩ lại vợ chồng thiếu tướng không dấu nổi sự thẹn thùng, nhưng cũng rất hạnh phúc và tự hào.

Thiếu tướng kể lại: lần đầu tiên trong đời tôi đi xem mặt một người phụ nữ khi đã có chủ đích từ trước, đóng giả là người xin nước tôi vào nhà cô ấy gõ cửa nhưng người ra đón tôi lại không phải là cô gái xinh đẹp như gia đình tôi vẫn nói trong những lần tôi đi công tác về, thất vọng quá tôi quyết không đồng ý vụ kết hôn này dù tôi rất thương mẹ già ở nhà một mình lại phải chăm sóc các cháu nhỏ, nhưng tôi là người cũng hết sức coi trọng hình thức nên sau lần đó không ai nói gì.

Bẵng đi một thời gian khi tôi có dịp về thăm quê một lần nữa, mấy đứa em họ đã sắp xếp cho tôi được gặp nhà tôi bây giờ, trong một ngôi nhà nhỏ có kê một cái phản dài và đặt giữa một chiếc đèn hoa kỳ, lần đầu gặp mặt tôi đã bị ấn tượng ngay bởi vẻ ngoài cao ráo, nước da trắng và mái tóc dài của bà ấy, cùng với những đức tính mà tôi đã được nghe từ trước tôi như người bị thôi miên, chúng tôi nói chuyện hết đêm, gần sáng cả hai đã cùng nhau hẹn ước sau chiến dịch Tây Nguyên-Đông xuân 1953-1954 chúng tôi sẽ làm đám cưới, rồi trời sáng mỗi đứa một nơi. Sau thời gian này cô ấy đã phải gánh chịu sự phản đối của gia đình, vì gia đình cô ấy chê tôi nghèo, lại là bồ đội, nay đây mai đó không biết sống chết thế nào rồi biết đâu mà chờ mới đợi.

Biết được điều đó, trong một lần hành quân đầu năm 1954 vào giải phóng Tây Nguyên, kết hợp cùng chiến dịch Điện Biên Phủ ở Bắc Bộ. Trước khi đơn vị hành quân đến gần làng, Thiếu tướng đã xin phép được đi trước để ghé qua thăm nhà, trong một ngày ngắn ngủi ấy Thiếu tướng đã bàn với mẹ sang đặt vấn đề chính thức và làm lễ cưới ngay hôm đấy. Vì gấp quá nên gia đình cũng không chuẩn bị được nhiều chỉ dăm miếng trầu, vài cái kẹo, dăm bao thuốc, ít thịt, ít xôi thế là đám cưới đã diễn ra. Sau đêm tân hôn, sáng sớm hôm sau ông lại cùng đoàn quân tiếp tục chặng đường mới.

Chính tình yêu của người con gái ấy đã làm nên sức mạnh và tinh thần lạc quan của người lính Trường sơn. Trong đợt chiến dịch Tây Nguyên-Đông xuân 1953-1954 Tiểu đoàn 19 của Thiếu tướng đã gặt hái được nhiều thắng lợi lớn.

Cuối tháng 6, Tiểu đoàn 19 đã kết hợp với Trung đoàn 96 đánh tan GM100-binh đoàn cơ giới thiện chiến của Pháp ở đèo Măng Giang, đến ngày 17 tháng 7 tiểu đoàn 19, Trung đoàn 108 quân chủ lực của Liên khu V đã giành chiến thắng giòn giã trên đường 14 tại đèo Chư Đrêk, chỉ trong một giờ.

Những chiến thắng đó đã góp phần hạ gục nhanh chóng kẻ thù ở chiến trường Liên Khu V, Tây Nguyên. Cùng với chiến thắng trên chiến trường Điện Biên Phủ đã buộc Pháp phải đi đến ký hiệp định Gionevo, công nhận nền độc lập của miền Bắc nước ta. Cùng trong thời gian này, Liên Khu V được tách thành hai sư đoàn chủ lực là Sư đoàn 305 và Sư đoàn 324. Cuối tháng 10 Thiếu tướng cùng sư đoàn 305 tập kết ra Bắc. Vợ chồng lấy nhau hơn 7 tháng nhưng chỉ được ở bên nhau ba ngày rồi lại mỗi người một nơi

Năm 1955 bà tập kết ra Bắc theo đoàn cán bộ dân-chính-Đảng, thời gian này vợ chồng mới được có thời gian gần gủi nhau nhiều hơn, nhưng cũng không chia sẻ được nhiều với những vất vả của vợ, vì bà làm trong nhà máy dệt Nam Định, còn ông thì ở Hà Nội, những lần gặp nhau ngắn ngủi ấy đã để lại cho bà 3 cô con gái bụ bẫm, một mình bà nuôi dạy.

Đến năm 1964 ông được cử vào làm Trưởng phòng tổ chức đoàn 559-bộ đội Trường Sơn, bắt đầu từ đây là những ngày xa cách dài đẵng đẵng để lại bao vất vả, tủi hờn cho người vợ trẻ. Một nách 3 con, không gia đình, không người thân thích, không nhà cửa một mình bà vừa nuôi con vừa công tác giữa đất Hà thành.

Nhớ lại thời kỳ này bà không khỏi bàng hoàng, nhất là khi con bị ốm, đứa nằm ở viện vì teo cơ, đứa lên sưởi phải ở nhờ nhà bạn, một mình bà chạy đến viện rồi lại chạy về chăm con có lúc tưởng chừng như kiệt sức không thể chống chọi được nữa, khi mà vừa phải vất vả nuôi con, lại không có cơm ăn, không có ai đỡ đần, chỉ vì một mong muốn nhỏ nhoi là được ở lại Hà Nội để có thể nghe ngóng được tin tức của chồng nơi chiến trường mà bà đã phải đánh đổi một cuộc sống đỡ vất vả hơn nếu ở lại cùng nhà máy ở Nam Định.
d
Thiếu tướng Võ Sở và vợ

 Cuộc sống cứ thế trôi đi và một mình ghánh chịu mọi khổ đau có lẽ đã trở thành truyền thống của những người phụ nữ có chồng tham gia cách mạng, bù đắp lại những vất vả ấy là ông vẫn trở về lành lặn, những đứa con của vợ chồng thiếu tướng đã nên người đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của người phụ nữ.

Giờ đây tuy đã ở tuổi xế chiều nhưng trong căn nhà nhỏ ở khu tập thể Vĩnh Hồ, bà vẫn ngày ngày chờ đợi và phục vụ ông sau những lần đi công tác, thiếu tướng tuy đã nghỉ hưu nhưng vì vẫn còn lưu luyến với đồng đội, còn thấy áy náy với những người đồng chí đã khuất nên ông vẫn tiếp tục tham gia trong ban liên lạc bộ đội Trường Sơn.

 Dù không có nhiều thời gian cho gia đình nhưng thiếu tướng vẫn luôn là tấm gương sáng là người có vai trò quan trọng đối với con cháu, còn với bà ông luôn là người được tôn kính, bà không phàn nàn vì những tháng ngày chờ đợi của mình không được bù đắp mà bà coi đó là niềm hạnh phúc lớn lao mà ông trời đã ban tặng cho bà trên cuộc đời này.

Nguyễn Thị Hải
TAGS:
Theo: