Tin phụ nữ 1/12: Nghi can sát hại 4 người thân ở Hà Giang từng chém chết con ruột

( PHUNUTODAY ) - Nghi can sát hại 4 người ở Hà Giang có tiền sử bệnh tâm thần, có vợ và 2 con nhưng 1 con đã bị chính người này chém tử vong năm 2015.

Nghi can vụ thảm sát 4 người ở Hà Giang từng chém chết con ruột

Liên quan đến vụ thảm án 4 người tử vong ở xã Tân Trịnh (huyện Quang Bình, Hà Giang), ông Phù Quang Sỹ - Bí thư Đảng ủy xã Tân Trịnh cho biết, nghi can Phù Minh Tuấn (32 tuổi) lấy vợ và có 2 người con, tuy nhiên một cháu đã bị Tuấn chém tử vong vào đầu tháng 1.2015.

tham-an-4-nguoi-o-ha-giang-33-phunutodayvn-1640

Nghi can sát hại 4 người ở Hà Giang có tiền sử bệnh tâm thần. 

Cũng theo ông Sỹ, nghi can này có biểu hiện bệnh tâm thần nhưng những năm sống ở địa phương không gây gổ, đánh nhau với ai. "Vợ của Tuấn đã đi làm ăn xa Bắc Giang nhiều năm nay, thi thoảng mới về nhà" ông Sỹ nói.

Ông Phù Quang Sỹ cho biết thêm, sau khi sát hại con đẻ, Tuấn bị cơ quan chức năng bắt giữ và đi điều trị tâm thần bắt buộc. "Tuấn vừa trở về địa phương từ tháng 7 vừa rồi, thời gian này anh ta cũng không có công việc ổn định, thi thoảng chỉ phụ giúp bố mẹ đẻ làm việc ở nhà. Khi trở về địa phương, Tuấn thuộc vào diện quản lý và theo dõi của chính quyền", ông Sỹ nói.

Theo vị Bí thư xã Tân Trịnh, gia đình nghi can này có 5 anh chị em nhưng chỉ có Tuấn bị bệnh tâm thần. Ngoài ra, một ông chú họ của nghi can này cũng bị bệnh tâm thần nhiều năm nay, hiện đang sống tại địa phương.

Một số người dân xã Tân Trịnh cho hay, khi phát hiện Tuấn cầm dao đi, con đẻ của nghi can này quá sợ hãi nên đã trốn xuống gầm giường, nhờ đó thoát nạn. Cũng theo người dân tại đây, trước thời điểm gây án, Tuấn có biểu hiện bất thường như nói nhiều, la hét, mặt bặm trợn, tuy nhiên do nghĩ rằng nghi can này say rượu nên người dân đã không đề phòng.

Trước đó như chúng tôi đã đưa tin, vào khoảng 4 giờ sáng nay 1.12, Tuấn sang nhà bố đẻ là ông Phù Láo Tả (59 tuổi), sát hại ông Tả bằng dao phát cá nhân và con của em trai ruột, cháu Phù Ánh Tuyết (1 tuổi). Nhận được tin báo, cán bộ dân quân thôn là anh Phù Văn Thịnh (23 tuổi) đã đến hiện trường ngăn cản đối tượng Tuấn thì bị đuổi giết và cũng tử vong ở Bệnh viện đa khoa Bắc Quang.

Tuấn tiếp tục đi xe máy sang nhà bà thím cách đó gần 1 km là bà Tải Lở Mở (51 tuổi), sát hại bà Mở và chém bị thương cháu trai là Phù Láo Sán (26 tuổi). Các nạn nhân đều trú tại xã Tân Trịnh.

Hiện nay, cơ quan chức năng xác nhận có 4 nạn nhân đã tử vong, người bị thương nặng là Phù Láo Sán hiện đang được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện Bắc Quang.

Xe tải gây tai nạn đánh rơi đạm bỏ chạy, dân tranh nhau đem về nhà

Chiếc xe tải bỏ chạy sau khi xảy ra va chạm giao thông đã làm rơi 10 bao đạm xuống đường, nhiều người dân nhìn thấy đã chạy đến chất lên xe máy đem về.

Mới đây, mạng xã hội xuất hiện đoạn video clip ghi lại hình ảnh người dân tranh nhau nhiều bao đạm từ dưới đường quốc lộ, chất lên xe máy chở về nhà. Theo tìm hiểu, vụ việc xảy ra vào chiều 29/11, tại dốc Ba Khổ (xã Tường Phú, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La).

ava-1480509352045-1253

Hình ảnh dân mang bao đạm lên xe máy chở đi. Ảnh N.H.

Vào thời điểm trên, một chiếc xe tải chở đạm di chuyển trên Quốc lộ 37, theo hướng TP Sơn La về xã Gia Phù (huyện Phù Yên, Sơn La), khi đến khu vực xã Tường Phú (huyện Phù Yên) thì xảy ra va chạm với một người đàn ông.

Sau khi gây tai nạn chiếc xe tải bỏ chạy với tốc độ cao, đến khu vực dốc Ba Khổ, vào cua nên hơn 10 bao đạm Hà Bắc trên xe đã rơi xuống đường.

Nhìn thấy sự việc, nhiều người dân đã chạy tới chất những bao đạm này lên xe máy rồi đưa về nhà. Mặc dù đã được người đi đường nhắc nhở là không nên làm như vậy nhưng những người này vẫn không chịu dừng lại.

Sau khi xuất hiện, đoạn video clip đã thu hút hàng trăm người quan tâm và theo dõi. Phần lớn ý kiến đều cho rằng, hành vi của nhóm người tranh nhau "hôi" đạm kia là không chấp nhận được.

Trao đổi với PV, một lãnh đạo công an xã Tường Phú xác nhận vụ việc trên và cho biết, việc chiếc xe tải đánh rơi đạm xuống đường là ở Quốc lộ 37, thuộc địa bàn xã Tường Phú giáp ranh với xã Huy Hiệu (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La).

Vị lãnh đạo này khẳng định, những người có hành động khuân vác đạm lên xe máy chở đi trong đoạn video trên không phải là người trên địa bàn xã Tường Phú.

Mang xăng đốt nhà chủ quán để bênh em

Do em trai xảy ra mâu thuẫn với nhóm thanh niên ở quán Internet do ông Định làm chủ nên Quảng đã âm thầm đổ xăng trước cửa nhà và quán tạp hóa rồi châm lửa đốt cho bõ ghét.

anh 11(1)

 Đối tượng Lê Văn Quảng Tại cơ quan điều tra.

Chiều 1/12, thông tin từ Công an huyện Quảng Trạch, (tỉnh Quảng Bình) cho biết: Đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Văn Quảng (30 tuổi, trú thôn Di Lộc, xã Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch) về hành vi “Hủy hoại tài sản”.

Theo hồ sơ vụ việc, khoảng 6h30 ngày 10/11, Lê Văn Quảng đã âm thầm mang xăng đến nhà của ông Phạm Bình Định (59 tuổi, trú thôn Thượng Giang, xã Cảnh Dương) đốt để giải quyết mâu thuẫn cho em trai.

Nhận được tin báo, Công an huyện Quảng Trạch đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, thu thập tài liệu chứng cứ và khoanh vùng đối tượng. Chỉ ít giờ sau đó, lực lượng chức năng xác định đối tượng và ra lệnh bắt khẩn cấp đối tượng Lê Văn Quảng- nghi can thực hiện hành vi đốt nhà của ông Định.

Tại cơ quan điều tra, đối tượng Quảng đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Theo đó, do em trai xảy ra mâu thuẫn với nhóm thanh niên ở quán Internet do ông Phạm Bình Định làm chủ nên Quảng đã đổ xăng trước cửa nhà và quán tạp hóa của ông này rồi châm lửa đốt cho bỏ ghét.

Y án tử hình người cậu họ cuồng yêu sát hại cháu gái

Trưa 1.12, TAND cấp cao tại Đà Nẵng bác kháng cáo, tuyên Võ Thành Tân (38 tuổi, ngụ H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) y án tử hình về tội giết người.

Tại phiên phúc thẩm, Tân xin giảm nhẹ hình phạt, cho rằng vì mang mối hận tình nữ sinh Đặng Thị Kim Ngân (18 tuổi, học sinh lớp 12 THPT Ông Ích Khiêm, Đà Nẵng) nên mới ra tay sát hại. Tuy nhiên, theo HĐXX, hành vi của Tân hết sức dã man, chủ đích giết bằng được nạn nhân.

Theo cáo trạng, sau khi bị vợ bỏ vì nghiện rượu và bạo hành, Tân yêu đơn phương Ngân, là cháu họ trong tộc. Vì quan hệ họ hàng gần nên Ngân và gia đình cự tuyệt Tân.

Tối 17.6, Tân ra tay hạ sát cô cháu họ. Tân dùng xe máy theo dõi khi Ngân chở em đi ăn kem và phục trước quán. Trên đường về, Tân chặn đầu xe nhưng Ngân rẽ tránh được. Tân lại về cất xe, mang dao tiếp tục phục trước nhà, cố giết Ngân.

Theo HĐXX, hành vi của Tân rất tàn độc, quyết liệt thực hiện tội ác khi đâm liên tiếp nhiều nhát vào vùng ngực, bụng, vai, lưng, tay, trong đó có vết chí mạng ở vùng cổ phải khiến nạn nhân tử vong do đứt tĩnh mạch cảnh chung, đứt khí quản, đứt đốt sống cổ.

Sau khi gây án, Tân trốn và mang theo búa về đe dọa bà Huỳnh Thị Truyền (42 tuổi, chị ruột của Huỳnh Thị Tấn Tiến, vợ cũ của Tân), buộc đưa tiền và điện thoại để Tân bỏ trốn.

* Cùng ngày, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng bác kháng cáo, tuyên Nguyễn Văn Long (42 tuổi, ngụ Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) y án 20 năm tù tội giết người.

Theo cáo trạng, tối 22.7, Long thuê xe máy chở người yêu đi nhậu nhưng bị chủ quán Trần Văn Thu (53 tuổi, ngụ P.Bình Thuận, Q.Hải Châu) đuổi đi, không cho nhậu vì Long còn nợ 400.000 đồng.

Long tức giận vì vốn nhậu ở quán ông Thu từ lâu, đồng thời "quê độ" với người yêu, nên Long đến Công an P.Nam Dương báo tin giả về việc quán ông Thu có người hút bồ đà.

Khi Long quay lại quán, giữa Long và ông Thu mâu thuẫn, Long dùng cây gỗ đánh ông này, sau đó, ông Thu chết tại bệnh viện.

Cháu gái trộm 150 triệu của chú đem chôn sau vườn

Lợi dụng lúc lúc nhà cho chú ruột, Thanh đã cạy khóa lấy trộm tiền, vàng mang về chôn ở khu đất nhà mình.

Ngày 1/12, Cơ quan điều tra Công an huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế) cho biết đã quyết định khởi tố bị can với Phạm Thị Kim Thanh (30 tuổi, ở xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền) để điều tra hành vi Trộm cắp tài sản.

Sáng một ngày trung tuần tháng 11, Thanh được chú ruột là ông Phạm Thiện (63 tuổi) nhờ trông nhà hộ để lên thành phố giải quyết việc riêng. Thời gian này, Thanh cạy khóa lấy trộm toàn bộ số vàng, tiền của ông Thiện.

Sau khi tạo hiện trường giả, Thanh báo gia chủ rằng nhà bị kẻ trộm đột nhập. Số tài sản cuỗm được, người cháu gái mang chôn ở khu đất nhà mình. Riêng tiền mặt, Thanh dùng để tiêu xài.

Ngày 16/11, Công an huyện Quảng Điền đã thu hồi được 15,5 chỉ vàng 9999; 3,5 chỉ vàng tây; 3.600 USD cùng 10 triệu đồng. Tổng giá trị tài sản là 150 triệu đồng.

Nghẹt thở cuộc cứu nạn 18 thuyền viên gặp tai nạn trôi dạt trên biển

Đang khai thác hải sản ngoài biển khơi, chiếc tàu mang số hiệu NA 93362TS đột nhiên chết máy, trôi dạt ngoài biển, có nguy cơ bị chìm.

Dù thuyền trưởng đã nhanh chóng phát thông tin cứu trợ nhưng nhiều tiếng đồng hồ sau, tàu cứu hộ mới tiếp cận được 18 thuyền viên. Và phải mất 43 tiếng đồng hồ lênh đênh ngoài khơi với tâm trạng hoang mang, các thuyền viên gặp nạn mới được cập cảng trong sự vui mừng vỡ òa của người thân.

Tàu cá chết máy ngoài khơi

Dù chiếc tàu đánh cá mang số hiệu NA 93362TS của ngư dân xã Quỳnh Long (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) đã được đội cứu hộ của Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận lai dắt cập bến Lạch Quèn, nhưng sự lo lắng vẫn còn hiện rõ trên khuôn mặt của 18 ngư dân khắc khổ.

Với họ, dù nhiều người đã có kinh nghiệm làm nghề lâu năm, tuy nhiên, việc gặp phải sự cố, bị trôi dạt ngoài biển với thời gian dài như vậy là điều hiếm gặp. Sự cố không những gây thiệt hại kinh tế lớn mà còn khiến tâm lý một số nạn nhân hoang mang.

Ngồi nhìn chiếc tàu đánh cá đang neo đậu ngoài cảng, ông Bùi Viết Trinh (SN 1971, ngụ xóm Cộng Hòa, xã Quỳnh Long, thuyền trưởng) buồn bã cho biết: “Bước đầu xác định tàu của chúng tôi bị gãy trục cơ, khả năng sữa chữa được là rất khó nên phải mua đầu máy mới. Hiện nay, giá “bèo” nhất của dòng máy này cũng trên 200 triệu đồng. Chưa kể đến khoản lỗ hơn 100 triệu đồng của tàu tôi do sự cố vừa rồi”.

Nói rõ hơn về sự cố mà tàu mình gặp phải trên biển, ông Trinh cho hay, khoảng 5h ngày 19/11, tàu rời bến đi khai thác hải sản. Trên tàu thời điểm đó có 18 thuyền viên, chủ yếu là người xã Quỳnh Long, đều là họ hàng, bạn bè với nhau.

“Khi anh em đang đánh bắt hải sản bỗng nghe lái tàu hốt hoảng thông báo động cơ máy gặp vấn đề. Không lâu sau, mọi người cảm nhận chiếc tàu bắt đầu trôi dạt vô phương hướng. Nguy hiểm hơn, gió có dấu hiệu mạnh lên. Lúc đó khoảng 12h trưa cùng ngày”, ông Trinh kể.

Theo lời các ngư dân, thời điểm ấy tàu của họ đang trên vùng biển giáp ranh với tỉnh Thanh Hóa, cách đất liền chừng 30 hải lý. Liền sau đó, thuyền trưởng đã điện cho một số tàu bạn, nhờ ứng cứu nhưng không được.

“Tàu thì thông báo bị hỏng máy, đang sửa, tàu thì bảo đang đánh cá ở khu vực chúng tôi gặp nạn nên họ không thể đến lai dắt tàu vào đất liền được”, vẻ mặt ông Trinh vẫn còn lo lắng khi nhắc lại sự cố.

Lo sợ tàu mình sẽ trôi dạt xa ra biển, thuyền trưởng liền điện về thông báo cho chủ tàu là anh Bùi Công Danh (SN 1977) hiện đang ở đất liền nhờ ứng cứu. Anh Danh nhớ lại: “Nghe tin các anh em đang gặp nạn ngoài biển, tôi vô cùng lo lắng. Bởi, tàu này được gia đình tôi mua với giá 3,5 tỷ đồng, đưa vào khai thác được 3 năm. Trong những lần ra khơi đó, chưa khi nào tàu gặp sự cố ngay ngoài biển. Sau đó, tôi vội chạy đi nhờ một số tàu quen biết, nhưng họ đều đã xuất cảng nên không biết cầu cứu ai”.

Sự cố nguy hiểm cũng được các thuyền viên lần lượt thông báo về cho người nhà. Bà Nguyễn Thị Huệ (SN 1975, vợ ông Trinh) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại thời khắc nhận được tin chồng và các anh em gặp nạn ngoài biển. Bà Huệ hàng ngày bán rau ở chợ làng, lúc đó đang bán hàng, bà nhận được điện thoại của người quen nói thuyền của chồng bà đã chết máy, đang trôi dạt ngoài biển.

“Nghe xong, chân tay tôi bủn rủn, toát mồ hôi vì lo lắng. Là người miền biển nên tôi biết tàu gặp nạn ngoài biển khơi vô cùng nguy hiểm. Đó là chưa kể đến chuyện không may gặp thời tiết xấu, sóng to, gió lớn, tàu đánh cá sẽ bị quật chìm bất cứ lúc nào”, bà Huệ nói.

Bà liền điện thoại cho chồng, nhưng tất cả các cuộc gọi đều không có người bắt máy. “Lúc đó vì hoảng quá, tôi gọi điện thông báo cho tất cả người thân của anh em trên tàu để tìm cách ứng phó nhưng không được. Gọi cho chồng thì không liên lạc được, trong khi thông tin ngày càng mù mờ khiến tôi đứng ngồi không yên”, người vợ nhớ lại.

Lo lắng cho tính mạng của chồng và đồng nghiệp, bà quyết định dọn hàng sớm, dù về nhà cũng không biết giải quyết thế nào. Bà Huệ cho hay: “Lúc đó chỉ biết cầu trời khấn phật và xin tổ nghề cho tàu cá được bình an. Nếu chiếc tàu chìm xuống, không biết 18 thuyền viên sẽ gặp vấn đề gì”.

43 giờ lênh đênh chờ cứu hộ

Về diễn biến vụ tai nạn, sau nhiều lần cầu cứu không được, các thuyền viên đã thông báo cho Đội cứu hộ. Nhưng do một số vấn đề nên các ngư dân được hướng dẫn liên lạc cho đài Radio Bến Thủy. Sau nhiều lần kết nối, thông tin tàu gặp nạn được báo về Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận.

Sau đó, Đồn Biên phòng đã phối hợp với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực 1 đã điều động tàu SAR 411 thường trực tại Xuân Hải (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) khẩn trương đi cứu nạn tàu cá NA 93362TS.

Với các thuyền viên, khoảng thời gian lênh đênh trên biển, chờ đợi lực lượng chức năng đến cứu hộ dài đằng đẵng vô cùng. Ông Trinh cho biết, trong số các thuyền viên trên tàu, có vài người mới đi lần đầu nên tâm lý hoảng sợ hơn. Có người đã bật khóc khi nghĩ đến tình cảnh tàu bị trôi dạt mất phương hướng, trong khi nước ngọt, lương thực đã cạn kiệt. Những người từng trải hơn phải liên tục động viên, trấn an giúp họ vững tâm chờ đợi, không được mất bình tĩnh.

“Từ khi máy bị hỏng, chiếc tàu trôi theo hướng vô định, với hướng ngày càng ra xa ngoài biển khơi. Xung quanh khu vực tàu chúng tôi gặp nạn lại không thấy chiếc thuyền đánh cá nào. Do vậy, anh em chỉ biết đứng ngồi chờ đợi trong lo lắng, vô vọng”, ông Trinh nói.

Tâm lý các nạn nhân càng hoảng loạn hơn khi cầu cứu các tàu khác nhưng bất thành. Các thuyền viên đi biển lâu năm, dày dặn kinh nghiệm từ chỗ bình tĩnh, cũng bắt đầu có dấu hiệu lo lắng, nhất là khi hoàng hôn đang dần xuống.

“Lúc đó, bắt buộc tâm lý chúng tôi phải vững vàng, nếu hoảng loạn càng khiến sự việc phức tạp, nguy hiểm hơn. Biết rõ như vậy, nhưng sau thời gian dài trông ngóng vẫn không thấy tàu cứu hộ, mọi người bắt đầu bồn chồn, lo lắng”, một thuyền viên khác trên tàu gặp nạn kể.

Đến khoảng hơn 17h cùng ngày, tàu cứu hộ của lực lượng chức năng mới tiếp cận được với tàu gặp nạn. Thời điểm đó, thuyền đánh cá của ông Trinh đã cách xa vị trí ban đầu bị hỏng máy. Thấy thuyền cứu hộ đến, 18 thuyền viên vỡ òa hạnh phúc. Một vài ngư dân trẻ tuổi đã bật khóc sau thời gian dài mòn mỏi chờ đợi.

Tuy nhiên, việc lai dắt tàu gặp nạn vào đất liền lại gặp một số trục trặc. Nguyên nhân do thủy triều xuống nhanh, tàu không thể cập cảng, 18 thuyền viên tiếp tục lênh đênh ngoài biển. Họ phải trải qua hơn một ngày đêm sống trên chiếc tàu đã chết máy hoàn toàn. Lo lắng lại bắt đầu hiện hữu trong tâm trí các ngư dân khắc khổ. Đến 7h sáng 21/11, 18 thuyền viên mới chính thức cập bến Lạch Quèn, sau 43 tiếng đồng hồ gặp sự cố lênh đênh ngoài khơi.

Nghe tin chồng, con, trên chiếc tàu cá chết máy về đến cảng, người thân hối hả chạy ra cảng cá đón các thuyền viên an toàn trở về. Ai nấy đều tay bắt mặt mừng sau hơn một ngày trời bị trôi dạt ngoài biển khơi. Tiếng những đứa con nhỏ bi bô gọi bố, tiếng khóc sụt sùi của người vợ, người mẹ già khiến khung cảnh cảng cá hôm đó xôn xao hơn mọi ngày.

Ngay sau đó, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực 1 đã làm lễ bàn giao tàu cá gặp nạn cùng 18 thuyền viên cho Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận (Bộ đội Biên phòng Nghệ An). Tại buổi bàn giao, ông Trinh đã thay mặt các thuyền viên cảm ơn sự ứng cứu kịp thời của cơ quan chức năng. Nhờ đó, tất cả 18 thuyền viên về đất liền an toàn, trước khi biển khơi nổi gió động.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn