Trung Quốc ra đòn kinh tế vì mâu thuẫn chính trị

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Các doanh nghiệp Philippines cho biết họ đã bị phía Trung Quốc cố tình dùng thủ tục hải quan làm công cụ ngăn cản các sản phẩm của họ tham dự hội chợ thương mại đầu tư thường niên Trung Quốc - ASEAN, ngay trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ đang leo thang trên Biển Đông.

Trung Quốc chèn lấn doanh nghiệp Philippines vì mâu thuẫn biển đảo

Báo Sống mới dẫn thông tin từ  hãng tin Bloomberg cho biết, trong khi hội chợ Trung Quốc-ASEAN chỉ diễn ra trong 4 ngày tại Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc) thì có đến 3 doanh nghiệp Philippines với 5 tạ gạo mẫu mang đi dự triển lãm bị giữ lại ở hải quan trong thời gian chờ làm thủ tục thông quan mất 2 ngày.
 
Hiện hội chợ đã qua ngày thứ 3 nhưng một số doanh nghiệp Philippines vẫn chưa lấy được gạo. Một nhà xuất khẩu gạo Philippines giấu tên cho biết: “Chúng tôi chỉ có 3 gói gạo nhỏ mang theo hành lý đem ra trưng bày, trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Campuchia thì vào triển lãm tại Trung Quốc mà không gặp bất cứ trở ngại nào”.

Triển lãm Trung Quốc - ASEAN 2013 tại Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc

Ngoài ra, ít nhất một doanh nhân Philippines đã nộp đơn khiếu nại sự đối xử bất công của Trung Quốc. “Thật bất công cho chúng tôi để xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc. Nó sẽ làm cho chúng tôi e ngại hơn khi giao dịch với Trung Quốc”, doanh nhân Philippines giấu tên nói.
 
Trước đó, hôm 30/8, Tổng thống Philippines Aquino đã hủy chuyến tham dự hội chợ Trung Quốc-ASEAN mặc dù Philippines là “khách mời danh dự” ngay sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc sử dụng tiểu xảo ngôn từ, đuổi khéo ông Aquino.
 
Quan ngại trước tình hình căng thẳng leo thang do tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc đang khiến các doanh nghiệp xuất khẩu Philippines chịu ảnh hưởng nặng nề, ông Brian O Lim, quản lý chuỗi cung ứng của công ty SL Agritech- một trong những công ty xuất khẩu gạo hàng đầu của Philippines- nhấn mạnh: Chúng tôi chỉ hy vọng chính phủ Philippines và chính phủ Trung Quốc có thể nhanh chóng giải quyết những tranh chấp bởi nó thực sự khiến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp Philippines thêm tồi tệ.
 
Ngoài doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Philippines bị “làm khó” tại Trung Quốc. Trả lời phỏng vấn của tờ AFP, một doanh nghiệp chuyên cung cấp dầu dừa của Philippines cho biết sẽ phải cắt giảm lượng xuất khẩu sang Trung Quốc mặc dù nhu cầu tại quốc gia này vẫn tăng lên 20-30% mỗi năm. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu nước ép trái cây cũng cảm thấy khó khăn hơn trước tình hình thắt chặt thủ tục thông hải quan của Trung Quốc.

Các hãng ô tô Nhật Bản khốn đốn vì thị trường Trung Quốc

Philippines không là ngoại lệ, từ các hãng ô tô lớn của Nhật Bản đến công nhân Nhật cũng bị tấn công mọi bề vì tranh chấp trên biển Hoa Đông, đặc biệt là khi Bắc Kinh không ngần ngại sử dụng kinh tế để làm đòn thù trừng trị.

Ngành công nghiệp ôtô là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nhất sau đợt biểu tình quá khích ở khắp Trung Quốc trong 2 tháng vừa qua. Người Trung Quốc đã tránh xa thương hiệu Nhật Bản vì lo lắng tài sản của họ sẽ là một mục tiêu hướng đến trong cuộc biểu tình chống Nhật. Đã có nhiều người vô cớ bị người khác hành hung chỉ vì đi xe Nhật.

Tại triển lãm ôtô lớn ở Thẩm Dương 10/2012, ban tổ chức đã không mời các thương hiệu xe hơi Nhật Bản. Tuy nhiên, chuyện lạ là trước đó ban tổ chức đã đăng thông tin quảng cáo từ tháng 6 về triển lãm và có nhắc tới những hãng xe Nhật tham dự. Tại các gian hàng dành cho các thương hiệu Nhật Bản, hiện tại được sử dụng để trưng bày phụ tùng ô tô và xe hơi cổ. Khách thăm quan được khuyên nếu muốn tìm hiểu thì nên đi trực tiếp tới các đại lý xe Nhật.

Một khách tham quan giấu tên cho biết ông đã mua một chiếc xe hơi Nhật Bản, nhưnglo rằng nó sẽ bị đập phá nếu quan hệ Trung-Nhật trở nên tồi tệ hơn.

Lượng xe bán ra của các hãng Nhật Bản cùng nhiều hàng hóa khác đã bị ảnh hưởng nặng nề kể từ giữa năm ngoái, khi cuộc tranh chấp lãnh thổ bùng nổ giữa Tokyo và Bắc Kinh, dẫn đến những cuộc tẩy chay sản phẩm Nhật Bản và các cuộc biểu tình đập phá xe cộ, hàng quán làm rúng động thế giới.

Ngày 3/9, Honda cho biết đã bán 55.553 xe trong tháng 8/2013, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 6 và tháng 7, lượng xe bán ra cũng giảm lần lượt là 5,6% và 1,7%.

Trong cùng khoảng thời gian, Nissan tiêu thụ được 86 nghìn chiếc, tăng 1% so với năm 2012. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại so với tỷ lệ 1,8 % trong tháng 7.

Ảm đạm nhất là Toyora khi hãng này cho biết chỉ bán được 72.100 xe, giảm 4,2% so với tháng 8/2012, trong khi mức giảm của tháng 7 là 3,5%. Tính chung trong 8 tháng đầu năm, hãng xe Nhật Bản tiêu thụ được 654.600 ôtô các loại, giảm 5,3% so với cùng kỳ.

Không ai quên hình ảnh xe Toyota, Honda bị lật ngửa, đốt, đập nát trên các đường phố Trung Quốc. Thậm chí, người ta còn rùng mình lo sợ nhớ lại cảnh một người dân ở thành phố Tây An bị chính đồng bào mình đánh chấn thương sọ não chỉ vì lái một chiếc Toyota.

 Đây cũng là lý do khiến nhiều doanh nghiệp Nhật phải rời bỏ mảnh đất tỷ dân tưởng chừng như màu mỡ. Và đó cũng là cách Trung Quốc xây dựng hình ảnh quốc gia đại cường nhưng lòng dạ lại tiểu nhược.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn