Tướng Nguyễn Việt Thành: Tướng công an đầu tiên ở miền Tây

( PHUNUTODAY ) - Trải qua 15 năm chiến tranh với nhiều chiến công trong cả lực lượng công an nhân dân và trong quân đội, ông Tư Bốn cùng đại quân tiến về giải phóng Sài Gòn trong vai trò tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 3 – Công an võ trang của Trung ương cục miền Nam.

(Phunutoday) - Trải qua 15 năm chiến tranh với nhiều chiến công trong cả lực lượng công an nhân dân và trong quân đội, ông Tư Bốn cùng đại quân tiến về giải phóng Sài Gòn trong vai trò tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 3 – Công an võ trang của Trung ương cục miền Nam.


Ông đã cùng các đồng đội thực hiện nhiều biện pháp góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự ở Sài Gòn trong năm đầu tiên sau ngày giải phóng, trước khi trở về quê hương Tiền Giang để tiếp tục công tác trong ngành công an tỉnh nhà vào năm 1976. Ông tiếp tục chứng tỏ là 1 cán bộ đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, dựa vào dân để hoàn thành nhiệm vụ như những năm chiến tranh.

Ông đã lập nhiều thành tích xuất sắc và là giám đốc công an tỉnh đầu tiên ở miền Tây được Nhà nước phong tướng vào tháng 3 năm 1998, trước khi được rút về làm Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Nhân dân – Bộ Công an vào năm 1999, để chỉ vài năm sau ông tiếp tục lập thành tích đặc biệt xuất sắc trong vai trò Trưởng ban chuyên án trong vụ án xã hội đen lớn nhất Việt Nam do Năm Cam cầm đầu…

Chuyện kể của những người tài xế

Tài xế xe tải Châu Văn Trường ở khu phố Thanh Xuân - phường 5 – thành phố Tân An (tỉnh Long An), một người có thâm niên hơn 30 năm lái xe tải, đã nói với người viết rằng, anh đã từng lái xe đi khắp từ Nam chí Bắc, đến đủ mọi vùng miền trên cả nước, nhưng khi chạy trên đoạn quốc lộ 1A dài gần 70 cây số ngang qua địa phận tỉnh Tiền Giang, bao giờ anh cũng phải tuân thủ đúng Luật Giao thông Đường bộ, vì rất dễ bị xử phạt nếu lái xe vi phạm luật. Không phải ở các nơi khác cảnh sát giao thông không kiểm tra và phát hiện vi phạm của các tài xế, nhưng trong nhiều trường hợp tài xế đã “xin” được lực lượng kiểm tra “du di”, còn ở Tiền Giang thì không.

Anh Trường cho biết, đối với cánh tài xế các anh, việc bị xử phạt khá nặng khi vi phạm Luật Giao thông đã là “muốn chết”, mà lại còn “bấm lổ” (trước đây) hoặc giam bằng, giam xe, hoặc “hôm sau trở lại đóng phạt ở kho bạc”, thì đúng là tai họa, coi như “treo nồi cơm” trong gia đình. Vì vậy mà khi lỡ bị thổi phạt trên đường chạy xe, bao giờ các anh cũng cố nài nĩ xin “tha” để còn kịp chở hàng.

Thế nhưng, một khi đã bị cảnh sát giao thông Tiền Giang thổi là cầm chắc bị phạt đúng thủ tục, vì vậy mà cánh tài xế không dám chủ quan khi chạy xe qua đây. Theo những cán bộ công an ở Tiền Giang, điều tốt đẹp đó được duy trì cho tới ngày nay là nhờ nề nếp có được từ cái thời ông Tư Bốn còn làm trưởng phòng Cảnh sát Giao thông vào cuối thập niên 1970 cho tới khi ông làm giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang vào thập niên 1990.

Một cán bộ ở một trường sĩ quan kỹ thuật ở TP.HCM cho biết, có một dạo nhà trường của các ông tổ chức sản xuất phụ, nên thường xuyên có xe chở hàng hóa (cụ thể là chở gỗ) đi về các tỉnh miền Tây.

Thỉnh thoảng anh em tài xế cũng lỡ vi phạm Luật Giao thông, nhưng thường thì cảnh sát giao thông các địa phương chỉ dừng xe lại nhắc nhở rồi cho đi, chứ ít khi xử phạt, còn nếu một khi đã “lập biên bản”, thì những cán bộ quân đội thường xin được phạt ở khung thấp nhất rồi cho đi, chứ ít khi bị giữ xe, giữ bằng lái. Thế nhưng, có một lần tài xế điện thoại báo về trường đã bị cảnh sát giao thông Tiền Giang kiểm tra vi phạm và giữ xe, anh ta xin nhà trường cử người xuống giúp đỡ lấy xe ra. Người cán bộ nhà trường phụ trách sản xuất chỉ còn biết khuyên tài xế: đóng phạt và chịu giữ xe theo qui định, vì cán bộ nhà trường có xuống thì cũng chẳng giúp được gì.

Về việc cán bộ cảnh sát giao thông Tiền Giang nghiêm chỉnh thực hiện nhiệm vụ, không để lại nhiều tai tiếng như một số địa phương khác, một người có trách nhiệm ở Tiền Giang cũng cho biết, thói quen tốt đẹp đó có từ thời ông Tư Bốn và được duy trì cho đến ngày nay. Có lẽ nhờ duy trì nề nếp, kiên quyết xử phạt các tài xế vi phạm Luật Giao thông, mà tình hình thực hiện an toàn giao thông ở Tiền Giang luôn đạt kết quả tốt, mặc dù nơi đây có mật độ giao thông đường bộ dày đặc.

Số tai nạn giao thông trên đoạn đường quốc lộ 1A dài 70 cây số qua tỉnh Tiền Giang thường không cao hơn bao nhiêu so với số tai nạn giao thông xảy ra trên đoạn đường quốc lộ 1A dài 30 cây số ngang qua địa bàn tỉnh Long An kề bên. Điều đó có phần do sự kiên quyết và nghiêm chỉnh thực thi Luật Giao thông của các chiến sĩ cảnh sát giao thông Tiền Giang có từ thời ông Tư Bốn và duy trì cho tới ngày hôm nay.

Vào thập niên 1990, phong trào đua xe gắn máy trái phép trên đường giao thông công cộng bỗng nở rộ ở các tỉnh miền Tây. Quốc lộ 1A vừa mới được nâng cấp, mở rộng phẳng phiu là sự lựa chọn của các băng nhóm đua xe lúc đêm về.

Người dân hai bên QL1A đoạn từ thành phố Tân An đến cầu Tân Hương (thuộc địa phận tỉnh Long An) thường xuyên phải thót tim trước cảnh đua xe rùng rợn hàng đêm. Thế nhưng, nếu có ai đó rủ các yên hùng kéo dài đường đua qua bên kia cầu Tân Hương, sẽ nhận ngay những cái lắc đầu và câu trả lời: “Ở bển cảnh sát giao thông quần dữ lắm, qua là dính”.

 “Ở bển” trong câu trả lời của các tay đua xe trái phép là địa phận thuộc tỉnh Tiền Giang. Địa phương này là một trong số ít các tỉnh ở miền Tây hầu như chưa từng có nạn đua xe trái phép. Đây cũng là điểm sáng của tỉnh Tiền Giang có từ thời ông Tư Bốn làm giám đốc công an tỉnh và được duy trì cho đến ngày nay.

Địa bàn “khắc tinh” của các loại tội phạm

Cách đây hơn 1 năm, Công an Tiền Giang đã lập công xuất sắc khi khám phá đường dây buôn lậu vàng xuyên biên giới với số lượng lớn. Hơn 90kg vàng đã bị đón bắt khi vận chuyển ngang qua địa bàn huyện Châu Thành – Tiền Giang. Rạng sáng 4.2.2010, trong lúc đang làm nhiệm vụ tại tuyến đường nối với đường cao tốc thuộc địa phận xã huyện Châu Thành, lực lượng công an đã phát hiện trên chiếc xe ôtô 7 chỗ ngồi hiệu Ford Everest, BKS 67M-2029 đang vận chuyển 92kg vàng thỏi đi từ An Giang về TP.HCM.

Các đối tượng buôn lậu định lo lót cho lực lượng làm nhiệm vụ, nhưng đã bị từ chối. Sau khi tiến hành xác minh, mở rộng điều tra, Công an tỉnh Tiền Giang đã thành lập Ban chuyên án, tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với 8 đối tượng có liên quan trong đường dây.

Ban Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang đã thưởng đột xuất với số tiền khá lớn (30 triệu đồng) cho tập thể cán bộ, chiến sĩ đã có thành tích khám phá đường dây buôn vàng này. Đây không phải là vụ đầu tiên vận chuyển lậu vàng với số lượng lớn bị Công an Tiền Giang bắt giữ khi đi ngang đây.

Nhiều vụ buôn lậu lớn khác, những vụ tiêu thụ tiền giả từ nước ngoài đưa vào Việt Nam cũng từng bị sa lưới pháp luật khi vào địa bàn Tiền Giang. Bọn buôn lậu, tội phạm thường rất ngán ngại khi đi ngang qua hoặc đến tỉnh Tiền Giang. Điều tốt đẹp đó cũng có từ cái thời ông Tư Bốn còn làm lãnh đạo Công an tỉnh Tiền Giang, được những người kế nhiệm ông giữ gìn và phát huy, để Công an Tiền Giang luôn xứng đáng là chỗ dựa cho nhân dân, luôn là “khắc tinh” của tội phạm, tội ác.

Vào tháng 3.2011, dư luận huyện Cai Lậy và tỉnh Tiền Giang chợt xôn xao khi chính quyền địa phương phát hiện thường xuyên có hàng trăm người dân (cùng một số cán bộ Nhà nước) đi đánh bạc ở các casino bên kia biên giới thuộc các tỉnh Long An, Đồng Tháp giáp với Campuchia. Nhiều người trong họ vì thua bạc, nợ nần mà gây án để có tiền trả nợ, từ đó mà vụ đi đánh bạc này đã bị phát hiện.

Khi nghe chuyện này, ông Tư Bốn rất buồn, ông cho rằng cán bộ cơ sở đã không theo sát dân để kịp thời phát hiện những mầm mống tiêu cực, kịp thời chấn chỉnh ngay từ đầu. Từ ý kiến của ông, cùng sự chỉ đạo kiên quyết của những cơ quan có trách nhiệm tỉnh Tiền Giang, tình hình người dân Cai Lậy kéo nhau đi casino đánh bạc đã giảm mạnh và đến nay gần như không còn. Nhiều cán bộ và người dân ở Tiền Giang đều thừa nhận, vào thời ông Tư Bốn làm giám đốc Công an tỉnh, tình hình an ninh trật tự trong tỉnh rất ổn định.

 Ông thường xuyên bất ngờ đi các huyện kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của cấp dưới để kịp thời khen ngợi những đơn vị làm tốt và phê bình những nơi chưa tốt, vì vậy mà cấp dưới của ông không ai dám chểnh mảng trong công tác, từ đó góp phần giữ vững sự ổn định về an ninh, trật tự trong toàn tỉnh. Một cán bộ cựu chiến binh ở xã Thanh Bình – huyện Chợ Gạo (quê của ông Tư Bốn) nhớ lại, lúc đó trong xã có khi cả năm không xảy ra vụ án hay gây mất trật tự nào đáng kể, vì ngoài việc kiểm tra sâu sát của huyện, ông Tư Bốn mỗi lần về thăm nhà đều quan tâm hỏi han việc thực hiện nhiệm vụ của xã, nhờ đó các cán bộ từ xã tới ấp đều sâu sát tình hình trên địa bàn, kịp thời phát hiện những mầm mống bất ổn để uốn nắn ngay từ đầu.

 Xã Thanh Bình ngày nay tiếp tục giữ được sự ổn định, nề nếp, nhờ tiếp tục phát huy những thành quả đã có, mà cũng là nhờ ông Tư Bốn dù đã về nghỉ hưu, nhưng tiếp tục quan tâm, chăm sóc lực lượng cán bộ trẻ mới trưởng thành. Tại nhà ông Tư Bốn có hẳn danh sách kèm theo số điện thoại của mấy chục cán bộ xã. Ông thường xuyên điện thoại trao đổi, nhắc nhở mỗi khi phát hiện điều bất ổn ở địa phương.

Cán bộ gương mẫu và dựa vào dân

Trao đổi với người viết về nguyên nhân những thành công của mình trong thời gian làm lãnh đạo Công an tỉnh Tiền Giang cũng như sau này khi về Tổng cục Cảnh sát phụ trách chuyên án “Năm Cam và đồng bọn”, ông Tư Bốn nói: “Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng cơ bản là phải làm cho cán bộ  thật sự gương mẫu và phải luôn dựa vào nhân dân mà thực hiện nhiệm vụ”.

 Trong suốt nhiều năm làm lãnh đạo Công an tỉnh Tiền Giang, ông không một lần bảo lãnh cho người quen khi vi phạm Luật Giao thông bị xử phạt hay những việc tương tự. Một người cháu của ông kể, có lần anh ta bị cảnh sát giao thông phạt vì chạy xe gắn máy khi chưa có bằng lái, anh định nhờ “chú Tư Bốn” giúp lãnh xe ra, liền bị cha của anh la: “Mày gặp bác Tư ổng còn la nữa chứ ở đó mà bảo lãnh”.

Lần đó, người cháu của ông Tư Bốn vẫn phải chịu phạt như những người vi phạm khác. Một cán bộ thân cận của ông Tư Bốn ở Tiền Giang cho biết, khi có người quen nào đó nhờ ông giúp “lãnh xe ra” (hay chuyện đại loại như thế), nếu là con cháu trong nhà, chắc chắn sẽ bị ông phê bình cho một trận.
f
Tướng Nguyễn Việt Thành thăm một người dân bị bọn tội phạm bắn trọng thương khi ngăn cản bọn chúng gây án.

Còn nếu là bạn bè, người quen là cán bộ trong tỉnh Tiền Giang hoặc ở các tỉnh khác nhờ, ông Tư Bốn thường cười vui nói: “Công việc của anh em, tui đâu can thiệp được. Tui có thể giúp anh bằng cách lấy tiền lương của tui đóng phạt cho anh để lấy xe ra”. Tất nhiên là chẳng ai để ông Tư Bốn làm chuyện đó và cũng chẳng ai có thể phiền giận vì cách hành xử đó của ông. Một cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông Tiền Giang kể: Giám đốc Công an tỉnh làm gương như vậy nên chẳng cán bộ phòng nào dám vi phạm, dù quen tới đâu mà một khi người đó vi phạm Luật Giao thông thì cũng bị phạt như thường.

Ông Tư Bốn thường trực tiếp theo dõi các vụ trọng án, nhất là khi có xảy ra chết người, nhờ đó mà hầu như không có vụ trọng án nào bị bế tắc trong thời gian ông Tư Bốn làm giám đốc Công an tỉnh.

Một cán bộ cảnh sát điều tra ở Tiền Giang kể: có một lần vào năm 1995, tại xã Long Thuận – thị xã Gò Công xảy ra vụ trọng án giết người cướp xe máy. Đích thân giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Việt Thành đã chỉ đạo điều tra, chủ trì nhiều cuộc họp, theo dõi cả ngày lẫn đêm, kiên quyết phá án cho bằng được. Chẳng bao lâu sau nhóm tội phạm gây án gồm 3 thanh niên đến từ TP.HCM và Long An đã phải cuối đầu nhận tội. Là người từng trải qua cuộc chiến tranh chống Mỹ vô cùng khốc liệt, ông Tư Bốn đã dựa vào dân để chiến đấu cho tới ngày toàn thắng.

Sau này khi đã làm lãnh đạo Công an tỉnh Tiền Giang, ông Tư Bốn tiếp tục dựa vào dân để hoàn thành nhiệm vụ. Theo ông, bọn tội phạm có thể qua mắt được một vài cán bộ, chiến sĩ, nhưng chúng không thể nào qua mắt được dân, vì “mắt dân như mắt khóm”, nếu cán bộ, chiến sĩ công an được người dân tin tưởng, giúp đỡ thì bọn tội phạm khó mà thoát được lưới luật pháp. Quan điểm dựa vào dân của ông Tư Bốn là phải biểu hiện bằng những việc làm cụ thể, chứ không thể chỉ hô hào.

Những lần đi công tác ở địa phương, ông đều tranh thủ ghé thăm những người dân nghèo, những gia đình đã từng giúp đỡ cách mạng thời chiến tranh, những người dũng cảm truy bắt tội phạm. Ngày nghỉ ông thường sắp xếp thời gian đi thăm vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến cũ.

Không ít những vụ gây rối, những vụ án đã được ngăn chặn nhờ người dân cung cấp thông tin cho ông trong những lần thăm viếng nghĩa tình ấy. Ông đặc biệt trân trọng những người dân dũng cảm đấu tranh chống tội phạm, ông cho rằng cán bộ, chiến sĩ công an quên mình đấu tranh chống tội phạm đã là quý, người dân không được trang bị vũ khí mà dám tấn công tội phạm lại càng quý hơn gấp bội, họ xứng đáng được tuyên dương, ghi công.

Sau này khi đã là Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, khi nghe một người dân vì ngăn bọn tội phạm gây án mà bị bắn trọng thương ở TP.HCM, ông đã đích thân đến bệnh viện thăm, khen ngợi người thanh niên. Tấm ảnh ông chụp với người thanh niên dũng cảm đang nằm trên giường bệnh luôn được ông trân trọng giữ làm kỷ niệm.


Bây giờ, có dịp về Tiền Giang, đi theo quốc lộ 50 từ thành phố Mỹ Tho về vùng biển Gò Công, chúng ta sẽ thấy dãy trụ sở cơ quan tuy xây dựng không thật đồ sộ, nhưng rất sạch sẽ và trồng nhiều cây xanh, giống như cảnh ở công viên. Cây xanh ở đây chủ yếu là cây trồng, có tàng che bóng mát, rất ít những chậu kiểng đắt tiền.

Hàng rào phân cách khuôn viên cơ quan với bên ngoài không đồ sộ, cao ngất như ta thấy ở nhiều nơi. Các bảng hiệu cơ quan được làm xinh xắn, nhỏ nhắn, chứ không treo “hoành tráng” như nhiều nơi. Đó là trụ sở của Công an tỉnh Tiền Giang và các phòng, ban trực thuộc. Đây là trụ sở cơ quan công an tỉnh mẫu mực, xanh - sạch - đẹp nhất miền Tây, được nhiều nơi đến học tập, rút kinh nghiệp xây dựng trụ sở. Công lao tạo dựng nên cơ ngơi ấy thuộc nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ, nhưng người có công lớn phải kể đến ông Tư Bốn.

f
Ông Tư Bốn trong vườn nhà ở xã Thanh Bình, huyện Cai Lậy, Tiền Giang.

Ngày ấy, khi ông Tư Bốn về nhận nhiệm vụ trong ban lãnh đạo công an tỉnh vào thập niên 1980, cơ quan công an tỉnh còn tạm bợ trong cái khó khăn chung của đất nước và của tỉnh Tiền Giang thời bao cấp. Chưa có tiền xây dựng trụ sở tươm tất, ông Tư Bốn cho trồng cây, sắp xếp ngăn nắp, đẹp mắt. Cứ thế, khi có được chút vốn đầu tư, ông cho xây dựng dần trụ sở, các công trình vui chơi giải trí, vừa tiếp tục trồng nhiều cây. Cứ thế, khi ông Tư Bốn rời Tiền Giang để về Tổng cục Cảnh sát vào năm 1999, trụ sở cơ quan công an tỉnh đã được xây dựng khang trang, sạch đẹp chủ yếu bằng công sức của cán bộ, chiến sĩ công an. Những người kế nhiệm ông Tư Bốn đã tiếp tục xây dựng cơ quan theo hướng xanh – sạch – đẹp, thân thiện với môi trường xung quanh.

Đơn giản lần phong tướng

Với những thành tích xuất sắc trong xây dựng lực lượng, đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ vững ổn định an ninh – trật tự trên địa bàn phụ trách, tháng 4.1998 ông Nguyễn Việt Thành được Nhà nước phong hàm thiếu tướng Công an Nhân dân Việt Nam. Trước đó, vào năm 1980 ông cũng đã được Nhà nước phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam cho những thành tích xuất sắc trong chiến đấu bảo vệ Tỉnh ủy tỉnh Mỹ Tho trong kháng chiến chống Mỹ.

Ông đã trở thành giám đốc công an tỉnh đầu tiên ở miền Tây được phong hàm thiếu tướng và là giám đốc công an tỉnh đầu tiên trên cả nước vừa được phong Anh hùng vừa được phong tướng.

Năm năm sau, vào tháng 7.2003, ông lại được Nhà nước phong hàm trung tướng nhờ chiến công xuất sắc trong vài trò trưởng ban chuyên án “Năm Cam và đồng bọn”, đập tan băng nhóm tội phạm xã hội đen cực kỳ nguy hiểm này. Hẳn là ngành công an tĩnh Tiền Giang đã rất vinh dự, tự hào khi người đứng đầu ngành trở thành thiếu tướng. Tôi đã hình dung, chắc là ngày ấy Công an tỉnh Tiền Giang đã mở tiệc linh đình mừng sự kiện ông Tư Bốn được phong tướng.

Vì vậy mà tôi đã thực sự bất ngờ khi một cán bộ cấp dưới của ông Tư Bốn cho biết, đã không có chuyện tiệc tùng mừng thủ trưởng được phong tướng, mà thay vào đó là đợt vận động xây dựng đơn vị trong sạch, vững mạnh để xứng đáng là người công an nhân dân. Khoảng 1 tháng sau, nhân ngày giỗ của cha mình (là liệt sĩ hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ), thiếu tướng Nguyễn Việt Thành mới mời một số cán bộ trong đơn vị, bạn bè thân hữu và bà con họ hàng tới dự đám giỗ và “báo cáo” việc mình đã được Nhà nước phong thiếu tướng.

 Nhiều người nhận xét, ngày đám giỗ hôm ấy ông Tư Bốn rất vui, uống rượu rất nhiều, có lẽ ông đã rất hài lòng khi đứng trước bàn thờ cha và 2 người anh liệt sĩ mà thầm báo cáo lên những người thân đã vì nước ngã xuống rằng đứa con Tư Bốn đã tiếp nối xứng đáng truyền thống của cha anh, làm rạng danh gia đình, quê hương, dòng tộc.

Sau khi được phong tướng, người ta lại thấy ông Tư Bốn miệt mài với công việc, ngành công an tỉnh Tiền Giang lại tiếp tục dẫn đầu các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong hoàn thành nhiệm vụ năm 1998. Trong khi “bà thiếu tướng” Tư Bốn thì vẫn lam lũ làm ruộng, làm vườn, nuôi heo để lo cho 3 người con ăn học và lo cả cho chồng sống cuộc sống liêm khiết, thanh bạch với đồng lương cán bộ.

Hàng ngày ông vẫn đi về bằng xe máy giữa xã Thanh Bình (huyện Chợ Gạo) và cơ quan công an tỉnh ở thành phố Mỹ Tho mà không cần bất cứ sự bảo vệ nào của cấp dưới. Ở ông Tư Bốn có một điều khá đặc biệt: dù ông là cán bộ công an, nhưng người dân khi tiếp xúc với ông cảm thấy rất dễ chịu, thú vị, chứ không ngán ngại như nhiều trường hợp khác.

Ngược lại, ông cũng không bao giờ ngại tiếp xúc, làm việc trực tiếp với “đối tượng”, dù đó là những người nông dân đi khiếu kiện về đất đai hay những kẻ bị kích động, xúi giục làm chuyện phạm pháp. Còn với người dân bình thường, ông Tư Bốn gần như không cần giữ khoảng cách. Ông quan niệm, mình đã từng sống, chiến đấu dựa vào dân trong chiến tranh gian khổ, sau này cũng nhờ dân mà tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhân dân luôn bảo vệ, ủng hộ và giúp đỡ những cán bộ một lòng một dạ tin tưởng, hết lòng vì dân!

Một năm sau khi được phong tướng, ông Tư Bốn được rút về Tổng cục Cảnh sát, làm phó tổng cục trưởng phụ trách phía Nam. Cho tới lúc này, dù đã được phong Anh hùng và phong tướng, ông Tư Bốn chủ yếu được biết đến nhiều ở quê hương Tiền Giang và trong ngành công an, người dân cả nước chưa biết nhiều về ông. Về trung ương ở tuổi 53, nhiều người nghĩ ông sẽ được an nhàn, chuẩn bị cho ngày về hưu. Thế nhưng, chính sự điều động này, cùng với những tố chất sẵn có của “tướng Tư Bốn”, đã giúp cho ông Tư Bốn ghi đậm dấu ấn trong lịch sử phòng chống tội phạm nước ta, ông đã được người dân cả nước biết đến như là “người hùng chống tội phạm” với việc đánh sập băng xã hội đen Năm Cam.

Kỳ tới: Bốn lần gặp trùm xã hội đen Nam Cam

Song Kỳ

[links()]
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn