Vụ cô giáo dùng dép đánh vào đầu trẻ: Chính thức giải thể trường mầm non Sen Vàng

( PHUNUTODAY ) - Sau buổi làm việc giữa các bên vào ngày 7/2, lãnh đạo nhà trường cùng với các cơ quan quản lý đã thống nhất và đưa ra quyết định giải thể cơ sở mầm non Sen Vàng.

Chiều ngày 7/2, tại trụ sở phường Minh Khai, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng, UBND phường và hiệu trưởng trường mầm non Sen Vàng đã có buổi làm việc với 73 phụ huynh có con em theo học tại cơ sở này.

Tại buổi làm việc, bà Phạm Thị Tân – Hiệu trưởng trường mầm non Sen Vàng (Hai Bà Trưng – Hà Nội) đã nhận trách nhiệm về vụ bạo hành đã xảy ra tại trường, đồng thời cam kết sẽ hoàn trả lại kinh phí mà các phụ huynh đã đóng góp trước đó. Ngoài ra, bà Tân cũng xin giải thể trường.

giai-the-truong-mam-non-sen-vang

 Trường mầm non Sen Vàng giải thể sau vụ bạo hành trẻ.

Quyết định xin giải thể trường của bà Tân sau đó được các cơ quan quản lý ngành dọc và chính quyền địa phương xem xét, đi đến thống nhất. Việc chính thức giải thể trường mầm non Sen Vàng sẽ gây ra nhiều vấn đề phát sinh, nhất là các gia đình có con đang được gửi tại cơ sở này.

Trước vấn đề này, bà Trần Lưu Hoa, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), cho biết 4 trường đồng ý tiếp nhận học sinh từ cơ sở Sen Vàng. Trong đó 2 trường công lập là Minh Khai, Tuổi Hoa nhận trẻ từ 24 tháng đến 5 tuổi và 2 trường dân lập trong khu vực. Sáng nay (8/2) các cơ sở này sẽ bắt đầu tiếp nhận trẻ.

Ông Đặng Xuân Hải - Phó Chủ tịch phường Minh Khai cho biết hiện trên địa bàn phường có 12 nhóm lớp tư thục và 2 trường mầm non tư thục. Tất cả các cơ sở này đều có quyết định thành lập theo đúng quy định.

Về thông tin trên mạng xã hội cho rằng các giáo viên ở nhóm lớp này có một số người không có bằng cấp sư phạm mầm non, ông Hải cho biết, hiện nhóm lớp Sen Vàng có 11 giáo viên. “Về cơ bản, các cô đều có chứng chỉ sư phạm. Riêng hai cô giáo bạo hành trẻ em xuất hiện trong clip, một cô có chứng chỉ mầm non nhưng một cô lại có bằng Cao đẳng Y tế”, ông Hải thông tin.

Cũng theo ông Hải, Phường thường xuyên kiểm tra các nhóm lớp nhưng khi kiểm tra, lại không có chuyện gì xảy ra nên không biết đến việc có cô giáo bạo hành trẻ em trong nhà trường.

Trước đó, cơ quan công an quận Hai Bà Trưng đã mời hai cô giáo trực tiếp đánh trẻ lên để làm việc, tại đây hai cô giáo tường trình nguyên nhân đánh các cháu là do quá bức xúc vì việc các cháu hay khóc, đi ngoài nhiều lần ra quần.

Chương trình giáo dục cho ngành giáo viên mầm non cần chỉnh sửa và xem xét lại

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi đọc báo thấy thông tin về cảnh cô giáo mầm non bạo hành trẻ ở trường mầm non Sen Vàng, vị PGS.TS này rất bức xúc và bàng hoàng: “Tại sao một cô giáo dạy mầm non mà lại có hành vi côn đồ như vậy. Lại có thể cầm dép đánh vào đầu trẻ con như vậy”.

Theo ông Trần Xuân Nhĩ, hiện nay, nhu cầu về giáo viên mầm non ở nước ta rất lớn. Mỗi năm bình quân có 1 triệu trẻ em ra đời. Tuổi đi lớp của trẻ mầm non từ 6 tháng tuổi cho đến 6 tuổi. Vậy bình quân mỗi năm có khoảng gần 6 triệu trẻ em ở tuổi mầm non.

Việc chăm sóc trẻ mầm non không thể có 1 lớp mấy chục học sinh được. Với số lượng trẻ mầm non nhiều như thế, phía cơ quan nhà nước không thể ôm đồm làm hết mọi việc mà phải thực hiện chế độ xã hội hóa giáo dục.

Tuy nhiên, việc nhà nước cần làm là đào tạo đội ngũ giáo viên đúng, chuẩn và có kiến thức nền để phục vụ cho số lượng trẻ mẫu giáo. Để làm được điều này, trong quy hoạch hệ thống sư phạm phải hết sức quan tâm đến giáo dục ở độ tuổi mầm non.

“Tôi nhận thấy, hiện nay chưa có một cuộc điều tra để biết rõ được nhu cầu của học sinh ở lứa tuổi mầm non. Từ nghiên cứu đó, chúng ta mới có thể đưa ra những chiến lược để có thể đáp ứng đúng nhu cầu đạt chuẩn cho bậc giáo dục này”, PGS nêu quan điểm.

Phân tích thêm, vị chuyên gia này cho hay: “Ở khâu đầu vào, tôi thấy cần bổ sung thêm môn thi kỹ năng thể hiện được lòng yêu mến của cô giáo mầm non với trẻ nhỏ. Phải có những bài học trắc nghiệm để đảm bảo được việc tuyển chọn đúng đối tượng”.

Bên cạnh đó, quá trình đào tạo cũng còn nhiều điều bất cập giữa lý thuyết và thực hành chưa có sự cân xứng. Giáo dục đào tạo đội ngũ giáo viên mầm non ở nước ta còn quá nặng về lý thuyết: “Theo tôi, đối với giáo viên mầm non, chúng ta chỉ chọn một số môn lý thuyết cơ bản. Thời gian còn lại hãy để cho sinh viên được về các cơ sở thực tập và cọ sát với môi trường trẻ nhỏ cũng như được học hỏi kinh nghiệm.

Đây cũng là điều kiện để đánh giá thêm về người giáo viên mầm non tương lai này. Họ có thực sự yêu trẻ, yêu nghề hay không, có kỹ năng chăm sóc trẻ hay không. Việc đào tạo một lần nữa lại được sàng lọc thêm”, Nguyên Thứ trưởng bộ Giáo dục nhận định.

Ông Trần Xuân Nhĩ cũng nêu thực tế về một số chuyên đi khảo sát của ông: “Khi tôi đi thăm một số trường công lập, chúng tôi nhận được phản ánh từ giáo viên trong trường về những cô giáo mới về trường. Theo họ, những cô giáo mới không làm được việc gì. Từ việc dỗ trẻ cho đến việc thay áo cho trẻ các cô cũng không làm được. Đó là kỹ năng tối thiểu nhưng những cô giáo này do ít được thực hành nên không làm được. Vì vậy chương trình giáo dục cho ngành giáo viên mầm non cần chỉnh sửa và xem xét lại".

Đồng quan điểm với ý kiến của nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục - PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, là ý kiến của PGS. Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội): "Hiện nay, chúng ta thiếu rất nhiều giáo viên mầm non. Đã có rất nhiều giáo viên bậc tiểu học bị đẩy xuống làm giáo viên mầm non. Như vậy là lệch lạc và vi phạm việc tuyển dụng giáo viên mầm non".

truong-mam-non-sen-vang-1

 PGS. Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh.

PGS. Văn Như Cương cũng cho hay, những người làm công việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ ít nhất phải được đào tạo qua trường lớp. Việc cần xắn tay làm ngay và luôn là phải gấp rút đào tạo ra những giáo viên được học tập bài bản và đủ lòng yêu thương trẻ.

Ngoài ra vị hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cũng cho rằng, các nhà chuyên môn cần phải có khâu xét duyệt như thế nào để sàng lọc những giáo viên có chuyên môn nhưng không có tâm vẫn theo học ngành này. Đây là một vấn đề nan giải nhưng các nhà chức trách phải đối diện để giải quyết.

“Bản thân tôi có một người chắt ở tuổi đang đi nhà trẻ. Vì thế, bất cứ phụ huynh nào khi nhìn thấy cảnh này, thực sự xót ruột và đau đớn lắm. Bây giờ các phụ huynh cho con đi nhà trẻ ai cũng hoang mang lo lắng. Vì chuyển trường đi cũng không được, mà liệu trường khác có đảm bảo cho con họ sự an toàn hay không?”, PGS. Văn Như Cương chia sẻ nỗi lòng.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn