4 món NÊN và 6 món mẹ KHÔNG NÊN cho bé ăn vào buổi sáng

( PHUNUTODAY ) - Bữa sáng vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Chính vì thế, các mẹ cần hết sức lưu ý khi chọn thực phẩm cho bé ăn vào thời gian này. Dưới đây là 6 loại thực phẩm được khuyến cáo không nên cho bé ăn vào buổi sáng.

6 thực phẩm không nên cho bé ăn vào buổi sáng

Thức ăn thừa từ ngày trước: Nhiều phụ huynh tận dụng thức ăn thừa từ tối hôm trước để nấu mì, phở hay cháo, chiên cơm cho trẻ ăn sáng để tiết kiệm thời gian và thực phẩm, tuy nhiên việc làm này không có lợi cho sức khỏe của bé, bởi một số loại thức ăn để lâu có thể sản sinh ra nitric (một chất gây ung thư) hoặc các loại vi khuẩn có hại cho đường tiêu hóa.

Xúc xích, thịt xông khói, thịt hộp: Theo các nghiên cứu dinh dưỡng, thịt đóng gói đóng hộp, thịt đã qua xử lý chứa hàm lượng nitrat rất lớn. Bắt đầu một ngày mới bằng các loại thịt này sẽ làm gia tăng nguy cơ bị ung thư ở trẻ. Người mẹ hãy thay thế lượng protein cần nạp cho trẻ buổi sáng bằng những thực phẩm lành mạnh hơn như trứng, sữa và phô mai.

Thực phẩm chiên rán: Thực phẩm chiên rán có hàm lượng mỡ cao, sau khi chiên, các chất dinh dưỡng trong thực phẩm bị phá hủy khá nhiều, hơn nữa còn sản sinh ra một số chất có hại cho sức khỏe. Thêm vào đó, thực phẩm qua nhiệt độ cao, ngấm nhiều dầu rất khó tiêu hóa. Nếu uống kèm thêm với sữa có nhiều chất béo sẽ tạo thành bữa ăn sáng có hàm lượng chất béo cao quá mức dung nạp.

cuonnroll_cac-mon-an-don-gian-cho-bua-sang-3

 

Nước uống có ga và nước trái cây đóng hộp: Đây là loại thực phẩm này dễ làm trẻ bị đầy hơi, bị “no ngang”, riêng nước uống có ga uống vào sáng sớm ảnh hưởng đến cơ quan tiêu hóa, viêm loét dạ dày.

Mì ăn liền: Lối sống hiện đại bận rộn khiến nhiều bậc phụ huynh lựa chọn mì ăn liền làm bữa ăn sáng cho con. Tuy món ăn này chế biến nhanh chóng và dễ dàng nhưng nếu dùng quá nhiều và quá thường xuyên, trẻ có thể bị táo bón do mì ăn liền không cung cấp vitamin và chất xơ cần thiết cho hệ tiêu hóa.

Ăn sáng “kiểu Tây”: Loại thức ăn nhanh hiện nay được nhiều trẻ ưa chuộng và ngày càng phổ biến ở nước ta. Ưu điểm của loại thức ăn này là nhanh, ngon, nóng nhưng nếu quá phụ thuộc, trẻ sẽ dễ bị mất cân đối về các chất dinh dưỡng cần thiết, bởi thiếu các vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất dinh dưỡng khác.

Những món ăn sáng tốt cho trẻ

1. Trứng

Trứng là một sự lựa chọn lí tưởng dành cho bữa sáng của trẻ. Trứng là loại thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao. Trong trứng có chất đạm, chất béo, một ít chất bột đường, nhiều loại vitamin, chất khoáng. Chất đạm trong lòng trắng trứng có thành phần các acid amin toàn diện với tỉ lệ cân đối, có giá trị sinh học đặc biệt cao hơn các loại đạm khác, được hấp thu và sử dụng gần như hoàn toàn trong cơ thể.

Ngoài ra, lòng đỏ trứng có nguồn chất béo rất quí chứa Lecithin, vì Lecithin thường có ít ở các thực phẩm khác. Lecithin tham gia vào thành phần các tế bào và dịch thể của tổ chức, đặc biệt là tổ chức não. Nhiều nghiên cứu cho thấy Lecithin có tác dụng điều hòa lượng cholesterol, ngăn ngừa tích lũy cholesterol, thúc đẩy quá trình phân tách cholesterol và bài xuất các thành phần thu được ra khỏi cơ thể.

Tuy nhiên, đối với trẻ, các mẹ nên cho bé ăn lòng đỏ sẽ tốt hơn. Đây là món tuyệt vời cho bữa sáng, nhưng không nên ăn quá thường xuyên. Mẹ có thể cho bé dùng khoảng 2 bữa sáng có trứng ốp la, trứng luộc mỗi tuần. Những ngày còn lại, có thể chọn các chất đạm khác, như thịt gà, thịt vịt, cá, tôm (trong các món bún), thịt bò, heo (trong các món phở, hủ tíu).

2. Sữa chua

Đây được xem là món không nên thiếu trong các bữa ăn sáng dành cho trẻ. Sau các món chính, mẹ nên tập cho bé thói quen kết thúc bữa sáng bằng món tráng miệng là sữa chua ăn. Sữa chua ăn được đánh giá là một trong những thực phẩm tốt nhất cho cơ thể con người.

Trong thành phần sữa chua, các chất đạm, chất béo có sẵn trong sữa đã được tiêu hóa một phần, rút ngắn thời gian hấp thu trong hệ thống tiêu hóa. Đường lactoza đã được lên men dễ hấp thu, làm giảm lượng đường tồn đọng lại ở hệ tiêu hóa tránh được tiêu chảy, giúp cho cơ thể hấp thu canxi và một số khoáng chất khác dễ dàng hơn

Với 1-2 hộp sữa chua ăn, trẻ đã được cung cấp khoảng 20-25% nhu cầu canxi cơ thể cần mỗi ngày. Sữa chua là nguồn canxi tốt dễ hấp thu nhất cho cơ thể. Và buổi sáng cũng là thời điểm cơ thể dễ dàng hấp thụ canxi.

Một cốc sữa chua trộn hoa quả vào buổi sáng sẽ là gợi ý tuyệt vời cho bé tràn đầy năng lượng trong ngày. Tuy nhiên, do các vi khuẩn có lợi trong sữa chua hoạt động rất mạnh nên cũng rất dễ làm hỏng men răng, nhất là răng trẻ nhỏ. Mẹ lưu ý khi cho trẻ ăn sữa chua xong nên uống vài thìa nước lọc tráng miệng.

3. Sữa tươi hoặc sữa công thức

Cần luôn được duy trì vì sữa là nguồn dinh dưỡng không thể thiếu cho mỗi bữa sáng. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý nếu trẻ chỉ uống một ly sữa buổi sáng sẽ vẫn không đủ năng lượng cho cả ngày học tập ở trường của trẻ, cần cho trẻ ăn thêm các món ăn khác kèm theo để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Đặc biệt, nếu trẻ chưa đủ 1 tuổi, sữa vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các chất dinh dưỡng và vitamin thiết yếu cho trẻ. Trẻ ở giai đoạn ăn dặm, ngoài bữa ăn dặm buổi sáng, người mẹ vẫn cần cho trẻ bú thêm sữa mẹ hoặc sữa công thức ngay sau đó để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng theo lứa tuổi của trẻ.

4. Yến mạch

Yến mạch không chỉ giúp trẻ thông minh mà còn rất tốt trong việc giảm cholestorel trong máu, tăng cường hệ miễn dịch. Chỉ mất khoảng 15 phút để nấu yến mạch cán mỏng mỗi sáng là mẹ đã có một bát cháo yến mạch hoặc yến mạch trộn sữa công thức (sữa tươi) ngon lành cho bữa ăn sáng của trẻ. Người mẹ khi chế biến yến mạch cho trẻ cần chú ý không nên sử dụng loại yến mạch ăn liền cho trẻ dưới 1 năm tuổi vì loại này có chứa rất nhiều đường.

Theo:  khoevadep.com.vn copy link