Bé trai theo mẹ nhặt rác xếp dép cho các bạn dã ngoại: Bé cực kỳ ngăn nắp, ham học và rất tự giác

( PHUNUTODAY ) - "Đi học được cô giáo dạy phải ngăn nắp, lịch sự là về nhà làm y chang. Quần áo là tự xếp bỏ vào tủ, bộ nào đi chơi xếp riêng, bộ nào đi học xếp riêng, bộ nào đi lượm ve chai cũng xếp riêng... Ăn cơm xong là tự động đem chén đi rửa chứ không đợi mẹ nhắc".

Thời gian gần đây, hình ảnh em bé theo mẹ đi nhặt rác xếp dép cho các bạn đồng trang lứa trong buổi dã ngoại được faceboker Nghia Pham đăng tải và nhận nhiều sự quan tâm của cộng động mạng.

tre-em-1-1147-phunutoday-2003-phunutoday

 Hình ảnh đẹp của cậu bé khiến không ít người thích thú.

tre-em-3-1147-phunutoday-2003-phunutoday

 

Theo chia sẻ của facebooker bức hình được chụp gần bưu điện TP.Hồ Chí Minh.

Nói về hoàn cảnh chụp bức hình facebooker cho biết: "Cậu bé tầm 4 tuổi theo mẹ lượm ve chai ngay bưu điện thành phố. Bé đứng nhìn các bé mầm non được trường đưa đi thăm các địa điểm nổi tiếng tại Sài Gòn.

tre-em-14-1147-phunutoday-2003-phunutoday

Chị Linh và bé Đạt. 

Khi thấy cô giáo bỏ dép không đúng vị trí các bạn sắp dép. Bé đi lại cầm đôi dép cô giáo để cạnh các đôi dép của các bạn rồi đứng nhìn."

“Liên tưởng đến nhiều phụ huynh vẫn chở con ngang nhiên đi trên lề với cái cớ sợ trễ giờ đi học của con thì hãy nên xem lại nghen. Bé sẽ học và ghi nhận những điều cha mẹ vẫn thường làm mỗi ngày.” - Facebooker Nghia Pham chia sẻ.

Anh Nghĩa Phạm vừa cho biết hôm nay, anh đưa mẹ cháu bé đi khám sức khỏe để nộp hồ sơ vào làm việc tại công ty Vinamilk.

"Phía công ty nói sẽ nhận chị Linh vào làm việc. Hiện hai mẹ con trọ ở Thủ Đức, nhưng sẽ sắp xếp chuyển đến gần nơi người mẹ làm", anh tiết lộ.

Anh Nghĩa Phạm thông tin thêm cậu bé tốt bụng Nguyễn Giang Thành Đạt cũng được hiệu trưởng hai trường nhận vào học miễn phí. Anh Nghĩa sẽ giúp đỡ hai mẹ con trong việc chọn trường gần nơi ở để tiện việc đưa đón.

Theo tờ Trí Thức Trẻ, mẹ của bé tên là Nguyễn Thị Phương Linh (26 tuổi, Quảng Ngãi). PV Trí Thức Trẻ đã bắt đầu câu chuyện bằng việc kể cho chị nghe về tấm ảnh đang nổi như cồn trên mạng xã hội. Chị Linh cười bảo: "Hôm bữa có chú nào đó chụp hình của bé rồi đăng lên mạng. Người nhà tôi ở dưới quê gọi vào hỏi ủa sao hai mẹ con đi lượm ve chai. Tôi giấu, không cho dưới quê biết mình đi lượm ve chai, sợ mọi người lo lắng. Giờ thì cả nhà đều biết rồi."

tre-em-13-1147-phunutoday-2003-phunutoday

 Đạt không biết đến cha từ khi em được sinh ra đời.

Chị vào Sài Gòn đã 6 năm nay, trước đó chị làm công nhân, nhưng thời gian gần đây công ty gặp vấn đề nên chị chuyển sang đi nhặt ve chai và làm mướn theo giờ để kiếm sống.

tre-em-12-1147-phunutoday-2003-phunutoday

 

Còn thằng nhóc, nó tên là Nguyễn Danh Thành Đạt (5 tuổi) - một cái tên mang thật nhiều sự kỳ vọng. "Cái tên này là do bà cố nuôi đặt cho nó. Tôi với chồng chia tay nhau lâu rồi, anh ấy suốt ngày chỉ biết rượu chè, cờ bạc, không biết làm việc để chăm lo cho gia đình" - chị Linh chạnh lòng khi nhắc về cha của Đạt.

tre-em-11-1147-phunutoday-2003-phunutoday

 

Chị Linh vốn mồ côi cha mẹ, được một gia đình người Quảng Ngãi nuôi nấng. Khi ly hôn với chồng, nhóc Đạt cũng chỉ mới 1 tháng tuổi, chị Linh ẵm bé vào trại trẻ mồ côi với mong muốn gạt bỏ gánh nặng, quên đi quá khứ.

"Nhưng khi đến nơi, nhìn những đứa nhỏ trong trại, tôi không đành lòng để con ở lại. Thế là quyết định đưa con về, bằng giá nào cũng phải nuôi nó khôn lớn, không để nó phải chịu cảnh mồ côi giống như bản thân mình đã từng phải trải qua" - chị Linh nói.

"Đi học được cô giáo dạy phải ngăn nắp, về nhà nó làm y chang"

Nhóc Đạt càng lớn càng lanh lợi, chị Linh đi làm công nhân, góp nhặt từng đồng cũng đủ tiền để cu cậu đến trường học như chúng bạn. Chị vui vẻ khoe: "Đi học được cô giáo dạy phải ngăn nắp, lịch sự là về nhà làm y chang. Quần áo là tự xếp bỏ vào tủ, bộ nào đi chơi xếp riêng, bộ nào đi học xếp riêng, bộ nào đi lượm ve chai cũng xếp riêng. Giày dép cũng vậy, đôi nào cũng phải xếp gọn gàng. Ăn cơm xong là tự động đem chén đi rửa chứ không đợi mẹ nhắc".

Chị Linh kể thêm, nhóc Đạt thường vậy, đi nhặt ve chai cùng mẹ mà thấy rác là cu cậu lại đem đến thùng rác để gọn gàng. Đạt hiếu động nhưng biết nghe lời nên rất được lòng các cô chú ở khu vực bưu điện thành phố.

Thế nhưng cuộc sống của hai mẹ con chẳng phút nào thôi sóng gió. Trước Tết, công ty chị Linh đang làm gặp sự cố, nên công nhân đều mất việc. Chị giấu bà ngoại nuôi, đi nhặt ve chai và làm mướn theo giờ để nuôi con. Thu nhập chỉ đủ chi tiêu hằng ngày, nên nhóc Đạt phải nghỉ học. Chị kể: "Mấy tháng trước tôi nói với con là nhà không còn tiền, thôi con nghỉ học, mai mốt có tiền mẹ lại cho con đi học, thằng nhỏ cứ khóc đòi đi học miết".

Hai mẹ con ở trọ tại Thủ Đức, cứ mỗi sáng lại đi xe bus đến bưu điện thành phố để nhặt ve chai đến chiều lại đón xe bus về. Cơm nước xong xuôi, nhóc Đạt đi ngủ thì chị Linh lại tiếp tục đi làm mướn đến 2h đêm. Chị cười kể: "Sáng nay nó nói với tôi là: Mẹ ơi bữa nay Chủ nhật thôi mẹ con mình nghỉ đi lượm ve chai một bữa, mẹ con mình đi chơi đi. Tôi nói vậy thôi bữa nay con ở nhà chơi đi, để mẹ đi lượm một mình. Nó xị mặt, rồi hai mẹ còn đi lượm chung luôn, khỏi nghỉ chủ nhật".

Lời khoe của chị Linh khiến nhiều người vừa mừng vừa lo bởi những điều tốt đẹp đến quá nhanh, với chị và những người nghèo khác, nó tựa như một giấc mơ có thật giữa đời thường. Một công việc ổn định ở công ty sữa có thể giúp chị lo cho gia đình nhỏ nhiều thứ. Bé Đạt có thể được đến trường và mẹ con chị không phải lang thang khắp những đường phố Sài Gòn nắng chói bỏng chân, nhức đầu để lượm ve chai những ngày cuối tuần.

Sáng 7/3, bà Quỳnh Trang, trưởng ban đối ngoại công ty sữa Vinamilk đã xác nhận: "Chúng tôi biết đến trường hợp của mẹ con bé Đạt, chị Linh qua các kênh phương tiện truyền thông. Hiện tại, công ty đang tiếp nhận hồ sơ làm việc của mẹ bé Đạt. Chúng tôi sẽ cố gắng lo cho người mẹ trẻ này một công việc để nuôi con".

Cũng trong ngày hôm qua, rất nhiều người lớn tử tế đã thông qua chúng tôi thể hiện mong muốn có thể giúp bé Đạt được đến trường miễn phí, để bé lại được nuôi dưỡng những đức tính tốt đẹp, hướng thiện.

Một công việc ổn định đến kịp thời ngay vào lúc này có thể giúp cuộc sống của mẹ con chị Linh bớt khó khăn và bé Đạt sẽ được đến trường. Đó là điều kì diệu đầu tiên đến với hai mẹ con, chỉ từ một hành động nhỏ nhưng chạm tới trái tim mọi người của cậu bé lượm ve chai 5 tuổi. Truyện cổ tích luôn có thật, và được tạo nên bởi rất nhiều người tốt xung quanh ta. Mong rằng, sẽ có nhiều người tốt, làm việc tốt để xã hội chúng ta ngày càng văn minh và luôn ấm áp tình người

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn