Cảnh báo: Bé trai 8 tuổi dập nát bàn tay chỉ vì tự chế pháo

( PHUNUTODAY ) - Quyết nhập viện trong tình trạng bàn tay trái dập nát, mất ngón tay thứ 4. Các bác sĩ đã tiến hành cắt lọc, tháo bỏ xương bàn tay số 4 và 5, khâu vết thương xung quanh.

Ngày 10/1, bệnh viện đa khoa huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho biết vừa chữa trị cho bệnh nhân Trần Đình Quyết (8 tuổi, trú xã Thạch Long) bị chấn thương vì tự chế pháo.

Quyết nhập viện trong tình trạng bàn tay trái dập nát, mất ngón tay thứ 4. Các bác sĩ đã tiến hành cắt lọc, tháo bỏ xương bàn tay số 4 và 5, khâu vết thương xung quanh.

phao no - phunutoday

Bệnh nhân Quyết đang được bác sĩ chăm sóc tại bệnh viện. Ảnh: Đ.H

Bà Nguyễn Thị Hương (mẹ Quyết) cho hay, sáng 8/1, Quyết cùng một người em họ mua diêm về tự chế pháo nổ rồi châm lửa đốt. Sau khi bắt lửa, pháo tự chế nổ tung khiến Quyết gặp nạn.

Trước đó, cũng tại Hà Tĩnh, ngày 29/12, Bác sĩ Nguyễn Viết Đồng, Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, cho biết, đơn vị vừa tiến hành tháo bỏ ngón 3 bàn tay trái cho bệnh nhân Trương Quang T. (SN 2004, trú xã Kỳ Lâm, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) do ngón tay của T. bị dập nát khi chơi pháo tự chế.

phao no 1 - phunutoday

T. đang nằm điều trị tại bệnh viện ĐK Hà Tĩnh.

Người nhà cháu T. cho biết, khoảng hơn 12h ngày 28/12, trên đường đi học về T. cùng một số bạn trong xóm tụ tập chơi nổ pháo bằng hình thức cạo đầu đỏ của que diêm cho vào van xe đạp rồi dùng đinh đóng mạnh tạo ra tiếng nổ giống như tiếng pháo.

Làm được 2 lần thì đến lần thứ 3, T. cho lượng thuốc diêm vào nhiều hơn và đùng đinh đóng mạnh nhưng chẳng may lần này nổ bung cả van xe đạp dẫn đến dập nát ngón 3 và gây tổn thương một số ngón của bàn tay trái.

Sau khi xảy ra sự việc, gia đình đã đưa cháu T. vào Bệnh viện ĐK Hà Tĩnh cấp cứu.

phao no 2 - phunutoday

 Pháo nổ tự chế rất nguy hiểm (Ảnh minh họa).

Bác sĩ Nguyễn Quang Trúc - Trưởng khoa Chấn Thương, Bệnh viện ĐK Hà Tĩnh cho biết, tai nạn do pháo nổ tự chế rất nguy hiểm bởi ngoài sức công phá gây các vết thương nó còn gây bỏng do tỏa ra nhiệt lượng lớn. Hơn nữa, trong pháo tự chế có những hóa chất (như phốt pho, lưu huỳnh) và người chơi thường phải tiếp xúc rất gần nên dễ bị các tổn thương nặng ở mặt, mắt, tay... mà muốn khắc phục rất khó.

Hàng năm cứ đến dịp gần tết Nguyên Đán, Khoa Chấn thương – BV đa khoa Hà Tĩnh cũng tiếp nhận xử lý trên dưới 10 trường hợp bị các chấn thương do nổ pháo tự chế như: bị cụt tay, mù mắt, dập nát bàn tay…

Bác sĩ Trúc cho rằng, những ca tai nạn thương tích ở trẻ em thường có thể phòng tránh nếu như người lớn quan tâm sát sao hơn tới con em mình, cảnh báo những vật liệu, hành vi có nguy cơ cao để giúp các em biết phòng ngừa.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn