Giai thoại về tỷ phú xà bông Trương Văn Bền

( PHUNUTODAY ) - Khi được hỏi về bí quyết thành công, ông Bền nói: “... Ban đầu không nên làm rình rang, vừa vô ích mà còn có hại, cứ khởi sự nho nhỏ, đi lần lần từng bước. Cần nhất phải có chí nhẫn nại..."

Có một thời, xà bông “Cô Ba” là món mỹ phẩm không thể thiếu của các bà, các cô từ miền Đông Nam bộ đến miền Tây Nam bộ. Có một thời, xà bông “Cô Ba” đánh bật những thương hiệu xà bông nổi tiếng nước ngoài nhập khẩu vào thị trường Việt Nam, trở thành một “thương hiệu Việt” có tiếng nhất thời bấy giờ. Lớp thanh niên bây giờ không biết, nhưng những người lớn tuổi ở miền Nam nói tới xà bông “Cô Ba” với hình ảnh
[links()]
Người Sài Gòn cũng như không ít người Nam bộ, có ít nhất hai thế hệ đã được tắm gội bằng xà bông Cô Ba. Trước giải phóng, sản phẩm này hầu như không có đối thủ.

Sau ngày giải phóng, vì là tư sản dân tộc, hãng xà bông của ông Trương Văn Bền vẫn còn được giữ lại dưới hình thức công tư hợp doanh có tên là nhà máy Xà bông Việt Nam.

Cho đến trước năm 1995, bóng dáng của Cô Ba vẫn bao trùm cả miền Nam lẫn miền Bắc do thị trường lúc đó chưa có một “nhan sắc” xà bông ngoại lai nào.

Thế rồi sau đó, một cuộc đổ bộ ào ạt của những tập đoàn sản xuất chất tẩy rửa của nước ngoài đã khiến cho Cô Ba và các “nhan sắc” xà bông Việt Nam khác lùi vào bóng tối. Khi liên doanh với tập đoàn P&G, nhà máy Xà bông Việt Nam bị buộc phải bỏ tất cả những sản phẩm cũ.

Tuy nhiên, sản phẩm xà bông Cô Ba được ngoại trừ, vẫn duy trì sản xuất đều đặn. Cái hay của lãnh đạo nhà máy trước cũng như công ty Phương Đông hiện giờ là chủ trương vẫn giữ sản phẩm này như một sản phẩm truyền thống.

Gia đình tỷ phú Trương Văn Bền
Gia đình tỷ phú Trương Văn Bền

Cô Ba vẫn tồn tại dù đã qua biết bao thăng trầm, biến đổi của ngành sản xuất kinh doanh chất tẩy rửa. Ngày nay, người Sài Gòn vẫn có thể tìm thấy cục xà bông Cô Ba ở những kệ trưng hàng nhỏ bé, khiêm tốn trong một góc siêu thị Co.opmart.

Vẫn là một cục xà bông nhỏ bé in hình một phụ nữ Việt Nam với cái vẻ đẹp cổ điển, kiêu sa của thời kỳ đầu thế kỷ trước.

Trong cơn lốc cơ man những sản phẩm dầu gội, sữa tắm với những cơn mưa các quảng cáo “bom tấn”, việc sản phẩm xà bông Cô Ba vẫn tồn tại với một sản lượng khá đáng kể hầu như là một điều kỳ diệu.

Người miền Nam đã từng thán phục ông Trương Văn Bền, cũng như người ở miền Bắc khâm phục ông Bạch Thái Bưởi. Cả hai ông đều thành công trên thương trường mà không qua một trường dạy nghề nào, không cần một bằng cấp kỹ sư nào.

Điều đó chứng tỏ “kinh tế nhân” một con người có đầu óc kinh doanh, tháo vát, nhiều sáng kiến còn hơn là người học hành tới nơi tới chốn, bằng cấp bề bề, nhưng không đóng góp những sự hiểu biết, kiến thức của mình vào công việc kiến thiết, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế nước nhà.

Nếu sắp hạng sự giàu có của ông Trương Văn Bền với những người đồng thời, thì gia sản của ông tương đương với ông Phủ Kiểng ở Bến Tre, ông Kho Gressier Remy ở Sóc Trăng, hay gia đình Lâm Quang ở Trà Vinh.

Nhưng để cho dễ hình dung về sự giàu có của Trương Văn Bền, thì có thể đưa ra một ví dụ sau: Theo bảng lượng giá để đánh thuế của Phủ toàn quyền Đông Dương ở Hà Nội, thì năm 1941, ông Trương Văn Bền phải đóng cho chính phủ một số tiền lên tới 107.000 đồng (trong khi đó, giá vàng khoảng 60 đồng/lượng).

Tiền thuế đã như thế, thì đủ biết tiền lãi một năm ông Trương Văn Bền kiếm được nhiều đến thế nào. Ngoài việc sản xuất xà bông, ông Bền còn lập nhà máy sản xuất một thứ phó sản, một thứ chất nhờn gọi là glycérine, công xuất mỗi tháng 10 tấn.

Ngoài công việc kỹ nghệ, ông Bền còn chứng tỏ khả năng trong lâm nghiệp và canh nông. Ông hợp tác với Viện nghiên cứu Nông Nghiệp Đông Dương, để ươm cây con gây rừng thông, hàng tháng tới 30 tấn, tại Đồng Nai Thượng, tức tỉnh Lâm Đồng ngày nay.

Khi công việc làm ăn phát đạt thêm, ông Bền còn xuất tiền cất một dãy phố 50 căn, gần Ngã Sáu Chợ Lớn, nằm góc đường Armans Rousseau và Général Lizé (trước năm 1975 đổi thành Minh Mạng-Hùng Vương).

Từ những thành công ban đầu này, năm 1918, ông bắt đầu tham dự tích cực vào đời sống kinh tế chính trị trong xã hội. Ông được bầu làm một hội viên trong Hội đồng quản hạt Nam kỳ (Conseil Colonial) vào năm 1920, và sau đó năm 1924 là nghị viên Phòng Thương Mại (Chambre de Commerce).

Năm 1932, ông là người Việt nam đầu tiên được bầu làm phó chủ tịch Phòng Thương Mại và giữ chức này cho đến năm 1941.

Ngoài ra ông còn là nghị viên Phòng Canh Nông (Chambre d’ Agriculture, 1922), thành viên của hội đồng giám đốc quản trị (board of directors) của Thương cảng Saigon (Port Commerce de Saigon) và ứng viên Hội đồng Quản trị Sở Lúa gạo Đông Dương từ năm 1924.

Vai trò quan trọng của ông trong địa hạt phát triển canh nông, kỹ nghệ, kinh tế tài chính được đánh giá cao trong xã hội. Ông được bầu làm hội viên của Đại hội đồng Kinh tế lý tài Đông Dương (Grand Conseil des Intérêts économiques et financiers de l'Indochine) năm 1929.

Đại hội đồng kinh tế lý tài Đông Dương được thành lập năm 1928 để nghiên cứu và giải quyết các vấn đề liên quan đến kinh tế và tài chính ở Đông Dương. Các vùng ở Đông Dương như Lào, Cam Bốt, Trung, Bắc và Nam đều có thành viên.

Trong Đại hội đồng, ông đã có nhiều đóng góp sửa đổi nhiều chính sách kinh tế bảo vệ quyền lợi người dân bản xứ và người nghèo khó ở Nam bộ.

Đầu những năm 1930, vào những dịp Tết Nguyên đán, các báo Sài Gòn thường đăng phỏng vấn quảng cáo thương mại. Những bài này thường rất ăn khách do người đọc thích tìm hiểu bí quyết thành công của các nhà kinh doanh nổi tiếng.

Trong đó có bài phỏng vấn ông Trương Văn Bền đăng trên báo Sài Gòn Xuân 1939 đã thu hút rất nhiều độc giả thời bấy giờ quan tâm.

Trong bài báo phóng viên hỏi tại sao người Việt thường thất bại trong thương mại và kỹnghệ. Không cần suy nghĩ lâu, ông Trương Văn Bền trả lời: “ Tại người mình ưa bắt cá hai tay, ưa làm nhiều việc quá.

Việc này chưa xong, họ đã xoay qua làm việc khác, thành thử không việc nào vẹn toàn. Rốt cuộc hỏng cả”. ông nói tiếp: “Lý do thứ nhì là do không thông thạo việc nên thất bại. Bất cứ việc gì, trước khi làm mình phải biết rõ việc ấy.

Phải học, phải nghiên cứu kỹ càng mới được. Người Tây trước khi làm việc gì họ cũng học trước cả. Cho đến một việc đứng bán hàng, ta cho là tầm thường và tưởng ai ai cũng có thể làm được.

Nhưng đối với họ đó là việc quan trọng cũng có sách có trường dạy hẳn hoi, dạy từ cách tiếp khách, khoe hàng làm sao cho người khách mua rồi thì còn trở lại.

Người mình có một cái rất bậy là chỉ thấy cái lợi trước mắt, chỉ cốt làm sao bán được món hàng lúc ấy mà thôi, không chịu hiểu rằng người khách thấy mình bị tiếp đãi không được như ý, hoặc bị lừa gạt mua nhầm hàng xấu, về sau không thèm trở lại nữa, vì vậy mà ế ẩm. Như tôi đây cơ sở đã vững vàng rồi mà ngày nào cũng tìm sách đọc thêm”.

Khi được hỏi về bí quyết thành công, ông Bền nói: “ở xứ mình, trong giới kỹ nghệ còn trống chỗ nhiều, muốn lập kỹ nghệ nào cũng dễ lắm. Không cần phải có vốn nhiều. Vốn ít, càng tốt hơn.

Ban đầu không nên làm rình rang, đã vô ích mà còn có hại, cứ khởi sự nho nhỏ, đi lần lần từng bước. Cần nhất phải có chí nhẫn nại. Như tôi đây bị thất bại đã mấy phen, nhưng có thất bại mới có thêm kinh nghiệm.

Thứ nhất là bền chí. Thứ hai là phải có sức khỏe, làm gì thì làm mỗi buổi sáng tôi cũng dậy sớm tập nửa giờ thể dục. Không có sức khỏe, hay đau ốm thì dẫu tài giỏi đến bực nào cũng thành vô dụng. Tóm lại sức khỏe, sự học hỏi, sự bền chí là những điều kiện của sự thành công”.

Trong bài diễn văn của ông Henri Maspéro (nhà sử học chuyên về Trung Hoa, anh của George Maspero, tác giả sách “Vương quốc Champa”) đọc nhân dịp khai hoạt của Hội đồng quản hạt (Conseil Colonial) ngày 12 tháng 02 năm 1920, nói về ông Trương Văn Bền như sau:

“Cuối cùng, ông Bền đủ tất cả điều kiện và khả năng đại diện ở Hội đồng này các kỳ vọng mới của đồng bào ông.

Trong thời điểm mà người An Nam không còn nghĩ đến việc đóng vai trò tích cực vào sự phát triển kinh tế ở Nam kỳ, ông đã, bằng phương tiện sức của chính mình, tạo ra một kỹ nghệ mà ông biết rõ, bằng sự bền chí, ý chí, thông minh sáng tạo và làm việc, đã đặt ông vào hàng quan trọng bậc nhất.

Những đồng bào của ông khi bầu ông vào đây, đã cho thấy từ đây họ chú ý và tham dự vào đời sống kinh tế của thuộc địa, và sự nhận hiểu mà họ có với các đồng bào của họ, đã mở đường và là một gương mẫu tốt cho họ”.

Sau năm 1948, Trương Văn Bền rời Việt Nam và sống tại Paris. Ông trở thành hội viên của Phòng thương mại Quốc tế (International Chamber of Commerce) và đi chu du khắp nơi trên thế giới. Ông viết hồi ký ở Paris và khi ông mất, gia đình ông cho đến nay giữ tập hồi ký này của ông.

Ông Trương Văn Bền cũng là bạn ông Hui Bon Hoa (chú Hỏa), gia đình hai bên vẫn thường xuyên qua lại thăm viếng nhau.

  • Thạch Vinh
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn