Lịch sử ngày Quốc tế Lao động 1/5

( PHUNUTODAY ) - Nếu như ngày 30/4 là một ngày trọng đại đối với dân tộc Việt Nam thì các bạn có biết ngày 1/5 có dấu mốc lịch sử như thế nào không?

Lịch sử ngày Quốc tế Lao động 1/5

Để biết được nguồn gốc lịch sử cũng như ý nghĩa của ngày 1/5 thì các bạn hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thông qua những thông tin dưới đây nhé!

Nguồn gốc lịch sử của ngày Quốc tế Lao động 1/5

Bạn có biết, ngày Quốc tế Lao động có nguồn gốc từ cuộc đấu tranh của những người công nhân Mỹ, ngày 1/5/1886. Những người công nhân bãi công, biểu tình đòi giới chủ thực hiện ngày làm 8 giờ. Cuộc đấu tranh bắt đầu từ Chicago đã nhanh chóng lan sang Washington, New York, Boston…

Ngày 1/5/1886, công nhân toàn thành phố Chicago tiến hành bãi công, 40 nghìn người không đến nhà máy. Họ tổ chức mittinh, biểu tình trên thành phố với biểu ngữ “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày. Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ học tập”, cuộc đấu tranh lôi cuốn ngày càng đông người tham gia. Cùng ngày đó, các Trung tâm công nghiệp ở nước Mỹ đã nổ ra 5.000 cuộc bãi công với 340 nghìn công nhân tham gia.

Cuộc biểu tình bị đàn áp nặng nề. 3 năm sau đó, Đại hội lần thứ nhất Quốc tế Cộng sản II, họp tại Paris, Pháp đã quyết định lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của tầng lớp vô sản các nước.

4.nguon-goc-y-nghia-cua-ngay-quoc-te-lao-dong-phunutoday.vn

 

Theo đó, năm 1890 lần đầu tiên ngày Quốc tế lao động 1/5 được tổ chức trên quy mô thế giới.

Ngày 1/5 ở các nước xã hội chủ nghĩa, đã coi là ngày mừng thắng lợi đã đạt được, nêu quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mới và biểu lộ tình đoàn kết với những người lao động các nước khác. Ở các nước thuộc hệ thống tư bản chủ nghĩa, ngày 1/5 là ngày biểu dương cho lực lượng lao động, đấu tranh cho hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội.

Nguồn gốc, ý nghĩa lịch sử ngày Quốc tế Lao động 1/5

Tại Việt Nam, sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời (1930), giai cấp công nhân Việt Nam đã lấy ngày l/5 hàng năm làm ngày đỉnh cao của phong trào đấu tranh chống thực dân, đế quốc, giành độc lập - tự do - dân chủ, giành những quyền lợi kinh tế - xã hội.

Trong thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám, việc kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5 phần nhiều phải tổ chức bí mật bằng hình thức treo cờ, rải truyền đơn. Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận bình dân Pháp và Mặt trận dân chủ Đông Dương, ngày Quốc tế Lao động lần đầu tiên được tổ chức công khai tại Hà Nội, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Ngày nay, ngày Quốc tế Lao động đã trở thành ngày hội lớn của hai giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Đây cũng là ngày biểu thị tình đoàn kết hữu nghị với giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, cùng đấu tranh cho thắng lợi của hòa bình, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn