Người cha nổi tiếng của danh thủ Đặng Phương Nam

( PHUNUTODAY ) - Đặng Gia Mẫn là một người đàn ông nhân hậu, nhiệt thành, một cây bút sắc sảo, một nhà báo viết bình luận thể thao có cá tính, một trí tuệ lớn và hơn cả là ở sự đồng cảm ở tình yêu dành cho văn học Nga.

Đặng Gia Mẫn là một nhân vật mà dân nghiền bóng đá có lẽ chẳng ai là không biết đến ông - một người đã từng là danh thủ quốc gia nổi tiếng một thời, cha đẻ của hai cầu thủ từng là trụ cột của bóng đá Việt Nam là Đặng Phương Nam và Đặng Thanh Phương.

Dẫu vậy, tôi không phải là fan cuồng của môn thể thao vua. Lòng yêu kính của tôi dành cho Đặng Gia Mẫn chủ yếu nằm ở chỗ, ông là một người đàn ông nhân hậu, nhiệt thành, một cây bút sắc sảo, một nhà báo viết bình luận thể thao có cá tính, một trí tuệ lớn và hơn cả là ở sự đồng cảm ở tình yêu dành cho văn học Nga.

Đặng Gia Mẫn như tôi biết: đơn giản, gần gũi mà sâu sắc vô cùng.

Ba lần từ chối nghiệp cầu thủ

Chỉ một cú điện thoại, tôi có ngay cuộc hẹn với Đặng Gia Mẫn vào sáng hôm sau. Căn nhà nhỏ của ông nằm bình yên trên con phố Hồ Đắc Di. Gặp Đặng Gia Mẫn trong bộ quần áo cộc đã chạy được mấy vòng quanh hồ cùng cháu trai.

Ông mỉm một nụ cười rất tươi, hỏi tôi bằng giọng thân tình như đã quen từ lâu lắm: “Cháu đợi bác lâu chưa? Uống gì thì gọi luôn nhé!”. Cảm tình đến từ nụ cười tươi và thân thiện ấy khiến tôi bắt đầu cuộc nói chuyện thật dễ dàng.

Đặng Gia Mẫn cùng một cầu thủ nước ngoài
Đặng Gia Mẫn cùng một cầu thủ nước ngoài

Đặng Gia Mẫn kể lại cho tôi nghe câu chuyện dài với nhiều biến cố của đời mình. Ông sinh năm 1953, bằng tầm tuổi cha tôi, lại cùng đồng hương Hà Nam Ninh nên tôi thấy lẫn trong câu chuyện của ông hình bóng cha mình và vùng quê nghèo chiêm trũng.

Thủa nhỏ, cậu bé Đặng Gia Mẫn đến với bóng đá bằng tất cả niềm đam mê và niềm sung sướng hồn nhiên thơ dại. Chỉ với đôi chân trần, những quả bòng, quả bưởi non nướng lên cho nảy, đôi chân thơ ấu đã chạy, đã múa trên những bãi đất trống, bãi cát bờ sông, những sân kho hợp tác xã...

Trái bóng tròn giúp cậu bé quên đi những nhọc nhằn, túng thiếu của tuổi thơ và cũng là niềm vui gần như duy nhất thời trẻ dại.

Không chỉ là cầu thủ nhí cừ khôi trong những giải bóng đá cấp trường, những năm đi học, Đặng Gia Mẫn còn là một cây toán xuất sắc. Tình yêu dành cho toán học hình thành đơn giản và tự nhiên trong ông như bóng đá vậy. Năm 1968, Đặng Gia Mẫn đoạt Giải Nhì môn Toán trong kỳ thi học sinh giỏi toàn miền Bắc.

Sau thành tích “lẫy lừng” cả một vùng quê ấy, hai ngả đường rất khác nhau đã mở ra trước mắt cậu thanh niên Đặng Gia Mẫn. Ông nhận được giấy gọi của đội trẻ - Đội bóng đá Dệt Nam Định khi mà niềm đam mê và ước nguyện trở thành thầy giáo, trở thành giáo viên Toán còn cháy bỏng trong lòng.

Thật khó khăn để đưa ra quyết định nhưng cuối cùng, Đặng Gia Mẫn đã chọn nghiệp làm thầy. Tạm biệt quê hương, gia đình, Đặng Gia Mẫn khăn gói vào Thành Vinh (Nghệ An) "đầu quân" tại lớp sư phạm Toán chất lượng cao của Đại học Vinh. Đó là lần từ chối thứ nhất với bóng đá chuyên nghiệp của ông.

Đặng Gia Mẫn (ngoài cùng bên trái)
Đặng Gia Mẫn (ngoài cùng bên trái)

Suốt những năm dưới mái trường Sư phạm, Đặng Gia Mẫn được hòa mình vào môi trường có nhiều phong trào văn hoá văn nghê, thể thao. Ông tham gia hầu hết các trận đấu. Bất kỳ một giải đấu nào từ của lớp, khoa, Trường đến những giải có các cơ quan, đơn vị, trường học đóng trên địa bàn ông đều góp mặt.

Sau những giờ học căng thẳng, những phút đấu trí với công thức, con số, sau những buổi kiến tập, thực tập của sinh viên khoa Toán, Đặng Gia Mẫn không hề bỏ buổi chơi bóng nào nếu có thể tham gia. Ông ví von “Yêu bóng đá cũng như yêu một cô gái vậy. Lúc nào cũng muốn gặp, lúc nào cũng muốn gần”.

Kể từ đó, cái tên Đặng Gia Mẫn trở nên quen thuộc trong làng thể thao của Trường ĐHSP Vinh. Quả không sai khi nói câu chuyện về nghề giáo của Đặng Gia Mẫn luôn gắn chặt với hai từ bóng đá.

Ông nhớ như in mốc thời gian năm 1974, mặc dù việc ôn thi tốt nghiệp vô cùng bận rộn và vất vả, Đặng Gia Mẫn vẫn không bỏ qua giải bóng đá chân giày tổ chức tại TP Vinh năm ấy.

Ngay sau khi kết thúc giải đấu, tài năng và lối chơi bóng hoa mỹ đã đặt Đặng Gia Mẫn trước sự lựa chọn lần thứ hai giữa bóng đá và làm giáo viên. Ông Nguyễn Hồng Thanh – người đi tiên phong của bóng đá Nghệ An thời đó đã đặt vấn đề mời Đặng Gia Mẫn về đầu quân cho đội bóng Sông Lam.

Nhưng sau khi tốt nghiệp Đại học SP Vinh, Đặng Gia Mẫn lại hăm hở lên đường về Thanh Hoá để dạy học. Lần thứ hai ông chối bỏ duyên nghiệp với trái bóng tròn.

Đặng Văn Mẫn có 3 niềm đam mê lớn là toán học, bóng đá và văn học Nga.
Đặng Văn Mẫn có 3 niềm đam mê lớn là toán học, bóng đá và văn học Nga.

Nhưng “yêu bóng đá cũng như yêu một cô gái”, chẳng thể nào xa nhau được. Tại Thanh Hoá, tình yêu bóng đá vẫn theo ông mỗi ngày trên bục giảng, ông tham gia mọi giải phong trào mỗi khi có thể.

Và cơ duyên đã cho Đặng Gia Mẫn gặp một nhân vật nổi tiếng của bóng đá nước nhà – cựu cầu thủ Văn Sỹ Chi, danh thủ một thời xứ Thanh, lúc đó đang làm Huấn luyện viên đội Công an Thanh Hoá.

Lần thứ ba đứng trước sự lựa chọn, Đặng Gia Mẫn vẫn quyết định trở về bục giảng với những thế hệ học trò thân thương cùng niềm đam mê sư phạm. Ngẫm lại quyết định của mình, Đặng Gia Mẫn bảo:

“Đi dạy học cũng thú vị lắm chứ! Hàng chục em bé ngây thơ, ham hiểu biết, có lúc chúng rất ngoan, có lúc chúng rất nghịch ngợm nhưng chúng luôn vui vẻ. Còn đá bóng là một trò chơi, sau là nghề nghiệp của mình, nó vất vả đấy nhưng lại đầy đam mê…”

Đặng Gia Mẫn tham gia đội bóng của ngành giáo dục và là trụ cột của hầu hết các giải đầu bóng đá do ngành giáo dục Quy Nhơn tổ chức khi ông chuyển công tác vào đây. Khi ông gia nhập bóng đá chuyên nghiệp là lúc 25 tuổi sau hơn 4 năm làm thầy giáo dạy Toán.

Gắn bó với bóng đá trong cương vị là một cầu thủ (tiền đạo trái) và là huấn luyện viên tới 17 năm. Đỉnh cao sự nghiệp đến khi Đặng Gia Mẫn cùng đồng đội ở tuyển Công nghiệp Hà Nam Ninh giương cao chiếc cúp vô địch quốc gia vào năm 1985. Nhưng rồi ông cũng khiến nhiều người ngạc nhiên khi lại trở về với nghề dạy học...

Câu chuyện “Lẵng quả thông” và tình yêu lớn giành cho văn học Nga

Ánh mắt lấp lánh của Đặng Gia Mẫn khi ông kể về kỉ niệm đáng nhớ nhất cuôc đời mình. “Tôi không thể nào quên, lần đầu tiên xa nhà đi học. Hành trang theo tôi khi đó là bao nhiêu niềm háo hức, hân hoan của tuổi trẻ cùng nhiều buồn lo về con đường phía trước.

Tôi lên ga Nam Định vào một buổi chiều cuối mùa đông. Một người sinh viên đi học mãi tận Đà Lạt kể cho tôi nghe câu chuyện “Lẵng quả thông” của Pautopxki. Tôi nhớ như in hình ảnh trong câu chuyện. Cô bé Đanhi Pêđecxen con ông gác rừng đẹp như thiên thần có đôi bím tóc nhỏ xinh.

Em đi nhặt những quả thông bỏ vào lẵng, một công việc cũng hết sức nên thơ; Nhạc sĩ già Grigơ nhân hậu, giàu tình yêu thương và luôn khát khao hạnh phúc với bản nhạc để đời…”

Chẳng ai ngờ cậu thanh niên mê toán lại dễ bị xúc động bởi một câu chuyện đậm tính văn chương như thế. Đặng Gia Mẫn bảo, ông tiếc là sau này không thể gặp lại người thanh niên đi cùng chuyến tàu hôm đó để nói một lời cảm ơn.

Quãng đời sinh viên, bên cạnh những lúc say sưa cùng trái bóng, Đặng Gia Mẫn tìm hiểu và đọc sách văn học. Hành trang của cậu sinh viên Gia Mẫn hồi đó, ngoài những sách, bút, những tập giáo án cũ là những cuốn sách về Toán học, những tập thơ và tiểu thuyết của các nhà văn Xô Viết mà ông yêu thích.

Ông có 3 niềm đam mê lớn là toán học, bóng đá và văn học Nga. Nhiều học trò lớp toán ông dạy vẫn gọi ông là Chủ tịch CLB những người yêu Gai - đa của Việt Nam. Gai – đa là tác giả Xô Viết có nhiều tác phẩm được các thế hệ thiếu niên Việt Nam biết đến như: Ti mua và đồng đôi; Trường học dũng cảm, Bí mật quân sự

Nhà bình luận bóng đá cừ khôi

Hồi còn dạy học ở Trường THPT Lương Thế Vinh, Đặng Gia Mẫn truyền cho hoc trò niềm say mê toán học, tình yêu văn học Nga và tinh thần thượng võ của môn thể thao vua.

Về nhà, ông là một người cha hết mực thương con. Chính ông đã chăm sóc, vun trồng, dạy bảo hai cầu thủ Đặng Phương Nam và Đặng Thanh Phương là "phải nhiệt tình và chơi đẹp" từ khi còn nhỏ.

Gần 15 năm là cầu thủ và tham gia cả công tác huấn luyện trong nhiều năm, cộng thêm vốn kiến thức có từ niềm đam mê văn học đã giúp Đặng Gia Mẫn trở thành một bình luận viên rất có duyên và ấn tượng.

Độc giả của nhiều tờ báo lớn như Văn hoá Thể thao, Thể thao Việt Nam, báo Bóng đá... vẫn cứ nghĩ rằng, ông là một người làm công tác báo chí chuyên nghiệp sau khi đọc những bài bình luận sắc sảo của ông sau mỗi trận cầu.

Sau những trải nghiệm đắng cay, buồn vui của nghiệp cầu thủ, Đặng Gia Mẫn cùng các con vẫn ngồi lại với nhau, chia sẻ những quan điểm của mình về bóng đá.

Trong nhiều chương tình bình luận bên lề trên truyền hình gần đây, Đặng Gia Mẫn và con trai mình – cầu thủ Phương Nam đã cùng xuất hiện với vai trò bình luận viên.

Nói về công việc bình luận viên thể thao, Đặng Gia Mẫn chia sẻ: “Tôi là một trong những người trong nhóm đầu tiên được ĐTH mời làm bình luận viên bóng đá. Lúc đó tôi đã bắt đầu có những bài báo thể thao và làm BLV ở một đài khác rồi.

Tôi rất biết ơn nhà báo Hồng Ngọc (tên thật là Nguyễn An Biên), một cây bút rất có tiếng mảng thể thao trong nước. Chúng tôi cùng là đồng hương Nam Định – Thái Bình. Đầu tiên, Hồng Ngọc phỏng vấn và động viên tôi viết, sửa bài cho tôi.

Nhờ có những bài báo đầu tiên đó mà tôi đã bước vào công việc bình luận bóng đá một cách khá tự tin. Hai anh Quang Huy – Quang Tùng của nhà đài, tôi cùng anh Vũ Mạnh Hải đã có những buổi bình luận khá sôi nổi trên các chương trình thể thao của sóng truyền hình”.

Khi tôi hỏi, những lúc ông và con trai cùng xuất hiện trên truyền hình nhưng bất đồng quan điểm, ông có sợ anh ấy cãi lời không, Đặng Gia Mẫn phì cười:

“Có chứ! Nhưng mà rất vui. Bởi vì mỗi người nhìn trận đấu với một con mắt khác nhau. Nói là bất đồng quan điểm thì cũng không đúng mà là cách nhìn thôi. Tôi nhớ trong trận đấu lượt về giữa Việt Nam và Singapore trên khách có tôi và Phương Nam cùng bình luận.

Tôi thì tỏ ra lo lắng và cho rằng đội Việt Nam khó có thể thắng trong trận này. Vừa nói xong, Phương Nam liền phản bác: “Không! Tôi cho rằng Việt Nam sẽ thắng”. Cuối trận sự khéo léo của Quang Hải đã khuất phục hàng thủ Singapore. Việt Nam giành chiến thắng 1-0 giành quyền vào chung kết.

Sau lần đó về nhà mọi người hỏi: “Anh thế nào mà để nó cãi lời thế. Ông vừa bảo thắng nó đã bảo thua…” Nhưng đó chỉ là lời nói vui thôi nên tôi cũng hài hước đáp lại: “Lúc đấy tôi cũng định nói: “Ở nhà anh cãi tôi chưa đủ sao lên đây còn cãi nữa” nhưng may kìm lại được!(Cười)”.

Đã quá trưa, tôi phải chào Đặng Gia Mẫn ra về dù chẳng muốn chút nào. “Ông già” vẫy tay chào tôi và hẹn “Hôm nào chúng ta chỉ nói chuyện về văn học Nga thôi nhá!” làm tôi sướng rơn. Không hiểu sao, tôi cứ có một mặc định rằng những ai thích và yêu văn học Nga đều rất nhân hậu và nhạy cảm.

Cựu danh thủ Đặng Gia Mẫn sinh năm 1953 ở Trực Ninh, Nam Định. Ông từng khoác áo đội bóng Công nhân Nghĩa Bình (1979), Công nghiệp Hà Nam Ninh (từ năm 1984 đến 1988). Vô địch quốc gia mùa giải 1985.

Đặng Gia Mẫn từng đoạt giải nhì Học sinh giỏi toán toàn miền Bắc nhưng cũng đồng thời đặc biệt yêu văn học Nga. Hai con trai ông là Đặng Phương Nam và Đặng Thanh Phương cũng theo nghiệp cha và là hai cầu thủ xuất sắc của bóng đá Việt Nam.

  • Tường Thụy

[links()]
 

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn