Tại sao lại có tục xông đất, xông nhà đầu năm mới?

( PHUNUTODAY ) - Tục xông đất, xông nhà đầu năm mới của người Việt là một tập tục có từ lâu đời, vậy ý nghĩa thực sự của việc xông đất, xông nhà là gì?

Tục xông đất đầu năm, xông nhà hay đạp đất là phong tục có từ lâu đời của người Việt. Mỗi phong tục tập quán đều có những ý nghĩa nhất định, theo quan niệm truyền thống của người Á Đông thì ngày mùng 1 của năm sẽ có những ảnh hưởng lớn đến các ngày còn lại. Nếu ngày mùng 1 mọi chuyện suôn sẻ thì người ta tin rằng cả năm sẽ được an lành, nhiều điều may mắn, vạn sự như ý.  Vì thế, việc lựa chọn một người phù hợp để xông đất, xông nhà có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Theo quan niệm truyền thống, sau thời điểm giao thừa thì người nào bước vào nhà đầu tiên cùng với lời chúc mừng năm mới thì đó là người xông đất. Thông thường gia chủ sẽ có ý định mời người nào đó xông đất cho nhà mình. Người được mời xông đất sẽ được gia chủ sẽ dựa vào sức khỏe, đức tài, sự thành đạt…để dự đoán vận hạn của gia đình mình trong năm.

Trao đổi trên Eva.vn, Ông Nguyễn Cung Hà, Phó chủ nhiệm bộ môn Cận Tâm Lý, Viện Nghiên cứu và ứng dụng Tiềm Năng Con Người cho biết: “Trong quan niệm của người Á Đông, tục Xông Đất hay còn gọi là Đạp Đất đã có nguồn gốc từ rất lâu đời. Xuất phát từ quan niệm "Đầu xuôi đuôi lọt" và "Vạn sự khởi đầu nan". Theo quan niệm đó thì việc xông đất vào ngày mùng một Tết cũng như ngày mở cửa hàng, khai trương, xuất hành đầu năm mới có ảnh hưởng rất lớn đến hạnh phúc, công danh, tài lộc của gia chủ trong cả năm. Vì vậy, từ xưa đến nay, vị khách đặc biệt bước vào nhà đầu tiên mang ý nghĩa rất quan trọng đối với từng cá nhân, gia đình và cơ quan”.

xong-nha

Nếu người xông nhà mang cung vận hợp với tuổi gia chủ với niên vận thái tuế của năm đó mà đến xông nhà thì sẽ mang lại nhiều may mắn, hạnh phúc và tài lộc cho gia chủ. Còn ngược lại nếu một người mang trong mình vận tuổi xấu, xung phá với tuổi chủ nhà, niên vận thái tuế sẽ mang tới nhiều điều xui như ốm đau, nhà cửa lục đục, làm ăn không thuận lợi đến với chủ nhà...

Gia chủ cũng niềm nở đón tiếp người xông đất và chúc tụng lại vị khách xông nhà, mời khách những món ăn, các loại bánh mứt ngon nhất và cùng nhau uống một ly rượu vào đầu năm mới. Việc ăn uống này cũng chỉ mang tính tượng trưng cho có lệ, như ăn vài miếng bánh, miếng mứt, uống một ly rượu hay chén trà.  Một cách “xông đất” khác theo tục lệ là chính người thân trong gia đình tự xông đất. Người thân trong gia đình sẽ ra khỏi nhà trước giờ giao thừa, qua giờ giao thừa trở về xông nhà mang theo những cành lộc đầu xuân, mang sự tốt lành quanh năm về cho gia đình.

Tục lệ xông nhà vào dịp Tết là điểm hay và làm nên nét văn hóa đặc trưng riêng cần giữ gìn. Ở một khía cạnh nào đó, nó mang ý nghĩa gắn chặt tình cảm và mang đến nhau những lời chúc và tình cảm tốt đẹp nhất.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn