Thiên tình sử của Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Câu chuyện tình đẹp giữa Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài đã trở thành di sản văn hoá phi vật thể được Tổ chức UNESCO công nhận, trở thành huyền thoại văn hoá chính thức của Trung Quốc.

Uyên ương hóa bướm

Chuyện tình giữa Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài là một truyền thuyết trong lịch sử Trung Quốc. Ghi chép sớm nhất về truyền thuyết này có vào cuối thời nhà Đường. Trong Tuyên thất chí, tác giả Trương Độc vào khoảng những năm 850-880. Truyền thuyết này cũng được ghi chép lại trong nhiều tài liệu chính thức khác, như Ngân huyện chí, Ninh Ba phủ chí và Nghi Hưng Kinh khê tân chí.

Theo đó, vào thời Đông Tấn (317-420 SCN), có cô gái trẻ tên Chúc Anh Đài, xinh đẹp thông minh, là con gái duy nhất trong một gia đình giàu có ở Chiết Giang. Khi đó, con gái không được tới trường. Nhưng Chúc Anh Đài đã xin cha mẹ cho cô cải trang thành nam tử, và tới học tại ngôi trường ở Hàng Châu tên là Nghi Sơn.

Trên đường đi, cô tình cờ gặp Lương Sơn Bá, từ Cối Kê cũng đến Nghi Sơn học tập. Gặp nhau, hai người đã cảm thấy như những người bạn thân thiết, họ kết nghĩa huynh đệ.

Tạo hình của Sơn Bá và Anh Đài trên phim.

Trong suốt thời gian học tập, họ cùng ở chung phòng, với một chiếc giường và hai chiếc chăn. Anh Đài đem lòng yêu Sơn Bá, nhưng Sơn Bá là con "mọt sách" nên không nhận ra nàng là phận nữ nhi, trong lòng chỉ có tình anh em.

Ba năm trôi qua, họ tạm biệt thầy dạy và trở về quê nhà. Nhưng Sơn Bá và Anh Đài đều luôn nhớ nhau. Sơn Bá về quê thăm mẹ. Bà mẹ đọc thơ của Anh Đài gửi cho Sơn Bá thì phát hiện thân phận nữ nhi và tình cảm thực của nàng. Sơn Bá hiểu ra, vội đến Chúc gia trang tìm gặp. Hai người từ tình huynh đệ trở thành tình luyến ái, họ thề nguyền nếu không sống cùng sẽ chết chung.

Sơn Bá được thừa tướng Tạ An tin tưởng giao trọng trách. Tạm biệt Anh Đài, Sơn Bá lên đường đến huyện Mậu nhận chức tri huyện nơi đang có nạn đói trầm kha. Sơn Bá cùng nhân dân vượt qua khó khăn. Anh Đài bí mật giúp đỡ Sơn Bá, sau còn trốn nhà đến huyện Mậu để góp một tay giúp Sơn Bá yên dân. Thượng Ngu gặp phải đạo tặc, Sơn Bá dùng trí để thuyết phục thủ lĩnh đầu hàng.

Cùng học với Anh Đài và Sơn Bá tại trường Nghi Sơn có Mã Văn Tài, con trai thái thú Hàng Châu. Mã Văn Tài sớm biết Anh Đài là nữ, có tình cảm từ khi còn ở Nghi Sơn. Chúc phu nhân biết Sơn Bá là người tốt, đồng ý cho thành thân. Nhưng Mã gia đến gây áp lực, Chúc phu nhân buộc phải thuận theo, hứa gả Anh Đài cho Mã Văn Tài.

Sơn Bá nhờ bà mối tới gia đình Anh Đài xin được cưới con gái họ. Tuy nhiên, bố mẹ Anh Đài đã nhận lễ vật của Mã Văn Tài. Anh Đài vì gia đình mà phải chấp thuận hôn ước, từ hôn với Sơn Bá. Lương Sơn Bá quá đau khổ, ngã bệnh trầm trọng và qua đời.

Ngày hôn lễ của Anh Đài với họ Mã, cuồng phong nổi lên, ngăn chặn đám cưới và đưa đoàn người họ Chúc tới lăng mộ của Lương. Chúc Anh Đài xin xuống thắp nén hương tỏ lòng thành. Đột nhiên, mộ Sơn Bá mở ra. Không hề ngần ngại, cô gái xinh đẹp bước ngay vào trong, ngôi mộ lập tức khép lại. Khi mưa gió qua đi, bầu trời trong sáng, hồn Sơn Bá và Anh Đài hoá thành đôi bướm đẹp tuyệt, bay quấn quýt lên trời cao. Đôi trẻ không bao giờ phải chịu cảnh chia lìa nữa.

Lưu truyền dưới nhiều loại hình nghệ thuật

Trải qua hàng nghìn năm, người người vẫn lưu truyền câu chuyện tình cảm động. Truyền thuyết này đã được mô phỏng thành các phiên bản địa phương của hí kịch Trung Quốc truyền thống, chẳng hạn Lương Chúc trong hí kịch Thiệu Hưng và Liễu ấm kí trong hí kịch Tứ Xuyên. Phiên bản trong Thiệu Hưng kịch đã được chuyển thể thành phim màu năm 1953 tại Trung Quốc với Phạm Thụy Quyên vai Lương Sơn Bá, Viên Tuyết Phân vai Chúc Anh Đài. Giới thiệu bộ phim này do Bộ Văn hóa và Ủy ban quân sự và chính trị Đông Hoa thực hiện đã diễn ra trên quê hương của Chúc Anh Đài ở Thượng Ngu.

Chuyện tình đẹp còn được lưu truyền đến ngày nay.

Câu chuyện cũng truyền cảm hứng cho sự ra đời của Lương Chúc tiểu đề cầm hiệp tấu khúc (bản côngxectô Lương Chúc dành cho viôlông), một sáng tác dành cho viôlông và dàn nhạc. Nó được các nhà soạn nhạc Trung Quốc là Hà Chiêm Hào và Trần Cương sáng tác năm 1958.

Trong thập niên 1970, đài truyền hình TVB của Hồng Kông đã cho viết phỏng theo truyền thuyết này các đoạn tiểu khúc âm nhạc, với Đàm Bách Tiến và Susanna Kwan thể hiện các đoạn xướng âm cho các phần nhạc thu do Cố Gia Huy viết.

Năm 1981, Jann Paxton, khi đó làm việc trong chương trình nghệ thuật nhà hát tại Đại học Old Dominion ở Norfolk, Virginia, đã được các sinh viên Trung Quốc giới thiệu cho biết về Lương Chúc tiểu đề cầm hiệp tấu khúc.

Paxton đã cảm nhận nguồn cảm hứng từ bản côngxectô này và truyền thuyết nguyên bản của nó đến mức ông đã hình thành ra một một vở ba lê đủ dài dựa trên câu chuyện này và cố gắng thu được các quyền biểu diễn hạn chế đối với bản tổng phổ từ những người sở hữu nó tại Trung Quốc. Các vai chính, Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài, do hai sinh viên của trường này là Sean Hayes và Alicia Fowler thể hiện. Câu chuyện của Paxton giữ nguyên phiên bản kinh điển của Trung Quốc với sự bổ sung một vài nhân vật phụ. Vở ba lê cũng đã được trình diễn theo kiểu "nhà hát hộp đen" và sử dụng các loại đồ dùng sân khấu bằng vải khác nhau cũng như các thay đổi trong trang phục.

Dựa trên chuyện tình này, xưởng phim Thiệu Thị (Shaw Brothers studio) cũng đã sản xuất phim Love Eterne (Tình yêu vĩnh cửu) do Lý Hàn Tường đạo diễn, các diễn viên Lăng Ba vai Lương Sơn Bá và Lạc Đế vai Chúc Anh Đài năm 1962.

Tháng 5 năm 2001, một nhóm sinh viên của Đại học Oxford đã thành lập Công ty sản xuất kịch Lương Chúc, viết lại toàn bộ câu chuyện thành vở kịch hiện đại và trình diễn nó bằng tiếng Anh.

Năm 2004, sáu thành phố của Trung Quốc ở các tỉnh Chiết Giang, Giang Tô và Sơn Đông cùng hợp tác với nhau, trình diễn lưu truyền câu chuyện này bằng nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Câu chuyện tình đẹp đã trở thành di sản văn hoá phi vật thể được Tổ chức UNESCO công nhận, trở thành huyền thoại văn hoá chính thức của Trung Quốc.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn