Thiếu tướng Nguyễn Thị Định- nén chặt tình riêng lo nợ nước (III)

( PHUNUTODAY ) - Ngày 27/2/1960, bà Ba Định chỉ đạo các địa phương Bình Khánh, Phước Hiệp, Định Thủy (huyện Mỏ cày) huy động hàng ngàn phụ nữ bồng trẻ con, mang theo mùng màn, quần áo, giẻ rách ngồi trên mấy trăm chiếc xuồng bơi kín mặt sông ra thị trấn Mỏ Cày, đòi bọn giặc chấm dứt càn quét, bắn giết và bồi thường nhân mạng.

(Phunutoday) - Những tướng lĩnh của Quân đội nhân dân Việt Nam và người dân Lương Hòa, Bến Tre không ai có thể quên thời điểm tháng 1/1960, khi cuộc Đồng khởi Bến Tre chấn động thế giới mà bà Ba Định là người chỉ đạo trực tiếp cuộc khởi nghĩa thắng lợi của nhân dân 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh (thuộc huyện Mỏ Cày) vào đêm 17/1/1960, mở đầu cho cao trào Đồng khởi trong tỉnh và trong toàn miền Nam.

Nhiều người nhớ lại, lúc đó quân giặc đang rất mạnh, đồn bót giăng giăng, quân số đông, được trang bị vũ khí hiện đại tối tân thì những người quyết định làm cuộc Đồng Khởi chỉ có trong tay không đầy 20 chi bộ với 200 đảng viên và 4 khẩu súng hư, mỗi khẩu còn chưa tới 10 viên đạn và không ai dám chắc súng còn bắn được hay không. 
Thiếu tướng Nguyễn Thị Định
Tại cuộc họp để quyết định Đồng khởi, bà Ba Định nói chắc nịch: “Nếu làm sai, xin chịu kỷ luật trước Tỉnh ủy Bến Tre và Khu ủy khu 8”. Sau đó bà Ba Định cho người tung tin: tham gia Đồng khởi có tiểu đoàn chủ lực 502 Đồng Tháp với đầy đủ súng đạn và rất nhiều bộ đội miền Bắc chi viện. Để địch hoang mang, bà Ba Định cho nhiều thanh niên học nói giọng miền Bắc, đẽo cây, bập dừa nước làm thành súng giả, hành quân lũ lượt khắp nơi, chuyện trò vang trời để đánh động mạng lưới thám báo của địch.
 
Mặt khác, bà Ba Định chỉ đạo các địa phương chọn những thanh niên trung kiên, giỏi võ nghệ lập ra những tổ hành động, trang bị dao, mác, mã tấu tự tạo làm vũ khí và tìm nơi sửa 4 khẩu súng hư để làm vốn, phòng khi phải nổ súng thật hù dọa địch quân. Chỉ với lực lượng như vậy, dưới sự chỉ huy của bà Ba Định, ngay trong ngày 17/1/1960 lực lượng Đồng Khởi đã đánh thắng hai trận giòn giã và mở rộng phong trào Đồng Khởi khắp nơi.
 
Cũng từ cuộc Đồng khởi tháng 1/1960, một lực lượng đấu tranh mới được bà Ba Định “khai sinh” trong cuộc chiến một mất một còn: quân giặc gọi là “đội quân đầu tóc”, còn chủ tịch Hồ Chí Minh lúc bấy giờ trìu mến gọi là “đội quân tóc dài”. Những bậc bô lão ở Bến Tre kể về việc hình thành “đội quân tóc dài” như sau: Sau khi Đồng khởi thắng lợi thì quân địch tập trung quân phản kích quyết liệt, càn quét khắp nơi và tuyên bố sẽ làm cỏ hết Việt cộng ở Bến Tre.
 
Ngày 27/2/1960, bà Ba Định chỉ đạo các địa phương Bình Khánh, Phước Hiệp, Định Thủy (huyện Mỏ cày) huy động hàng ngàn phụ nữ bồng trẻ con, mang theo mùng màn, quần áo, giẻ rách ngồi trên mấy trăm chiếc xuồng bơi kín mặt sông ra thị trấn Mỏ Cày, đòi bọn giặc chấm dứt càn quét, bắn giết và bồi thường nhân mạng. “Đội quân tóc dài” giằng co với giặc suốt 12 ngày đêm khiến bọn này ngao ngán, nản chí phải chấp nhận yêu sách của những người phụ nữ.
 
Từ đó, “đội quân tóc dài” trở thành một lực lượng đấu tranh chính trị rất có hiệu quả không chỉ riêng ở Bến Tre mà còn phát triển rộng trên toàn miền Nam và danh tiếng của “đội quân tóc dài” gắn liền với tên tuổi của bà Ba Định.
 
Ngày 2/9/1960 trong nỗi nhớ con trai cồn cào, bà Ba Định viết thư gửi ra Bắc thăm con, bởi cháu On ra Bắc đã 6 năm mà bà chỉ nhận được thư và ảnh của con có một lần duy nhất. Cặm cụi viết xong lá thư chan chứa tình yêu thương của người mẹ nhớ con gửi đi, bà lại tiếp tục đi công tác. Đến tối mịt, khi về đến cơ quan Tỉnh ủy Bến Tre thì bà Ba Định nhận được một bức điện báo tin sét đánh: Cháu On, con của bà đã mất đột ngột vào ngày 4/5/1960 vì bạo bệnh.
 
Cầm bức điện mang những dòng chữ cay nghiệt trên tay, bà Ba Định bàng hoàng. Những người chứng kiến giây phút ấy kể rằng, lúc đó bà Ba Định phải cố gắng hết sức mới có thể đứng vững, không ngã quỵ trước mặt đồng đội, đồng chí. Nhiều người nói, trong giây phút đau thương đó mọi người đều im lặng, không ai dám lên tiếng chia sẻ nỗi đau quá lớn của người mẹ và an ủi bà Ba Định, bởi tất cả đều biết rằng cháu On là tất cả hy vọng đối với bà, là nơi mà kỳ vọng để nhớ tới anh Bích, người chồng liệt sĩ.
 
Nhưng chỉ vài ngày sau, người ta lại thấy bà Ba Định lau nước mắt, nén chặt nỗi đau mất chồng, mất con vào lòng để tiếp tục cùng đồng đội, đồng chí bước vào cuộc chiến đấu gian khổ, quyết liệt và đầy hy sinh mất mát.
 
Nén chặt nỗi đau mất con vào lòng, bà Ba Định lao vào công tác. Bà được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, rồi Khu ủy viên khu 8 vào tháng 5/1961. Sau đó bà Ba Định được điều động giữ chức Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam. Nhưng rồi một bước ngoặt của cuộc chiến đã đưa bà Ba Định đến với cuộc đời binh nghiệp, trở thành vị nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
 
Năm 1965, đang công tác tại cơ quan Hội Phụ nữ thì bà Ba Định được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mời sang Bộ Tư lệnh Miền để nhận công tác mới. Tại đây, đại tướng Nguyễn Chí Thanh trịnh trọng thông báo: Bác Hồ và Bộ Chính trị đã quyết định điều động bà Ba Định giữ chức vụ Phó Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, chuyên theo dõi chỉ đạo phong trào chiến tranh du kích và đấu tranh chính trị.
 
Những người từng chung chiến hào sát cánh chiến đấu với bà Ba Định năm xưa kể rằng, sau khi nhận trọng trách mới bà luôn tranh thủ từng giờ từng phút rảnh rang để học về nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chỉ huy. Tại nơi làm việc của bà lúc nào cũng có một bản đồ không ảnh toàn miền Nam Việt Nam và rất nhiều sách vở, tài liệu quân sự.
 
Điều đặc biệt của vị nữ Phó Tư lệnh Miền là bà ít khi nào mặc quân phục, mang quân hàm dù bộ phận quân trang chuẩn bị cho bà những bộ quân phục rất đẹp. Trang phục mà vị nữ tướng thường mặc là bộ quần áo bà ba đen, khăn rằn quấn cổ, đấu đội nón lá, nón tai bèo, chân đi dép râu, vai đeo chiếc túi nhỏ mà trong đó luôn có sẵn cây kim, sợi chỉ để vá áo cho bộ đội, miếng sừng tê giác để kịp thời điều trị cho những người không may bị rắn cắn, viên thuốc chống sốt rét, miếng đường thẻ tặng bệnh binh.
 
 
 
                       
Thường Dân
 
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn