Tin phụ nữ 24/7: Tin mới nhất vụ hàng loạt trẻ mắc sùi mào gà ở Hưng Yên

( PHUNUTODAY ) - Sở Y tế Hưng Yên cho biết đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác chuyên môn đối với y sĩ Hoàng Thị Hiền để làm rõ mối liên quan giữa việc điều trị hẹp bao quy đầu của bà Hiền với gần 80 trẻ bị sùi mào gà trong gần 3 tháng qua.

Vụ hàng chục trẻ mắc sùi mào gà: Đình chỉ chuyên môn y sĩ Hiền

Sáng nay 24/7, Trạm Y tế xã Mễ Sở đã công bố quyết định đình chỉ chuyên môn y sĩ Hoàng Thị Hiền trong 15 ngày và sẽ tiếp tục gia hạn cho đến khi làm rõ việc gần 80 trẻ em bị sùi mào gà . Quyết định có hiệu lực từ ngày ký 21/7/2017.

f

 

Theo thông tin từ SK&ĐS, 14 giờ chiều nay, Sở Y tế tỉnh Hưng Yên cũng sẽ họp Hội đồng chuyên môn với BV Da liễu Trung ương xem xét, kết luận chuyên môn về việc trẻ em ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên mắc sùi mào gà điều trị tại BV Da liễu Trung ương tăng cao.

PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, hiện tại bệnh viện cũng sắp xếp, bố trí một khu dành riêng cho trẻ mắc sùi mào gà để thuận tiện hơn cho việc chăm sóc và tránh lây nhiễm.

Phía bệnh viện cũng vừa nhận được văn bản của UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã nhận được quyết định xử phạt dự kiến 110 triệu đồng cho 3 lỗi vi phạm (hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn, không có giấy phép hoạt động, bán thuốc tại cơ sở khám chữa bệnh) của y sĩ Hoàng Thị Hiền, báo Dân Việt đưa tin.

Được biết, hiện tại, các gia đình có con bị sùi mào gà sau cắt bao quy đầu đã mời luật sư để khởi kiện bảo vệ trẻ.

Tử vong sau khi cố sinh con trai để chiều ý chồng

Một phụ nữ ở tỉnh An Huy, Trung Quốc đã tử vong sau 4 lần phá thai trong 1 năm vì chồng cô một mực muốn vợ sinh con trai.

pha-thai

 

Bốn năm trước, người phụ nữ này đã sinh con gái, kể từ đó người chồng luôn muốn đứa con thứ hai phải là con trai.

Tuy nhiên, mỗi lần kết quả siêu âm xác định giới tính đứa trẻ không đúng như mong muốn, người chồng đã yêu cầu vợ phải phá thai.

Việc phá thai nhiều lần khiến sức khỏe của cô giảm sút nghiêm trọng, nên người chồng quyết định ly dị và để lại cho cô 170.000 NDT để chữa bệnh.

Tuy nhiên, các bác sĩ đã không thể cứu sống được tính mạng của người phụ nữ này.

Suốt thời gian nằm viện, chồng cũ không hề đến thăm cô, thay vào đó dành thời gian mua ô tô mới và chuẩn bị kết hôn với một người phụ nữ khác.

Bộ Y tế: Dịch sốt xuất huyết tăng bất thường do thời tiết

Trong 7 tháng đầu năm 2017, cả nước đã ghi nhận gần 59.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó 17 trường hợp tử vong. Số mắc và tử vong đều gia tăng bất thường.

Trước diễn biến bất thường của dịch sốt xuất huyết (SXH) chiều 24-7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chủ trì cuộc họp trực tuyến tại 2 điểm cầu Hà Nội và TP HCM đề nghị tăng cường công tác phòng chống dịch SXH.

Bộ trưởng Y tế cho biết muỗi truyền bệnh SXH thường tấn công người vào buổi sáng, khoảng 8- 10 giờ, do đó vấn đề quan trọng nhất hiện nay là hướng dẫn người dân các biện pháp phòng bệnh và tiêu diệt mầm bệnh.

Theo Bộ Y tế, trong 7 tháng đầu năm 2017, cả nước đã ghi nhận gần 59.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó 17 trường hợp tử vong. Số mắc và tử vong đều gia tăng bất thường. Kết qủa phân tích lâm sàng cho thấy lứa tuổi mắc bệnh SXH chủ yếu từ 15 đến 35 tuổi.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, nguyên nhân khiến dịch SXH tăng cao là do thời tiết thay đổi, mùa hè đến sớm ở miền Bắc và mùa mưa đến sớm ở miền Nam. Trong khi đó, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn những năm trước, dẫn đến mầm bệnh phát triển mạnh.

PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, cho biết ngoài chủng SXH thường gặp là D1 và D4 thì năm 2017 số ca mắc SXH do chủng D2 cũng gia tăng. Mặc dù ngay từ đầu năm đã tăng cường phòng chống dịch nhưng số mắc vẫn tăng cao. Nguyên nhân là do thời tiết thay đổi, xen kẽ mùa khô có những đợt mưa khiến muỗi phát triển mạnh mẽ. "Nếu như trước đây tại các tỉnh miền Nam số mắc SXH chủ yếu là trẻ nay thì nay ở nhiều địa phương, số mắc là người lớn gia tăng, thậm chí chiếm tới 50% số ca mắc. Riêng TP HCM hiện đã ghi nhận 4 ca tử vong do SXH"- ông Lân cho biết.

Tại Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết trong tuần qua (từ ngày 17-7 đến 23-7), Hà Nội ghi nhận gần 1.400 trường hợp mắc SXH. Đã có thêm 2 trường hợp tử vong trong tuần qua, nâng tổng số tử vong ở Hà Nội do dịch bệnh này lên 3 trường hợp. Hai trường hợp tử vong trong tuần qua đều là bệnh nhân nam.

Bệnh nhân T.V.C (51 tuổi, lao động tự do, ở phố Đào Tấn, phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội). Bệnh nhân mắc SXH ngày 8-7, nhập viện Vinmec ngày 10-7 và được chuyển BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 12-7. Bệnh nhân được chuẩn đoán xuất huyết não/SXH Dengue nặng. Kết quả xét nghiệm tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương là PCR Dengue âm tính, Mac Elisa Dengue IgM âm tính. Người bệnh xin ra viện vào chiều 13-7 và mất vào lúc 23 giờ đêm cùng ngày.

Trường hợp thứ hai là T.N.H (54 tuổi, lao động tự do, ở phố Trương Định, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Người bệnh cũng có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp. Bệnh nhân H. mắc SXH ngày 23-6 và được đưa vào BV Nhiệt đới Trung ương ngày 28-6 với chẩn đoán là sốc nhiễm khuẩn/viêm phổi/ SXH nặng. Bệnh nhân được gia đình xin ra viện trưa ngày 13-7 và tử vong vào lúc 12 giờ cùng ngày.

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, dự báo trong những tháng cuối năm 2017, dịch SXH vẫn diễn biến phức tạp do hiện đang bước vào mùa dịch, cùng đó mùa nóng kéo dài nhuận 2 tháng 6 âm lịch cũng là nguyên nhân khiến dịch SXH gia tăng. Cũng theo ông Phu, từ đầu năm 2017 đến nay, TP HCM đã xử phạt 75 cơ sở, hộ gia đình không hợp tác trong phòng chống dịch SXH.

Triệu tập nhiều đối tượng vụ hành hung 2 phụ nữ bán tăm

Liên quan đến vụ "2 phụ nữ đi bán tăm bị hành hung vì nghi bắt cóc trẻ em", Công an huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã triệu tập nhiều đối tượng để điều tra.

Báo An ninh Thủ đô dẫn nguồn thông tin từ Thượng tá Nguyễn Văn Hiểu, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT - CAH Sóc Sơn, Hà Nội sáng 24/7 cho biết, đã triệu tập một số đối tượng để điều tra vụ hai phụ nữ bán tăm bông bị đánh vì nghi bắt cóc trẻ con.

Nạn nhân là chị Lê Thị Bảy (SN 1977, ở xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) và Nguyễn Thị Phúc (SN 1965, ở xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Nội), thành viên của Hợp tác xã tình thương huyện Mỹ Đức đang đi bán tăm bông để gây quỹ tình thương.

“Gia cảnh của hai phụ nữ bán tăm bông rất khó khăn và họ là những con người rất hiền lành, nhân hậu. Hành vi đánh người gây thương tích của các đối tượng ở xã Mai Đình đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Hiện CAH Sóc Sơn đang khẩn trương điều tra vụ việc, để làm rõ các đối tượng cố ý gây thương tích, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật” - Thượng tá Nguyễn Văn Hiểu nhấn mạnh.

Trước đó, như Dân trí đã đưa tin, khoảng 11h15 ngày 22/7, chị Bảy và chị Phúc đến thôn Thái Phù, xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn) bán tăm.

Khi đến nhà cháu Đinh Huy A. (SN 2012), hai người phụ nữ này hỏi bố mẹ cháu có nhà không để mời mua tăm.

Thấy 2 người phụ nữ lạ mặt hỏi cháu A., người nhà cháu này đã đuổi chị Bảy và chị Phúc ra khỏi nhà, đồng thời hô hoán 2 chị bắt cóc trẻ em.

Ngay sau khi nhận tin báo, Công an huyện Sóc Sơn đã cử tổ công tác xuống hiện trường, đưa chị Bảy và chị Phúc đến Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn để khám và điều trị.

Báo Dân Việt dẫn lời ông Nguyễn Văn Thiện (Trưởng thôn Áng Thượng) cho biết, ở địa phương, chị Bảy bản tính là người tốt, chịu thương chịu khó và chưa có điều tiếng gì. Gia đình có mẹ già, chồng bệnh tật lại nuôi 3 con ăn học nên thuộc diện nghèo nhất thôn.

“Nhận được thông tin chị Bảy bị đánh vì nghi bắt cóc trẻ con, chúng tôi rất bàng hoàng vì ở xóm bà ấy là người hiền lành, có làm điều xấu với ai bao giờ. Vì cuộc sống mưu sinh nên bà ấy phải lang bạt khắp nơi để kiếm tiền nuôi gia đình. Nghe hung tin, ai trong xóm cũng thương xót”, ông Thiện chia sẻ.

Bão số 4 vào miền Trung, 3 bộ, ngành ban hành công điện “hỏa tốc”

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, từ chiều mai (25.7), trên vùng biển khu vực Nam Thanh Hóa và các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 9-10; sóng biển cao từ 2-3m. Biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai bão: Cấp 3. Để ứng phó với bão số 4, các bộ ngành đã ban hành công điện khẩn.

Công điện số 29/CĐ-TW

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (BCĐTUPCTT) – Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn (TKCN) vừa ban hành Công điện hỏa tốc số 29/CĐ-TW chỉ đạo phòng chống cơn bão số 4 (SONCA).

Theo đó, để chủ động ứng phó với bão số 4, BCĐTUPCTT - Ủy ban Quốc gia TKCN yêu cầu Ban chỉ huy PCTT-TKCN các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành thực hiện một số nội dung sau:

Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Đà Nẵng thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu, thuyền đang hoạt động trên biển để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đầu tàu thuyền tại bến, nhất là các khu vực neo đậu quanh các đảo tránh những thiệt hại không đáng có đã từng xảy ra thời gian qua, đặc biệt là trong bão số 2 tại các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An.

Sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn về người, tài sản tại khu vực du lịch ven biển, trên các đảo, trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản và tại những khu vực thường xuyên bị ngập lũ.

Các tỉnh Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; cảnh báo thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền,người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh; chủ động tiêu thoát nước đệm để đảm bảo an toàn chống úng cho các diện tích lúa và hoa màu.

Kiểm tra phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối các khu vực thấp trũng thường xuyên bị ngập úng để sẵn sàng triển khai thực hiện...

Công điện số 6553/CĐ/BCT-ATMT của Bộ Công thương

Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương vừa ban hành Công điện số 6553/CĐ/BCT-ATMT yêu cầu chủ động ứng phó với cơn bão số 4.

Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị, kiểm tra các công trình, nhà xưởng để gia cố, khơi thông hệ thống thoát nước; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, phương tiện, vật tư để ứng phó kịp thời mọi tình huống do mưa lũ gây ra.

Các Sở Công Thương, kiểm tra việc dự trữ hàng hóa thiết yếu theo kế hoạch, sẵn sàng phục vụ nhân dân khi có yêu cầu, đặc biệt là những khu vực có khả năng bị chia cắt do mưa, lũ.

Các nhà máy thủy điện, vận hành hồ chứa đúng quy trình liên hồ, đơn hồ; thông báo tình hình vận hành hồ chứa cho các cơ quan chức năng theo đúng quy định; tăng cường cảnh báo cho nhân dân vùng hạ du khi vận hành phát điện và vận hành xả lũ.

Kiểm tra hồ, đập, nguồn điện, vật tư dự phòng… để sẵn sàng ứng phó, xử lý ngay các tình huống đảm bảo an toàn hồ đập.

Triển khai các biện pháp chống sạt lở các bãi thải; khơi thông dòng chảy các mương thoát nước khu vực bãi thải và chuẩn bị sẵn sàng phương án di dời dân cư khu vực gần bãi thải đến nơi an toàn khi có nguy cơ sạt lở do ảnh hưởng của mưa, lũ...

Bộ Công an chỉ đạo ứng phó bão số 4

Ngày 24.7.2017, Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu, PCTT-TKCN -Bộ Công an có Công điện gửi Ban Chỉ huy Ứng phó với biến đổi khí hậu, PCTT-TKCN Công an; Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Đà Nẵng và các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; Ban Chỉ huy Ứng phó với biến đổi khí hậu, PCTT-TKCN Tổng cục VIII, K20; Cục C66, C67 yêu cầu chủ động đối phó với cơn bão số 4.

Ban Chỉ huy Ứng phó với biến đổi khí hậu, PCTT-TKCN Công an các đơn vị, địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Đối với tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Đà Nẵng phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức bảo đảm an toàn cho người, tài sản, phương tiện tại nơi neo đậu, tránh trú của tàu thuyền, các khu du lịch ven biển, trên các lồng, bè nuôi thủy, hải sản và tại những khu vực thường xuyên bị ngập lụt. Các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẵn sàng lực lượng, phương tiện phối hợp cùng cơ quan chức năng triển khai phương án sơ tán nhân dân tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, khu vực hầm lò khai thác khoáng sản; sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Chủ động triển khai các phương án đảm bảo an toàn giao thông, kịp thời xử lý các tình huống đảm bảo giao thông thông suốt; tổ chức hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát giao thông tại các khu vực ngầm, đường bị ngập, đò ngang, đò dọc, nơi sạt lở nguy hiểm khi bão đổ bộ và mưa lớn sau bão.

Đảm bảo tuyệt đối an toàn trụ sở cơ quan, doanh trại, các mục tiêu kinh tế, chính trị trọng điểm, nơi giam giữ do lực lượng Công an canh gác, bảo vệ. Chủ động triển khai phương án bảo vệ an toàn hồ sơ, tài liệu, phương tiện, trang thiết bị làm việc để tránh thiệt hại do mưa, lũ gây ra.

Đi học về, 2 học sinh 5 tuổi rủ nhau tắm suối bị nước cuốn trôi

Chiều ngày 23-7, trên địa bàn xã Hưng Thi, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình đã xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến hai bé trai 5 tuổi tử vong.

Theo ông Bùi Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Hưng Thi, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình cho biết, vào khoảng 17h chiều ngày 23-7, trên đường đi học về, hai cháu Quách Ngọc C. và cháu Bùi Bảo C. (5 tuổi, cùng trú ở xã Hưng Thi) đã rủ nhau xuống sông Bôi tắm mà không có người lớn đi cùng.

Do đang mùa mưa lũ, nước sông Bôi chảy xiết, hai cháu lại chưa biết bơi nên đã bị nước cuốn trôi. Ngay sau khi phát hiện sự việc, các cháu đã được người dân địa phương gần đó cứu nhưng các cháu đã tử vong trước đó.

Được biết, nhà hai cháu ở cách trường mầm non khoảng 600m và đi qua cầu treo bắc qua sông Bôi. Ngay sau khi xảy ra vụ việc trên, chính quyền xã đã thông báo tới toàn thể nhân dân trong xã, cần quan tâm đến con em nhiều hơn.

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn