Trịnh Minh Thế - thủ lĩnh Hắc y

( PHUNUTODAY ) - Chỉ huy trưởng lực lượng “Cao Đài ly khai” nghe lời dụ ngọt của Lansdale đã kéo quân về thành phục vụ dưới trướng Ngô Đình Diệm.



Thủ lĩnh Hắc y quân

Theo tài liệu của cơ quan tình báo Pháp thì Trịnh Minh Thế sinh năm 1922 tại ấp Long Thuận, làng Trà Cao, quận Gò Dầu, Tây Ninh (Nay là huyện Bến Cầu, Tây Ninh). Là con ông Trình Trung Vinh, tên tục là Trình Thành Quới, thường gọi là Năm Quới, chức vụ Lễ Sanh Cao Đài.

Vợ Tướng Thế là bà Nguyễn Thị Kim, tên tục là Đức. Ông bà có 3 người con, trong đó có một người tên Trình Minh Nhật (là thiếu tá không quân của Việt Nam Cộng Hòa đệ nhị). Trịnh Minh Thế có 10 anh em, kể cả cùng cha khác mẹ.

Khi còn sống, Trịnh Minh Thế thường kể cho thuộc hạ nghe lý do ông có họ Trịnh, khác họ Trình với cha là vì, tổ phụ 4 đời họ Trịnh nhà ông gốc Bình Định có tham gia vào cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Vì e sợ vua Nguyễn trả thù, cả dòng họ Trịnh, cải thành họ Trình bôn tẩu vào miền Nam lánh nạn. Ông không giải thích vì sao, ông lại được trả về họ gốc là Trịnh. Trong hồ sơ phòng nhì Pháp cũng ghi rõ cha ông họ Trình, còn ông mang họ Trịnh. Sau này, con của ông cũng mang họ Trình.

Trịnh Minh Thế là người ít nói, dáng người gầy nhưng nhanh nhẹn, giỏi võ và có khả năng bơi lặn như rái cá. Nhiều nhân chứng lịch sử kể rằng, khi đã là Tổng Tư lệnh quân đội Cao Đài, có lần ông bị một tiểu đội quân đối phương phục kích giữa sông.

Giữa hàng chục làn đạn của hơn 20 tay súng, ông nhảy xuống sông lặn mất và trở về căn cứ an toàn.
Trịnh Minh Thế chỉ học hết tiểu học (Certificat d’études Primageires) ở Gò Dầu thì bị đuổi học vì ngang bướng, thích đánh nhau. Vào thời điểm đó, tốt nghiệp tiểu học được cho là “trí thức”, vì toàn Đông Dương chỉ có 150.000 người đạt trình độ trên tiểu học.

Có tài liệu cho rằng, cha ông là người có thế lực, giàu có. Nhưng những người cao niên sống lâu năm ở vùng Trà Cao cho biết, ông Trình Thành Quới, tức ông Năm Quới, Năm Vinh, Năm Đò chỉ là một phu chèo đò đường dài, không giàu có. Có lẽ, người ta thấy trong hồ sơ, ông Năm Vinh mang chức vụ Lễ Sanh nên nhầm tưởng địa vị ngang với một quận trưởng.

 Theo lý giải của những tín đồ thuần khiết Cao Đài thì, giai đoạn “Cao Đài dậy” (tức giai đoạn Cao Đài được Nhật hậu thuẫn), những khu vực lực lượng Cao Đài chiếm đóng gọi là “châu vi”. Trong châu vi, mọi gia đình đều phải gia nhập đạo. Ai không gia nhập đạo đều bị các binh sỹ Cao Đài qui cho tội gián điệp. Trong các châu vi, hệ thống quản lý của Cao Đài giống như hệ thống chính quyền. Mỗi người dân được cấp một thẻ “Sớ cầu đạo”, giống như thẻ chứng minh nhân dân.

Ở mỗi xã có một “Bàn Trị sự”. Đứng đầu mỗi “Bàn Trị sự” là một vị “Chánh Trị sự”, tương đương quyền hành với Trưởng xã. Ở mỗi khu vực quận sẽ có một thánh thất (tức nhà thờ, nhà chùa). Người cai quản thánh thất phải là lễ sanh – Chức vụ tương đương chủ quận của hệ thống chính quyền. Có lẽ vì vậy, nhiều người nhận thấy ông Năm Vinh mang “hàm lễ sanh” nên tưởng nhầm ông là một nhân vật có thế lực.

Từ trái qua: Bửu Lộc, Phạm Công Tắc, Trần Quang Vinh.
Từ trái qua: Bửu Lộc, Phạm Công Tắc, Trần Quang Vinh.


Ông Năm Quới sống bằng nghề chèo đò dọc bằng tay từ Bến Cầu đi Long Thuận theo rạch Vàm Bảo ra sông Vàm Cỏ Ðông ngược lên bến cá Cầu Quang (Tây Ninh). Hàng ngày, đò ông xuất bến từ 1 giờ khuya để đón khách thương lái chở hàng hóa ra buổi chợ sáng. Đến trưa, ông lại đón khách chèo ngược trở về. Vì có nhiều vợ, nhiều dòng con nên ông Năm Quới thuộc diện không dư ăn dư để.

Khi Trịnh Minh Thế lập căn cứ địa tại vùng Gò dầu, dựa thế lực con, ông Năm Quới bao chiếm độc quyền kinh doanh chèo đò từ bến Long Thuận đến Bến Cầu. Tất cả những ghe, tàu đi vào vùng đều phải nộp thuế cho ông. Khi đã có vốn lớn, ông Năm Quới còn lập nhà máy xay xát gạo lớn nhất vùng Cẩm Giang.

Ông Trình Thành Quới là lớp tín đồ thứ nhất kể từ khi tôn giáo Cao Đài mới trương cờ khai đạo tại chùa Gò Kén, Tây Ninh. Năm 1940, khi quân đội Nhật cùng ông Trần Quang Vinh lấy hãng tàu Nitinan làm “trường huấn luyện võ bị cho đội quân Nội ứng Nghĩa binh” thì Trịnh Minh Thế là lớp tân binh đầu tiên.

Khi ấy Trịnh Minh Thế vừa đủ 18 tuổi. Thời gian này, Trịnh Minh Thế không được mật thám Pháp lưu ý, vì vậy ít có tài liệu nào nhắc đến tên ông vào giai đoạn này. Bởi vì sau khi tham gia khóa đào tại quân sự tại “Trường võ bị Nitinan”, Trịnh Minh Thế được sung vào đội ngũ thám báo. Ông được điều về vùng Gò Dầu (Tây Ninh) theo dõi hoạt động quân sự của Pháp tại đồn Cẩm Giang.

Ngày 15/08/1945 Nhật đầu hàng quân Đồng minh. Đã lấy lại được sinh khí từ quân Đồng minh, Pháp ra sức trả thù những cuộc cách mạng tại Việt Nam. Quân “Nội ứng nghĩa binh” cũng không ngoài danh sách trấn áp của Pháp.
d
 Lễ bàn giao thanh niên Cao Đài cho Pháp đưa đi làm lính Patisan.

Trong khi quân đội Nhân dân Việt Nam cùng nhân dân yêu nước khoanh vùng lập căn cứ kháng chiến giành từng tấc đất chủ quyền với quân Pháp thì lực lượng quân sự Cao Đài bí mật hợp tác với Pháp. Giải thích điều này, những người biên sử đạo Cao Đài cho rằng, đó là kế “kim thiền thoát xác”, có nghĩa là, quân đội Cao Đài lấy chiêu bài thỏa thuận với Pháp để được Pháp trang bị vũ khí. Khi có vũ khí, quân đội Cao Đài sẽ dùng “súng Pháp đánh Pháp”.

Một cuộc họp bí mật giữa những người đứng đầu “Cao Đài tham mưu quân sự” diễn ra sau khi Pháp lấy lại quyền thống trị tại Việt Nam. Cuộc họp này thống nhất rằng ông Trần Quang Vinh sẽ ra mặt công bố từ chức tống tư lệnh “Nội ứng nghĩa binh”.

Tên gọi “Nội ứng nghĩa binh” đổi lại thành “Quân đội Cao Đài”, quân phục, cấp hàm vẫn giữ nguyên. Chức Tổng Tư lệnh Quân đội Cao Đài giao cho ông Đặng Trung Chữ để “hợp tác với Việt Minh đánh Tây”. Tuy từ chức nhưng quyền điều hành quân đội vẫn còn nằm trong tay ông Trần Quang Vinh. Ông Đặng Trung Chữ chỉ có chức nhưng không có quyền điều động binh sỹ.

“Đạo sự Cao Đài” thời kỳ này nói rõ: “…Từ đây, ông Đặng Trung Chử là Đại Biểu của Đạo Cao Đài Giáo, nhưng việc làm của ông Chử không ngoài sự điều khiển của ông Vinh đặng.  Ai cũng biết ông Chử với tài đức, tư cách, ngôn ngữ, xã giao, thì không thể ngồi địa vị như ông Vinh.  Bởi vậy trong thời kỳ ông Chử chấp chánh, những công việc làm thì với sự cố vấn nơi ông Vinh. Ông Trần Quang Vinh tuy đã tuyên bố từ chức Đại Biểu nhưng ông vẫn lo lắng và gánh vác nhiều trách nhiệm rất trọng đại nhứt là vấn đề ngoại giao…”.
 
Sau khi công bố tin từ chức cho báo giới, một mặt khác, ông Trần Quang Vinh bí mật đến Bộ Tham mưu lực lượng quân sự của Nhật, xin vũ khí, quân tư trang, trang thiết bị quân sự cho quân đội Cao Đài. Ông Trần Quang Vinh chở về hơn 10 xe camion hàng hóa quân sự về Bộ Tham Mưu Cao Đài ở Thành quan sáu, số 6 Norodom, Sài Gòn.

 Sau đó, Trần Quang Vinh bí mật liên lạc với mật thám Pháp thương lượng: Quân đội Cao đài sẽ hợp tác quân sự với Pháp đánh Việt Minh, đổi lại, Pháp phải trao trả tự do cho giáo chủ Phạm Công Tắc. Pháp hứa sẽ xem xét lại đề nghị này.

Ngày hôm sau, mật thám Pháp bất ngờ ập vào một thánh thất cơ sở của Cao Đài ở Chợ Lớn tịch thu toàn bộ tài sản, vũ khí, trang thiết bị, quân cụ đồng thời bắt giết 5 sỹ quan Cao Đài, ném thi thể ra đường để thị oai quần chúng. Cùng thời điểm đó, hầu hết cơ sở quân sự khác của Cao Đài bị Pháp bao vây, truy xét.

Trần Quang Vinh cùng những thuộc hạ thân tín bị Pháp bắt giam lỏng làm con tin. Hoảng sợ, một số người bỏ hàng ngũ trở về nhà, số khác chạy tản lạc về Tây Ninh vào rừng lập căn cứ kháng chiến. Đại úy Nguyễn Văn Thành dẫn một nhóm binh lính chạy về Trảng Bàng lập bản doanh quân sự, chiếm dân thu thuế hùng cứ riêng biệt một khu vực.
d
Lễ xuất quân chống công của quân đội Cao Đài (Phạm Công Tắc đứng bìa phải)

Giai đoạn đó tạo cơ hội cho Trịnh Minh Thế trở thành anh hùng. Ông ta tập họp những binh lính Cao Đài bị Pháp truy lùng chạy dạt về vùng Gò Dầu, Bến Cầu. Lúc này “Bộ đội Trịnh Minh Thế” chỉ khoảng vài chục người. Nhờ tập họp lực lượng tàn binh từ Sài Gòn chạy dạt về, chỉ một thời gian ngắn, Trịnh Minh Thế có trong tay hơn 1000 quân. Khi đã có thực binh, ông tự phong mình cấp Thiếu tá (cao hơn Nguyễn Văn Thành một cấp).

Ông chia binh sỹ thành 12 trung đội lưu động nằm trong 2 chi đội gồm chi đội 7 và chi đội 8 lập đồn bao chiếm toàn vùng Gò Dầu, từ giáp ranh Trảng Bàng dài đến biên giới Campuchia gọi là vùng Ngũ Long. Vùng Ngũ Long gồm 5 xã thuộc Gò Dầu (nay là bến cầu): Long An, Long Chữ, Long Giang, Long Khánh, Long Thuận. Ông tổ chức đơn vị chiến đầu theo kiểu Nhật, tức mỗi trung đội có đến 100 binh sỹ.

Với khẩu hiệu “đả thực, bài phong”, chỉ trong thời gian ngắn, quân số của ông tăng lên con số hơn 2000 người. Lúc này, ông không xưng danh là quân đội Cao Đài mà chỉ xưng danh “quân đội Trịnh Minh Thế”. Thời điểm này, khu vực chiếm đóng của quân đội Trịnh Minh Thế trở thành chiến khu biệt lập.

Bất kỳ lực lượng vũ trang nào xâm nhập, quân đội Trịnh Minh Thế cũng tấn công. Không những đánh Pháp mà quân Trịnh Minh Thế đánh luôn cả lực lượng quân đội Cao Đài của Đại úy Nguyễn Văn Thành và lực lượng Việt Minh. Nhiều lần Pháp cố gắng điều quân xâm nhập đóng đồn nhưng đều thất bại.

Quân Trịnh Minh Thế có lối đánh trận rất kỳ quặc. Họ ít khi giao chiến ban ngày. Ban ngày, khi bị tấn công, họ lùi vào rừng ẩn nấp. Ban đêm, họ vẽ mặt vằn vện, bất thần xông vào giữa bộ chỉ huy quân đối phương vừa phóng hỏa, vừa bắn đạn, vừa hô lớn “Hươ…ơ…ơ!”. Người dân sống trong vùng quản lý của Trịnh Minh Thế nghe tiếng hô đều phải cất tiếng hô theo, đồng thời phải khua, gõ mọi thứ kim loại trong nhà để tạo âm thanh. Đó là nghiêm lệnh, ai không tuân thủ sẽ bị đóng đinh vào đầu.

Tiếng “hươ” của binh lính và của người dân kéo dài thê lương, ai oán như ma khóc, quỷ hờn giữa đêm cũng là vũ khí trấn áp tinh thần đối phương của quân Trịnh Minh Thế.

 Cách đánh du kích của quân Trịnh Minh Thế rất khó chịu đối với mọi lối đánh trận chính qui thời đó. Mỗi binh sỹ của Trịnh Minh Thế đều được phát một lá bùa hộ mệnh với lời khuyến cáo: Lá bùa giúp binh sỹ tránh tên bay đạn lạc. Nếu trúng đạn mà chết thì do “mãn phần đời về trời nhận chức tước”.

Để có lương thực nuôi quân, ông buộc mỗi người dân phải nộp thuế. Ỷ vào quyền thế, nhiều thuộc hạ của ông đã bắt dân khảo của. Cách khảo của rất tàn độc. Họ bắt nạn nhân trói đứng nghiêng người vào cột nhà rồi dùng đinh dài đóng vào lỗ tai dần dần cho đến khi cây đinh xuyên não găm cứng vào cột. Những người bị nghi là gián điệp trà trộn vào đội ngũ của ông hoặc binh lính thuộc quyền vô kỷ luật cũng đều nhận hình phạt như vậy.

Cuối tháng 4/1945, sau khi bị chính quyền Pháp giữ làm con tin, Trần Quang Vinh đi cùng một sỹ quan Pháp về tòa thánh Tây Ninh kêu gọi họp các chức sắc cao cấp trong Cao Đài. Tại cuộc họp diễn ra suốt 3 ngày, các chức sắc Cao Đài và đại diện quân đội Pháp cùng thống nhất ký một bản Hòa ước liên kết.

Trần Quang Vinh phải sai thuộc hạ đến tận bản doanh của Trịnh Minh Thế và Nguyễn Văn Thành thông báo về cuộc thương thuyết Cao Đài – Pháp. Nguyễn Văn Thành chấp hành lệnh của Trần Quang Vinh, án binh bất động với quân Pháp nhưng Trịnh Minh Thế thì không.

Ngày 9/5/1946, Nguyễn Thành Phương đã tự phong hàm Thiếu tá Chỉ huy trưởng kéo quân Cao Đài ở Trảng Bàng về Tòa thánh Tây Ninh dự lễ ký Hòa ước với quân đội Pháp. Trong bản Hòa ước này, Pháp đồng ý cho quân đội Cao Đài chuyển thành lực lượng công khai nhằm “bảo vệ Tòa thánh”.
Nguyễn Thành phương được chính thức công nhận cấp hàm Đại tá, Tổng Tư lệnh. Quân đội Cao Đài được quân đội Pháp trang bị vũ khí và quân tư trang. Không nhắc trong Hòa ước, nhưng lực lượng quân đội của Trịnh Minh Thế, kể như không được thừa nhận là một đội quân của Cao Đài.

Tuy không được Cao Đài thừa nhận nhưng Trịnh Minh Thế mở rộng phạm vi hoạt động ra khắp vùng miền Đông Nam bộ mà không bị một lực lượng quân sự nào của Pháp gây khó dễ.

Ngược lại, binh sỹ của Trịnh Minh Thế được Pháp trang bị vũ khí đầy đủ mặc dù thời điểm này Trịnh Minh Thế vẫn luôn tuyên bố đánh Pháp. Hầu như quân của ông chỉ tìm cách đối đầu với lực lượng Việt Minh.

Suốt thời gian từ khi Cao Đài ký hòa ước Pháp cho đến năm 1948, không có trận đánh nào giữa quân Trịnh Minh Thế với quân Pháp được ghi nhận.

Ngày 21/08/1946, giáo chủ Phạm Công Tắc cùng với một vài tín đồ khác được Pháp đưa trả về nước trên chiếc tàu Ile de France, cập bến Vũng Tàu. Một chiếc chuyên cơ đón ông tại Vũng Tàu đưa về Sài Gòn. Tại Sài Gòn, nơi đầu tiên ông đến là cơ quan mật vụ của Pháp và Dinh Toàn quyền Bollaert.

Ngày 30/08/1946, Phạm Công Tắc về đến Tòa thánh Tây Ninh. Ông ban hành một cáo thị: “Cả thảy đều chỉ rõ rằng: sự lộng quyền và không tuân luật pháp của Quân đội, từ tổ chức giết người, phe đảng lập quyền cá nhân của mình đã đem Quân đội đến chỗ nội phản tương tàn tương sát lẫn nhau.

Những kẻ vô Đạo đã lẫn vào trong Quân đội và nương quyền hành của nhiều vị cao cấp để làm tay sai thích khách, đã nắm quyền cán bộ và trở lại mưu hại sát mạng, dày xéo, đoạ đày, mạ mạt và mưu ly gián toàn con cái trung thành là con Đạo giòng của Đức (Từ Bi) Chí Tôn.

Từ đây Bần Đạo khước từ không làm Thượng tôn Quản Thế cho Quân đội nữa, Quân đội là Quân Đội, còn Đạo là Đạo, chẳng còn cầu phong “Thánh” đặng nữa, vì Quân Đội không còn thật hành “Bảo Sanh - Nhơn Nghĩa - Đại Đồng”, họ chỉ lợi dụng Đạo đặng lập thân danh quyền lợi của họ mà thôi”.

Vừa về Tòa thánh, ông “đuổi” tất cả lực lượng quân đội Cao Đài ra khỏi phạm vi của Tòa Thánh. Mặt khác, ông bí mật lệnh cho Nguyễn Thành Phương cơ cấu quân đội lại thành “Cơ thánh vệ” (giống như Ngự lâm quân) đóng quân bao vòng ngoại ô.
Lễ xuất quân chống công của quân đội Cao Đài (Phạm Công Tắc đứng bìa phải)
Từ đội quân “Nội ứng nghĩa binh” chống Pháp, sau khi Nhật bại trận, quân đội Cao Đài quay ngoắc sang giúp Pháp. Khi Pháp bại, Quân Cao Đài lại theo Mỹ - Diệm đánh Pháp.

Ngoài ra, ông còn lập một cơ quan phòng nhì giao cho Nguyễn Văn Thành chỉ huy để thu thập tin tình báo. Nhiều ban tình báo của phòng nhì Cao Đài được rải đều ở các bót ngã ba Hai Châu, Bùng Binh, Cầu Ván (Trảng Bàng), Trà Võ (Gò Dầu), Cầy Xiêng, Bến Sỏi (Châu Thành). Ông giao cho một người cháu họ tên Phạm Ngọc Trấn về miền Tây Nam Bộ lập một đạo quân.

Lực lượng quân sự của Trịnh Minh Thế không được Phạm Công Tắc công nhận.



Thấy Trịnh Minh Thế không hợp tác với Pháp, những binh sỹ thuộc quyền ca ngợi ông là người yêu dân tộc, thù Pháp. Nhưng Trịnh Minh Thế hiểu mình hơn ai hết. Từ một hạ sỹ “Nội ứng nghĩa binh”, ông chỉ huy một toán quân tháo chạy khỏi vòng vây của Pháp về trú ẩn vùng Cẩm Giang.

Khi tập họp được một lực lượng binh lính đông đúc, ông tự phong mình là “Thiếu tá”. Nếu về thành với Pháp, chiếu theo quân luật, chắc chắn ông sẽ trở lại cấp hạ sỹ. Có thực binh, ông quyết ở lại rừng hùng cứ một phương.

Không được Phạm Công Tắc công nhận, tháng 1/1948, Trịnh Minh Thế tuyên bố ly khai với đạo Cao Đài. Trịnh Minh Thế ban lệnh cho binh sỹ thay quân phục Cao Đài bằng quân phục màu đen (từ đó có tên gọi là đội quân xung kích Hắc y). Tuy nhiên, sau 2 ngày ly khai, Trịnh Minh Thế lại tuyên bố trở về với Cao Đài với cấp hàm đại tá và được bao chiếm vùng miền Đông Nam Bộ, công khai liên kết quân sự với Pháp đánh Việt Minh.

Ngày 8/9/1949, Bảo Đại được Pháp đưa về làm Quốc trưởng lập chính phủ “Quốc gia Việt Nam trong khối liên hiệp Pháp”. Đầu năm 1950, Mỹ bắt đầu chen chân vào Việt Nam, đưa Ngô Đình Diệm vào vai Thủ tướng.

Lúc này, Phạm Công Tắc không còn che dấu việc bắt tay với Pháp nữa. Lực lượng của Trịnh Minh Thế ngày càng lớn mạnh, khiến Pháp lo ngại. Do Pháp yêu cầu, ngày 6/6/1951, Phạm Công Tắc tổ chức lễ trao chức Tham mưu trưởng quân đội Cao Đài cho Trịnh Minh Thế tại Tòa thánh.

 Đám thuộc hạ của Trịnh Minh Thế bàn rằng, đó là kế điệu hổ ly sơn của Pháp. Nếu nhận chức Tham mưu trưởng, Trịnh Minh Thế phải về trụ sở quân đội Tòa thánh ngồi, xung quanh chỉ là đám lính bàn giấy. Trịnh Minh Thế trở thành cọp rời rừng, không binh lính, không thực quyền.

Đêm 6/6/1949, khi Phạm Công Tắc đang cùng các sỹ quan Pháp cụng ly chúc mừng việc “điệu hổ ly sơn” thành công thì một sỹ quan phòng nhì Cao Đài mang một chiếc radio đến trao cho Phạm Công Tắc nghe một bản tin lạ đang phát.
d
Trưởng trạm CIA Nicholas Natsios (trái) và Ngô Đình Diệm.

Bản tin lạ ấy được phát từ một trạm phát sóng di động của Trịnh Minh Thế. Bản tin loan báo, Đại tá Trịnh Minh Thế - người vừa nhận chức Tham Mưu trưởng quân đội Cao Đài lúc sáng, đã vượt sông Vàm Cỏ Đông về Bưng Rồ giáp giới Campuchia lập chiến khu dựng cờ kháng Pháp. Sỹ quan Pháp điên tiết, Phạm Công Tắc sững sờ.

Năm 1951, bỏ mặc sự từ bỏ của Phạm Công Tắc, Trịnh Minh Thế tuyên bố với tư cách Tham Mưu trưởng quân đội Cao Đài tham gia cái gọi là “Mặt trận Quốc gia Kháng chiến”, có người còn gọi là “Mặt Trận Liên Tôn” gồm các lực lượng Cao Đài, Thiên Chúa giáo Bến Tre,  Hòa Hảo, Bình Xuyên. Gọi tắt là “Mặt trận Cao – Thiên – Hòa – Bình”.

Các tôn giáo góp quân vào Mặt trận này được gọi là “Quân đội Quốc gia Liên Minh”. Trịnh Minh Thế được làm Chủ tịch Mặt trận kiêm Tổng Tư lệnh “Quân đội Quốc gia Liên Minh”. Trịnh Minh Thế chọn huyện Chơn Bà Đen, một địa điểm hiểm hóc nằm ngay dưới chân núi Bà Đen làm căn cứ Tổng Hành dinh với tên gọi “Cao Đài Liên minh”. Khu vực Tổng Hành dinh, Trịnh Minh Thế cho binh sỹ đóng biển “tử địa”. Quân Cao Đài Liên minh lập đồn bót rãi rác ở Hố Bò, Bời Lời, Núi Heo, Núi Cậu.

Năm 1953, ông Năm Quới (cha ông Trịnh Minh Thế) và một người em của Trịnh Minh Thế tên là Trình Minh Đức – Trung úy Cao Đài bị một nhóm Cơ Thánh Vệ Cao Đài bí mật cài bom ám sát tại nhà ở ấp Long Hưng, rồi vu cáo thủ phạm là Việt Minh. Từ ngày đó, Trịnh Minh Thế thay khẩu hiệu mới: “Đả thực, bài phong, diệt Cộng”.

Tháng 6/1954, Mỹ đưa Ngô Đình Diệm về miền Nam để thành lập Chính phủ bù nhìn. Được tin Diệm bị Bảo Đại từ chối hợp tác. Chính phủ Mỹ cử ngay Đại tá Landale, một chuyên gia của các cuộc lật đổ và suy tôn chính trị của CIA Mỹ mang một số đô-la đáng kể vào Việt Nam để thực hiện các chiến dịch tuyên truyền ủng hộ Diệm.

Trước những áp lực của Mỹ, ngày 19/6/1954, dù không muốn, Bảo Đại vẫn ký Sắc lệnh 38/QT phong cho Ngô Đình Diệm chức Thủ tướng “với toàn quyền quyết định về dân sự lẫn quân sự”. Bảo Đại đã không biết rằng mình đã ký một bản “thoái vị” lần thứ hai cho mình.

Ngày 24/6/1954, ông Diệm bay từ Paris về Sài Gòn để đánh trống thổi kèn nhận chức vào ngày 7/7/1954.

Lúc này CIA đã đặt hai cơ quan tình báo ở Sài Gòn. Cơ quan CIA Saigon Station nằm dưới sự điều khiển của tổng hành dinh CIA ở Langley, Virginia; Cơ quan Saigon Military Mission do Đại tá Lansdale chỉ huy nghiên cứu tình hình chính trị Việt Nam được cơ quan Giám đốc Trung ương Tình báo CIA điều hành trực tiếp.

Saigon Military Mission mở lớp đào tạo những toán tình báo người Việt Nam cho những chiến dịch lâu dài. Tuy nhiên, nhiệm vụ chính vẫn là giúp Ngô Đình Diệm vào vai Thủ tướng bằng mọi thủ đoạn, phương tiện. Lansdale từng đến Việt Nam vào năm 1953 trong vai phái viên quân sự Mỹ do tướng John O’Daniel dẫn đầu sang hỗ trợ quân đội Pháp đang giẫy chết trước sức ép của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Lansdale nguyên là sỹ quan OSS (Văn phòng nghiên cứu chiến lược thuộc Ủy ban An ninh Quốc gia Mỹ. Ông ta thuộc loại đặc phái viên của Chính phủ Mỹ. Năm 1953 Lansdale được Chính phủ Mỹ giao nhiệm vụ bay sang Philippines hỗ trợ chính quyền Elpidio Quirino chống lại lực lượng Hukbalahap (quân đội của đảng Cộng sản Philippines thời đó). Khi Elpidio Quirino thắng lợi, Lansdale lại giúp Ramon Magsaysay giành thắng lợi trước Quirino trong cuộc bầu cử Tổng thống Philippines.

 Với hai cuộc xoay chuyển chính trị đó, Lansdale được các nhà bình luận chính trị quốc tế đặt cho danh hiệu “Chuyên gia xây dưng chính quyền và đảo chính quốc tế".
Lansdal (trái) mật đàm với TRịnh Minh Thế (giữa) ở căn cứ Chơn Bà Đen.
Lansdal (trái) mật đàm với TRịnh Minh Thế (giữa) ở căn cứ Chơn Bà Đen.

 Tại Việt Nam, vào tháng 7/1954, Lansdale mạnh miệng tuyên bố với Giám đốc CIA Allen Dulles rằng, trong thời gian ngắn CIA sẽ đạt mục tiêu xây dựng hoàn chỉnh một hệ thống chính trị nền tảng ở Đông Dương, từ đó sẽ thay đổi toàn bộ bầu không khí chính trị nơi đây. Và Lansdal đã xây dựng được chính quyền Diệm.

Lực lượng quân sự đầu tiên mà Lansdale và Nhu nhắm tới là Cao Đài Liên minh của Trịnh Minh Thế. Lúc này, ngoài lực lượng xung kích Hắc y tại Tổng Hành dinh Chơn Bà Đen gồm 2.500 quân, Trịnh Minh Thế còn một lực lượng di động từ miền Đông đến miền Tây khoảng hơn 10.000 quân (Thực ra, con số 10.000 quân lưu động chỉ là con số ảo.

Tại Tổng Hành dinh, 1 chi đội được biên chế 1000 quân nhưng ở các chi đội lưu động chỉ có khoảng 500 quân. Vì Lansdal trả tiền theo đầu binh sỹ nên Trịnh Minh Thế nói con số thật cao. Sau khi Trịnh Minh Thế chết, Ngô Đình Diệm thu nạp tất cả binh sỹ của Trịnh Minh Thế thì chỉ có 1 trung đoàn 60, với hơn 2.500 tay súng. Còn 10.000 quân dự bị mà ông kê khai, thực ra chỉ là những tín đồ thuần khiết).

Ngay từ khi đặt chân vào Việt Nam, một trong những việc đầu tiên của viên sỹ quan tình báo Edward Lansdal là bắt tay với Trịnh Minh Thế.

Cuối năm 1952, tại căn cứ Chơn Bà Đen, Lansdal và Trịnh Minh Thế hội ngộ sau nhiều lần bắn tin cho nhau. Mang theo người 2 triệu đô-la, Lansdal đã thông báo cho Trịnh Minh Thế biết Mỹ sẽ hậu thuẫn cho Ngô Đình Diệm về làm Thủ tướng cho Bảo Đại rồi sau đó sẽ giành lấy ngôi vị Quốc trưởng.
Lansdal đề nghị Trịnh Minh Thế hợp tác với Ngô Đình Diệm. Trịnh Minh Thế đồng ý hợp tác với 2 điều kiện: 1- Đích thân Ngô Đình Diệm gắn lon Thiếu tướng cho ông ta; 2 - Không được quốc gia hóa quân Cao Đài Liên minh. Lansdal đồng ý và dặn dò Trịnh Minh Thế cứ trụ quân ở Chơn Bà Đen, khi nào thích hợp sẽ cho người vào đón quân Trịnh Minh Thế ra thành.

Khi ra về, Lansdal bỏ lại chiếc cặp chứa 2 triệu đô-la.
Số tiền Lansdale bỏ ra để mua chuộc các chỉ huy giáo phái lên đến 8,6 triệu đô-la, còn nếu tính cả số tiền Ngô Đình Diệm bỏ ra thì tổng cộng có đến 12 triệu đô-la đã được chi cho 246 chỉ huy giáo phái. Trịnh Minh Thế được nhiều vì Lasndal trả theo đầu binh sỹ. Ông khai mình có trong tay hơn 12.500 quân.

Khi Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng trong chính quyền Bảo Đại, đã tổ chức một buổi lễ “Quân đội Cao Đài Liên minh về hợp tác với Chính phủ Quốc gia” vào ngày 13/2/1955. Đích thân Ngô Đình Diệm gắn hàm Thiếu tướng cho Trịnh Minh Thế.

Nghe tin Trịnh Minh Thế mang lon Thiếu tướng của Diệm, Phạm Công Tắc “tiên tri” rằng: “Thiếu Tướng Trình Minh Thế, nó tưởng đủ lông đủ cánh có thể bay nhảy với đời, nhưng chánh trị còn non kém, nhứt định nó sẽ bị người ta giết chết” (tác giả trích nguyên văn). Phạm Công Tắc còn thề thốt: “Nếu không (Trịnh Minh Thế bị giết chết – Tác giả) các bạn vanh hai bàn tay của Bổn Đạo” (tác giả trích nguyên văn).

Chân dung Trịnh Minh Thế.
Chân dung Trịnh Minh Thế.

Trở lại thời điểm đầu năm 1954. Các giáo phái lờ mờ về tình hình về chính trị không hay biết Pháp đã dần mất quyền kiểm soát miền Nam Việt Nam. Ngày 2/3/1954, họ hè nhau tụ họp để tuyên bố thành lập “Mặt trận Thống nhất Toàn lực Quốc gia” tạo liên minh ủng hộ Bảo Đại (tức Pháp), chống Diệm. Họ đã tự đưa đầu cho Diệm báng.

Phạm Công Tắc một mặt lên tiếng bài xích “Mặt trận Liên tôn” của Trịnh Minh Thế là giả tạo, mặt khác ủng hộ thành lập “Mặt trận Thống nhất Toàn lực Quốc gia ”. Không cần sâu sắc về chính trị, một người tầm thường cũng biết tự phòng vệ trước sự đe dọa của kẻ chống mình. Diệm muốn tồn tại, ắt phải ra tay “tiên hạ thủ vi cường”.

Ngay sau khi vững ghế Thủ tướng, việc đầu tiên Diệm làm là trừ khử ngay những mầm mống tai họa xuất phát từ lực lượng giáo phái. Giáo phái đầu tiên được Diệm ‘chăm sóc” là Cao Đài. Diệm cử tướng Cao Đài Nguyễn Thành Phương (cũng đã về trướng Diệm) đem quân quốc gia về Tòa thánh bao vây, tước khí giới 300 binh sỹ thuộc lực lượng “Cơ thánh vệ”.

Phạm Công Tắc bị giam lỏng tại văn phòng Hộ Pháp Đường. Nguyễn Thành Phương e ngại Phạm Công Tắc sử dụng “phép thánh” nên lệnh cho Đại úy Vui cẩn thận gài mìn xung quanh Hộ Pháp Đường. Tuy bị giam lỏng nhưng Phạm Công Tắc không dám thò 1 bước chân ra khỏi phạm vi văn phòng Hộ Pháp Đường.

Để hạ nhục giáo chủ của mình, Tướng Cao Đài Nguyễn Thành Phương cho mời những thiếu nữ được gọi là “đồng nhi” chuyên phục vụ hầu hạ Phạm Công Tắc lấy lời khai. Chủ yếu là khai thác chuyện Phạm Công Tắc làm dụng tình dục đối với lực lượng đồng nhi này.

Được mớm lời, các thiếu nữ này thi nhau kể tội Phạm Công Tắc. Những bản cung này được tập họp thành một tập hồ sơ dầy mấy gang tay, gởi về cho Ngô Đình Nhu. Sau cả tháng phong tỏa Tòa thánh, Nguyễn Thành Phương lệnh cho lính canh “xả cửa” để Phạm Công Tắc đào tẩu sang Phnompenh, Campuchia lánh nạn.

Lực lượng thứ hai mà Diệm muốn “chăm sóc” kỹ là Bình Xuyên.

Lúc này Bảy Viễn đang nắm giữ ngành Cảnh Sát - Công An vùng Sài Gòn, Chợ Lớn cho “cha nuôi” Bảo Đại. Muốn hất Đại, Diệm phải chặt sạch vây cánh của Đại. Vả lại, Diệm mới chỉ kiểm soát được ít khu phố ở Sài Gòn và các trại lính khoảng hơn 5000 quân. Một vùng rộng lớn của Sài Gòn vẫn còn thuộc về tay tướng cướp nuôi mộng làm Thủ tướng - Bảy Viễn.

Cái chết nhiều bí ẩn

Khởi sự gây hấn với Bảy Viễn, cuối năm 1954, Diệm ra lệnh rút hết giấy phép kinh doanh các sòng bạc và ổ mãi dâm của Bảy Viễn. Đó là điểm nhay cảm của Bảy Viễn. Chạm vào điểm nhạy cảm tức là khiêu khích máu yên hùng. 

Tiếp tục, ngày 15/2/1955, Diệm lệnh đóng cửa sòng bạc Kim Chung Đại Thế Giới. Đồng thời rút hai đại đội từ Phan Thiết, tăng cường thêm 7 chiếc xe bọc thép về bảo vệ Dinh Norodom. Một số đơn vị của tướng Trịnh Minh Thế cũng được điều về quanh Sài Gòn, bọc hậu Bình Xuyên.

Trưa ngày 28/4/1955, Bảy Viễn hết chịu nổi, tương vài quả pháo về hướng Dinh Độc Lập để “lên tiếng”. Thế là có cớ để thủ tướng Diệm ra tay. Hai phe bắt đầu tấn công nhau. Quân Quốc gia đánh với quân Nhà nước. Dân chúng vừa hồi hộp theo dõi kết quả trận chiến, vừa lo sợ vạ lây tên bay đạn lạc.

Đáp trả mấy quả cối của Bảy Viễn, quân Diệm dàn quân dù tiến công vào khu Đại Thế Giới ở Chợ Lớn đồng thời chiếm lĩnh các trụ sở của Bảy Viễn. Không chịu nỗi sức tấn công toàn lực của Diệm, Bảy Viễn phá cầu chữ Y rồi rút về rừng Sác. Một vài đơn vị quân đội của Pháp cũng hùa theo hỗ trợ Bảy Viễn nhưng… Bảy Viễn vẫn thua. Quân Bảy Viễn thiếu hỏa lực mạnh.

Ở Cannes, nghe tin “đứa con nuôi” đang cung phụng tiền bạc cho mình bị đánh, Bảo Đại ra một sắc chỉ triệu hồi Thủ tướng Diệm qua Pháp chầu. Đang đánh Bình Xuyên đến hồi gay cấn thì Diệm nhận được điện của Bảo Đại yêu cầu phải sang Cannes trình diện vào ngày 9/5/1955.

Lansdale đánh hơi biết Bảo Đại chơi trò “điệu hổ ly sơn”. Vì cùng thời điểm ấy, Bảo Đại bí mật phong cho Vỹ, đang trú tại Đà Lạt chức Tổng Tư lệnh quân đội. Đồng thời Tướng Nguyễn Văn Hinh đang ở Pháp cũng được lệnh của Bảo Đại bay về Việt Nam. Những độngthái ấy không qua nổi con mắt nhà nghề của chuyên gia lật đổ Lansdal.

Xác định, đây là động thái của một cuộc đảo chính, Lansdale yêu cầu Diệm không đi Pháp, đồng thời ra tay hạ bệ Bảo Đại trước để chiếm ưu thế. Việc khẩn cấp phải làm lúc đó là theo dõi tướng Vỹ và thủ tiêu tất cả những chính khách ủng hộ Bảo Đại.

Một cuộc bố ráp, thủ tiêu chính khách được Diệm bí mật ra lệnh cho thuộc hạ thi hành. Hầu hết nạn nhân chính trị đầu tiên của Ngô Đình Diệm đều mất tích bí ẩn. Những sát thủ này được trích ra từ lực lượng xung kích Hắc y của Thiếu tướng Trịnh Minh Thế. Tướng Thế đã nhúng tay vào một điều cấm kỵ của chính trường: biết bí ẩn càng nhiều, nguy cơ bị ám sát càng cao.

Tướng Vỹ hoàn toàn không hay biết tình hình đã xoay chiều. Ông ta phong cho Lê Văn Tỵ chức Tham Mưu trưởng quân đội. Ngày 30/04/1955, cả hai cùng với một đoàn xe mô tô hộ tống hùng hổ chạy thẳng vô Dinh Độc Lập để hỏi tội Diệm bất tuân thượng lệnh. Một cái lưới của Diệm đang chờ đợi Vỹ tại Dinh Độc Lập.

Diệm ra lệnh cho vị tướng duy nhất dưới trướng mình là Trịnh Minh Thế vào Dinh Độc Lập bảo vệ “nguyên khí quốc gia”. Thế mang theo viên sỹ quan quân sư biết bắn súng ngắn hai tay của mình là Nhị Lang vào theo.

Cùng lúc đó, Ngô Đình Nhu đã triệu tập được một nhóm khoảng 200 người có máu côn đồ của cái gọi là Ủy ban Cách mạng Quốc gia (do Nhu đẻ ra trước đó). Ủy ban này tự xưng là đại diện của 16 đảng phái chính trị tại Việt Nam ủng hộ Ngô Đình Diệm làm Quốc trưởng, truất phế Bảo Đại. Họ đang ngồi ở tòa Đô Chánh nóng chờ tướng Vỹ đến.

Tướng Vỹ vừa bước chân vào tiền sảnh, chưa kịp làm gì thì bị Thiếu tá Nhị Lang chĩa súng ngắn vào mang tai, tước vũ khí. Tiện tay, Nhị Lang giật xé luôn cầu vai tướng của Vỹ. Giữa lúc đám sỹ quan đàn em hung hăng như muốn nuốt sống tướng Vỹ, Ngô Đình Diệm vờ đứng ra can ngăn rồi dìu tướng Vỹ vào phòng làm việc của ông ta. Cùng lúc đó, đám Ủy ban Cách mạng Quốc gia ùn ùn kéo tới, miệng hô vang “Ngô Đình Diệm muôn năm! Đả đảo Bảo Đại!”.

 Thấy khí thế của đám đông to mồm, Tướng Vỹ xanh mét mặt mày, im thin thít. Chờ có thế, Diệm chìa cho Vỹ tờ giấy và cây viết bảo: Muốn sống an toàn thì viết tờ cam kết ủng hộ và trung thành với chí sỹ Ngô Đình Diệm, ủng hộ truất phế Bảo Đại. Không còn đường thoát, Vỹ viết cam kết.

Trịnh Minh Thế đã ghi được 1 điểm trung thành với Ngô Đình Diệm.
Chân dung Trịnh Minh Thế.
Chân dung Trịnh Minh Thế.

Sáng hôm sau, Tướng Nguyễn Văn Tỵ dẫn Trung tá Dương Văn Minh và Trung tá Trần Văn Đôn vào Dinh Độc Lập tìm Diệm xin được phục vụ. Tướng Vỹ bị trục xuất sang Pháp tỵ nạn chính trị trong ngậm ngùi.

Diệm giao cho Trung tá Dương Văn Minh tổng chỉ huy lực lượng chinh phạt Bình Xuyên, trong chiến dịch Hoàng Diệu.
 Ngày 3/5/1955 (sau biến cố trong Dinh Độc Lập 3 ngày), Trịnh Minh Thế được cho là tử thương khi đang chỉ huy binh lính truy lùng tàn quân của Bảy Viễn ở khu Khánh Hội, Tân Thuận Đông. Một cái chết đầy bí ẩn. Số tiền 2 triệu đô-la nhận từ Lansdal không cánh mà bay mất dấu tích. Vợ con tướng Thế làm đám tang ông trong cảnh nghèo khó. Binh lính gốc Cao Đài liên minh bị phân mảnh, xé lẻ, bổ sung vào các đơn vị quân đội của Diệm.

Để tấn công Bình Xuyên, Dương Văn Minh đã bố trí lực lượng: Liên đoàn dù tiến chiếm dọc Kinh Đôi, đối diện với khu Chấn Hưng; Trung đoàn 60 của Tướng Trình Minh Thế  tiến chiếm tuyến đường nối liền từ Khánh Hội tới Nhà Bè để chặn đường rút lui của Bình Xuyên; các tiểu đoàn của Phân khu Sài Gòn - Chợ Lớn, Phân khu Mỹ Tho và các khóa sinh Trung tâm Huấn luyện Quang Trung làm lực lượng yểm trợ.

Kể từ đêm 30.4.1955, Dương Văn Minh bắt đầu cho pháo binh nã đạn vào các khu Bình Xuyên. Ngay giờ khai chiến đầu tiên, Đại úy chỉ huy Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 184 được lệnh cho khẩu đại bác 105 ly phá sập các căn cứ phòng thủ của Bình Xuyên ở bên kia cầu Chữ Y và Chánh Hưng. Vì tọa độ đã được lấy sẵn từ trước nên những khẩu pháo của tiểu đoàn 184 đã rơi trúng yếu huyệt phòng thủ khiến quân Bình Xuyên lúng túng.

 Tuy Bình Xuyên không có trọng pháo nhưng tiểu đoàn pháo 184 cũng bị phản pháo vài quả chính xác khiến vài sỹ quan chỉ huy tử thương tại chỗ. Sau trận đánh, Dương Văn Minh mới biết những trọng pháo phản công hỗ trợ quân Bình Xuyên xuất phát từ lực lượng quân Pháp. Tuy dàn pháo bị tịt ngòi nhưng các đơn vị dù đã đủ thời gian dàn quân tiến lên chiếm mục tiêu của Bình Xuyên. Tuyến phòng thủ quân của quân Bình Xuyên nhanh chóng tan vỡ.

Cùng thời điểm, Trung đoàn 60 của Cao Đài Liên Minh gồm hai tiểu do Trung Tá Nguyễn Trung Thừa chỉ huy vẫn chưa tiến qua bên kia cầu Tân Thuận làm chủ vị trí trận địa được phân công. Mặt trận này do Tướng Trình Minh Thế chịu trách nhiệm chỉ huy.

Bộ Tham Mưu của Tướng Thế lúc đó gồm có Trung tá Trần Minh Tiết, Trung tá Hà Văn Tình, Thiếu tá Nguyễn Kim Bằng, Thiếu tá Nguyễn Văn Của và Đại úy Nguyễn Tấn Tước. Do chỉ quen đánh du kích, quân của Tướng Thế chưa từng tham chiến những trận đánh quy mô, lại không có hỏa lực yểm trợ, nên quân của Tướng Thế cứ loay hoay đối phó với những khẩu đại liên của Bình Xuyên và phi pháo từ những chiếc tàu giang đỉnh của quân Pháp.

Sáng ngày 3/5/1955, từ mặt trận, Dương Văn Minh báo tin về cho Ngô Đình Diệm biết, Tổng Hành dinh Bình Xuyên và Bảy Viển bị đánh thua tan tác đang tìm đường rút lui về Mật khu Rừng Sác. Lúc đó, ổ kháng cự ở khu Khánh Hội thuộc trách nhiệm của Trịnh Minh Thế vẫn còn hoạt động mạnh.

Dương Văn Minh yêu cầu Diệm thúc Trịnh Minh Thế tiến quân qua cầu Tân Thuận để bọc hậu và truy quét nhóm tàn quân. Ngô Đình Diệm triệu hồi Tướng Trịnh Minh Thế vào Dinh yêu cầu phải xua Lực lượng Liên Minh qua cầu truy sát quân Bình Xuyên đang ẩn trú ở khu Khánh Hội.

Nhận lệnh xong, Trịnh Minh Thế còn được Ngô Đình Diệm cầm chân ở lại dùng bữa sáng.

Chiều tối ngày 3/5/1955, có tin báo về Trịnh Minh Thế đang ngồi trên chiếc xe jeep chạy qua cầu Tân Thuận chỉ huy binh sỹ tiến quân thì bị trúng đạn vào đầu tử thương tại chỗ.
Tối ngày 3/5/1955, Diệm cho người dùng xe jeep về Tây Ninh báo tin tử trận bằng miệng cho vợ Tướng Thế là bà Nguyễn Thị Kim, đồng thời chở bà đi Sài Gòn nhận xác chồng ngay trong đêm.

 Đến 1 giờ khuya sáng ngày 4/5/1955, bà Kim tiếp cận được xác chồng. Bà phát hiện trên tử thi của ông có 2 vết đạn trổ. Vết đạn thứ nhất xuyên vào đầu từ sau ót trổ ra miệng, hàm răng giả của ông bay mất. Vết đạn thứ hai xuyên từ lỗ tai phải trổ ra mắt trái, khiến tròng bay mất, mi mắt còn nguyên vẹn không bị rách. Cả 2 vết đạn vào đều nhỏ và còn ám khói thuốc súng. Bà dùng khăn ướt lau chùi vết ám khói đạn nhưng không sạch được.

Đến sáng ngày 4/5/1955, sau khi ăn xong bữa sáng, Ngô Đình Diệm mới cùng đoàn tùy tùng đến thăm thi thể Trịnh Minh Thế. Vừa trông thấy thi thể Tướng Thế, Ngô Đình Diệm khóc ngất rồi té xỉu, trông rất thương tâm. Cùng ngày đó Diệm cho công bố tướng Thế bị tử thương bởi 1 viên đạn carbin găm vào đầu khi đang chỉ huy binh lính trên cầu Tân Thuận.

 Một số tờ báo đăng tin dựa theo công bố của Diệm: “Theo sự điều tra và phối kiểm nhanh chóng tại chỗ, thì tướng Trịnh Minh Thế đã bị bắn tỉa bằng một phát súng trường, chắc chắn phải do một tay thiện xạ bắn từ sau ót trổ ra trước mặt. Tính theo đường đạn đạo thì xạ thủ đã ẩn núp từ trên cao, phía sau bắn xuống. Hiện không thể biết ai là hung thủ ám sát tướng Thế”.

Bà Kim ôm xác chồng về Tây Ninh làm lễ tang. Ngày 6/5/1955, Tướng Thế được Diệm truy phong Trung tướng. Sau đám tang vài ngày, có vài người lạ mặt bước vào nhà bà Kim tự xưng là mật vụ của ông Cố vấn Ngô Đình Nhu đề nghị bà không được tiết lộ chi tiết Tướng Thế chết bởi 2 phát đạn. Cho đến ngày chế độ Diệm sụp đổ vào nằm 1963, bà Kim vẫn chưa nhận được giấy báo tử của chính quyền Diệm.

Mấy tháng sau cái chết bí ẩn của tướng Thế, một vài tờ báo đặt nghi vấn:  “Trước khi bị nạn, tướng Thế có yêu cầu Lansdale yểm trợ pháo binh. Lasdale đang cư trú trong dinh Độc Lập bảo Tổng thống ra lệnh đơn vị pháo binh giúp Tướng Thế nhưng Tổng thống từ chối.

Tổng thống còn nói với Lansdale rằng, không việc gì phải quan tâm đến một kẻ thấp hèn như tướng Thế. Lansdale chưa kịp phản ứng thì ông Cố vấn Ngô Đình Nhu bước vào lạnh lùng bảo Thế đã tử trận”. Ngay sau khi báo phát hành, tờ báo bị cảnh sát bao vây tịch thu tất cả tài sản.

Kể từ ngày về hợp tác với chính phủ Diệm, Tướng Thế luôn kè bên mình 1 sỹ quan cận vệ, 1 sỹ quan tham mưu. Ngoài ta còn có viên tài xế. Ngày Tướng Thế bị giết, cả 3 người cùng có mặt bên cạnh. Trong ngày lễ tang của Tướng Thế, viên tài xế và sỹ quan cận vệ vừa khóc vừa kể: “Chiều hôm đó, ngài không ra trận, sao ngài lại chết trận?”.

Một năm sau, viên tài xế và sỹ quan cận vệ của Tướng Thế bị ám sát bí ẩn. Vụ ám sát bị ém nhẹm, không được chính quyền điều tra. Riêng viên sỹ quan tham mưu được Diệm cho vào Dinh làm sỹ quan phụ tá Tham mưu biệt bộ Phủ Thủ tướng. Hầu hết những sỹ quan trung thành của Tướng Thế đều bị bạc đãi, thuyên chuyển hoặc bị qui chụp cho một tội nào đó.

Nhiều người bỏ hàng ngũ chạy sang Campuchia lánh nạn. Thiếu tá Nguyễn Văn Đờn, một sỹ quan thân tín của Trịnh Minh Thế kể rằng, Tướng Thế bị bắn bằng súng rulo tại trong Dinh Độc Lập rồi kéo xác ra chiến trận dựng hiện trường giả. Chỉ vì lời kể ấy, Thiếu tá Đờn phải lưu vong sang Campuchia lánh nạn truy sát.

Mãi sau này, trong một tác phẩm của tác giả Jean Larteguy do Nhà Xuất bản Presses de la Cité, Paris, ấn hành cho biết, một cựu sỹ quan tình báo Pháp tên là Savani đã từng hoạt động tại Việt Nam trong thập niên 1950 – 1960, trước khi qua đời đã tự nhận là kẻ tổ chức ám sát Tướng Thế.

 Trong tác phẩm này, Savani kể rằng đã cử một trung úy Pháp ẩn nấp dưới dạ cầu tân Thuận dùng carbin bắn thẳng vào đầu Tướng Thế. Sau khi thực hiện xong nhiệm vụ, sát thủ ung dung rời vị trí, ra sân bay về Pháp an toàn. Cũng trong tác phẩm này, Savani cho biết, ông tổ chức thực hiện vụ ám sát vì muốn rửa hận cho cái chết của tướng Chanson.

Vụ ám sát tướng Chanson xảy ra vào ngày 31/07/1951 tại Sa Đéc. Ngày đó, chủ tỉnh Sa Đéc tổ chức một buổi lễ đón tiếp tướng Chanson, Tư lệnh quân đội Pháp tại miền Nam và Thủ tướng Trần Văn Hữu tại sân vận động thị xã. Nắm được tin này, lực lượng Hắc Y cảm tử của Trịnh Minh Thế cử một chiến sỹ cảm tử tên Phạm Văn Út thực hiện ám sát bằng lựu đạn. Sáng ngày đó, Trần Văn Hữu bị bệnh đột xuất nên cử trợ lý là ông Thái Lập Thành thay thế.

Khi phái đoàn Chanson vừa tiến đến lễ đài, chiến sỹ Phạm Văn Út tiếp cận rồi mở bung chốt 2 quả lựu đạn. Chanson, Thái Lập Thành và Út cùng chết. Sự kiện này gây chấn động cả khu vực Đông Dương.

Lúc đầu, Trịnh Minh Thế chối bỏ trách nhiệm ám sát tướng Chanson nhưng sau đó thừa nhận. Ít ai biết rằng, chiến sỹ cảm tử Phạm Văn Út là chiến sỹ biệt động của Việt Minh cài vào hàng ngũ Trịnh Minh Thế.

Savani cho rằng, ông ta nuôi dưỡng lòng thù hận Trịnh Minh Thế, mong có ngày trả được mối thù cho chủ tướng.

Tuy nhiên, con trai của Trịnh Minh Thế là Trình Minh Nhật phủ nhận lời tự thú của Savani. Ông Trình Minh Nhật khẳng định, 2 lỗ đạn trên thi thể Tướng Thế chỉ có thể xuất phát từ họng súng rulo bắn sát bên chứ không thể từ súng carbin bắn từ hơn 10 mét như Savani mô tả.

Căn cứ vào việc không thể chùi sạch vết nám thuốc đạn, cho thấy nạn nhân bị kê súng sát đầu. Có thể phát súng đầu tiên, tên sát thủ bắn từ ót xuyên qua mồm khiến Tướng Thế văng hàm răng giả ra ngoài nhưng chưa chết mà gục xuống. Hung thủ bắn tiếp phát thứ hai từ lỗ tai xuyên qua não ra mắt nạn nhân. Ông Nhật nghi Ngô Đình Nhu là kẻ chủ mưu ám sát Tướng Thế. Ông đưa ra giả định, Nhu cho thuộc hạ bắn Tướng Thế tại một nơi vắng trong dinh Độc Lập rồi kéo xác ra cầu Tân Thuận tạo hiện trường giả.

Hiện cái chết của Tướng Thế vẫn còn nhiều quan điểm trái ngược nhau. Tuy nhiên, những lập luận cho rằng Ngô Đình Nhu cho ám sát Tướng Thế có vẻ đúng với tình hình thực tế trong thời điểm đó hơn hết. Bởi lúc đó, Tướng Thế kéo quân về phục vụ cho chính quyền Diệm, Ngô Đình Nhu rất lo ngại. Hơn nữa, quân số của Trịnh Minh Thế lại chiếm 1/4 tổng quân số của “Quân đội Quốc gia”.

 Ngoài con số 2.500 quân tại bản doanh, Tướng Thế còn một lực lượng dự bị khoảng 10.000 quân rải đều khắp miền Nam. Nếu Thế giả vờ qui thuận để cướp chính quyền thì Diệm - Nhu mất toi công sức lê la cầu cạnh Mỹ. Vì vậy, chỉ đến khi đánh lớn với Bình Xuyên, Ngô Đình Nhu mới dám cho Trịnh Minh Thế kéo hết 2.500 quân “Cao Đài ly khai” về Sài Gòn.

Khi chiến dịch Hoàng Diệu đến hồi chót, mối lo ngại về quân Bình Xuyên không còn nữa, Ngô Đình Nhu chuyển hướng lo ngại sang đám quân Cao Đài ly khai. Nếu chủ tướng Trịnh Minh Thế chết, 2.500 quân – một con số đáng thèm thuồng – sẽ thuộc về Quân đội Quốc gia. Vì thế, Trịnh Minh Thế phải chết.

Chỉ “về với quốc gia” có 2 tháng mà Trịnh Minh Thế chết tức tưởi, bí ẩn. Tướng cầm quân chết tại trận mạc là điều vinh dự nhưng chết bí ẩn kiểu Tướng Thế thì chỉ có trong chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm.

Sơn Dung
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn