Xét xử hoa hậu Phương Nga: "Tôi im lặng vì sợ cơ quan điều tra hủy hết chứng cứ"

( PHUNUTODAY ) - Theo Trương Hồ Phương Nga, sở dĩ trước đây bị cáo không chịu khai với cơ quan điều tra vì không tin tưởng khi cơ quan điều tra dọa khởi tố hai tội danh, khai ra sợ bị xóa chứng cứ.

Như chúng tôi đã đưa tin, sáng nay 26-6, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử vụ án Trương Hồ Phương Nga (từng đạt danh hiệu hoa hậu người Việt tại Nga) và Nguyễn Đức Thùy Dung bị truy tố vì lừa đảo 16,5 tỷ đồng của ông Cao Toàn Mỹ qua việc tìm mua nhà dùm.

Hội đồng xét xử đã thẩm vấn Lữ Minh Nghĩa - nhân chứng trong vụ án.

Trước tòa Nghĩa khai là bạn trai, từng chung sống như vợ chồng với Nguyễn Đức Thùy Dung (bạn của Phương Nga) nên có biết về mối quan hệ giữa Phương Nga và ông Cao Toàn Mỹ.

nga

 Phương Nga phản ứng gay gắt khi nói về lòng tin với cơ quan điều tra. 

Nghĩa cũng thay đổi lời khai, nói rằng trước đây do ông Cao Toàn Mỹ yêu cầu nên Nghĩa mới khai không biết gì về quan hệ tình cảm của hoa hậu Phương Nga với ông Mỹ. Nghĩa cũng xác nhận mình bịa chuyện Nga có bạn trai khác và bạn trai này có quan hệ với luật sư Duy.

Nghĩa cũng trả lời nhiều cầu hỏi về việc làm giả hợp đồng đặt cọc mua nhà của Phương Nga.

Cũng vì có lời khai của Lữ Minh Nghĩa liên quan việc làm giả giấy đặt cọc, nhận tiền mua bán nhà, tòa gọi Phương Nga lên xét hỏi. Nga xác nhận lời khai của Nghĩa về việc gặp Nguyễn Mai Phương 2 lần.

Nga xác nhận Mai Phương đưa cho Dung tờ giấy có nội dung về việc xác nhận tiền vào tài khoản là bao nhiêu, tờ thỏa thuận nhận tiền của Nga với ông Mỹ mà Nga ký, Nga nói giấy này do Mai Phương đưa trên giấy đã có chữ ký của Mỹ.

Sở dĩ Nga ký giấy này bởi Phương dụ rằng ký thì sẽ được các sếp công an lo.

Hoa hậu Phương Nga cũng khai chỉ biết Mỹ tố cáo mình lừa đảo qua mua nhà từ tháng 4-2014 chứ không biết là lúc đầu Mỹ tố Nga vay rồi sau đó nộp đơn tố cáo lại.

Phương Nga cũng khai toàn bộ giấy tờ mua bán nhà giả được làm sau khi Mỹ tố cáo với cơ quan điều tra chứ thực ra Nga chưa bao giờ thỏa thuận mua căn nhà nào cho Mỹ.

Việc làm giả các giấy tờ trên, theo Phương Nga, là Nga làm theo lời của Nguyễn Mai Phương chỉ dẫn, tin lời Phương hứa đã lo công an cho Nga không bị tội gì.

Về hợp đồng tình dục với ông Mỹ theo hộp thư được phát tán trên mạng, Phương Nga thừa nhận hộp thư trên của Mỹ nhưng cho rằng Nga không chuyển giao tài khoản hộp thư cho ai để phát tán nội dung trên.

Cho đến nay, mặc dù tòa đã triệu tập nhưng người phụ nữ bí ẩn trong vụ án hoa hậu Phương Nga và đại gia Cao Toàn Mỹ vẫn chưa xuất hiện.

p

 Phương Nga và Thùy Dung tại tòa.

Về 17 chuyến xuất nhập cảnh với ông Mỹ, hoa hậu Phương Nga khai đều là đi chơi và 2 người ở cùng phòng. Toàn bộ chi phí đều do Mỹ trả.

Nga nhấn mạnh trước tòa rằng bị cáo không khai vì không tin cả VKS và cơ quan điều tra khi điều tra viên dọa bị cáo rằng sẽ khởi tố bị cáo 2 tội lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với mỗi tội 30 năm tù. Nga nói lý do không thể khai với cơ quan điều tra bởi sợ bị xóa dấu vết.

Nga cũng nói toàn bộ giấy tờ liên quan đến mua bán nhà đều là giả và do Mai Phương hướng dẫn.

Trong những ngày xét xử trước, Nguyễn Đức Thùy Dung đã có sự thay đổi lời khai về mục đích đưa số tiền của ông Mỹ cho Phương Nga. Tại phiên tòa sơ thẩm lần 1, cả Nga và Dung đều khai đó là tiền hợp đồng tình cảm của Cao Toàn Mỹ trả cho bị cáo Nga.

Tuy nhiên, trong lần xét xử này, bị cáo Dung lại cho rằng đó là tiền của Cao Toàn Mỹ cho Nga để Nga làm ăn và thực chất 2 người có quan hệ tình cảm với nhau. Việc Mỹ cho Nga tiền là để Nga mở spa và tập trung chăm sóc cho Mỹ.

Riêng bị cáo Nga thì xin được giữ quyền im lặng và giữ nguyên lời khai đã khai tại phiên tòa trước.

Trong quá trình xét xử, tòa đã cho xét hỏi người bị hại Cao Toàn Mỹ. Trả lời thẩm vấn, ông Mỹ cho rằng chỉ có mối quan hệ công việc với Phương Nga và không có tình cảm riêng.

Tuy nhiên, về việc cơ quan điều tra cho trích xuất thông tin về 17 chuyến nhập cảnh và xuất cảnh chung với Nga, ông Mỹ khẳng định một vài lần đi công việc, một vài lần tình cờ và một vài lần thì ông đi công tác nên Nga đi theo để mua sắm. Thực sự giữa 2 người không có quan hệ tình cảm riêng tư gì.

Tại phiên tòa, các luật sư bào chữa cho Trương Hồ Phương Nga đã đưa ra các bản khai giống nhau của bị cáo Nga và người bị hại Cao Toàn Mỹ.

Bản khai "sinh đôi" là dấu hiệu mớm cung?

Theo các chuyên gia pháp lý thì việc lời khai giống nhau có thể khiến dư luận suy luận theo hướng tiêu cực là có dấu hiệu của việc mớm cung. Tuy nhiên, các căn cứ của pháp luật Tố tụng hình sự hiện hành lại không quy định cụ thể về các trường hợp này.

Hai bản khai: một của ông Mỹ (người bị hại, tố cáo Nga lừa đảo) và bản lời khai của Phương Nga giống nhau cả hình thức lẫn nội dung làm dư luận dấy lên nghi ngờ về việc có hay không việc mớm cung và dụ cung của điều tra viên với bị can trong quá trình điều tra?

vu-hop-dong-tinh-ai-phuong-nga

Ông Cao Toàn Mỹ. 

"Có dấu hiệu mớm cung"

Đó là ý kiến của luật sư luật sư Phạm Hoài Nam (Đoàn luật sư TP.HCM) khi đánh giá về vụ việc này.

Theo luật sư Nam, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, lời khai thể hiện ý kiến của bị can, bị cáo, người bị hại và những người có liên quan về tình tiết của vụ án thường được điều tra viên viết tay ghi lại. Người cho lời khai có ký tên vào bản này.

Tuy nhiên trong vụ án này, bản khai lại là bản đánh máy. Nội dung và hình thức bản khai của Cao Toàn Mỹ (người tố cáo, khai ngày 9-9-2014) và Phương Nga (người bị tố cáo, khai ngày 29-9-2014) giống nhau từ hình thức đến nội dung.

Thậm chí có một số đoạn trong bản khai của Phương Nga, danh xưng còn không khớp khi Nga xưng "tôi Mỹ"...

“Hai bản khai giống nhau như đúc này khiến tôi nghi ngờ có thể điều tra viên soạn sẵn, có dấu hiệu mớm cung khi lấy lời khai của Nga.

Việc sao chép lời khai của người này gắn cho người kia là vi phạm tố tụng hình sự. Nội dung của các bản khai này có thể không khách quan, không phản ánh chính xác vụ việc. Không thể trong cùng một vụ án mà bị can và bị hại lại có bản khai giống y hệt nhau như vậy” - luật sư Nam nói.

Chứng cứ phải hợp pháp, khách quan

Theo trung tướng Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, lời khai ban đầu của người bị tố cáo là chứng cứ quan trọng của vụ án. Lời khai ấy được thực hiện khi vụ án chưa được khởi tố, lúc đó bị cáo chưa bị bắt giam nên thường lời khai này được xác định là tự nguyện và thật.

Dĩ nhiên trong một vụ án, ngoài lời khai thì còn có nhiều chứng cứ khác giúp hội đồng xét xử có thể xem xét để đánh giá một cách đầy đủ sự thực khách quan của vụ án.

"Về chủ quan tôi cho rằng hai người khác nhau khai thì chẳng thể có lời khai nguyên văn như nhau, đúng đến từng dấu chấm dấu phẩy. Các bút lục trong hồ sơ vụ án thì phải thể hiện sự khách quan trong toàn bộ tiến trình tố tụng. Đặc biệt lời khai của người bị tố cáo, bị can, bị cáo như thế nào thì phải ghi nguyên văn như vậy", ông Độ nói.

Theo ông Độ, với sự bất thường trong hai lời khai này thì hội đồng xét xử và viện kiểm sát phải đánh giá xem tính hợp pháp, tính khách quan của tài liệu này ra sao.

Một kiểm sát viên cao cấp thì cho rằng lời khai của bị cáo, bị hại được xem là chứng cứ của vụ án nhưng ngoài lời khai còn có những chứng cứ khác nữa.

Vì thế, cơ quan tố tụng cần xem xét xem lời khai này có phù hợp với chứng cứ khác hay không? Liệu đây có phải là căn cứ duy nhất để buộc tội bị cáo? Nếu có nghi ngờ thì cần loại bản khai này ra khỏi hồ sơ vụ án.

Cần triệu tập điều tra viên đến tòa

Để làm rõ sự bất thường trong hai bản khai của ông Cao Toàn Mỹ và bị cáo Trương Hồ Phương Nga, luật sư Phạm Hoài Nam cho rằng toà án cần phải triệu tập điều tra viên để xác định lại nội dung trong 2 bản khai đó.

Qua hai bản khai cho thấy có dấu hiệu bị cáo Phương Nga đã bị điều tra viên dụ cung, mớm cung khi được cung cấp lời khai của người bị hại Cao Toàn Mỹ trước đó.

Phân tích các tình huống lấy cung trong khi điều tra, luật gia Đồng Mạnh Hùng (Hội luật gia tỉnh Lâm Đồng) cho rằng việc điều tra viên đặt câu hỏi giống nhau với hai hay nhiều người để cùng xác minh một vấn đề là bình thường.

Tuy nhiên, câu trả lời của những người khác nhau thì không thể giống nhau gần như nguyên văn như vậy. Từ đó, dư luận có thể đặt ra nghi vấn rằng việc ghi bản khai từ Phương Nga là không có thật mà là do điều tra viên tự tạo ra từ bản khai của ông Mỹ rồi đưa Nga ký tên.

Nếu có cơ sở chứng minh bản khai đó không phải là lời khai của Phương Nga (trong phiên xét xử trước Nga đã nói mình được điều tra viên hướng dẫn khai) thì việc tạo ra bản khai này có dấu hiệu hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án, là vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn